SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

Sống Lòng Thương Xót Chúa - Thách đố và Thái độ

 

TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

 

Nếu Lòng Thương Xót Chúa là ưu phẩm tối cao của Thiên Chúa và là chính bản chất của Vị "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) thì sống Lòng Thương Xót Chúa chính là ơn gọi và là lý tưởng của Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô, thành phần, nh Phép Rửa, đã được hiệp thông với bản tính thần linh của Thiên Chúa và sống sự sống thần linh của Thiên Chúa và với Thiên Chúa, vì thế họ cũng cần phải tác hành như Thiên Chúa.


Đó là lý do Con Thiên Chúa hóa thân làm người, "là hình ảnh Thiên Chúa vô hình" (Colose 1:15), là hiện thân của tình yêu vô cùng nhân hậu của Cha trên trời (xem Gioan 15:9), đã kêu gọi "những ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa" (Gioan 1:12) rằng: "Các con hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48), ở chỗ "các con hãy thương xót như Cha của các con thương xót" (Luca 6:36).


Tuy nhiên, tự bản chất vô cùng hèn mọn, hữu hạn và bất toàn của mình, con người Kitô hữu không thể nào sống trọn lành như Cha trên trời, không thể nào sống thương xót như Ngài được, nếu trước hết và trên hết chính bản thân của họ không được Ngài chiếm đoạt và tỏ mình ra cho, nhờ đó họ có thể sâu xa cảm nghiệm được tình yêu vô cùng nhân hậu của Ngài mà trung thực phản ảnh Lòng Thương Xót Chúa trong đời sống của họ.


Thực tế cho thấy, Thiên Chúa không hiện ra để tỏ mình cho thành phần Kitô hữu môn đệ của Con Ngài, mà chỉ tỏ mình ra nơi họ qua các biến cố xẩy ra cho bản thân của họ và trong cuộc đời của họ, như thể Ngài muốn tạo ra những cơ hội thuận lợi thích hợp với từng người để giúp họ thể hiện bản tính thần linh mà họ được thông phần nơi phép rửa, nhờ đó sự sống thần linh của một người con Thiên Chúa nơi họ càng ngày càng như Cha trên trời.


Theo kinh nghiệm tu đức, dù đã được thánh hóa nhờ phép rửa, con người Kitô hữu vẫn còn mầm mống nguyên tội với đầy những đam mê nhục dục và tính mê nết xấu, vẫn hướng hạ (tự nhiên hơn siêu nhiên) và hướng nội (vị kỷ hơn vị tha), nên các cơ hội thuận lợi được Thiên Chúa tạo nên cho họ để họ sống Lòng Thương Xót Chúa lại trở thành những thách đố phản nghịch với bản tính tự nhiên và khuynh hướng vị kỷ của con người phàm nhân, tiêu biểu nhất là 3 cơ hội đầy thách đố chính yếu, từ dễ đến khó, sau đây

 

 

1- Hy sinh phục vụ - self-giving in service; 

2- Từ bỏ ý riêng - giving up own will; 

3- Bỏ qua tha thứ - forgetting forgiving

 

 

Chính vì 3 cơ hội đầy thách đố chính yếu ấy mà Kitô hữu con cái của Cha trên trời là Đấng trọn lành và là Đấng thương xót mới cần phải có 3 thái độ thích đáng với Lòng Thương Xót Chúa, từ thấp lên cao, trong việc thắng vượt 3 cơ hội đầy thách đố hoàn toàn phản tự nhiên và tính vị kỷ của con người này để có thể làm chủ bản thân tầm thường của mình, để nên hoàn hảo thánh đức và để trở thành chứng nhân trung thực và sống động của Chúa Kitô như sau:

 

 

1- Sẵn sàng - be ready;

2- Tìm kiếm - look for;

3- Vui vẻ - be content

 

 

Ba cơ hội đầy thách đố, từ dễ đến khó, cần thành phần Kitô hữu môn đệ của Chúa Kitô là Đấng đã đến "tỏ Cha ra" (Gioan 1:18), một Người Cha trên trời trọn lành và thương xót, phải thắng vượt đều phải trải qua một tiến trình bao gồm ba thái độ bất khả thiếu, từ thấp lên cao, có thể được tóm gọn như sau:

 

 

1- Hy sinh phục vụ:

1.1- Sẵn sàng Hy sinh phục vụ

1.2- Tìm kiếm Hy sinh phục vụ

1.3- Vui vẻ Hy sinh phục vụ

 

 

2- Từ bỏ ý riêng:

2.1- Sẵn sàng Từ bỏ ý riêng

2.2- Tìm kiếm Từ bỏ ý riêng

2.3- Vui vẻ Từ bỏ ý riêng

 

 

3- Bỏ qua tha thứ:

3.1- Sẵn sàng Bỏ qua tha thứ

3.2- Tìm kiếm Bỏ qua tha thứ

3.3- Vui vẻ Bỏ qua tha thứ


Trước hết là 3 cơ hội đầy thách đố chính yếu tiêu biểu đối với bản tính tự nhiên vốn vị kỷ và hưởng thụ của con người chúng ta, thứ tự từ dễ đến khó như đã được liệt kê đó là: hy sinh phục vụ, từ bỏ ý riêng và bỏ qua tha thứ. 


Đúng thế, không phải dễ dàng mà chúng ta có thể hy sinh phục vụ tha nhân, đáp ứng nhu cầu của họ, bởi chúng ta sợ bị tốn của, tốn công, tốn giờ v.v., đặc biệt là khi chúng ta đang bận với hết chuyện này hay chuyện khác của cá nhân chúng ta, của gia đình chúng ta, của hội đoàn chúng ta, của giáo xứ chúng ta v.v., và nhất là đối với những ai chúng ta không có cảm tình hay không có cảm tình với chúng ta, tác hại đến chúng ta v.v. Thậm chí đối với cả những người thân yêu, cũng chưa chắc chúng ta đã "sẵn sàng" hy sinh phục vụ họ khi chúng ta không còn cảm tình với họ hay họ trở nên gánh nặng cho chúng ta v.v.


Cho dù chúng ta có hăng say hy sinh phục vụ tha nhân chăng nữa, chúng ta vẫn có thể vấp phạm một lỗi lầm đó là chia rẽ nhau và cạnh tranh nhau. Ở chỗ, cùng làm việc cứu trợ bác ái với nhau trong cùng một nhóm, nhưng chúng ta vẫn coi ý nghĩ và ý muốn của chúng ta là nhất, hơn ý nghĩ và ý muốn của người khác, cho dù ý nghĩa và ý muốn của họ là những gì xây dựng, cũng đúng và cũng có lợi, không thua gì ý nghĩ và ý muốn của chúng ta, thậm chí còn hơn ý nghĩ và ý muốn của chúng ta nữa, nhưng chúng ta vẫn cứ gạt họ đi, không "sẵn sàng" từ bỏ ý riêng của mình hay ít là dung hòa với ý của người khác vị ích chung v.v. Chưa hết, thái độ sẵn sàng" từ bỏ ý riêng còn ở chỗ khi gặp trái ý xẩy ra ngoài ý muốn và không được như ý muốn, chúng ta thường tỏ ra bất mãn nữa v.v.


Thậm chí chúng ta có "sẵn sàng" hy sinh phục vụ và "sẵn sàng" từ bỏ ý riêng chăng nữa, chúng ta vẫn chưa đi trọn cuôc hành trình nên thánh của chúng ta và chưa đạt đến tột đỉnh chứng từ Kitô hữu của chúng ta, nếu chúng ta chưa tiến đến chỗ "sẵn sàng" bỏ qua tha thứ. Nhất là bỏ qua tha thứ cho chính những con người được chúng ta hy sinh phục vụ hết mình, thậm chí chúng ta đã phải bất chấp mọi gian nan khốn khó và chấp nhận những gì trái ý của mình để giúp đáp họ một cách tận tình và tận lực của mình, nhưng cuối cùng chúng ta chỉ nhận được tấm lòng vô ơn bội nghĩa của họ, chỉ được đáp trả bằng thái độ thờ ơ lãnh đạm của họ, đặc biệt là khi chúng ta không thể tiếp tục giúp được họ nữa, nên chúng ta bị họ làm toán trừ nhanh hơn toán cộng, bị họ oán hận chúng ta v.v.


Thật vậy, tự mình, chúng ta không thể nào đi trọn con đường từ dễ đến khó là hy sinh phục vụ, từ bỏ ý riêng và bỏ qua tha thứ, như gương của Chúa KitôĐấng đã kêu gọi chúng ta là Kitô hữu môn đệ của Người, Đấng đã làm gương sống 3 thách đố của chúng ta, trước hết, ở chỗ hy sinh phục vụ: "đến không phải để được hầu hạ mà là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người" (Mathêu 20:28); sau nữa, ở chỗ từ bỏ ý riêng: "Lạy Cha, Cha có thể làm được mọi sự. Xin hãy cất chén này đi cho Con. Nhưng xin cho ý Cha được thực hiện chứ không phải ý của Con" (Marco:36), và sau hết, ở chỗ bỏ qua tha thứ (cho cả thành phần hành khổ và sát hại cùng lăng nhục Người bấy giờ mà còn cho hết mọi con người vô ơn bội nghĩa với công ơn cứu chuộc vô cùng quí báu của Người trong giòng thời gian nữa): "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ lầm không biết việc họ làm" (Luca 23:34).


Nếu Chúa Kitô là mẫu gương sống 3 cơ hội đầy thách đố đối với bản tính tự nhiên và khuynh hướng vị kỷ của Kitô hữu loài người chúng ta, thì Cha trên trời là gương mẫu cho 3 thái độ sẵn sàng, tìm kiếm và vui vẻ, như được thể hiện nơi người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng phung phá bao gồm cả 3 thái độ sẵn sàng, tìm kiếm và vui vẻ này (xem Luca 15:11-24): 1- người cha "sẵn sàng" ở chỗ luôn đợi chờ trông ngóng con mình trở về lại với mình; 2- người cha "tìm kiếm" ở chỗ chạy ngay đến khi vừa trông thấy bóng con mình trở về; và 3- người cha "vui vẻ" ở chỗ ôm lấy đứa con đáng thương của mình mà hôn lấy hôn để không để cho nó kịp ngỏ lời xin lỗi, thậm chí còn mở tiệc linh đình ăn mừng nó trở về nữa. Thật là tuyệt vời, tuyệt vời, tuyệt vời!


Trong 3 thái độ thể hiện Lòng Thương Xót Chúa như Cha trên trời ấy: 1- thái độ "be ready - sẵn sàng"  thái độ được coi như chúng ta mở cửa lòng mình ra; 2- thái độ "look for - tìm kiếm"  thái độ được coi như chúng ta dấn thân hơn, ở chỗ không phải chỉ chờ đợi tha nhân xin giúp thì giúp mà còn chủ động tích cực, ở chỗ thấu biết được nhu cầu của tha nhân để đáp ứng, như Mẹ Maria trong tiệc cưới Cana (xem Gioan 2:3-7), không cần tha nhân phải ngỏ ý (vì nghĩ ngợi không dám làm phiền hay vì họ không biết tìm ai có thể giúp họ) hay ngay trước khi họ ngỏ ý; và 3- thái độ "be content - vui vẻ" là thái độ cao nhất, được coi như nên một với tha nhân: "trở nên mọi sự cho mọi người(1Corinto 9:22), ở chỗ "vui với kẻ vui và khóc với người khóc" (Roma 12:15).


Chúng ta có thể nêu lên 2 trường hợp cụ thể rất thực tế bao gồm 3 cơ hội đầy thách đố cùng với 3 thái độ sng Lòng Thương Xót Chúa sau đây:


Trước hết là trường hợp đi từ dễ đến khó, ở chỗ, chúng ta sẵn sàng hy sinh phục vụ, không từ chối hay tìm hết cách để tránh né, cho dù có thể, một bệnh nhân rất khó tính hầu như không ai chiều nổi, trong gia đình của mình hay ở một nhà thương hoặc ở một dưỡng viện nào đó; chúng ta đã tìm kiếm hết cách để làm vừa lòng bệnh nhân ấy bao nhiêu có thể bằng những lần tìm cách/kiếm từ bỏ ý riêng của mình để làm theo ý muốn ngang ngược của họ; nhưng chúng ta vẫn bị họ trách móc rầy la như thể chúng ta là đầy tớ của họ, chẳng biết làm gì hết, thậm chí còn đuổi chúng ta đi, mà chúng ta vẫn vui vẻ bỏ qua tha thứ cho họ, càng vì thế thương cảm họ và cố gắng đáp ứng ý muốn và nhu cầu của họ bao nhiêu có thể. Đến nỗi chúng ta có thể nói như Chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu rằng cho dù Chúa có hiện ra chúng ta cũng không thể nào làm hơn được nữa. 


Sau nữa là trường hợp đi từ khó đến dễ, ở chỗ, đối với một người đã đụng chạm đến chúng ta, đã từng tác hại đến thanh danh của chúng ta một số lần, chúng ta vẫn tự động vui vẻ bỏ qua tha thứ cho họ; nhưng về phần mình, họ vẫn không ngỏ lời xin lỗi chúng ta, trái lại, không để cho chúng ta có cơ hội tỏ tình thân thiện với họ, bất chấp chúng ta có tìm kiếm cách nào tốt nhất để đến gần họ, những cách thức mà chúng ta cần phải hoàn toàn từ bỏ ý riêng của mình mới làm được; dù vậy chúng ta vẫn không chán nản, vẫn tiếp tục gắn bó với họ về tinh thần, bằng cách cầu nguyện cho họ, và bằng cách luôn sẵn sàng tìm dịp thuận lợi để hy sinh phục vụ họ khi có thể.


Nếu chúng ta ở vào 2 trường hợp tiêu biểu trên, có thể nói chúng ta dường như đã đạt tới tầm vóc thành toàn của Chúa Kitô là đầu của chúng ta (xem Epheso 4:13,15). Tuy nhiên, theo bản tính tự nhiên và tính vị kỷ của con người phàm tục, khó có ai được như thế lắm, dù có, như nơi các thánh trong suốt giòng lịch sử của Giáo Hội, thành phần được Chúa Kitô chiếm đoạt, làm chủ và sống động như hiện thân của Người trên trần gian này. 


Nhưng các thánh không thể nào trở thành hiện thân của Lòng Thương Xót Chúa và làm chứng cho Lòng Thương Xót Chúa nếu các ngài không có thái độ tối yếu căn bản bất khả thiếu đầu tiên là "sẵn sàng", mà nếu thiếu vắng thái độ tiên quyết này sẽ không bao giờ tiến đến 2 thái độ cao cấp hơn, đó là thái độ "tìm kiếm - look for" và thái độ "vui vẻ - be content" trước 3 cơ hội đầy thách đố phản tự nhiên như thế.


Chính tạo vật đệ nhất về ân sủng là Mẹ Maria, một người nữ vô cùng diễm phúc được Thiên Chúa ưu tuyển làm Mẹ của Con Thiên Chúa nhập thể, cũng không được châm chước thái độ "sẵn sàng" này, và Mẹ đã tỏ ra "sẵn sàng" rõ ràng nhất vào chính giây phút Truyền Tin Lời Nhập Thể, bằng tâm tình hoàn toàn dâng hiến để Thiên Chúa là Đấng Tối Cao muốn làm gì thì làm nơi bản thân Mẹ và cuộc đời Mẹ, qua lời Mẹ khiêm hạ thưa cùng vị thiên sứ được sai đến với Mẹ: "Này tôi là tôi tớ Chúa. Xin hãy thực hiện nơi tôi những gì ngài truyền" (Luca 1:38). 


Chưa hết, Mẹ còn tiếp tục ở tư thế "sẵn sàng" suốt cuộc đời của Mẹ bằng cách liên lỉ "lưu giữ và suy niệm trong lòng" (Luca 2:19,51) tất cả những gì xẩy ra cho Mẹ và trong cuộc đời Mẹ, để nhờ đó Mẹ có thể mau mắn đáp ứng đúng với tất cả những gì Thiên Chúa muốn nơi Mẹ.

 

 

Thái độ sẵn sàng - be ready ở đây chính là thái độ "tỉnh thức" được Chúa Giêsu nhấn mạnh trong Phúc Âm: "Các  con hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Tinh thần thì linh hoạt những bản chất lại yếu nhược" (Mathêu 26:41). 

 

"Tỉnh thức" thực sự là thái độ "sẵn sàng - be ready", như thiếu niên Samuel cho dù ngủ trong đền thờ mà vẫn nghe được Chúa gọi để có thể thưa cùng Ngài rằng: "Lạy Chúa, xin hãy nói, này tôi tớ Chúa đang lắng nghe" (1Samuel 3:10).


Thái độ "sẵn sàng - be ready": "Lạy Chúa, xin hãy nói, này tôi tớ Chúa xin lắng tai nghe" như thế cũng chính là tâm nguyện "Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!", một tâm nguyện chứng tỏ tâm hồn đã có được một thái độ "sẵn sàng - be ready" rồi vậy! 


Tóm lại, Thiên Chúa chỉ cần loài người tạo vật chúng ta nói chung và Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô nói riêng, thành phần là chứng nhân của Người, chứng nhân của Lòng Thương Xót Chúa liên lỉ "sẵn sàng" để có thể mau mắn đáp ứng tất cả những tác động thần linh tràn đầy Lòng Thương Xót Chúa của Ngài trên trần gian này.

 

 

Tạ ơn LTXC luôn tạo cho chúng ta có được những cảm nghiệm thần linh, bao gồm cả những cảm nghiệm thần linh có tính cách tiêu cực nữaỞ chỗ, chính khi chúng ta nhận thấy bản thân mình có những ý nghĩ, lời nói, tác hành và phản ứng mang tính chất lãnh đạm phản kitô hay phản chứng Kitô giáo lại là lúc chúng ta đang tỉnh táo và còn khát vọng vươn lên. Đó là một dấu hiệu tốt.

 

 

Cái nguy hiểm đáng sợ nhất trong đời sống thiêng liêng là không biết mình. Sống trong ảo vọng hoang đường về bản thân mình. Cứ tưởng mình sống ngon lành, tưởng mình đủ rồi, đâm ra tự phụ, tự mãn, tự kiêu, tự ái, khinh người v.v., mà thật ra chỉ toàn là giả hình trước nhan Chúa, và hậu quả của đời sống "hâm hâm dở dở" này của chúng ta chắc chắn sẽ bị "mửa ra khỏi miệng (Chúa)" (Khải Huyền 3:16)Biết mình cũng là thái độ "be ready".

 

 

Riêng người viết bài này, qua một lỗi lầm nho nhỏ được xưng đi xưng lại hằng tháng mà vẫn cứ vấp đi ngã lại dù đã cố gắng, tôi đã mặc cả với Chúa rằng nếu Chúa cứ thích con là một tội nhân để nhờ đó Lòng Thương Xót Chúa được sáng tỏ hơn nơi con (xem Roma 11:32) thì con không muốn làm thánh nhân mà bất lợi cho Lòng Thương Xót Chúa hay gây thiệt hại cách nào cho Lòng Thương Xót Chúa chí ái của con: "Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!"


Xin LTXC luôn là ĐƯỜNG để con Gặp Gỡ CHÚA, 

là SỰ THẬT để con Nên Giống CHÚA và 

là SỰ SỐNG để con Chứng Thực CHÚA

Amen.



TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL



TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL