SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa 
Mùa Chay Tuần III 
28/2 - 5/3/2016

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL




Biệt chú:


Phụng Vụ Lời Chúa cho 3 cuối cùng của Mùa Chay: Chúa Nhật 3, 4 và 5 Mùa Chay, Chu kỳ Phụng vụ Năm B và Năm C có thể được thay thế  toàn bộ bằng phụng vụ Lời Chúa của Chu kỳ Phụng vụ Năm A, vì các bài đọc của Chu kỳ Phụng vụ Năm A được Giáo Hội cố ý chọn đọc hợp với tiến trình dọn mình lãnh nhận Phép Rửa của anh chị em dự tòng vào Lễ Đêm Phục Sinh. Chính yếu là 3 bài Phúc Âm của Chu kỳ Phụng vụ Năm A này hoàn toàn không theo Thánh Mathêu như thường lệ mà là theo Thánh Gioan, như Bài Phúc Âm Chúa Nhật 3 về Người Đàn Bà Samaritanô tội lỗi nhận biết Đấng Thiên Sai ở đoạn 4:1-42, Bài Phúc Âm Chúa Nhật 4 về người mù từ lúc mới sinh được sáng mắt ở đoạn 9:1-12, và Bài Phúc Âm Chúa Nhật 5 về Lazarô được hồi sinh ở đoạn 11:1-25.


Chúa Nhật


Lời Chúa


Bài Ðọc I: Xh 3, 1-8a. 13-15

"Ðấng hiện hữu sai tôi đến với anh em".

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Môsê chăn chiên cho ông nhạc là Giêtrô, tư tế xứ Mađian. Ông lùa đoàn chiên qua sa mạc, đến núi Horeb là núi của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện ra với ông trong ngọn lửa cháy từ giữa bụi gai. Ông nhìn thấy bụi gai bốc lửa, nhưng không bị thiêu rụi. Môsê nói: "Ta hãy lại xem cảnh tượng kỳ lạ này, vì sao bụi gai không bị thiêu rụi".

Thiên Chúa thấy ông lại xem, từ giữa bụi gai Người gọi ông: "Môsê! Môsê!" Ông thưa: "Dạ con đây!" Chúa nói: "Ngươi đừng đến gần đây. Hãy cởi dép ở chân ra, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh". Chúa lại nói: "Ta là Thiên Chúa của Tổ phụ ngươi. Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp". Môsê che mặt, vì không dám nhìn Thiên Chúa. Chúa nói: "Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực ở Ai-cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than kẻ đốc công áp bức. Ta biết nỗi đau khổ của chúng, nên Ta xuống cứu chúng thoát khỏi tay người Ai-cập và đưa ra khỏi đất ấy đến miền đất tốt tươi rộng lớn, đất tràn trề sữa và mật".

Môsê thưa với Thiên Chúa rằng: "Này con sẽ đến với con cái Israel và bảo họ: Thiên Chúa của tổ phụ anh em đã sai tôi đến với anh em. Nếu họ hỏi con: "Tên Người là gì?", con sẽ nói sao với họ?" Thiên Chúa nói với Môsê: "Ta là Ðấng Tự Hữu". Chúa nói: "Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: "Ðấng Tự Hữu sai tôi đến với anh em".

Thiên Chúa lại nói với Môsê: "Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: "Thiên Chúa của tổ phụ anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp sai tôi đến với anh em". Ðó là danh Ta cho đến muôn đời, đó là danh Ta phải ghi nhớ qua mọi thế hệ".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 6-7. 8 và 11

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. - Ðáp.

2) Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. - Ðáp.

3) Chúa thi hành những sự việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel. - Ðáp.

4) Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1 Cr 10, 1-6. 10-12

"Ðời sống dân chúng đối với Môsê trong hoang địa được viết ra để răn bảo chúng ta".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi không muốn để anh em không hay biết điều này, là tất cả cha ông chúng ta đã được ở dưới áng mây, đi ngang qua biển và tất cả nhờ Môsê mà được thanh tẩy, dưới áng mây và trong lòng biển; tất cả đã ăn cùng một thức ăn thiêng liêng, và uống cùng một thức uống thiêng liêng. Thật vậy, tất cả đã uống nước phát xuất từ tảng đá thiêng liêng đi theo họ: tảng đá ấy chính là Chúa Kitô. Tuy nhiên, không phải phần đông trong họ đã sống đẹp lòng Chúa, vì họ đã bị gục ngã trong hoang địa.

Bao nhiêu sự kiện đó nêu gương cho chúng ta, để chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như những người đó đã chiều theo. Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách như một số người trong bọn họ đã làm, và đã vong mạng bởi tay một sứ thần huỷ diệt. Những việc đó đã xảy đến cho họ để làm gương, và đã được ghi chép để răn bảo chúng ta là những người đang sống trong thời đại cuối cùng. Thế nên, ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã.

Ðó là lời Chúa.

 

Câu Xướng Trước Phúc Âm: 2 Cr 6, 2

Này là lúc thuận tiện, này là ngày cứu độ.

 

Phúc Âm: Lc 13, 1-9

"Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".

Ngài nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: "Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!" Nhưng anh ta đáp rằng: "Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi".

Ðó là lời Chúa.


Suy niệm

 

Sự Sống Trổ Bông


Hôm nay, Chúa Nhật Tuần thứ ba Mùa Chay. Phụng Vụ Lời Chúa hướng về lòng thương xót của vị thiên Chúa chân thật duy nhất, luôn trung thành với dự án cứu độ của mình và tìm hết cách để cứu độ con người cho bằng được, cho dù có phải chịu đựng lỗi lầm của họ nhưng vẫn thương cảm và nhẫn nại đợi chờ họ.

Thật vậy, ngay trong Bài Đọc 1 hôm nay, chúng ta thấy một mạc khải thần linh về Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, luôn trung thành với dự án cứu độ của Ngài, do chính Ngài tỏ mình ra cho chúng ta biết nơi tên của Ngài được Ngài lần đầu tiên cho nhân loại biết qua Moisen ở một cuộc thần hiển (theophany).

Chính cuộc thần hiển cũng đã nói lên đích danh của Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, vị Thiên Chúa minh nhiên tự xưng tên của Ngài "Ta là Ta / I am who am", hay "Ta là Đấng Có" hoặc "Ta là Hiện Hữu". Tức Thiên Chúa là Đấng Tự mình mà Có - Tự Hữu, luôn luôn Có hay lúc nào cũng Có - Hiện Hữu, Có một cách vĩnh viễn, không bao giờ cùng - Hằng Có, cho dù con người có qua đi, vì con người là loài tạo vật sống trong thời gian và không gian không thể tồn tại như Thiên Chúa.

Đó là lý do cũng trong Bài Đọc 1 hôm nay, Ngài còn có một tên phụ, hay biệt danh nữa, hoàn toàn phản ảnh tên chính của Ngài hay tên gọi của Ngài, có thể nói đó là tên họ của Ngài, vì tên họ là tên bao giờ cũng liên quan đến giòng họ, đến người khác, và ở đây tên họ này của Thiên Chúa trực tiếp liên quan đến loài người tạo vật: "'Thiên Chúa của tổ phụ anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp sai tôi đến với anh em'. Ðó là danh Ta cho đến muôn đời, đó là danh Ta phải ghi nhớ qua mọi thế hệ".

Chính tên thật của Thiên Chúa: "Ta là Ta", "là Có, "là Hiện Hữu", được phụ họa bởi tên họ của Ngài "Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp", đã được chính Thiên Chúa, trước khi diễn tả bằng ngôn từ của loài người như thế, đã được Ngài tỏ ra bằng một hiện tượng "bụi gai bốc lửa, nhưng không bị thiêu rụi" xẩy ra ở khu vực "núi Horeb là núi của Thiên Chúa". 

Hiện tượng thần hiển (theophany) "bụi gai bốc lửa, nhưng không bị thiêu rụi" này có ít là 3 ý nghĩa có thể suy diễn như sau: 

1-2. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (1) và Mầu Nhiệm Chúa Kitô (2): "bụi gai" ám chỉ chính Chúa Kitô, nhân tính của Chúa Kitô và cuộc khổ nạn của Chúa Kitô; "bốc lửa mà không bị thiêu rụi" - "lửaám chỉ Thánh Linh và thần tính của Chúa Kitô, "không bị thiêu rụi" ám chỉ cuộc phục sinh của Người bởi quyền phép Thánh Linh (xem Roma 8:11); Thiên Chúa Ngôi Cha chính là tiếng nói "từ giữa bụi gai gọi ông", một nhân vật trở thành tiền thân về một vị tiên tri như ông và đến sau ông là Chúa Kitô như đã được ông tiên báo cùng dân Do Thái trước khi ông qua đời (Đệ Nhị Luật 18:5).

3. Mầu nhiệm Lịch Sử Cứu Độ của dân Do Thái: dân tộc Do Thái chẳng khác nào như một "bụi gai", ám chỉ tội lỗi của họ và thử thách đức tin của họ, thế nhưng dân tộc Do Thái là một "bụi gai bốc lửa", ở chỗ họ càng tội lỗi và bất trung phản bội họ càng thấy được tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa đối với họ, hay nói cách khác, Tình Yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa càng có dịp được sáng tỏ nơi tội lỗi bất trung của họ. 

Ngài chẳng những không tiêu diệt họ bởi tội lỗi kinh khủng của họ, nhờ đó họ mới "không bị thiêu rụi": "bụi gai bốc lửa, nhưng không bị thiêu rụi"Ít là 2 lần Ngài đã tỏ tường tuyên bố ý định Ngài muốn tận diệt họ: lần đầu khi họ thờ bò vàng (xem Xuất Hành đoạn 32), và lần thứ hai sau khi các thám tử của họ dò thám Đất Hứa trở về (xem Dân Số đoạn 14), mà trái lại, Ngài còn có thể bất chấp mọi sự bất lợi nơi họ để hoàn tất trọn vẹn, một cách vô cùng khôn ngoan và toàn năng, "dưới đất cũng như trên trời" tất cả những gì Ngài hứa với họ, đúng như giao ước Ngài đã tự động ký kết với tổ phụ họ là Abraham, Isaac và Giacóp.

Đó là lý do trong lệnh sai đi của Ngài truyền cho Moisen bấy giờ, Thiên Chúa đã nhân danh Ngài là vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, Vị Thiên Chúa "là hiện hữu" luôn ở cùng dân Do Thái ngày từ ban đầu, Vị "Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp", kéo dài qua ba đời tượng trưng cho những gì là tính cách vĩnh viễn Ngài muốn ở với dân tộc được Ngài tuyển chọn. Lệnh sai đi của Ngài, bao gồm chẳng những ý nghĩa nhân danh Ngài mà còn lấy danh dự của Ngài mà bảo đảm cho sứ vụ của Moisen là môi giới trung gian của Ngài nữa, như sau:

"Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: 'Ðấng Tự Hữu sai tôi đến với anh em'.... 'Thiên Chúa của tổ phụ anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp sai tôi đến với anh em'".

Trước tình yêu vô cùng nhân hậu mà Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của mình tỏ ra như thế, bất chấp mọi tọi lỗi bất trung của mình, dân Do Thái, nếu thực sự cảm nhận được Ngài, không thể nào không có một cảm nghiệm thần linh như thánh vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay:

1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. 

2) Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. 

3) Chúa thi hành những sự việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel. 

4) Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. 

Bài Đọc 2 hôm nay, Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại cũng nhắc nhở cho các Kitô hữu Do Thái ở Giáo đoàn Corintô trong Thư Thứ Nhất của ngài về việc Thiên Chúa luôn ở bên chăm sóc cho dân của họ trong Cựu Ước, bao gồm cả những người sống bất xứng với tình yêu của Thiên Chúa:

"Anh em thân mến, tôi không muốn để anh em không hay biết điều này, là tất cả cha ông chúng ta đã được ở dưới áng mây, đi ngang qua biển và tất cả nhờ Môsê mà được thanh tẩy, dưới áng mây và trong lòng biển; tất cả đã ăn cùng một thức ăn thiêng liêng, và uống cùng một thức uống thiêng liêng. Thật vậy, tất cả đã uống nước phát xuất từ tảng đá thiêng liêng đi theo họ: tảng đá ấy chính là Chúa Kitô. Tuy nhiên, không phải phần đông trong họ đã sống đẹp lòng Chúa, vì họ đã bị gục ngã trong hoang địa".

Những người anh chị em "đã bị gục ngã trong hoang địa" đây vì đã "không sống đẹp lòng Chúa" ở chỗ nào, cũng được Thánh Phaolô cho biết rõ hơn như thế này: "Bao nhiêu sự kiện đó nêu gương cho chúng ta, để chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như những người đó đã chiều theo. Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách như một số người trong bọn họ đã làm, và đã vong mạng bởi tay một sứ thần huỷ diệt". 

Thánh Phaolô chẳng những đã kêu gọi Kitô hữu Do Thái đừng noi gương bắt chước thành phần tội lỗi bất xứng trong Cựu Ước ấy, như được Thánh Kinh Cựu Ước cho thấy: "Những việc đó đã xảy đến cho họ để làm gương, và đã được ghi chép để răn bảo chúng ta là những người đang sống trong thời đại cuối cùng", mà còn hướng về tương lai, ở chỗ cảnh giác thành phần tưởng mình không giống như những trường hợp của người xưa, sống khá hơn những cha ông của họ: "ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã". 

Tại sao thế? Tại vì mỗi thời có một hoàn cảnh riêng, một bối cảnh lịch sử khác nhau. Người xưa đã sống bất xứng trong bối cảnh lịch sử của thời của họ, vào thời của Thánh Phaolô, thời Tân Ước, bối cảnh lịch sử lại khác, với những cám dỗ khác, những thử thách khác, nhất là những cám dỗ và thử thách ở vào một thời điểm rất nguy hiểm, được Thánh Phaolô nói đến trong Bài Đọc 2, đó là "thời đại cuối cùng", một thời điểm đầy những tiên tri giả và kitô giả.

Chính Chúa Kitô, trong Bài Phúc Âm hôm nay, cũng đã cảnh báo cho "những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh" rằng: 

"Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt như vậy".

Trong câu Chúa Giêsu cảnh giác về hoạn nạn khốn khổ trên đây có thể vừa là hậu quả của tội lỗi vừa không là hậu quả của tội lỗi, tùy theo từng trường hợp. 

Gian nan khốn khổ không là hậu quả của tội lỗi, như 2 trường hợp được Chúa Giêsu kể đến trong bài Phúc Âm hôm nay, đó là trường hợp của "mấy người xứ Galilê bị ngược đãi" bởi "quan Philatô" và trường hợp "mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết", và là 2 trường hợp Người đã khẳng định rằng: "không phải thế", không phải "là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê", không phải họ "tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem".

Tất nhiên, ở đây không ai chối cãi được rằng đã là người đều là tội nhân, và chính đau khổ họ chịu trên đời là hậu quả của tội lỗi, dù là một thai nhi vô tội bị mẹ sát hại ngay trong bụng bà. Thế nhưng, "vô tội" ở đây theo nghĩa tương đối, áp dụng cho thành phần ít tội hay ngây thơ vô tội, chẳng hạn thành phần ở làng mạc quê mùa chất phác, phạm tội mà không biết, không phải vì họ đã cứng lòng hay mất hết ý thức tội lỗi, như những người khôn ngoan thông thái và văn minh tân tiến đồng thời.

Thật vậy, thực tế cho thấy, những tai ương hoạn nạn về thiên tai, như động đất, hay xẩy ra ở Ấn Độ hay A Phú Hãn v.v., thậm chí cả nhân tai như chiến tranh cũng thế, thường xẩy ra ở những vùng hẻo lánh, những vùng nghèo nàn, như ở Syria từ 5 năm nay, chứ ít khi xẩy ra ở những vùng ăn chơi tội lỗi. Như thế, phần đông và đa số nạn nhân của thiên tai và nhân tai là thành phần nạn nhân "vô tội" hay "ít tội" hoặc "nhẹ tội" hơn thánh phần văn minh hưởng thụ. 

Dường như Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng Thần Linh làm chủ lịch sử này cố ý muốn để xẩy ra như thế, theo lòng thương xót của Ngài để cứu cả kẻ lành lẫn người dữ nhờ người lành, qua những tai họa và khốn khó người lành hay "vô tội" chịu trên đời này, hợp với giá cứu chuộc vô giá của Con Thiên Chúa. 

Đúng vậy, chính vì thành phần nạn nhân "vô tội", hay "ít tội" hoặc "nhẹ tội", ở một nghĩa nào đó, mới có giá trị "đền tội" thay cho những người anh chị em ăn chơi tội lỗi của họ, như chính thân phận của Con Thiên Chúa làm người, một Người Tôi Tớ của Thiên Chúa được Tiên Tri Isaia (53:11b-12) diễn tả như sau:

"Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. Vì thế, Ta sẽ ban cho nó muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, nó sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, nó đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi".

 

Ở đây, Lời Chúa qua miệng Tiên Tri Isaia trên đây về một Đấng Thiên Sai tương lai, mà thành phần nạn nhân "vô tội" trong giòng lịch sử loài người phản ảnh Người, đã cho chúng ta thấy hiện lên ý nghĩa của chủ đề cho chung Mùa Chay bao gồm cả Tuần Thánh là "Tôi tự ý bỏ sự sống mình đi để rồi lấy lại" (Gioan 10:17).

 

Nếu đối với thành phần nạn nhân "vô tội" phải chịu đựng những hoạn nạn khốn khó gây ra bởi thiên tai và nhân tai có thể nói là cái giá họ phải trả cho anh chị em tội lỗi "cần đến lòng thương xót Chúa hơn" của họ, hơn là cho chính họ, thì thành phần nạn nhân "vô tội" này hay chính hoạn nạn khốn khổ họ chịu còn có tính cách cảnh báo hay cảnh tỉnh thành phần "tội lỗI" đáng trừng phạt, bằng không, không chịu ăn năn thống hối, thì những hoạn nạn khốn khổ như thế hay hơn thể sẽ trở thành hình phạt giáng xuống trên những ai tội lỗi không chịu ăn năn thống hối, đúng như lời Chúa Giêsu cảnh báo trong bài Phúc Âm hôm nay: "Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt như vậy".

Thực tế đã quả thực cho thấy như vậy, thành phần ở những nơi an toàn nhất, nhưng ăn chơi và có thể nói là sa đọa về luân lý nhất, cứ coi thường biết bao nhiêu là cảnh báo của Thiên Chúa trước những tai ương hoạn nạn gây ra cho thành phần nạn nhân vô tội, chẳng hạn các thai nhi bị hủy hoại ngay trong lòng mẹ, nên những nơi như New York đã không ngờ bị khủng bố tấn công ngày 11/9/2001 ngay giữa thanh thiên bạch nhật, hay Paris ngày 13/11/2015 cũng thế v.v.

Dầu sao, New York và Paris cũng là những dấu cảnh báo cho toàn thế giới biết rằng tội lỗi của con người đã lên tới mức nguy hiểm, nếu không ăn năn thống hối, chắc chắn những gì đã được tiết lộ ở Bí Mật Fatima phần thứ ba và được Giáo Hội công bố ngày 26/6/2000 sẽ được ứng nghiệm, như nó đang được ứng nghiệm từng ly từng tí từ thế kỷ 20 sau Biến Cố Thánh Mẫu Fatima 1917 đến nay.

Chỉ còn 1 năm nữa là đúng 100 năm, vừa đúng thời gian 100 năm của chiếc Tầu Noe trong trận hồng thủy ngày xưa (xem Khởi Nguyên 5:32 và 7:6), mà càng tiến đến năm 2017 tình hình thế giới càng ngày càng căng thẳng đến rùng rợn, ở cả Trung Đông (liên quan đến Trung quốc) lẫn Biển Đông (liên quan đến Nhà Nước Hồi Giáo IS), như thể thế chiến thứ 3 có thể bùng nổ bất cứ lúc nào và sắp bùng nổ đến nơi rồi vậy, mà thực ra, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã công khai và chính thức nói mấy lần là đã đang diễn ra thế chiến thứ ba ở từng vùng nhiều nơi hiện nay.

Cho dù hoạn nạn khốn khổ gây ra bởi thiên tai hay nhân tai, cho thành phần "vô tội" hay "tội lỗi" thì tựu kỳ trung ý muốn tối hậu của Vị Thiên Chúa vô cùng yêu thương nhân ái cũng chỉ muốn cứu độ con người tạo vật đáng thương của mình mà thôi, nhất là thành phần kẻ dữ, thành phần tội lỗi, thành phần tự bản chất, dù họ nhìn nhận hay không, là bệnh nhân, là các kẻ bị tật nguyền, cần đến Lòng Thương Xót Chúa hơn, thành phần chiên lạc mà Con Thiên Chúa đến để "tìm kiếm và cứu vớt" (Luca 19:10).

 Do đó, Người vẫn nhẫn nại tìm kiếm họ, cho dù cuộc đời họ cứ sống bê bối, chẳng sinh hoa trái gì như Ngài mong muốn, đến độ, theo tính toán trần gian, chỉ đáng chặt bỏ cho xong, cho có lợi hơn, thế mà Ngài vẫn nhẫn nại đợi chờ, khi còn thời gian, đúng như phần cuối của bài Phúc Âm hôm nay cho thấy:

"Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: 'Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!' Nhưng anh ta đáp rằng: 'Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi'".

Nếu "Người trồng một vây vả" đây là Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên từng người một theo hình ảnh thần linh của Ngài (xem Khởi Nguyên 1:26-27), và "cây vả" đây là từng con người được Thiên Chúa dựng nên trên trần gian này, thì "người làm vườn" đây là thành phần ngôn sứ của Thiên Chúa, thành phần thừa tác viên của Chúa Kitô, thành phần thay Người chăm lo lợi ích thiêng liêng cho những ai được trao phó cho các vị.

Tuy nhiên, thành phần thừa tác viên phục vụ mầu nhiệm thánh của Người phải làm sao phải trở thành hiện thân và chứng nhân của Lòng Thương Xót Chúa và cho Lòng Thương Xót Chúa mới xứng hợp với sứ vụ của mình, như thái độ của "người làm vườn" trong bài Phúc Âm hôm nay, một con người biết tỏ ra quí cây vả vô bổ như là của mình, dù chính yếu là của ông chủ, biết bênh đỡ cây vả đáng bị đốn đi, lấy chính thế giá của mình ra mà hứa thay cho cây vả, và nhất là tin tưởng cây vả, rồi tìm hết cách để làm cho nó từ tình trạng tàn héo trở thành tốt tươi như lòng mong muốn của chủ, như một Moisen đã xin Thiên Chúa đừng tru diệt dân Do Thái 2 lần (xem Xuất Hành đoạn 32 và xem Dân Số đoạn 14), thậm chí đã dám hy sinh cả tên của mình trong sổ sự sống để cứu lấy đám dân quá hư đốn đáng trừng phạt của mình (xem Xuất Hành 32:31-32).

Trong Kinh Năm Thánh Tình Thương của Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Giáo Hoàng đã mở Năm Thánh Ngoại Lệ về Tình Thương này (8/12/2015 - 20/11/2016), một trong những ý nguyện chính cần nguyện cầu, hay một trong những thành phần cần cầu nguyện cho đó là chính Giáo Hội nói chung và thành phần thừa tác viên thánh vụ của Giáo Hội nói riêng:

"Chúa là dung nhan hữu hình của Chúa Cha vô hình, của Vị Thiên Chúa tỏ hiện quyền năng của Ngài ra trên hết ở nơi việc tha thứ và tình thương: Xin cho Giáo Hội trở thành dung nhan hữu hình của Chúa là Chúa phục sinh vinh hiển của mình trên thế giới này. Chúa muốn rằng các thừa tác viên của Chúa cũng mặc lấy tính chất yếu hèn để các vị có thể cảm thương những ai vô thức và lỗi lầm: Chớ gì hết mọi ngưòi đến với các vị đều cảm thấy được Thiên Chúa tìm kiếm, yêu thương và tha thứ".


Thánh Thi Giờ Kinh Phụng Vụ Buổi Trưa trong Mùa Chay

 

Trưa hôm ấy chịu khổ hình thập tự

Chúa kêu rằng "khát nước", thảm sầu thay!

Xin cho con ca tụng Chúa giờ này

Biết khát vọng ơn Ngài công chính hóa.

 

Ôi lạy Chúa, con thấy mình đói lả

Chỉ có Ngài làm no thỏa được thôi,

Tội lỗi xưa, con hối hận lắm rồi

Chỉ ao ước trở nên người đức hạnh.

 

Vừa ngâm ngợi vừa đợi trông ơn thánh

Nguồn mạch Thánh Linh đổ xuống tràn trề

Cho xác thịt này dịu lửa đam mê

Còn tâm trí lạnh lùng mau ấm lại.

 

Con phủ phục xin Ba Ngôi từ ái

Là Chúa Cha, Thánh Tử với Thánh Thần

Tự cõi trời thương mở lượng khoan nhân

Ban hồng phúc như lòng con cầu khẩn.

 


Thứ Hai


Lời Chúa


Bài Ðọc I: 2 V 5, 1-15a

"Có nhiều người phong cùi trong Israel, nhưng không có một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria".

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Naaman, tướng đạo binh của vua xứ Syria, là người có uy thế đối với vua và được tôn trọng, vì Chúa đã dùng ông mà cứu dân Syria; ông còn là người hùng mạnh và giàu có, nhưng lại mắc bịnh phong cùi. Lúc bấy giờ một vài toán dân Syria bắt một thiếu nữ ở đất Israel dẫn về để hầu hạ bà Naaman. Cô ta nói với bà chủ: "Chớ chi ông chủ tôi đến gặp vị tiên tri ở Samaria, chắc chắn vị tiên tri ấy sẽ chữa ông khỏi phong cùi". Naaman đến tâu vua rằng: "Cô nhỏ xứ Israel đã nói thế này thế này". Vua xứ Syria liền nói: "Khanh hãy đi, trẫm sẽ gởi cho vua Israel một bức thơ". Naaman ra đi, mang theo mười lạng bạc, sáu ngàn nén vàng và mười bộ áo. Ông trao cho vua Israel bức thơ nội dung như sau: "Khi bức thơ này đến tay nhà vua, nhà vua biết tôi sai Naaman, tôi tớ tôi, đến với nhà vua, để xin nhà vua chữa ông khỏi phong cùi".

Sau khi đọc bức thơ, vua Israel liền xé áo và nói: "Ta có phải là Chúa, có thể giết chết và cho sống hay sao mà vua ấy gởi người đến xin ta chữa lành phong cùi? Các ngươi thấy không, vua ấy tìm cớ hại Ta đó". Khi Êlisêô, người của Thiên Chúa, nghe tin vua Israel đã xé áo mình, nên sai người đến tâu vua rằng: "Tại sao nhà vua lại xé áo? Ông ấy cứ đến với tôi thì sẽ biết trong Israel có một vị tiên tri".

Naaman lên xe ngựa đi, và dừng lại trước cửa nhà Êlisêô. Tiên tri nói với Naaman rằng: "Ông hãy đi tắm bảy lần ở sông Giođan, thì da thịt ông sẽ được lành sạch". Naaman nổi giận bỏ đi nói rằng: "Tôi tưởng ông ấy ra đón tôi và đứng trước tôi kêu cầu danh Chúa là Thiên Chúa của ông, rồi đặt tay lên chỗ phong cùi của tôi và chữa tôi lành mạnh. Các con sông Abana và Pharphar ở Ðamas không sạch hơn các con sông ở Israel để tôi tắm và được lành sạch hay sao?" Ông trở về lòng đầy tức giận.

Các đầy tớ của ông đến nói với ông rằng: "Thưa cha, vị tiên tri có yêu cầu cha làm một việc lớn lao thì cha cũng phải làm. Phương chi bây giờ người bảo cha: "Hãy đi tắm, thì được sạch". Naaman xuống tắm bảy lần ở sông Gio-đan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.

Sau đó ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ðến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: "Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel".

Ðó là lời Chúa.                                            

 

Ðáp Ca: Tv 41, 2. 3, và Tv 42, 3. 4

Ðáp: Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời? (x. Tv 41, 3)

Xướng: 1) Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi! - Ðáp.

2) Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời? - Ðáp.

3) Xin chiếu giãi quang minh và chân thực của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài. - Ðáp.

4) Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ, mừng vui. Với cây cầm thụ con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa của con. - Ðáp.

 

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Tv 129, 5 và 7

Con trông cậy Chúa, con mong đợi lời hứa của Chúa, vì nơi Chúa sẵn có lòng từ bi và chan chứa ơn cứu độ.

 

Phúc Âm: Lc 4, 24-30

"Như Elia và Elisêô, Chúa Giêsu không phải chỉ được sai đến người Do-thái mà thôi đâu".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

(Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng): "Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình. Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều bà goá ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria".

Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi.

Ðó là lời Chúa.


 

Suy niệm

 

 

    Sự Sống thiên sai    


H
ành trình Mùa Chay 40 ngày tiếp tục và đã tiến vào tuần lễ Thứ Ba, và hôm nay là Thứ Hai trong Tuần Ba Mùa Chay này, chủ đề "Tôi tự bỏ mạng sống của mình đi để rồi lấy lại" (Gioan 10:17) cho chung Mùa Chay, bao gồm cả Tuần Thánh, vẫn phản ảnh qua ý nghĩa của chung phụng vụ lời Chúa hôm nay, nhất là Bài Phúc Âm.

Thật vậy, trong bài Phúc Âm hôm nay, hình như chúng ta chỉ thấy được nửa phần đầu của chủ đề Mùa Chay là "Ta tự ý bỏ sự sống của mình đi", chẳng thấy đâu là "để rồi lấy nó lại". Bởi vì, Thánh ký Luca trình thuật lại trong Bài Phúc Âm được Giáo Hội cố ý chọn đọc cho ngày hôm nay là sự kiện "mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực". 

Tại sao "mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ" đến độ muốn sát hại Người, bằng cách "xô Người xuống vực" như thế? Phải chăng vì họ đã bị Chúa Giêsu ngấm ngầm chê là thiếu đức tin, ở chỗ không chịu tin vào Người, một con người rất tầm thường đã từng sống trong khu làng của họ và với họ trước kia, giờ đây đã dám cho mình như hai vị đại tiên tri Thời Cựu Ước là Elia và Elise nữa, như lời Người đã nói với họ và về họ khi họ đặt vấn đề về sự khôn ngoan và quyền năng khác thường của Người: 

"Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình. Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều bà goá ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria".

Hai trường hợp được Chúa Giêsu dẫn chứng trên đây cho thấy cả hai nạn nhân được chữa lành đều là thành phần dân ngoại nhưng lại tin vào các vị tiên tri của dân Do Thái và nhờ đó họ đã có được một cảm nghiệm thần linh về Vị Thiên Chúa của dân Do Thái, Đấng hằng ở cùng dân tộc được tuyển chọn này và tỏ mình ra cho dân Do Thái dọc suốt giòng lịch sử cứu độ của họ. 

Bài Đọc 1 hôm nay chỉ liên quan đến trường hợp thứ hai: "có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria". Sách Các Vua Quyền Thứ 2 đã cho biết là viên quan bị phong cùi này, vì muốn khỏi bệnh nên tin người tớ gái Do Thái, và đã tìm sang đất Do Thái. 

"Trong những ngày ấy, Naaman, tướng đạo binh của vua xứ Syria, là người có uy thế đối với vua và được tôn trọng, vì Chúa đã dùng ông mà cứu dân Syria; ông còn là người hùng mạnh và giàu có, nhưng lại mắc bịnh phong cùi. Lúc bấy giờ một vài toán dân Syria bắt một thiếu nữ ở đất Israel dẫn về để hầu hạ bà Naaman. Cô ta nói với bà chủ: 'Chớ chi ông chủ tôi đến gặp vị tiên tri ở Samaria, chắc chắn vị tiên tri ấy sẽ chữa ông khỏi phong cùi'. Naaman đến tâu vua rằng: 'Cô nhỏ xứ Israel đã nói thế này thế này'. Vua xứ Syria liền nói: 'Khanh hãy đi, trẫm sẽ gởi cho vua Israel một bức thơ'. Naaman ra đi, mang theo mười lạng bạc, sáu ngàn nén vàng và mười bộ áo". 

Nhưng sau khi đến gặp Tiên Tri Êlise, ông đã hoàn toàn thất vọng đến độ tức giận bất mãn bỏ đi, vì ông thấy ông là một vị quan có thế giá với nhà vua Syria mà bấy giờ lại bị một vị tiên tri Do Thái coi thường, chẳng những không thèm ra mặt tiếp ông, lại còn truyền ông phải làm một việc quá ư là tầm thường, ai làm cũng được và làm ở đâu cũng được, chứ không xuất hiện để trực tiếp chữa lành cho ông một cách uy nghi trang trọng giống như ở trong các nghi thức có tính cách cung đình: 

"Naaman lên xe ngựa đi, và dừng lại trước cửa nhà Êlisêô. Tiên tri nói với Naaman rằng: 'Ông hãy đi tắm bảy lần ở sông Giođan, thì da thịt ông sẽ được lành sạch'. Naaman nổi giận bỏ đi nói rằng: 'Tôi tưởng ông ấy ra đón tôi và đứng trước tôi kêu cầu danh Chúa là Thiên Chúa của ông, rồi đặt tay lên chỗ phong cùi của tôi và chữa tôi lành mạnh. Các con sông Abana và Pharphar ở Ðamas không sạch hơn các con sông ở Israel để tôi tắm và được lành sạch hay sao?' Ông trở về lòng đầy tức giận".

Đến đây chúng ta mới thấy đâu là biên giới giữa tự nhiên và siêu nhiên, giữa người sống theo tự nhiên và người sống theo đức tin và sống bằng đức tin. Đức tin nơi viên quan Naaman người Syria bị phong cùi này là ở chỗ thắng vượt bản tính tự nhiên  khuynh hướng tự nhiên của ôngđể làm theo những gì vượt lên trên sự khôn ngoan và hiểu biết hạn hẹp của ông, nhất lạ biết hạ mình xuống lắng nghe sự thật, dù sự thật đó xuất phát từ thành phần tôi tớ tầm thường của ông:

"Các đầy tớ của ông đến nói với ông rằng: 'Thưa cha, vị tiên tri có yêu cầu cha làm một việc lớn lao thì cha cũng phải làm. Phương chi bây giờ người bảo cha: 'Hãy đi tắm, thì được sạch'. Naaman xuống tắm bảy lần ở sông Gio-đan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch". 

Chỉ có đức tin mới làm được những gì bản tính tự nhiên và khả năng trần thế của con người không thể nào làm được, dù họ có chức vị, khôn ngoan và quyền lực đến đâu chăng nữa, như bản thân của viên quan Naaman người Syria trong Bài đọc 1 hôm nay. Và cũng chỉ có đức tin mới làm cho con người cảm thấy được thực tại thần linh siêu việt ở bên trên họ nhưng lại ở ngay cõi lòng họ và trong cuộc sống của họ, như đã xẩy ra cho viên quan người Syria bị phong cùi được chữa lành: 

"Sau đó ông và đoàn tùy tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ðến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: 'Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel'".

Cho dù Chúa Giêsu trong trình thuật của Bài Phúc Âm hôm nay có vẻ không được thành công như Tiên Tri Elisa trong Bài Đọc 1, nhưng Người, Đấng bị dân làng Nazarét của Người muốn sát hại Người, vẫn có thể tỏ mình ra cho thành phần không tin Người biết rằng: 

1- Chính vì họ không tin mà họ không thấy phép lạ Người làm ở nơi họ và giữa họ như họ đã từng nghe thấy Người làm ở các nơi khác, nhất là ở Carphanaum

2- Cho dù họ có muốn sát hại Người mà cũng không được như ý muốn, bởi "Người tiến qua giữa họ mà đi", cho họ thấy rằng Ngưòi quả là Đấng quyền năng, là Đấng được Tiên Tri Isaia nói đến như chính Người đã minh định với họ.

Trong trường hợp này, Chúa Giêsu đã "lấy lại sự sống" của mình khi Người bị dân chúng sát hại, không phải chỉ ở chỗ "Người tiến qua giữa họ mà đi", ở chỗ họ không làm gì được Người, mà chính là ở chỗ Người tỏ mình ta cho họ thấy được những gì Tiên Tri Isaia nói về Người đã thực sự được ứng nghiệm, ứng nghiệm nơi chính đám dân chúng muốn sát hại Người, vì đám dân làng Nazarét bấy giờ quả thực tiêu biểu cho các thành phần được Thiên Chúa gửi Vị Thiên Sai được xức dầu Thần Linh và đầy Thần Linh là Chúa Kitô đến cho họ, vì họ "nghèo khổ" về đức tin, "bị giam cầm" bởi cứng lòng, "mù lòa" bởi thành kiến, và "ngục " trong tội lỗi (xem Luca 4:18).

Nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét bị dân làng Nazarét trong Bài Phúc Âm hôm nay mưu toan sát hại Người, nhưng không làm gì được Người, trái lại, chính họ lại trở thành chứng cớ hiển nhiên về vai trò Thiên Sai của Chúa Kitô, Đấng được Thiên Chúa tiên báo qua Tiên Tri Isaia, một Vị Thiên Sai nơi các thành phần cần được Người "loan báo cho Năm Hồng Ân của Chúa" (Luca 4:19), và chính vì thế mà ai nhận ra Người bằng đức tin sẽ có được một cảm nghiệm thần linh như thánh vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay:

1) Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi!

2) Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời? 

3) Xin chiếu giãi quang minh và chân thực của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài. 

4) Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ, mừng vui. Với cây cầm thụ con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa của con. 


 

Thứ Ba


Lời Chúa


Bài Ðọc I: Ðn 3, 25. 34-43

"Với tâm thần sám hối và tinh thần khiêm tốn, chúng tôi được chấp nhận".

Trích sách Tiên tri Ðaniel.

Trong những ngày ấy, Adaria đứng giữa lửa mở miệng cầu nguyện rằng: "Vì danh Chúa, xin đừng bỏ con mãi mãi cho quân thù, và xin đừng huỷ bỏ lời giao ước của Chúa. Xin chớ cất lòng từ bi Chúa khỏi chúng con. Vì Abraham kẻ Chúa yêu, Isaac tôi tớ Chúa, và Israel người lành thánh của Chúa, những kẻ Chúa đã hứa cho sinh con cháu ra nhiều như sao trên trời và như cát bãi biển. Vì lạy Chúa, chúng con đã trở nên yếu hèn hơn mọi dân tộc và hôm nay, vì tội lỗi chúng con, chúng con bị nhục nhã ở mọi nơi. Hiện giờ không còn vua chúa, thủ lãnh, tiên tri, không còn của lễ toàn thiêu, lễ hiến tế, lễ vật, nhũ hương và nơi để dâng lên Chúa của đầu mùa để được Chúa thương. Nhưng với tâm hồn sám hối và với tinh thần khiêm tốn, chúng con xin Chúa chấp nhận; chúng con như những con dê, bò rừng và những chiên béo được dâng lên Chúa làm của lễ toàn thiêu, xin cho của hiến tế chúng con dâng trước tôn nhan Chúa hôm nay, được đẹp lòng Chúa, vì những ai tin tưởng nơi Chúa không phải hổ thẹn. Và bây giờ chúng con hết lòng theo Chúa, kính sợ Chúa và tìm kiếm tôn nhan Chúa. Xin đừng để chúng con phải hổ thẹn, nhưng xin hãy đối xử với chúng con theo lòng nhân hậu và lòng từ bi sung mãn của Chúa. Lạy Chúa, xin làm những việc lạ lùng mà cứu thoát chúng con, và xin cho thánh danh Chúa được vinh quang".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9

Ðáp: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài (c. 6a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. - Ðáp.

2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. - Ðáp.

3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. - Ðáp.

 

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 4, 4b

Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

 

Phúc Âm: Mt 18, 21-35

"Nếu mỗi người trong chúng con không tha thứ cho anh em, thì Chúa Cha cũng không tha thứ cho chúng con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc. Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".

Ðó là lời Chúa.



Suy niệm



  Sự Sống bao dung    


Mùa Chay hôm nay ở vào ngày Thứ Ba của Tuần Thứ Ba, ngày được bao trùm bởi bầu khí của lòng thương xót Chúa như được cảm nghiệm thấy ở phụng vụ lời Chúa trong ngày, một lòng thương xót Chúa được tỏ hiện rõ ràng nhất và tối hậu nhất nơi việc khoan dung độ lượng tha thứ của Thiên Chúa đối với loài người tội lỗi.

Đúng thế, Bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thường cho rằng "tên đầy tớ độc ác" trong dụ ngôn Chúa dạy về sự tha thứ đóng vai chính, một dụ ngôn Chúa muốn dùng để trả lời cho vấn nạn được tông đồ Phêrô đặt ra hỏi Người: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?"

Nhưng thật ra, căn cứ vào chung phụng vụ lời Chúa hôm nay, và riêng Bài Phúc Âm, chúng ta mới khám phá thấy rằng lòng thương xót Chúa là điểm then chốt được Giáo Hội muốn nhấn mạnh đến hôm nay khi Giáo Hội chọn đọc Bài Phúc Âm này cùng với Bài Đọc 1 cho cùng ngày.

Trước hết, chúng ta thấy dụ ngôn Chúa Giêsu sử dụng để trả lời cho câu hỏi phải tha thứ cho anh chị em mình bao nhiêu lần trong Bài Phúc Âm hôm nay, về bố cục, có hai phần rõ ràng: phần đầu về "người đầy tớ độc ác" bày tôi được vị vương chủ của hắn rộng lượng tha thứ, và phần sau về "người đầy tớ độc ác" này không chịu tha thứ cho con nợ của mình như chính bản thân đã được vị vương chủ tha nợ cho.

Thế nhưng, về nội dung, ý nghĩa chính yếu của dụ ngôn về tha thứ trong bài Phúc Âm này là ở chỗ "các con hãy thương xót như Cha là Đấng thương xót" (Luca 6:36), đúng như lời Chúa Giêsu khuyên các môn đệ của Người để kết luận bài Phúc Âm hôm nay: "Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".

Nghĩa là, chúng ta được Thiên Chúa là Cha tha thứ thế nào chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau như vậy, tha một cách bao dung, quảng đại, liên lỉ, không bao giờ cùng, đúng như Chúa Giêsu đã khẳng định và muốn các tông đồ môn đệ của người thi hành: "Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy".

Việc tha thứ cho nhau một cách quảng đại bao dung và liên tục bất tận như Cha trên trời như thế đã được Chúa Giêsu diễn tả trong dụ ngôn về sự tha thứ của vị vương chủ "động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y", một con nợ bầy tôi đã "mắc nợ" vua "mười ngàn nén bạc", nhưng "không có gì trả", có nghĩa là không thể nào trả nổi, bởi thế cho "nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ", nghĩa là tất cả những gì quí báu nhất con nợ có được, liên quan đến chính bản thân hắn cùng gia đình hắn và gia tài của hắn, để bù đắp phần nào món nợ hắn không thể trả thôi.

Chúng ta nên chú ý một chi tiết về lòng bao dung quảng đại đến vô lý của lòng thương xót Chúa trong dụ ngôn này, đó là trong khi người bầy tôi "sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: 'Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả'", thì cho dù người con nợ bầy tôi này không xin tha nợ, mà chỉ xin khất nợ và hứa sẽ trả sau, không biết cho tới bao giờ mới trả hết, ấy vậy mà vị vương chủ lại "động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y" mới là chuyện kỳ cục chứ, mới hay chứ. 

Ấy thế mà, khi đã được hoàn toàn "trả tự do", không còn nợ nần gì với vị vương chủ của mình nữa, không còn sợ bị đòi nợ nữa, không còn phải lo lắng làm sao để trả nợ đầy đủ và đúng hẹn nữa, thì "người đầy tớ độc ác" này lại đối xử với một con nợ của hắn hoàn toàn ngược lại với những gì hắn đã được đối xử. Ở chỗ, hắn là bầy tôi được vương chủ cao cả tha hết nợ, trong khi người bạn của hắn, ngang hàng với hắn, hắn lại muốn làm vua của người bạn hắn.

Thật vậy, theo dụ ngôn của Chúa, "một người bạn" của hắn chỉ nợ hắn một chút xíu thôi, "một trăm bạc", vì vai vế bạn bè ngang hàng với nhau, chỉ là tạo vật như nhau, không nhiều như món nợ khổng lồ hắn không thể trả, vì hắn đóng vai bầy tôi với chủ nợ là vương đế cao cả, nhưng đã được chủ nợ cao cả này hoàn toàn tha bổng, "mười ngàn nén bạc", thế màdù con nợ của hắn đã van xin hắn khất nợ như hắn đã làm: "Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: 'Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh'", nhưng hắn đã đối xử với con nợ của hắn hoàn toàn trái ngược lại với vị vương chủ của hắn đã đối xử với hắn: "Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong". 

Dụ ngôn trong Bài Phúc Âm hôm nay về lòng "thương xót như Cha là Đấng thương xótở chỗ chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ thế nào, chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau như vậy. Nghĩa là Lòng Thương Xót Chúa không phải chỉ là một đặc ân cho riêng một ai xứng đáng, mà là cho tất cả mọi người, cần phải truyền đạt và loan truyền qua những ai đã nhận lãnh đặc ân này, qua những ai đã được thương xót. 

Những ai không biết tha thứ cho anh chị em mình: "xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con", sống hẹp hòi, luôn có những thái độ chấp nhất với những người anh chị em ngang hàng với họ xúc phạm đến họ, là những người chưa cảm nghiệm được lòng thương xót Chúa là Đấng vô cùng cao cả bị họ xúc phạm đến, chưa hiểu được lòng thương xót Chúa là gì, hay thậm chí lợi dụng lòng thương xót Chúa, bóp méo lòng thương xót Chúa, giam nhốt lòng thương xót Chúa và hủy hoại lòng thương xót Chúa nơi bản thân mình, và vì thế, họ đã bị tẩu hỏa nhập ma, vì chính lòng thương xót Chúa từ một hồng ân đã biến thành tai họa cho họ, biến thành một "tên lý hìnhnhư phần kết luận của dụ ngôn cho thấy: 

"Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: 'Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?' Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ". 

Phải, mang thân phận là tội nhân, không một con người tạo vật nào không cần đến lòng thương xót Chúa, nhất là thành phần được hưởng lòng thương xót Chúa mà không sống lòng thương xót Chúa, đến độ bị chính lòng thương xót Chúa hành hạ cho đến khi họ biết sống lòng thương xót Chúa: "cho đến khi trả hết nợ". 

Lòng thương xót Chúa quả thực là một hồng ân đối với loài người tội nhân, ở chỗ, Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho tội nhân không phải vì họ mà là vì chính Ngài - nếu vì họ thì họ chỉ đáng phạt, xứng với tội lỗi của họ. Nhưng cho dù họ tội lỗi bất xứng với Ngài và đáng bị phạt như thế chăng nữa, Ngài vẫn thương xót họ và tha thứ cho họ bởi Ngài chính là tình yêu vô cùng nhân hậu. 

Đó là lý do, trong Bài Đọc 1 hôm nay, khi cầu xin cho dân tộc của mình đang trải qua hoạn nạn khốn khổ: "chúng con đã trở nên yếu hèn hơn mọi dân tộc và hôm nay, vì tội lỗi chúng con, chúng con bị nhục nhã ở mọi nơi...", Adaria đã nại đến chính Thiên Chúa cho thân phận dân tộc của mình: "Vì danh Chúa, xin đừng bỏ con mãi mãi cho quân thù, và xin đừng hủy bỏ lời giao ước của Chúa. Xin chớ cất lòng từ bi Chúa khỏi chúng con". 

Chẳng những thế, Adaria còn xin lòng thương xót Chúa tỏ mình ra nơi thân phận đáng phạt của họ để cho lòng thương xót Chúa được sáng tỏ hơn nữa, đúng như dự án và đường lối tỏ mình ta tối đa hết cỡ của lòng thương xót Chúa: "Bây giờ chúng con hết lòng theo Chúa, kính sợ Chúa và tìm kiếm tôn nhan Chúa. Xin đừng để chúng con phải hổ thẹn, nhưng xin hãy đối xử với chúng con theo lòng nhân hậu và lòng từ bi sung mãn của Chúa. Lạy Chúa, xin làm những việc lạ lùng mà cứu thoát chúng con, và xin cho thánh danh Chúa được vinh quang".

Bài Đáp Ca hôm nay hoàn toàn phản ảnh ý nghĩa và chiều hướng của chung phụng vụ Lời Chúa trong ngày, cách riêng với Bài Đọc 1 cùng ngày về lòng thương xót Chúa, vị "Thiên Chúa cứu độ", vị Thiên Chúa thương xót nhân loại tội lỗi khốn khổ bởi chính mình Ngài là Đấng "nhân hậu và công minh", chỉ biết đối xử với loài người tạo vật thấp hèn đầy những yếu đuối của họ bằng "lòng thương xót tự muôn đời vẫn có":

1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. 

2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. 

3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. 



Thứ Tư


Lời Chúa


Bài Ðọc I: Ðnl 4, 1. 5-9

"Các ngươi hãy tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm".

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môi-sen nói với dân chúng rằng: "Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà tôi dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi nên biết, tôi thừa lệnh Chúa là Thiên Chúa tôi mà truyền dạy cho các ngươi biết lề luật và huấn lệnh của Chúa, để các ngươi thi hành các điều ấy trong phần đất mà các ngươi chiếm hữu; các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân, để khi nghe nói đến tất cả các lề luật ấy, họ nói: "Thật, dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng suốt". Không một dân tộc vĩ đại nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta ở bên cạnh chúng ta khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như tôi trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?

"Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi, đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 15-16. 19-20

Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa (c. 12a).

Xướng: 1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa. Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các chốt cửa thành ngươi; Người đã chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. - Ðáp.

2) Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. Người khiến tuyết rơi như thể lông cừu, Người gieo rắc sương đông như tro bụi trắng. - Ðáp.

3) Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. - Ðáp.

 

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Xh 33, 11

Chúa phán: "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống".

 

Phúc Âm: Mt 5, 17-19

"Ai giữ và dạy người ta giữ, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời".

Ðó là lời Chúa.


Suy niệm

 

 

   Sự Sống ng nghiệm   


Hôm nay là Thứ Tư của Tuần Thứ Ba Mùa Chay, phụng vụ lời Chúa được Giáo Hội cố ý chọn đọc cho ngày này nhấn mạnh đến việc tuân giữ lề luật Chúa, đúng như hai câu tiêu biểu ở trên đầu của Bài Đọc 1 cũng như của Bài Phúc Âm cho thấy: "Các ngươi hãy tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm" (Bài Đọc 1) và "Ai giữ và dạy người ta giữ, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời" (Bài Phúc Âm).

Ở Bài Phúc Âm, chính Chúa Giêsu đã chẳng những đề cao tính chất bất khả thay đổi của lề luật mà còn đến việc trung thành với lề luật, bao gồm cả việc tuân giữ lề luật cũng như giảng dạy lề luật, kèm theo tác dụng tích cực hay tiêu cực trong việc tuân giữ lề luật và giảng dạy lề luật như thế nào nữa:

"Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai hủy bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời".

Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là nếu lề luật quan trọng như vậy và bất khả di dịch như thế thì tại sao Chúa Giêsu lại phán một câu, cũng ngay trong Bài Phúc Âm hôm nay, như thể lề luật vẫn là những gì chưa trọn hảo, cần phải được hoàn hảo hóa bởi Người nữa: "Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn". 

Trong câu khẳng định này của Chúa Giêsu chúng ta thấy chất chứa một mối liên hệ giữa lề luật và bản thân Chúa Giêsu, Đấng mà "khi thời điểm viên trọn, đã được sinh hạ bởi một người nữ, được hạ sinh theo lề luật để cứu những ai lệ thuộc lề luật khỏi lề luật hầu chúng ta lãnh nhận thân phận làm dưỡng tử" (Galata 4:4).

Quả thực, đúng như Chúa Giêsu đã minh định "Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri". Người không hủy bỏ những gì Cha Người đã sử dụng để hướng dẫn dân Do Thái trong lịch sử cứu độ của họ, nhờ đó, dân tộc như là sản nghiệp của Thiên Chúa trên trần gian này mới thực sự tỏ ra là một dân tộc nổi bật nhất trong các dân tộc trên thế gian này, vì họ là dân của Chúa, chẳng khác gì ngọn hải đăng đối với các dân tộc khác được gọi chung là dân ngoại, không phải dân Do Thái. 

Vị trung gian môi giới Moisen của họ đã bày tỏ cho họ thấy cảm nhận cái diễm phúc được Thiên Chúa hướng dẫn bằng các lề luật siêu việt của Ngài ấy trong Bài Đọc 1 như sau: 

"Các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân, để khi nghe nói đến tất cả các lề luật ấy, họ nói: 'Thật, dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng suốt'. Không một dân tộc vĩ đại nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta ở bên cạnh chúng ta khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như tôi trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?"

Và cũng chính vì lề luật được Thiên Chúa thương yêu truyền dạy cho họ như thế để họ xứng đáng với ơn gọi chuyên biệt của họ giữa tất cả mọi dân tộc cũng như với thân phận ưu tuyển của mình như là sản nghiệp của Thiên Chúa trên thế gian này, hơn tất cả mọi dân tộc khác, mà họ phải trung thành tuân giữ lề luật của Ngài cũng như truyền dạy lề luật của Ngài cho nhau nữa:

"Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà tôi dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi nên biết, tôi thừa lệnh Chúa là Thiên Chúa tôi mà truyền dạy cho các ngươi biết lề luật và huấn lệnh của Chúa, để các ngươi thi hành các điều ấy trong phần đất mà các ngươi chiếm hữu... Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi, đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy".

Chính dân Do Thái, qua thánh vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay, cũng đã cảm thấy đúng như vậy, khi vang lên những ý thức thần linh về lời thần linh của Thiên Chúa là chính cốt lõi của lề luật cho họ và làm nên lề luật của họ như sau:

1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa. Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các chốt cửa thành ngươi; Người đã chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. 

2) Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. Người khiến tuyết rơi như thể lông cừu, Người gieo rắc sương đông như tro bụi trắng.

3) Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. 

Thật ra, lời Chúa Giêsu tuyên bố trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn", liên quan đến chính bản thân của Người, đến mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm cứu độ tất cả loài người, chứ không riêng gì dân Do Thái, đúng như ý định cứu độ của Thiên Chúa ngay từ ban đầu sau nguyên tội xẩy ra cho chung loài người (xem Khởi Nguyên 3:15).

Đúng thế, chính Chúa Giêsu sau khi sống lại từ trong kẻ chết Người để chiến thắng tội lỗi và sự chết nơi bản tính đã bị băng hoại từ nguyên tội và bởi nguyên tội, đã chứng tỏ rằng Người đã "kiện toàn", chứ không "hủy bỏ", "lề luật và các tiên tri", hay nói cách khác, tất cả những gì đã được viết ra hay đề cập đến trong lề luật và bởi các vị tiên tri đều đã được trọn vẹn ứng nghiệm nơi Người, như chính Người đã sử dụng đến chính "lề luật và các tiên tri" để chứng thực rằng Người đã sống lại, và vì thế Người là "Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16).

Lần thứ nhất Người đã chứng thực với hai môn đệ đi Emmau (Luca 24: 25-27)

"Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: 'Các anh chẳng hiểu gì cả ! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh".

Lần thứ hai Người đã chứng thực với 11 tông đồ ngay trong cùng tối của ngày thứ nhất trong tuần đó (Luca 24: 44-46)

"Rồi Người bảo: 'Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm'. Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: 'Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại...'".

Trong Biến Cố Biến Hình, được Giáo Hội chọn đọc từ các bài Phúc Âm của bộ Phúc Âm Nhất Lãm, bao giờ cũng cho Chúa Nhật II Mùa Chay, như chu kỳ phụng niên Năm C, Thánh ký Luca cho biết: "Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem", đã cho thấy rõ lời tính chất xác thực của lời Chúa Giêsu tuyên bố trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn" bằng cuộc Vượt Qua của Người.

Như thế, Chúa Giêsu quả thực đã tự mình ứng nghiệm những gì được cho là chủ đề của chung Mùa Chay bao gồm cả Tuần Thánh liên quan đến Cuộc Vượt Qua của Người: "Tôi tự ý bỏ mạng sống mình đi để lấy nó lại" (Gioan 10:17).

 



Thứ Năm


Lời Chúa


Bài Ðọc I: Gr 7, 23-28

"Này là dân không chịu nghe lời Chúa là Thiên Chúa của họ".

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Ðây Chúa phán: Ta truyền cho họ lời này: Các ngươi hãy nghe lời Ta, thì Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi, và các ngươi sẽ là dân Ta. Các ngươi hãy đi trong mọi đường lối mà Ta truyền dạy cho các ngươi, để các ngươi được hạnh phúc.

Nhưng họ không nghe, họ không chịu lắng tai, họ vẫn chạy theo ý định và lòng xấu xa của họ, họ đã ngoảnh mặt đi chứ không nhìn Ta. Từ ngày cha ông họ ra khỏi đất Ai-cập cho đến ngày nay, ngay từ sáng sớm, Ta lần lượt sai các tiên tri tôi tớ của Ta đến với họ, nhưng họ không nghe Ta, không chịu lắng tai nghe. Họ tỏ ra cứng đầu cứng cổ, và còn sống tệ hơn cha ông họ! Ngươi có nói cho họ biết tất cả các điều ấy, thì họ sẽ không nghe ngươi đâu; Vậy ngươi hãy nói cho họ biết: Này là dân không chịu nghe lời Chúa là Thiên Chúa của họ, không chấp nhận kỷ luật, lòng trung tín đã mất và miệng họ không còn nhắc đến nữa.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Các bạn đừng cứng lòng (c. 8).

Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi; chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. - Ðáp.

2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy; hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. - Ðáp.

3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta". - Ðáp.

 

Câu Xướng Trước Phúc Âm: 2 Cr 6, 2

Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.

 

Phúc Âm: Lc 11, 14-23

"Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu trừ một quỷ câm. Khi quỷ ra khỏi, người câm liền nói được và dân chúng đều bỡ ngỡ. Nhưng có mấy người trong bọn họ nói rằng: "Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ". Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống. Nhưng Người biết ý của họ, liền phán:

"Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó, chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.

"Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn; nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tan hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán".

Ðó là lời Chúa.

 


Suy niệm



  Sự Sống liên kết 

 

 

Ngày Thứ Năm trong Tuần Thứ Ba Mùa Chay hôm nay, phụng vụ lời Chúa được Giáo Hội cố ý chọn đọc cho ngày này, nội dung của cả Bài Đọc 1 lẫn Bài Phúc Âm đều trở nên như một lời khẳng định rằng chỉ khi nào con người vào qua cửa hẹp và đi theo con đường hẹp mới có thể đạt đến sự sống chân thật và phúc thật, bằng ngược lại sẽ toàn là bất hạnh và diệt vong (xem Mathêu 7:13-14).

Đúng thế, trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Luca thuật lại những lời Chúa Giêsu, sau khi "trừ một quỷ câm", và "khi quỷ ra khỏi, người câm liền nói được", khiến "dân chúng đều bỡ ngỡ", đã vạch trần những tâm tưởng thiển cận có tính cách xuyên tạc và chụp mũ cho việc Người làm: "Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ", một việc không ai trên trần gian này có thể làm được ngoại trừ Thiên Chúa hay những ai được Thiên Chúa ở cùng. 

Thậm chí việc Người trừ quỉ như thế, một việc không ai là loài người thuần túy có thể làm được vẫn chưa hay lắm, vẫn chưa thể làm cho một số người trong họ tin, đến độ, như Bài Phúc Âm cho thấy, họ còn muốn "xin Người một dấu lạ từ trời xuống", nghĩa là những gì đúng như ý của họ, có tính cách chủ quan như họ nghĩ, thì họ mới tin, còn những gì khác, cho dù là việc của Thiên Chúa đi nữa, cho dù lạ lùng mấy chăng nữa, cho dù họ không thể nào làm được v.v., họ cũng không tin. 

Chẳng hạn, việc trừ quỉ, dù họ không làm được nhưng họ vẫn hiểu được nên cũng chẳng đáng tin. Theo kiến thức của họ về việc Chúa Giêsu trừ quỉ đó là vì quỉ nhỏ phải sợ quỉ lớn, mà Chúa Giêsu lấy quyền quỉ lớn mà trừ quỉ con thì tất nhiên phải có công hiệu 100%, đâu có gì là lạ, đâu có gì đáng phục, bởi thế, đối với họ, Người còn cần phải thực hiện thêm "một dấu lạ từ trời xuống" nữa. 

Bởi thế, Chúa Giêsu, cho dù bản thân của Người và phẩm vị là Con Thiên Chúa của Người bị xúc phạm một cách trắng trợn và vô cùng trầm trọng như vậy, ở chỗ, Người bị coi như cũng bị quỉ ám, bị chính tướng quỉ ám thì Người mới có thể trừ được quỉ con nơi con người nạn nhân ở đầu bài Phúc Âm hôm nay. 

Tuy nhiên, là hiện thân của Cha trên trời là Đấng Thương Xót (xem Luca 6:36), Người vẫn tỏ ra "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" (Mathêu 11:29), vẫn tỏ ra nhân từ đối với những con người lầm lạc đáng thương, nhưng Người vẫn không thể nào chấp nhận cái sai lầm của họ, nên đã vạch ra cho họ thấy cái mẫu thuẫn nơi lập luận lý lẽ có tính cách ác cảm của họ với Người như sau:

"Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó, chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi".

Qua câu minh giải này của mình, Chúa Giêsu cho những ai có ý nghĩ Người "nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ" chẳng những thấy được cái mâu thuẫn sai lầm của họ: "Nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được?", mà còn cho họ thấy trách nhiệm gây ra bởi những gì họ nói: "Chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi", nhất là cho họ biết được thật sự Người đã lấy quyền nào mà trừ quỉ, và chính quyền lực ấy là "một dấu lạ từ trời xuống" đúng như họ mong muốn: "Nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi".

Thật vậy, "một dấu lạ từ trời xuống" chứng thực "nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi" đó là việc Thiên Chúa bắt đầu trực tiếp nhúng tay vào công cuộc cứu chuộc loài người cho khỏi quyền lực tối tăm và sự chết do ma quỉ gây ra từ nguyên tội. Bởi vì, "ngón tay Thiên Chúa" đây ám chỉ Thần Linh của Thiên Chúa, như Thánh ký Mathêu ghi lại lời Chúa Giêsu minh định cũng trong cùng một trường hợp này: "Nếu bởi Thần Linh của Thiên Chúa mà Tôi trừ quỉ thì triều đại Thiên Chúa đã đến trên quí vị rồi đó" (12:28).

Câu nói của Chúa Giêsu ở cuối Bài Phúc Âm hôm nay cũng ám chỉ đến chính quyền lực của Thần Linh Thiên Chúa mạnh hơn quyền lực của tướng quỉ Belzebul, chẳng những có thể trừ được cả đám quỉ con mà còn trừ được cả quỉ vương, diệt trừ được cả vương quốc của hỏa ngục, của ngụy thần nữa, thành phần là quyền lực sự dữ và chết chóc đã thống trị loài người từ nguyên tội và đang bị tiêu diệt qua việc trừ quỉ của nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét Thiên Sai Cứu Thế:

"Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn; nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tan hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán".

"Nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn" ở đây không phải là ám chỉ đến "Thần Linh của Thiên Chúa" hay sao, vì chỉ có "ngón tay Thiên Chúa" mới có thể "tước hết khí giới hắn tin tưởng (ám chỉ khí giới của ma quỉ là giả dối gian ác, kiêu căng tự ái, hận thù ghen ghét, bất tuân phản loạn v.v.), và làm tiêu tan hết những gì đã tước đoạt (những gì đã bị ma quỉ tước đoạt đây ám chỉ chính loài người đã loài trở thành nô lệ của ma quỉ, thuộc về ma quỉ)". 

Sự kiện Chúa Giêsu trừ quỉ tiên báo vương quốc của ma quỉ đã đến lúc bị hủy diệt, và con người được giải thoát khỏi quyền lực thống trị và cầm buộc của chúng mà tự họ không thể nào thoát được. Thế nhưng, chỉ có ai muốn được giải cứu, chấp nhận việc giải cứu của Người mới thoát được quyền lực của hỏa ngục mà thôi. Phải chăng đó là ý nghĩa lời Chúa Giêsu kết thúc Bài Phúc Âm hôm nay: "Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán", một lời còn được phản ảnh nơi nội dung của Bài Đọc 1 hôm nay. 

Qua miệng lưỡi của Tiên tri Giêrêmia, Thiên Chúa đã kêu gọi dân của Ngài hãy sống "thuận" theo Ngài như Ngài mong muốn để xứng đáng với Ngài là Đấng yêu thương tuyển chọn họ, và nhờ đó họ cũng được và mới được hạnh phúc: "Các ngươi hãy nghe lời Ta, thì Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi, và các ngươi sẽ là dân Ta. Các ngươi hãy đi trong mọi đường lối mà Ta truyền dạy cho các ngươi, để các ngươi được hạnh phúc". Thế nhưng, tiếc thay, dân của Ngài vẫn tiếp tục sống "nghịch" với Ngài, như chính Ngài đã nhận định về họ như sau:

"Nhưng họ không nghe, họ không chịu lắng tai, họ vẫn chạy theo ý định và lòng xấu xa của họ, họ đã ngoảnh mặt đi chứ không nhìn Ta. Từ ngày cha ông họ ra khỏi đất Ai-cập cho đến ngày nay, ngay từ sáng sớm, Ta lần lượt sai các tiên tri tôi tớ của Ta đến với họ, nhưng họ không nghe Ta, không chịu lắng tai nghe. Họ tỏ ra cứng đầu cứng cổ, và còn sống tệ hơn cha ông họ! Ngươi có nói cho họ biết tất cả các điều ấy, thì họ sẽ không nghe ngươi đâu; Vậy ngươi hãy nói cho họ biết: Này là dân không chịu nghe lời Chúa là Thiên Chúa của họ, không chấp nhận kỷ luật, lòng trung tín đã mất và miệng họ không còn nhắc đến nữa".

Đó là lý do trong Bài Đáp Ca hôm nay, thánh vịnh gia đã kêu gọi dân của mình hãy nhận biết Thiên Chúa và nghe lời Ngài chứ đừng cứng lòng trước những mạc khải thần linh cứu độ của Ngài nữa:

1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi; chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. 

2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy; hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. 

3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta". 

 

Ngày 03/3: Thánh Catharine Drexe

Nếu quý vị có cha là một trùm tư bản ngân hàng quốc tế và mỗi khi đi tầu hỏa quý vị có hẳn một toa riêng sang trọng thì một cuộc sống khó nghèo tự nguyện xem ra rất là xa vời đối với quý vị. Nhưng nếu quý vị có một bà mẹ mỗi tuần mở cửa nhà ba ngày để đón tiếp người nghèo và một ông bố của quý vị mỗi chiều dành ra nửa tiếng để cầu nguyện thì việc dâng hiến cuộc sống để phục vụ người nghèo và cho đi hàng triệu đô-la cũng có thể nằm trong tầm tay của quý vị. Katharine Drexel đã làm được kỳ tích này.

Cô chào đời năm 1858 tại Philadelphia, Hoa Kỳ. Một nền giáo dục lý tưởng và những cuộc du lịch khắp nơi dĩ nhiên là những điều bình thường nơi cô con gái một triệu phú. Với lắm tiền nhiều của thì con đường vào đời của cô rộng thênh thang. Nhưng khi cô chăm sóc bà mẹ kế trong ba năm liệt giường sau cùng, cô thấy rõ ràng rằng tất cả của cải của gia tộc Drexel cũng không thể bảo vệ cô khỏi đau khổ và cái chết. Từ đó cuộc đời cô có một bước ngoặt sâu xa.

Cô luôn quan tâm đến tình cảnh khốn khổ của những người da đỏ và cô càng xúc động vô vàn khi đọc cuốn sách "Một Thế Kỷ Ô Nhục" của Helen Hunt. Trong một lần du lịch Âu Châu cô gặp Ðức Giáo Hoàng Lê-ô 13 và xin ngài cử thêm các nhà truyền giáo đến Wyoming trợ giúp bạn cô là Ðức Giám Mục James O'Connor. Ðức Thánh Cha chỉ nhẹ nhàng gợi ý cho cô: "Tại sao chính con không trở thành một nhà truyền giáo?" Câu trả lời của ngài làm cô bàng hoàng và đã mở ra những chân trời mới cho cô.

Quay về tổ quốc, cô đến thăm dân da đỏ Dakotas, gặp mặt lãnh tụ của dân Sioux là Mây Ðỏ và bắt đầu việc trợ giúp có hệ thống cho việc truyền giáo cho dân da đỏ.

Cô đã có thể dễ dàng lập gia đình. Nhưng sau nhiều cuộc thảo luận với Ðức Giám Mục O'Connor, cô ghi lại vào năm 1889: "Lễ Thánh Cả Giu-se đã mang đến cho tôi hồng ân dâng hiến đời mình cho người da đỏ và người da đen." Các tờ báo vào thời đó đã phải la toáng lên: "Một cô gái đã cho đi bẩy triệu đô-la!" (Theo thời giá thì phải bằng hàng trăm triệu đô-la hiện nay)

Sau ba năm rưỡi đào luyện, cô và nhóm Nữ Tu tiên khởi (Chị Em Thánh Thể vì Người Da Ðỏ và Da Ðen) thiết lập một ngôi trường nội trú tại Santa Fe. Hàng loạt các ngôi trường khác tiếp nối hình thành. Vào năm 1942 cô đã có một hệ thống các ngôi trường Công Giáo trong 13 tiểu bang, thêm vào đó là 40 trung tâm truyền giáo và 23 ngôi trường tại miền quê. Bọn phân chủng điên cuồng chống đối cô, chúng còn đốt cả một ngôi trường tại Pennsylvania. Tổng kết, cô đã thiết lập được 50 cơ sở truyền giáo cho người da đỏ tại 16 tiểu bang.

Hai đấng thánh đã gặp nhau khi Mẹ Cabrini (1850 - 1917, người Hoa Kỳ đầu tiên được phong thánh, đấng đã sáng lập Dòng các Chị Em Thánh Tâm năm 1880) cố vấn cho cô về cách thức xin Rô-ma châu phê Hiến Pháp của Dòng do cô thành lập. Thành quả lớn lao của cô là thiết lập Ðại Học Xavier tại New Orleans, đại học đầu tiên tại Hoa Kỳ dành cho người da đen.

Vào năm 77 tuổi, cô bị một cơn đau tim và bắt buộc phải về hưu. Về mặt bề ngoài thì hiển nhiên là cuộc đời của cô đã qua đi. Nhưng về bên trong lại bắt đầu 20 năm sống trong thinh lặng và cầu nguyện mãnh liệt của cô trong một căn phòng nhỏ nhìn sang nhà nguyện. Những cuốn sổ nhỏ và các tờ giấy ghi chép đã ghi lại nhiều lời cầu nguyện, chiêm niệm và hoài bão của cô. Cô qua đời vào năm 96 tuổi và được phong Hiển Thánh vào năm 2000.

Các thánh luôn có một tiếng nói chung là: Cầu nguyện, khiêm nhường, đón chịu thập giá, yêu thương và tha thứ. Nhưng thật tuyệt vời khi ta có thể nghe những điều này nơi một cô gái đôi tám đài các, từ bé đã sống trong nhung lụa cực kỳ sa hoa, nhưng đã quyết tâm không ăn bánh ngọt, không ăn mứt, bé xíu đã đeo bông tai và đồng hồ (chỉ có trẻ em con nhà thật giàu vào thời đó mới có được những thứ đó), hay đuợc báo chí phỏng vấn, thường xuyên đi du lịch bằng xe lửa, mà lại thiết tha với việc truyền giáo cho người da đỏ. Ðây là một nhắc nhở cho chúng ta rằng sự thánh thiện có thể đạt được ở khắp mọi nơi, ngay ngày hôm nay tại đây cũng như ở Rô-ma và Giê-ru-sa-lem.

Thánh nữ Katharine Drexel đã nói: "Sự kiên trì khiêm nhường và nhẫn nại của Thập Giá - dù thực chất là gì đi nữa - là công việc tối thượng mà chúng ta phải làm. Nay đã 84 tuổi mà tôi còn xa vời biết bao trong việc trở thành một diện mạo của Chúa Giê-su như Ngài đã sống cuộc đời chí thánh của Ngài trên thế gian."

Lễ kính Thánh Katharine Drexel vào ngày 3 tháng 3 hàng năm.

 Hoàng Thiên Ân

 (Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 103, ngày 8/03/2003)



Thứ Sáu


Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Hs 14, 2-10

"Chúng tôi sẽ không còn nói rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm ra".

Trích sách Tiên tri Hôsê.

Ðây Chúa phán: Hỡi Israel, hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa ngươi, vì ngươi đã gục ngã trong đường tội ác. Các ngươi hãy mang lấy lời Chúa và trở về với Chúa; các ngươi hãy thưa rằng: "Xin hãy xoá bỏ mọi tội ác, và nhận điều lành. Chúng tôi dâng lên Chúa của lễ ca tụng. Asurô sẽ không giải thoát chúng tôi, chúng tôi sẽ không cỡi ngựa và sẽ không còn nói rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm ra, vì nơi Chúa, kẻ mồ côi tìm được sự thương xót".

Ta sẽ chữa sự bất trung của họ và hết lòng yêu thương họ, vì Ta đã nguôi giận họ. Ta sẽ như sương sa, Israel sẽ mọc lên như bông huệ và đâm rễ như chân núi Liban. Các nhánh của nó sẽ sum sê, vẻ xinh tươi của nó như cây ô-liu và hương thơm của nó như hương thơm núi Liban. Thiên hạ sẽ đến ngồi núp dưới bóng mát của nó, họ sống bằng lúa mì và lớn lên như cây nho. Nó sẽ được lừng danh như rượu Liban.

Hỡi Ephraim, tượng thần giúp ích gì cho ngươi không? Chính Ta sẽ nhậm lời và săn sóc ngươi, cho ngươi mọc lên như cây hương nam xinh tươi. Nhờ Ta, ngươi sẽ sinh hoa kết quả.

Ai là người khôn ngoan hiểu được các việc này, ai là người sáng suốt biết được các việc đó? Vì chưng đường lối của Chúa là đường ngay thẳng và những người công chính sẽ đi trên đó, còn các người gian ác sẽ gục ngã trên đó".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 80, 6c-8a. 8bc-9. 10-11ab. 14 và 17

Ðáp: Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, hãy nghe Ta răn bảo (x. c. 11 và 9a).

Xướng: 1) Tôi đã nghe lời nói mới lạ rằng: Ta đã cứu vai ngươi khỏi mang gánh nặng, tay ngươi không còn phải mang thúng mủng. Trong cảnh gian truân ngươi cầu cứu, và Ta giải thoát ngươi. - Ðáp.

2) Ta đáp lời ngươi từ trong áng mây vang ran sấm sét, Ta thử thách ngươi gần suối nước Mêriba. Hỡi dân tộc Ta, hãy nghe Ta răn bảo, Israel, ước chi ngươi biết nghe lời Ta! - Ðáp.

3) Ở nơi ngươi đừng có một chúa tể nào khác cả, ngươi cũng đừng thờ tự một chúa tể ngoại lai: vì Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ta đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập. - Ðáp.

4) Phải chi dân của Ta biết nghe lời Ta, Israel biết theo đường lối Ta mà ăn ở: Ta sẽ lấy tinh hoa lúa mì nuôi dưỡng chúng, và cho chúng ăn no mật từ hốc đá chảy ra. - Ðáp.

 

Câu Xướng Trước Phúc Âm:

Phúc cho những ai thành tâm thiện chí giữ lấy lời Chúa, và nhẫn nại sinh hoa kết quả.

 

Phúc Âm: Mc 12, 28b-34

"Thiên Chúa của ngươi là Thiên Chúa duy nhất, và ngươi hãy kính mến Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô.

Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?"

Chúa Giêsu đáp: "Giới răn trọng nhất chính là: "Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi". Còn đây là giới răn thứ hai: "Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi". Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó". Luật sĩ thưa Ngài: "Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh". Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu". Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

Ðó là lời Chúa.

 

 

Suy niệm


  Sự Sống nhận biết

 

 

Hôm nay, Thứ Sáu trong Tuần Thứ Ba Mùa Chay, phụng vụ lời Chúa trong ngày cùng nhắm đến một thực tại thần linh duy nhất cũng là một ơn gọi duy nhất vô cùng quan trọng cho phần rỗi của con người, đó là "Thiên Chúa của ngươi là Thiên Chúa duy nhất, và ngươi hãy kính mến Người" (Bài Phúc Âm), và chính vì thế mà "chúng tôi sẽ không còn nói rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm ra" (Bài Đọc 1).

Thật vậy, muốn được cứu rỗi hay được sự sống đời đời con người thụ tạo và tội lỗi cần phải nhận biết Thiên Chúa (xem Gioan 17:3; 1Timothêu 2:4-5), mà là một nhận biết về một Vị Thiên Chúa như Ngài là, tức đúng như Ngài tỏ mình ra cho dân Do Thái dọc suốt giòng Lịch Sử Cứu Độ của họ, nhất là nơi chính Chúa Giêsu Kitô Con Ngài là tột đỉnh mạc khải thần linh của Ngài và là tất cả mạc khải thần linh của Ngài, "khi đến thời điểm viên trọn" (Galata 4:4), chứ không phải là một Vị Thiên Chúa như con người nghĩ tưởng hay mong muốn, như thể Thiên Chúa là một thứ ngẫu tượng của họ hơn là một Thực Tại Thần Linh Chân Thiện Mỹ mà họ phải tìm kiếm, ước vọng và hiệp thông.

Nếu loài người nhận biết Thiên Chúa đúng như Ngài tỏ mình ra cho dân Do Thái dọc suốt giòng lịch sử của họ cho tới "khi thời gian viên mãn" là thời điểm Con Ngài "được hạ sinh bởi một người nữ" (Galata 4:4), thì con người sẽ thấy như Bài Phúc Âm lập lại ý thức thần linh quan trọng nhất trong Cựu Ước, rằng: "Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất", ngoài Ngài ra không có một chúa nào khác, không có một thần nào khác trên trời hay dưới đất này. 

Và chính vì thế, vì chỉ có một "Thiên Chúa chân thật duy nhất" (Gioan 17:3) mà ý thức thần linh về Ngài trong nội tâm của con người cần phải trở thành một mối liên hệ thần linh với Ngài trong đời sống đức tin của họ: "ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi". 

Nghĩa là con người cần phải "yêu mến Thiên Chúa" với tất cả con người mình, hay ngắn gọn hơn, con người cần phải hết mình yêu mến Thiên Chúa. Tức là họ cần phải nhận thức được mình thuộc về Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương mình, nên muốn đáp ứng tình yêu vô cùng của Thiên Chúa để được thực sự và trọn vẹn hiệp nhất nên một với Ngài, một cuộc hiệp thông thần linh là mục đích tối hậu cho việc Ngài có ý dựng nên con người.

"Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng": nghĩa là với tất cả tình yêu chân thành nhất và trọn hảo nhất của con người, ở chỗ, ít là, về phần tiêu cực, họ không xu hướng, tìm kiếm và dính bén một tạo vật nào khác, không coi một cái gì hơn Thiên Chúa, dù là sự vật (thế gian) hay sự việc (ma quỉ) hoặc chính bản thân mình (xác thịt). Đến độ, họ có được một tấm lòng như tạo vật đệ nhất về ân sủng Maria: "Tôi không hề biết đến nam nhân (ám chỉ tiêu biểu cho tất cả mọi đối tượng tạo vật không phải Thiên Chúa)" (Luca 1:34).

"Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết linh hồn": nghĩa là tâm hồn nhận biết "Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất" thì chẳng những về phần tiêu cực không xu hướng, tìm kiếm và dính bén một tạo vật nào khác, không coi một cái gì hơn Thiên Chúa, về phần tích cực chỉ có và chỉ còn một ý nguyện duy nhất đó là "nguyện danh Cha cả sáng" nơi tinh thần đơn sơ bé nhỏ, như một Trinh Nữ Nazarét Maria là "tôi tớ Chúa" (Luca 1:38).

"Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết trí khôn": nghĩa là tâm hồn nhận biết "Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhấtthì chẳng những sống tinh thần đơn sơ bé nhỏ, như một Trinh Nữ Maria là "tôi tớ Chúa" (Luca 1:38), mà còn, nơi tất cả mọi suy tính, chọn lựa và quyết định của mình, làm sao để thể hiện ý "nguyện nước Cha trị đến", nghĩa là để cho Ơn Cứu Độ của Chúa Kitô qua đời mình càng gây tác dụng thần linh trên thế gian này.

"Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết sức ngươi": nghĩa là tâm hồn nhận biết "Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhấtsống làm sao để chẳng những thể hiện được các ý "nguyện danh Cha cả sáng" và "nước Cha trị đến" mà còn "ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời" nữa, ở chỗ để cho Thánh Linh là Đấng "thấu suốt thâm cung của Thiên Chúa" (1Corinto 2:10) "dẫn vào tất cả sự thật" (Gioan 16:13) là được hiệp thông thần linh.

Và cũng chỉ khi nào tâm hồn yêu mến "Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất" hết mình như thế, ở chỗ "hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức", họ mới có thể "được hiệp nhất nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha" (Gioan 17:21), và nhờ đó họ mới có thể "yêu nhau như Thày yêu thương các con" (Gioan 13:34,15:12), một mức độ đức ái trọn hảo là tột đỉnh của "giới răn thứ hai", một giới răn thương yêu tha nhân trong Cựu Ước chỉ đòi buộc "Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi". 

Theo chiều hướng mạc khải thần linh của Thiên Chúa trong lịch sử của dân Do Thái, ở chỗ Ngài đã liên lỉ và hết cách theo khả năng tiếp nhận của dân Do Thái, tỏ mình ra cho họ thấy Ngài là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, ngoài Ngài ra không còn chúa tể hay thần linh ngẫu tượng hoặc tà thần nào khác, Thiên Chúa, qua miệng Tiên Tri Hôsê trong Bài Đọc 1 hôm nay, đã kêu gọi dân của Ngài hãy tái ý thức thần linh về Ngài, chứ đừng tiếp tục theo đuổi đường lối tội lỗi và tôn sùng ngẫu tượng của họ, hoàn toàn phản lại với mạc khải thần linh của Ngài:

"Hỡi Israel, hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa ngươi, vì ngươi đã gục ngã trong đường tội ác. Các ngươi hãy mang lấy lời Chúa và trở về với Chúa; các ngươi hãy thưa rằng: 'Xin hãy xoá bỏ mọi tội ác, và nhận điều lành. Chúng tôi dâng lên Chúa của lễ ca tụng. Asurô sẽ không giải thoát chúng tôi, chúng tôi sẽ không cỡi ngựa và sẽ không còn nói rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm ra, vì nơi Chúa, kẻ mồ côi tìm được sự thương xót".

Đúng thế, chỉ ở "nơi Chúa, kẻ mồ côi tìm được sự thương xót", vì họ đã phủ nhận các thứ ngẫu tượng và tà thần mà họ tin tưởng và cậy dựa trước kia, nên họ trở thành như "kẻ mồ côi", nhưng nhờ đó mà họ lại "tìm được sự thương xót" từ chính Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họỞ chỗ, như chính Ngài tiếp tục, ở Bài Đọc 1 hôm nay, bày tỏ tình yêu thương chăm sóc của Ngài đối với họ, nhờ đó họ được phát triển hết cỡ xứng với tầm vóc của họ như Thiên Chúa muốn như sau:

"Ta sẽ chữa sự bất trung của họ và hết lòng yêu thương họ, vì Ta đã nguôi giận họ. Ta sẽ như sương sa, Israel sẽ mọc lên như bông huệ và đâm rễ như chân núi Liban. Các nhánh của nó sẽ sum sê, vẻ xinh tươi của nó như cây ô-liu và hương thơm của nó như hương thơm núi Liban. Thiên hạ sẽ đến ngồi núp dưới bóng mát của nó, họ sống bằng lúa mì và lớn lên như cây nho. Nó sẽ được lừng danh như rượu Liban. Hỡi Ephraim, tượng thần giúp ích gì cho ngươi không? Chính Ta sẽ nhậm lời và săn sóc ngươi, cho ngươi mọc lên như cây hương nam xinh tươi. Nhờ Ta, ngươi sẽ sinh hoa kết quả".

Bài Đáp Ca hôm nay quả thực như còn văng vẳng tâm tình vô cùng yêu thương của Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất trong Bài Đọc 1 hôm nay, những tâm tình thiết tha với phần rỗi của loài tạo vật được Ngài dựng nên, với hạnh phúc chân thật của dân Ngài, những gợi nhớ để dân Ngài từ bỏ tà thần ngẫu tượng mà trở về với Ngài mà được sự sống:

1) Tôi đã nghe lời nói mới lạ rằng: Ta đã cứu vai ngươi khỏi mang gánh nặng, tay ngươi không còn phải mang thúng mủng. Trong cảnh gian truân ngươi cầu cứu, và Ta giải thoát ngươi. 

2) Ta đáp lời ngươi từ trong áng mây vang ran sấm sét, Ta thử thách ngươi gần suối nước Mêriba. Hỡi dân tộc Ta, hãy nghe Ta răn bảo, Israel, ước chi ngươi biết nghe lời Ta! 

3) Ở nơi ngươi đừng có một chúa tể nào khác cả, ngươi cũng đừng thờ tự một chúa tể ngoại lai: vì Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ta đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập. 

4) Phải chi dân của Ta biết nghe lời Ta, Israel biết theo đường lối Ta mà ăn ở: Ta sẽ lấy tinh hoa lúa mì nuôi dưỡng chúng, và cho chúng ăn no mật từ hốc đá chảy ra. 

Ngày 04/3: Thánh Casimirô

Thánh Casimirô sinh tại Cracovie năm 1458. Ngài là con vua Casimir IV, hoàng đế Ba Lan. Hình ảnh nổi bật nhất nơi ngài phải là hình ảnh của con người cầu nguyện. Ðược giáo dục đầy đủ và hoàn hảo, ngài có được đức tính nhân từ, kiên nhẫn. Nhất là biết chế ngự thân xác bất chấp cơn bệnh luôn hành hạ ngài. Ngài luôn lợi dụng những đau khổ thân xác để suy ngẫm về cuộc khổ nạn của Chúa. Ngài không bao giờ quên cầu nguyện cho đức tin Công Giáo, cho anh em ly giáo Rythenes và cho chính bản thân mình nữa. Ngài có tấm lòng quảng đại thương người cách đặc biệt, nhất là đối với dân nghèo và người tàn tật. Nhưng như đã biết, con người của ngài là con người cầu nguyện..., chính trong việc thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, lòng sùng kính Ðức Trinh Nữ và sự hy sinh từ bỏ mà ngài kín múc được sinh lực dồi dào cho đức tin. Những người Công Giáo Ba Lan đã tìm thấy trong ngài một mẫu gương sáng chói trong cuộc chiến thầm lặng nhưng đầy cam go mà họ phải trải qua.

Bệnh lao vẫn không ngừng theo đuổi ngài cho đến khi ngài kiệt sức và an nghỉ trong Chúa năm 1483 tại lâu đài Grodno, hưởng thọ 25 tuổi. 

Nhờ các phép lạ danh tiếng, ngài được Ðức Giáo Hoàng Lêô X tôn phong lên bậc Hiển Thánh năm 1521.



Thứ Bảy


Lời Chúa

Bài Ðọc I: Hs 6, 1b-6

"Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ".

Trích sách Tiên tri Hôsê.

Ðây Chúa phán: Trong cảnh khốn khổ, từ ban mai, họ chỗi dậy chạy tìm kiếm Ta. "Hãy đến, và chúng ta quay trở về với Chúa, vì Chúa bắt chúng ta, rồi sẽ tha chúng ta; Chúa đánh chúng ta, rồi sẽ lại chữa chúng ta. Sau hai ngày Người cho chúng ta sống lại, đến ngày thứ ba, Người đỡ chúng ta đứng lên, và chúng ta sẽ sống trước mặt Người. Chúng ta hãy nhận biết Chúa và hãy ra sức nhận biết Chúa. Người sẵn sàng xuất hiện như vừng đông, và sẽ đến cùng chúng ta như mưa thuận và như mưa xuân trên mặt đất".

Hỡi Ephraim, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Hỡi Giuđa, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Tình thương các ngươi như đám mây ban sáng, như sương sớm tan đi. Vì thế, Ta dùng các tiên tri nghiêm trị chúng, và Ta dùng lời từ miệng Ta phán ra mà giết chúng. Án phạt các ngươi bừng lên như ánh sáng. Vì chưng, Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ. Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 18-19. 20-21ab

Ðáp: Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ (Hs 6, 6).

Xướng: 1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. - Ðáp.

2) Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung. - Ðáp.

3) Lạy Chúa, xin thịnh tình với Sion theo lòng nhân hậu, hầu xây lại thành trì của Giêrusalem. Bấy giờ Chúa con sẽ nhận những lễ vật chính đáng, những hy sinh với lễ toàn thiêu. - Ðáp.

 

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 8, 12b

Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống".

 

Phúc Âm: Lc 18, 9-14

"Người thu thuế ra về được khỏi tội".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi". Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội". Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".

Ðó là lời Chúa.


Suy niệm

 


   Sự Sống biết phận  

 

 

 

Ngày Thứ Bảy, ngày cuối cùng trong Tuần Thứ Ba Mùa Chay hôm nay, Giáo Hội chọn đọc các bài phụng vụ lời Chúa cho ngày này có nội dung đề cao giá trị của đức bác ái yêu thương cao cả và bất khả thiếu trong đời sống đạo của Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô, hơn là hy tế hay lễ vật của con người dâng lên Thiên Chúa, dù tự bản chất, các thứ hy tế hay lễ vật ấy vốn cao quí, tốt lành và cần thiết, liên quan đến phận vụ tôn thờ của con người đối với Thiên Chúa.

Trước hết là dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện ở Bài Phúc Âm hôm nay, một dụ ngôn được Chúa Giêsu sử dụng để vừa cảnh giác vừa nhắc nhủ "những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác". Nội dung của dụ ngôn như Chúa dạy như sau:

"Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: 'Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi'. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: 'Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội'. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".

Trong dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện này chúng ta thấy một cảnh tượng hoàn toàn trái ngược nhau, 1- về nhân vật cầu nguyện: một người biệt phái là thành phần vốn tự nhận mình là công chính ở chỗ tuân giữ lề luật Chúa, còn người kia là một viên thu thuế vốn bị coi là gian tham tội lỗi; 2- về thái độ cầu nguyện: người biệt phái thì kiêu căng tự phụ tự mãn đến độ khinh người, còn người thu thuế thì biết mình, hạ mình và xin thương xót bản thân tội lỗi của mình; 3- về công hiệu cầu nguyện: người biệt phái tiếp tục sa lầy trong tội, còn người thu thuế được công chính hóa.

Thật vậy, nếu tự bản chất, con người là loài bất toàn và tội lỗi, thì họ chỉ nên thánh chỉ khi nào được tham phần vào chính sự thánh thiện của Thiên Chúa hay được Thiên Chúa toàn thiện thánh hảo thông sự thánh thiện của Ngài ra cho. Mà làm thế nào để được tham phần vào sự thánh thiện của Thiên Chúa hay được Ngài thông sự thánh thiện của Ngài ra cho, nhờ đó con người có thể "nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48)? Nếu không phải được hiệp thông thần linh với Ngài!

Đúng thế, trước hết, con người được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa chính thức ở chỗ lãnh nhận Phép Rửa, nhờ đó họ chẳng những, về phần tiêu cực, được tha tội (nguyên tội và tư tội nếu là người lớn), mà còn, về phần tích cực, được trở nên con cái của Thiên Chúa, nghĩa là được thông phần vào bản tính thần linh của Thiên Chúa, sống sự sống thần linh với Thiên Chúa, nghĩa là họ hoàn toàn được thánh hóa, được gọi là thánh nhân, như chúng ta vẫn thấy Thánh Phaolô gọi Kitô hữu các giáo đoàn được ngài gửi thư cho.

Tuy nhiên, không phải sau khi được Rửa Tội, được thánh hóa, con người Kitô hữu sẽ không bao giờ phạm tội lỗi nữa, không thể nào trở thành tội nhân nữa. Trái lại, chính vì nơi bản tính bị vướng mắc nguyên tội của họ, cho dù đã được thanh tẩy bởi Phép Rửa, hậu quả của nguyên tội là đau khổ và chết chóc vẫn xẩy ra cho cuộc đời họ, và mầm mống tội lỗi cùng dấu tích của nguyên tội là đam mê nhục dục và tính mê nết xấu vẫn còn nơi bản tính của họ. 

Bởi thế, Kitô hữu môn đệ của Chúa Kitô là phần tử của Nhiệm Thể Giáo Hội vẫn ở trong tình trạng lưỡng diện, lưỡng thể hay "lưỡng đảng": vừa làm con Thiên Chúa (bởi Ấn Tín Rửa Tội và nhờ Thánh Sủng) vừa làm nô lệ cho ma quỉ (khi sống theo xác thịt, chiều theo cám dỗ, sa ngã phạm tội). 

Chính vì con người Kitô hữu ở trong tình trạng ác liệt "nội chiến từng ngày", đúng hơn từng giây từng phút như thế, giữa lúa tốt ân sủng sự sống và cỏ lùng tội lỗi chết chóc, mà Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và toàn năng đã ban cho Kitô hữu là con cái của Ngài có đủ phương tiện thần linh để có thể tiếp tục "ở lại với tình yêu của Thày" (Gioan 15:9), "sống trong Thày như Thày sống trong các con" (Gioan 15:4) nhờ đó mà "sinh nhiều hóa trái" (Gioan 15:5).

Các phương tiện thần linh ấy là các Bí Tích Thánh, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Hòa Giải, hai Bí Tích thường xuyên liên quan đến mối hiệp thông thần linh của Kitô hữu với Thiên Chúa, nhờ đó, dù con người Kitô hữu có trở thành đứa con hoang đàng phung phá đến đâu chăng nữa họ vẫn có thể trở về (Hòa Giải) với Người Cha yêu thương vô cùng nhân hậu của mình, tiếp tục tham dự vào bàn tiệc với Cha (Thánh Thể)

Một trong những trường hợp điển hình nhất cho người con hoang đàng phung phí đó là người tử tội trộm cắp được đóng đanh ở bên phải Chúa Giêsu, một con người đã quả thực có một thiên tài bẩm sinh trộm cắp, ăn trộm được cả nước thiên đàng một cách hết sức tài tình, ngoạn mục, chỉ trong tích tắc, và vào chính giây phút cuối cùng sau cuộc đời đầy những tội ác của mình.

Cả người trộm lành và người thu thuế trong dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện hôm nay đều được công chính hóa, được thánh hóa một cách đốt giai đoạn - short cut. Không phải đốt giai đoạn ở chỗ thời gian xẩy ra quá ngắn ngủi, thật mau chóng, mà ở chính tác động khôn lanh chộp bắt của họ, chộp bắt một cách chính xác, chộp bắt một cách đúng lúc, những gì cần thiết nhất và quan trọng nhất, đó là chính lòng thương xót Chúa. Ở chỗ, họ đã thật lòng tỏ ra nhận biết mình, hạ mình và xin thương xót mình. Thế là đủ. Thế là họ được tràn đầy lòng thương xót Chúa. 

Đó là lý do, Chúa Giêsu đã nói với Chị Thánh Faustina rằng: "Giữa Cha và con có một vực thẳm vô đáy, một vực thẳm phân chia Tạo Hoá với tạo vật. Thế nhưng, vực thẳm này đã được tình thương của Cha lấp đầy" (Nhật ký 1576). Không phải hay sao, vực thẳm giữa họ là tạo vật với Ngài là Thiên Chúa, như từ đất tới trời, được lấp đầy khi "Lời hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), và giữa họ là tội nhân với Ngài là Tình Yêu, như từ hỏa ngục lên tới thiên đàng, đã được lấp đầy bằng chiều cao của cây Thánh Giá Người tử nạn.

 

Thế nên, hình như càng tội lỗi càng gần Nước Trời, càng gần với Lòng Thương Xót Chúa, càng nên thánh nhanh, một cách đốt giai đoạn như người thu thuế trong dụ ngôn của bài Phúc Âm hôm nay, đúng như lời Chúa Giêsu đã khẳng định với Chị Thánh Faustina: "Các đệ nhất đại tội nhân cũng đạt được tầm mức thánh thiện cao cả, chỉ cần họ tin tưởng vào tình thương của Cha" (Nhật ký 1784). Tôi vẫn hằng xin Chúa cho con luôn là một tội nhân mà luôn cảm thấy mình đáng thương, hơn là một thánh nhân mà lại cứ tưởng người khác đáng thương hơn mình.            


            

Vì nếu bản chất của Thiên Chúa là tình yêu cô cùng nhân hậu, lúc nào cũng muốn tỏ ra hết cỡ bản chất thần linh này của mình để chứng thực mình là ai và như thế nào, thì ở đâu hay con người nào càng trở thành trống rỗng, bằng tất cả tấm lòng tan nát khiêm cung và tin tưởng của họ, thì họ càng được Ngài thông bản tính vô cùng trọn lành của Ngài là lòng thương xót cho họ, để lấp đầy tất cả mọi yếu hèn, khiếm khuyết, sai lầm và tội lỗi của họ, nhờ đó, bản thân họ hóa thánh, tức trở thành như là một cuộc thần hiển của Ngài, như một bụi gai (bản tính tội lỗi) bốc lửa (được thương xót) mà không bị thiêu rụi (không kiêu hãnh vì được thương) - (xem Xuất Hành 3:2).

Thiên Chúa là tình yêu vô cùng nhân hậu lúc nào cũng muốn tỏ tình với con người tội lỗi yếu hèn và sẵn sàng thông mình ra cho họ khi họ nhận biết tình yêu của Ngài, đáp ứng tình yêu của Ngài, một tình yêu vô cùng nhân hậu bao giờ cũng như một ngọn lửa thần linh bùng lên bất cứ lúc nào ở những bụi gai nhân tính tội lỗi của con người. Bài Đọc 1 hôm nay còn cho thấy "bụi gai" đây còn thể thể hiểu là các thứ khốn khổ xẩy ra cho con người để đánh động và thức tỉnh họ, nhờ đó tâm linh của họ có thể nhận biết ("bốc lửa") lòng thương xót Chúa mà trở về cùng Thiên Chúa, Đấng qua miệng Tiên Tri Hôsea đã nhận định về dân của Ngài như sau:

"Trong cảnh khốn khổ, từ ban mai, họ chỗi dậy chạy tìm kiếm Ta. 'Hãy đến, và chúng ta quay trở về với Chúa, vì Chúa bắt chúng ta, rồi sẽ tha chúng ta; Chúa đánh chúng ta, rồi sẽ lại chữa chúng ta. Sau hai ngày Người cho chúng ta sống lại, đến ngày thứ ba, Người đỡ chúng ta đứng lên, và chúng ta sẽ sống trước mặt Người. Chúng ta hãy nhận biết Chúa và hãy ra sức nhận biết Chúa. Người sẵn sàng xuất hiện như vừng đông, và sẽ đến cùng chúng ta như mưa thuận và như mưa xuân trên mặt đất".

Cho dù Thiên Chúa biết cái khốn khổ khiến dân Ngài trở về với Ngài đấy, như đã từng xẩy ra nhiều lần, xẩy ra liên tục trong giòng lịch sử của họ, đến độ Ngài không thể nào rời xa họ, luôn lợi dụng cái yếu hèn và những lần hèn yếu của họ để tỏ mình ra cho họ, nhờ đó mới có thể liên lỉ giữ họ ở gần Ngài, bằng không họ cứ theo khuynh hướng tự nhiên rời xa Ngài, từ đời nọ đến đời kia.

Thế nhưng hình như họ đã nhờn với mạc khải thần linh, đến độ lòng thương xót của Ngài như không còn tác dụng gì nơi họ nữa, đến độ họ như đã coi thường Ngài, có trở về với Ngài cũng chỉ tạm thời, rồi lại tiếp tục sống cuộc đời hoang đường như bản chất bất di bất dịch của họ, như bản chất bẩm sinh của họ, thế mà Ngài vẫn không bỏ họ và làm hết cách để cứu họ, chỉ cần họ tin vào Ngài, thế thôi, đó là điều kiện tối yếu, quan thiết hơn tất cả thứ tình yêu hời hợt nông cạn của họ và hy lễ bề ngoài họ dâng cho Ngài:

"Hỡi Ephraim, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Hỡi Giuđa, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Tình thương các ngươi như đám mây ban sáng, như sương sớm tan đi. Vì thế, Ta dùng các tiên tri nghiêm trị chúng, và Ta dùng lời từ miệng Ta phán ra mà giết chúng. Án phạt các ngươi bừng lên như ánh sáng. Vì chưng, Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ. Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu".

Bài Đáp Ca hôm nay quả thực chất chứa tất cả những tâm tình và ý thức thần linh mà Thiên Chúa yêu thương vô cùng nhân hậu mong muốn nơi dân của Ngài cũng như nơi những ai khao khát ơn cứu độ của Ngài:

1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. 

2) Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung. 

3) Lạy Chúa, xin thịnh tình với Sion theo lòng nhân hậu, hầu xây lại thành trì của Giêrusalem. Bấy giờ Chúa con sẽ nhận những lễ vật chính đáng, những hy sinh với lễ toàn thiêu.