SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

“Người động lòng thương”

con người  khổ đau

 (theo Phúc Âm Thánh Luca 7:11-17 & Phúc Âm Thánh Marco 1:40-45) 

 

 

Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người có cả hồn lẫn xác. Bởi nguyên tội, thân xác của con người không còn được hưởng những ơn tự nhiên của tình trạng công chính nguyên thủy nữa, tức không phải cực nhọc làm ăn, phải đớn đau và bị chết. Trong lời hứa cứu độ của mình ngay sau nguyên tội, Thiên Chúa Hóa Công đã bao gồm việc cứu độ con người cả hồn lẫn xác, nơi Con của Ngài là Đấng theo thời gian "đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), ở chỗ "vào thời điểm viên trọn, được sinh ra bởi một người nữ" (Galata 4:4), với một bản tính của con người,  đã Vượt Qua từ khổ nạn tử giá đến phục vinh vinh hiển, hoàn toàn chiến thắng tội lỗi và sự chết.

 

Là giòng dõi nhiễm lây nguyên tội, cho dù đã được lãnh nhận Phép Rửa, được tái sinh, con người vẫn còn đó mầm mống của nguyên tội là đam mê nhục dục và do đó vẫn phải hứng chịu hậu quả của nguyên tội là đau khổ khi còn sống và chết đi khi đã hết thời. Cảm nghiệm đau khổ nơi con người, về cả hồn lẫn xác, đều là bóng dáng của chết chóc, và đạt đến tột đỉnh của nó nơi chết chóc. Thái độ con người luôn trốn tránh đau khổ, như phòng bệnh hơn chữa bệnh hay nếu nhỡ bị bệnh thì tìm cách chữa trị, thậm chí tìm cách tận diệt đau khổ, như triệt sinh an tử, triệt sinh trợ tử, triệt sinh tự tử v.v. cũng cho thấy rằng họ muốn được hạnh phúc.

 

Không ai hiểu hơn con người bằng chính Đấng đã tạo dựng nên họ và cũng là Đấng thực sự muốn cứu chuộc họ, muốn giải thoát họ, muốn thỏa đáng những gì họ khát vọng nhưng tự mình họ hoàn toàn vĩnh viễn bất lực, không thể tự cứu mình và không thể tự vượt thoát khỏi tình trạng làm nô lệ cho xác thịt, tình trạng bị thiên nhiên tạo vật chi phối, sống trong một tâm trạng liên lỉ mong được cứu thoát khỏi mọi gian nan khốn khổ của mình.

 

Ý định thần linh hằng muốn chữa lành con người và tâm trạng luôn muốn được chữa lành của con người, ở đây, đã gặp nhau trong câu chuyện được Thánh ký Marcô thuật lại  về một trong những phép lạ đầu tay Chúa Giêsu thực hiện đối với một người phong hủi chỉ vì "Người động lòng thương", thương anh ta bị một chứng bệnh nan y ghê tởm và là một con người đã biết mình đến hạ mình "quì xuống van xin" Người là Đấng "có thể làm cho tôi được sạch".

 

Theo thứ tự của trình thuật được Thánh ký Marcô thuật lại này thì tâm trạng "Người động lòng thương" nơi Chúa Giêsu chỉ xẩy ra sau cử chỉ khiêm hạ thiết tha "quì xuống" kèm theo ngôn từ rất tôn trọng và đầy tin tưởng "nếu Ngài muốn" của nạn nhân bị chứng phong hủi, và do đó, đúng như lòng mong muốn của anh, phép lạ đã xẩy ra: "'Tôi muốn, anh sạch đi!' Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch".

 

Sự kiện nạn nhân bị phong cùi này được chữa lành, sau đó liền bất tuân những gì Đấng chữa lành cho anh căn dặn, nhất là vấn đề đầu tiên: "coi chừng, đừng nói với ai cả...", cũng thật là dễ hiểu và rất đáng thông cảm, vì dầu sao cũng cho thấy nỗi vui mừng hớn hở quá sức tượng tượng của anh ta, một con người đã hoàn toàn được giải phóng sau một quãng đời tàn tật phong cùi, hình hài biến dạng hay dị dạng, bị mọi người khinh chê ghê tởm xa lánh, tưởng không bao giờ thoát được thân phận vô phúc ấy nữa, nay bỗng nhiên được chữa lành, như chết mà sống lại, thì làm sao có thể cầm nén mà không la lên, không bộc phát mãnh liệt, không công khai loan truyền v.v.

 

Thế nhưng, trường hợp "Người động lòng thương" nạn nhân phong cùi ở đoạn đầu của Phúc Âm Thánh Marcô hoàn toàn khác hẳn với trường hợp "Chúa động lòng thương" được Thánh Luca thuật lại trong Phúc Âm của mình liên quan tới bà góa thành Nain. Ở chỗ, Người tự động ra tay làm ơn cho bà chứ bà ta không hề xin Người, hay cũng có thể bà ta bấy giờ không hề biết Người ở đó mà van xin Người hoặc không dám phiền đến Người vì con bà đằng nào cũng đã chết rồi.

 

Tại sao lại có sự khác nhau giữa hai trường hợp "động lòng thương" này nơi Chúa Giêsu như thế? Căn cứ theo bề ngoài thì Người có vẻ thương bà góa hơn là nạn nhân phong cùi, mà về hình thức thì nạn nhân phong cùi đáng thương hơn, bởi anh ta chịu một chứng bệnh ghê tởm trước mặt xã hội loài người, còn bà thì hình thù vẫn lành mạnh, mà chỉ bị mất đi đứa con trai duy nhất của bà thôi, tức là cái đau khổ của bà ở trong tâm hồn so với đau khổ của nạn nhân phong cùi ở phần xác.

Tuy ai cũng có một nỗi đau khổ riêng, nhưng nếu so sánh giữa hai con người này, căn cứ vào hoàn cảnh của mỗi người, thì bà góa thành Nain đáng thương hơn. Ở chỗ, cho dù thân xác của bà không bị tàn tật và trở thành ghê tởm như nạn nhân phong cùi, nhưng đứa con trai duy nhất của cuộc đời góa bụa của bà có thể nói là chính lẽ sống của bà, đến độ bà không thể nào sống mà không có nó, nên mất nó là mất tất cả mọi sự, và vì thế tâm trạng đớn đau của bà vượt hơn cái khổ của nạn nhân phong cùi.

 

Tâm trạng "Chúa động lòng thương" nơi trường hợp bà góa thành Nain không phải chỉ nguyên căn cứ vào tình trạng đớn đau và tâm trạng mất mát tất cả của bà, mà còn gây ra bởi một nguyên nhân sâu xa hơn thế nữa, một nguyên động lực thẳm sâu không ai có thể biết được ngoài chính mình Người, đó là, trước mắt của Chúa Giêsu bấy giờ, bà góa thành Nain này đã tự nhiên gợi lên trong lòng Người hình ảnh về một Mẹ Maria góa bụa sau này cũng sẽ bị mất đi đứa con duy nhất là chính Người.

 

Đó là lý do, Thánh ký Luca đã ghi nhận một cách thứ tự và chi tiết tuy vắn gọn nhưng đầy ý nghĩa về những gì Chúa Giêsu làm và nói như sau: "trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: 'Bà đừng khóc nữa!'" Trước hết là Chúa Giêsu đã "trông thấy bà", sau đó Người mới "động lòng thương", rồi đã tự động tiến đến nói với bà như để vừa an ủi vừa trấn an bà rằng: "bà đừng khóc nữa!"

 

"Chúa động lòng thương" vì "trông thấy bà" chứ không phải thấy quan tài của đứa con trai của bà, vì bà là hình ảnh của Mẹ Maria sau này cũng sẽ mất Người là người con trai duy nhất của Mẹ. "Chúa động lòng thương" bà xong thì lên tiếng nói rằng "bà đừng khóc nữa", vì nước mắt của bà cũng gợi lên cho Người hình ảnh Mẹ của Người khóc thương Người dưới chân thập tự giá sau này. Chưa thấy một ai, trong các nạn nhân được Người cứu chữa, thường về phần xác hơn là tâm thần, đã được "Chúa động lòng thương" một cách tự động, ân cần và thân thiết như bà góa thành Nain chỉ đau buồn về tâm thần này. Quả thực "Người là Đấng biết được tâm tưởng của họ (bà)" (Luca 9:47).

 

Chắc bấy giờ người mẹ góa đang khóc thương đứa con trai duy nhất vừa chết đi không bao giờ hai mẹ con còn được nhìn thấy nhau và sống với nhau như ngày nào nữa nhìn vào vị nói với mình điều ấy xem là ai mà lại nói những điều gở lạ bất khả chấp như thế. Và người mẹ góa bị mất đi đứa con trai duy nhất của mình ấy vẫn còn đang ngỡ ngàng chưa kịp phản ứng gì thì vị ấy đã tiến "lại gần, sờ vào quan tài", khiến "các người khiêng dừng lại" quan sát xem sao, để rồi tất cả đều nghe Người trịnh trọng truyền khiến cái thây ma của cậu con trai được sinh ra từ người mẹ của mình bấy giờ đã bị góa lại càng đơn côi lẻ loi cô độc, rằng: "'Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy chỗi dậy!' Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Ðức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: 'Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người'".

 

Trong cả hai trường hợp "động lòng thương" này của Chúa Giêsu, nhất là trường hợp của bà góa thành Nain, đúng như dân chúng là thành phần đã chứng kiến thấy phép lạ Người hồi sinh cho cậu con rai của bà góa mà còn thấy được cả tấm lòng cảm thương của Thiên Chúa là Đấng đã sai Người nữa: "Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người".

 

Như thế, tất cả những gì Chúa Giêsu Kitô làm đều xuất phát từ tình thương của Người, một tình thương hoàn toàn phản ảnh Đấng đã sai Người "giầu lòng xót thương" (Epheso 2:4), "Đấng nhân hậu và xót thương" (Giacôbê 5:11), Đấng luôn ở với Dân của Ngài - "viếng thăm dân Người" trong suốt giòng Lịch Sử Cứu Độ của họ, cho dù họ có bất trung phản bội Người, nhưng càng bị họ phản bội Người lại càng lợi dụng để tỏ tất cả mình ra cho họ, cho đến chỗ tột đỉnh ở nơi Chúa Kitô, để nhờ đó họ có thể nhận biết Người thực sự là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Thiên sai là Chúa Giêsu Kitô.

 

Tuy nhiên, vấn đề thực tế sống đạo ở đây là, tự bản chất yếu duối và thân phận khổ đau chết chóc của mình, chúng ta đã đáng Chúa thương, và chúng ta cũng cảm thấy vô cùng vinh dự vì được chính Thiên Chúa vô cùng thương yêu một cách nhưng không và cho đến cùng cho dù chúng ta vô cùng bất xứng, thế nhưng chúng ta có thực sự để cho Ngài thương chúng ta hay chăng, hay chúng ta lại sợ Ngài yêu, vì chúng ta nghiệm thấy rằng ai càng được Ngài yêu càng khổ: "Cành nho nào sinh trái thì Cha Thày cắt tỉa đi cho càng sai trái hơn" (Gioan 15:2).

 

Còn ai được Cha yêu bằng Con thế mà còn ai khổ bằng Con của Ngài, Đấng "đã không dung tha cho Con mình" (Roma 8:32), đến độ "Chúa Trời con ơi, Chúa Trời con ơi, sao Ngài lại nỡ bỏ rơi con" (Mathêu 27:46)!

 

Và cũng chính vì được Thiên Chúa yêu thương vô cùng như thế mà con người có bổn phận phải yêu thương tha nhân như được Ngài yêu (xem Gioan 13:34, 15:12, đến độ họ phải hy hiến mạng sống mình vì anh chị em của mình (xem Gioan 15:13), một hành động họ không thể nào dám làm nếu họ không được Ngài chiếm đoạt và sống trong họ, một tình trạng thần linh tuyệt hảo họ chỉ đạt được chỉ khi nào họ hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu vô cùng nhân hậu của Ngài, "Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!", để Ngài được tự do yêu thương họ và toàn quyền tác hành trong họ, và qua họ để Ngài có thể bày tỏ tất cả sự thật nơi Con Ngài: "Người động lòng thương".

 

Một tâm hồn thực sự được chiếm đoạt bởi tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa chắc chắn không thể nào chỉ cảm thương những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa (xem Mathêu 25:42,45) như khi nghe tin tức bất hạnh về họ, mà còn mau mắn bày tỏ lòng thương của mình bằng hành động cụ thể bao nhiêu có thể, như cầu nguyện, hy sinh đóng góp, hay trực tiếp dấn thân cứu trợ trong tầm tay.

 

Chúa Giêsu, chẳng những "Người động lòng thương" mà Người còn "giơ tay đụng vào" người phong cùi đang hết lòng tin tưởng van xin Người cứu chữa, hay Người vừa trấn an người mẹ góa "bà đừng khóc nữa, vừa giải quyết khốn khổ cho bà bằng cách "lại gần, sờ vào quan tài" của cậu con trai duy nhất của người mẹ góa đang khóc lóc thương tiếc con mình và thân phận hẩm hịu bất hạnh của mình.

 

Có thế, chúng ta mới thể hiện hay bộc lộ được phần nào nơi bản thân mình và tha nhân tất cả thực tại "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) mỗi khi "Người động lòng thương". 

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

(Bài này đã được Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp phổ biến

trong Số Báo 2/2016 Năm Thánh Tình Thương)