Lời nguyện Xin Thương Phạt Con ở đây là lời nguyện khai triển thêm lời nguyện Xin Chiếm Đoạt Con, nhưng tựu kỳ trung vẫn chỉ là một tâm nguyện đó là muốn bày tỏ tất cả tấm lòng của một người con đối với Cha trên trời là Đấng trọn lành của mình và là Đấng cũng muốn con cái nên trọn lành như Ngài: Trước hết là bày tỏ tâm nguyện coi Cha là tất cả của con; sau nữa, bày tỏ tâm nguyện muốn trở thành giá cứu độ như Chúa Giêsu Kitô Con Cha; và sau hết bày tỏ đức tin tuân phục như Mẹ Maria 'này con đây - này con xin đến' để Cha muốn làm gì thì làm. Lời Nguyện Xin Chiếm Đoạt Con đã được biên soạn và đọc vào chính Chúa Nhật lễ Lá mở đầu Tuần thương Khó 5/4/2009 thế nào, thì lời nguyện Xin Thương Phạt Con cũng sẽ được long trọng tuyên đọc vào Chúa Nhật Lễ Lá 13/4/2014 như vậy, kỷ niệm đúng 5 năm của lời Nguyện Xin Chiếm Đoạt Con. Sau khi dọn xong lời nguyện Xin Thương Phạt Con, tâm hồn con cảm thấy nhẹ nhàng thanh thoát và gần Chúa hơn bao giờ hết, và sửa soạn tâm hồn cho xứng đáng đọc lời nguyện Xin Thương Phạt Con.

 

Xin Thương Phạt Con

 

 

Abba, Cha của con ơi, tự bản chất chỉ là một thụ tạo vô cùng yếu hèn, lại còn thêm cả mầm mống nguyên tội đầy những đam mê nhục dục và tính mê nết xấu trong con, dù con đã được lãnh nhận Phép Rửa, Thêm Sức và Thánh Thể để được sự sống và là sự sống viên trọn hơn (1), thì tận đáy lòng của con, con vẫn cảm thấy con vô cùng bất xứng và bất lực, chẳng làm được gì ngoài phạm tội và chẳng đáng gì ngoài hỏa ngục.

 

Con biết rằng con có được dựng nên làm người và sống trên trần gian này, hoàn toàn không phải vì con cho bằng vì Cha, bởi trước khi dựng nên con Cha đã biết rằng con chẳng có lợi gì cho Cha là Đấng Tự Hữu, Toàn Hữu và Hằng Hữu, toàn thiện và toàn năng, không thiếu một sự gì và không cần bất cứ một điều chi nữa, mà chỉ vì Cha muốn tỏ Tình Yêu vô cùng nhân hậu của Cha cho con và nơi con.

 

Cha đã chẳng những tỏ Tình Yêu vô cùng nhân hậu của Cha cho con nơi Ngôi Lời Nhập Thể và Vượt Qua, Đấng là tột đỉnh mạc khải thần linh của Cha trong giòng Lịch Sử Cứu Độ và là tất cả mạc khải thần linh của Cha, đến độ ai thấy Người là thấy Cha (2), mà còn tuôn đổ tình yêu của Cha vào lòng con nhờ Thánh Thần Cha ban cho con (3), để con có thể kính mến Cha hết mình (4) yêu nhau như được Con Cha yêu (5).

 

Cha tiếp tục tỏ mình ra và thông mình ra nơi con trong suốt cuộc đời trần thế của con, bằng việc quan phòng thần linh vô cùng huyền nhiệm và khôn ngoan của Cha, để làm sao cho con có thể càng sống càng nhận biết Cha hơn, càng đáp ứng hết mọi tác động thần linh của Cha ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự, nhờ đó con được hiệp thông thần linh với Cha trong tinh thần và chân lý (6), như Con ở trong Cha và như Cha ở trong Con (7).

 

Nếu Cha không dung tha cho Con một của mình, một phó nộp Người vì tất cả chúng con (8), thì tất cả những gì Cha thực hiện trong cuộc đời của con, dù khổ đau đến đâu đi nữa, dù con có cảm thấy bất hạnh mấy chăng nữa, cũng đều có lợi cho phần rỗi của con (9)nhờ đó con sống ở thế gian mà không thuộc về thế gian (10), và nhờ đó con chỉ còn thuộc về một mình Cha, tuyệt đối tin vào Cha, Đấng biết con hơn con biết con và yêu con hơn con yêu con.  

 

Nếu dự án cứu độ của Cha không phải chỉ cứu độ một mình con đây mà là tất cả loài người (11), mà là từng con chiên lạc (12), như Con Cha đã đến để tìm kiếm và cứu vớt (13), đã thực sự yêu những ai thuộc về Người, Người đã yêu cho đến cùng (14), ở chỗ cho dù Người là Đấng không biết đến tội lỗi đã trở thành tội lỗi (15), để như Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian (16), Người có thể vác con chiên lạc trên vai mang về cùng Cha (17), thì con xin Cha hãy giáng xuống trên con tất cả những cực hình tội nhân đáng phải chịu để họ được cứu rỗi. Như Con Cha, với Con Cha và trong Con Cha, con sẵn sàng bị hiểu lầm, xỉ nhục, hành hạ, chúc dữ, chết đi!

 

Nếu được lợi lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì (18), nếu thà mất một phần thể mà được vào Nước Trời còn hơn nguyên cả thân xác bị ném vào hỏa ngục (19), và nếu khốn cho thành phần giầu có, no đầy, tươi cười và được ca tụng trên thế gian này (20) v.v. thì xin Cha hãy gìn giữ con từng giây từng phút, chớ để con sa chước cám dỗ (21), phạm tội mất lòng Cha, dù nhỏ mọn đến đâu chăng nữa, nhất là bởi cố ý, một xin thương phạt con ngay tức khắc:

 

1.      Cho đôi mắt con bị mù đi khi con thích nhìn xem những hình ảnh dâm ô nhục dục hay nhìn anh chị em con một cách khinh bỉ v.v.;

 

2.      Cho đôi tai con bị điếc đi khi con thích nghe nói những chuyện bậy bạ hay nghe nói hành nói xấu anh chị em con mà không bênh vực họ v.v.;

 

3.      Cho miệng lưỡi con bị câm đi khi con nói những lời mỉa mai châm biếm anh chị em con, nói hành nói xấu anh chị em con, chủi rủa anh chị em con v.v.;

 

4.      Cho tay chân con bị què cụt khi con đi tìm khoái lạc lăng loàn, trộm cắp, đánh đấm, viết lách bậy bạ tuyên truyền chống phá ai con ghen tức v.v.

 

5.      Cho của cải sản vật con có bị mất đi hay bị hủy hoại đi khi con tỏ ra dửng dưng lạnh lùng với những người anh chị em hèn mọn về thể lý của con v.v.

 

6.      Cho hình hài nhan sắc con hóa ra xấu xí dị ngợm khi con biến nó thành dịp tội cho người khác, thành thần tượng nhục dục, thành hang động trộm cướp (22) v.v.

 

7.      Cho tâm trí con trở thành ngu si dốt nát khi con tỏ ra khinh thường anh chị em kém kiến thức hơn con, hay dùng kiến thức để chống phá khi con bất mãn v.v.

 

8.      Cho tài năng con trở nên vụng về kém cỏi khi con tỏ ra kiêu hãnh, chẳng những không biết phục vụ anh chị em con mà còn tranh giành đối chọi với họ v.v.

 

9.      Cho danh tiếng của con trở thành nhục nhã đê hèn khi con lên mặt khoe khoang tự cao tự đại tự đắc hay luôn tỏ lòng ghen hận cạnh tranh với đời v.v.

 

10.  Cho thân phận con trở thành tội nhân đáng phỉ nhổ nhất khi con tự cho mình là công chính thánh thiện đến khinh bỉ anh chị em đáng thương về luân lý của con v.v.

 

11.  Cho tinh thân của con trở thành khù khờ hoang dại khi con chỉ biết nhớ lỗi và chấp tội của người khác, không chịu tự động tha thứ cho họ dù họ không xin lỗi con v.v.

 

12.  Cho thân xác con trở thành liệt bại không còn nhúc nhích gì được nữa khi con không dấn thân phục vụ anh chị em con theo khả năng và hoàn cảnh có thể của con v.v.

 

       Nếu con đã cương quyết xin thương phạt con như thế mà Cha vẫn không nỡ thẳng tay với đứa con dầu sao cũng càng đáng thương không biết việc mình làm này (23), vì đối với Cha không bao giờ có vấn đề phạt mà là thương, có ‘phạt’ cũng chỉ vì thương muốn cứu độ con, thì mỗi khi con vấp ngã lỡ lầm, xin Cha hãy thương ban cho con một tấm lòng tan nát khiêm cung (24), nhờ đó con có thể nhận biết mình cùng nhận biết Cha hơn, mà tuyệt đối tin vào Lòng Thương Xót Chúa của Cha, Đấng không thể chối bỏ chính mình cho dù con có bất trung (25), Đấng dồn con người vào cảnh bất trung để tỏ lòng xót thương h (26), Đấng muốn chọn những ai thấp hèn để làm bẻ mặt thế gian và khiến không ai có thể vênh vang trước nhan Ngài (27).

 

Xin Mẹ Maria đầy ân phúc (28), mi ngon tuyệt hảo nhất của Lòng Thương Xót Chúa và cho Lòng Thương Xót Chúa, đồng hành với cuộc hành trình đức tin của con bằng tinh thần Fiat - tôi tớ xin vâng của Mẹ (29), để như Mẹ và nhờ Mẹ, cuộc đời của con được trở thành Ca Vịnh ngợi khen cảm tạ Lòng Thương Xót Chúa: Magnificat (30) - Amen! 

  

Lễ Mẹ Lộ Đức 11/2/2014, Ngày Thế Giới Bệnh Nhân

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, Hiệp Sĩ Trái Tim Mẹ - Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

 

Những chữ in nghiêng trong lời nguyện trên đây được trích nguyên văn hay theo ý từ những đoạn và câu Thánh Kinh thứ tự sau đây: 1- Gioan 10:10; 2- Gioan 14:9; 3- Roma 5:5; 4- Mathêu 22:37; 5- Gioan 13:34,15:12; 6- Gioan 4:24; 7- Gioan 17:21; 8- Roma 8:32; 9- Roma 8:28; 10- Gioan 17:11,14; 11- 1Timotheu 2:4; 12- Luca 15:4;  13- Luca 19:10; 14- Gioan 13:1; 15- 2Corinto 5:21; 16- Gioan 1:29; 17- Luca 15:5;; 18- Mathêu 16:26; 19- Mathêu 5:30; 20- Luca 6:24-26; 21- Matheu 6:13; 22- Matheu 21:13; 23- Luca 23:34; 24- Thánh Vịnh 51:19; 25- 2Tim 2:13; 26- Roma 11:32; 27- 1Corinto 1:27-29; 28- Luca 1:28; 29- Luca 1:38; 30- Luca 1:46-48

 

 

 

 

ÂN SỦNG MỒ CÔI - THIÊN CHÚA ĐỘC ÁC

 

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL

 

cảm hứng xuất phát từ giờ kinh sáng Lễ Tạ Ơn Hoa Kỳ Thứ Năm 26/11/2020




Một Thiên Chúa Thi Ân

Thiên Chúa là Đấng tự hữu, hằng hữu và toàn hữu, tự mình vô cùng viên mãn, chỉ muốn tỏ mình ra và thông mình ra cho chung tạo vật, nhất là loài thần thiêng và loài người là những loài có trí khôn để nhận biết Ngài.

Ngài đã không tỏ mình ra cho cả thiên thần và loài người hay sao, khi Ngài, trước hết, tỏ ra cho các thần trời biết dự định nhập thể của Ngài, vào ngày tạo dựng thứ nhất, ngày Ngài dựng nên ánh sáng là các thiên thần thiêng liêng sáng láng, và việc tỏ mình này của Ngài xẩy ra, như Sách Khởi Nguyên ghi nhận, ở tác động Thiên Chúa "phân ánh sáng ra khỏi tối tăm" (1:4), và được Sách Khải Huyền diễn tả dự án nhập thể của Ngài, nhưng lại là một dự án thần linh nhập thể bị đệ nhất thần Luxiphe nơi hình ảnh con khủng long, cùng với 1/3 thần trời theo cái đuôi gương mù của nó kèo theo chống đối cưỡng lại như sau: "Con Rồng đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà" (12:4). Thế nhưng, dự định nhập thể của Thiên Chúa vẫn được thực hiện trong lịch sử của loài người vào "thời điểm viên trọn" (Galata 4:4), nơi một "trinh nữ sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai" (Luca 1:31), và quả thực "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14).

Ngài cũng đã không thông mình ra cho loài người là gì, đó là Ngài thông ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta, vào chính khi Ngài tỏ mình ra cho họ qua Con của Ngài, một Người Con "đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14), một Người Con được Ngài sai đến để "làm phép rửa bởi Thánh Thần" (Gioan 1:33), Vị Thánh Thần mà Con Ngài, sau khi Thăng Thiên, đã từ Cha sai Thánh Thần xuống trên các tông đồ (xem Gioan 15:26,16:7), để làm phép rửa cho các vị (xem Tông Vụ 1:5), nhờ đó Giáo Hội được Người thiết lập trên nền tảng 12 tông đồ (xem Epheso 2:20) được thánh tẩy, hoàn toàn phản ảnh Con Ngài, với vai trò là chứng nhân của Con Ngài "cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 1:8). Đúng thế, "Thiên Chúa đã tuôn đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta khi Ngài ban Thánh Thần cho chúng ta" (Roma 5:5).

Tất cả sự thật về mạc khải thần linh của Thiên Chúa trong suốt giòng lịch sử của nhân loại, nơi việc Ngài tỏ mình ra, nơi biến cố nhập thể và vượt qua của Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô, cũng như việc Ngài thông mình ra, nơi biến cố Hiện Xuống của Thánh Linh, đều nhắm đến một mục đích duy nhất, đó là làm cho con người được hiệp thông thần linh với Ngài, được thông phần vào sự sống thần linh của Ngài, và được sống sự sống thần linh như Ngài, ngay từ trên trần gian này. Bởi thế, căn cứ vào tất cả sự thật và nội dung của mạc khải thần linh vô cùng cao cả đầy yêu thương và khôn ngoan này của Thiên Chúa, như được ghi nhận trong toàn bộ Thánh Kinh, với đức tin được ban cho chúng ta khi lãnh nhận Phép Rửa Tái Sinh, chúng ta cần phải xác tín những điều vô cùng quan trọng và khẩn thiết, liên quan đến phần rỗi của chúng ta sau đây:

Thứ nhất: Thiên Chúa vô cùng thiện hảo chỉ tạo dựng nên tất cả những gì là lành thánh tốt đẹp, như chính Sách Khởi Nguyên ghi lại sau 6 ngày tạo dựng của Ngài như sau: "Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!" (1:31);

Thứ hai: Thiên Chúa không bao giờ hủy hoại bất cứ một sự gì Ngài đã tạo dựng nên, trái lại, Ngài vẫn tiếp tục gìn giữ chúng hiện hữu, như Ngài đã tạo dựng nên chúng, như thể Ngài liên tục tạo dựng nên chúng, bằng không, nếu không được Ngài liên tục gìn giữ, tất cả sẽ trở về với hư vô ngay lập tức;

Thứ ba: Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và toàn năng, có thể để cho sự dữ xẩy ra, theo sự quan phòng thần linh khôn ngoan của Ngài, vì Ngài biết Ngài có thể biến sự dữ, do chính tạo vật nói chung tạo ra (xem Mathêu 13:24-30), bằng quyền năng tối thượng của Ngài;

Thứ bốn: Thiên Chúa là Đấng Thánh nên mọi sự được Ngài tạo dựng nói chung, và loài người nói riêng, cũng phải là thánh mới xứng đáng được hiệp thông thần linh với Ngài, do đó, mới có Ngày Thứ Bảy là Ngày Thánh (Khởi Nguyên 2:3), một ngày "Cha Ta hằng làm việc luôn" (Gioan 5:17) để thánh hóa những gì Ngài đã tạo dựng, bằng cách tỏ mình ra cho họ để họ nhận biết Ngài mà được sống;

Thứ năm: Thiên Chúa đã tự động cứu chuộc con người là loài, theo bản tính tự nhiên của tạo vật hữu hạn và bất toàn, đã sa ngã phạm tội, bằng cách "không dung tha cho Con Một Ngài, một phó nộp Người vì tất cả chúng ta" (Roma 8:32), thì Ngài sẽ tiếp tục sử dụng chính "gậy ông đập lưng ông", chính "của độc giải độc", tức là Ngài dùng chính cái vạ đau khổ và chết chóc gây ra bởi tội lỗi của con người để cứu chuộc con người, nơi từng người cũng như nơi nhiều người.

Một Thiên Chúa độc ác:

Nếu không nắm vững được những xác tín theo mạc khải thần linh trên đây, và cũng chính vì yếu đức tin cùng kém đức tin, mà chung loài người và riêng Kitô hữu cũng có những lúc cảm thấy Thiên Chúa không có mắt, Thiên Chúa bất công, Thiên Chúa độc ác, hay ít là cứ thắc mắc một cách nan giải rằng Thiên Chúa là đấng thiện hảo, là Cha thương xót tại sao lại để sự dữ xẩy ra cho biết bao nhiêu là con người vô tội v.v. Chẳng hạn như ở nơi những trường hợp xẩy ra cho các nạn nhân vô tội bị khủng bố sát hại, bị thiên tai tác họa, bị cộng sản bách hại cùng sát hại, bị buôn người và bắt làm nô lệ lao động hay nô lệ tình dục, bị dị tật bẩm sinh, bị tật nguyền bệnh hoạn v.v. 

Tất cả những thắc mắc và oán trách cùng giận hờn hợp tình hợp lý này của con người trần gian, trước hết, cho thấy niềm khát vọng cùng tận của họ là được sống hạnh phúc, hoàn toàn vắng bóng khổ đau, bất hạnh, là được cứu độ, nếu bất hạnh xẩy đến cho họ, và sau nữa, đều đều đã được trả lời một cách tỏ tường nơi Thánh Giá Chúa Kitô. Câu trả lời ấy là: 

Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Thiên Chúa toàn thiện vô cùng khôn ngoan và toàn năng, không sử dụng một cách thức nào khác để cứu chuộc nhân loại, chỉ là một loài tạo vật vô cùng hèn hạ chẳng là gì và chắng đáng gì trước nhan Thiên Chúa, những cách thức xứng hợp với phẩm vị vô cùng cao cả, chí tôn chí thánh đáng tôn thờ chúc tụng ngợi khen của Ngài, như Ngài cứ ở trên trời cao, rồi tự động tuyên bố tha tội lẫn vạ cho con người ngay sau nguyên tội của họ có phải hay hơn không, nhưng thực sự Ngài lại không chọn làm như vậy, Ngài đã không muốn những gì dễ dàng và thuận lợi cho Ngài, trái lại, Ngài chẳng những đã tự nguyện muốn nhập thể mặc lấy nhân tính của con người vô cùng hèn hạ và xấu xa tội lỗi, mà còn muốn tự hiến làm giá chuộc cho họ, bằng cuộc khổ nạn cùng tử giá vô cùng đớn đau và nhục nhã trước mặt loài người, hoàn toàn bất xứng với phẩm vị Thiên Chúa của Ngài, đến độ, Ngài đã trở thành đáng thương hơn loài người tội nhân đáng thương cần được Ngài cứu chuộc. 

Đúng thế, đó là câu trả lời sống động nhất, trung thực nhất và hùng hồn nhất cho những ai cho Thiên Chúa là độc ác, là mù mắt, là bất công, là hung thần! Nếu không có một tạo vật nào, dù là thiên thần hay loài người, được Thiên Chúa yêu bằng chính Con Một của Ngài, nhưng lại là chính Đấng Ngài lại cố tình đọa đầy, cho đến độ Con của Ngài đã phải than lên trên cây thập tự giá vô cùng thảm thiết rằng: "Chúa Trời tôi ơi, Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lại bỏ rơi tôi" (Mathêu 27:46), như thể Ngài không coi Con của Ngài là chính Bản Thân của Ngài ra cái gì, còn thua cả tội nhân loài người, ở chỗ biến Con của Ngài trở thành như một phương tiện, thánh cái giá phải trả cho con người, như thể Con của Ngài không có giá trị bằng chính loài người tạo vật tội lỗi chỉ đáng trừng phạt theo phép công bình hơn là cứu chuộc, và Ngài đã coi trọng loài người tạo vật khốn nạn tội lỗi hơn cả chính Con của Ngài vô cùng cao cả như chính Ngài là Thiên Chúa của loài người tội lỗi.

Một Thiên Chúa mồ côi:

Thiên Chúa đã yêu thương loài người tạo vật vô cùng hèn hạ, khốn nạn, và xấu xa tội lỗi đến như thế mà trước mắt của con người nói chung, và của từng người nói riêng, kể cả thành phần Kitô hữu, bao gồm cả các đấng các bậc, nhiều khi Ngài đã trở thành một Vị Thiên Chúa mồ côi vô cùng tội nghiệp, ở chỗ, họ không nhận biết Ngài, hiểu lầm Ngài, lãng quên Ngài, vô ơn bội nghĩa với Ngài, không biết được những gì Ngài âm thầm làm cho họ, nhất là Ngài hằng ở với họ, dù họ xua đuổi Ngài bằng các thứ trọng tội, Ngài vẫn tiếp tục theo đuổi họ, cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời họ, và sử dụng hết mọi cách khôn ngoan nhất và quyền năng nhất có thể của Ngài, để cứu chuộc họ cho bằng được.

Tuy nhiên, trên thực tế, Thiên Chúa vẫn là vị Thiên Chúa mồ côi, bị loài người, nhất là thành phần Kitô hữu bỏ rơi, hất hủi và quên lãng như một thứ đồ bỏ, không cần quan tâm tưởng nhớ. Chẳng hạn ở những trường hợp sau đây:

- Khi Ngài bị con người không biết rằng Ngài liên tục tạo dựng nên họ, bằng không họ sẽ trở về hư không bất cứ lúc nào Ngài không gìn giữ họ hiện hữu - đó là thứ ân sủng mồ côi không ai hay hiếm ai nhận ra và lưu ý tới;

- Khi Ngài bị con người oán trách giận hờn khi họ bất ngờ gặp gian nan hoạn nạn khốn khó trong đời, những gì mà mãi sau này họ mới biết rằng Ngài đã làm ơn cho họ, nhờ đó mà họ mới được nên tốt hơn - đó là thứ ân sủng mồ côi một thời;

- Khi Ngài bị con người thất hứa với Ngài, thành phần van xin nài nỉ đủ thứ với Ngài trong cơn gian nan khốn khổ nguy tử cần cứu vớt, nhưng sau khi được Ngài ban ơn theo lòng sở nguyện, Ngài trở thành phương tiện như đối với 9 người cùi, hơn là cùng đích như người cùi Samaritano duy nhất trở lại tỏ lòng tri ân cảm tạ Ngài - đó là thứ ân sủng mồ côi trước những tấm lòng vô ơn bạc nghĩa; 

- Khi Ngài lấy 1 nén bạc ân sủng của Ngài, từ con người nào bị thất sủng với Ngài, trao cho người đã có 10 nén (xem Mathêu 25:28), mà con người có khả năng hơn ấy, trong đó có chúng ta đang sống sung túc về vật chất, đã giầu lại càng làm ăn lên, lại tưởng do công nghiệp của mình, nên chỉ biết hưởng thụ những gì dồi dào đó, thay vì làm lợi thêm để bù đắp cho những ai đã không làm lợi từ nén bạc ấy - đó là thứ ân sủng mồ côi bị lm dụng hưởng thụ một cách vị kỷ;

- Khi Ngài bị con người từ chối làm theo ý của Ngài, thậm chí còn làm ngược lại với ý của Ngài, thế mà khi họ đã kêu xin Ngài, họ lại muốn Ngài phải làm theo ý họ, mà Ngài không làm, hay chưa làm, hoặc không làm chỉ vì lợi ích tối hậu của họ mà họ không biết, thì Ngài bị họ truất phế và oán trách, như thể Ngài bất công với họ, thay vì chính họ bất công với Ngài - đó là thứ ân sủng mồ côi vô thừa nhận;

- Khi Ngài bị những Kitô hữu sốt sắng đạo đức oán trách, bởi họ toàn gặp xui xẻo trong khi những kẻ khô khan nguội lạnh, hay tội lỗi gian ác lại toàn gặp hên may, trong khi chính vì họ là cành nho đã sinh hoa trái, Ngài muốn cành nho ấy sinh nhiều hoa trái hơn bằng những đau khổ thứ thách họ cần phải chịu thay cho tội vạ của các tội nhân cần đến LTXC hơn - đó là thứ ân sủng mồ côi bị đọa đầy.

Một Thiên Chúa Ra Tay:

Thiên Chúa là Vị Thiên Chúa luôn thi ân giáng phúc, hay chỉ biết giáng phúc thi ân cho tạo vật, cho loài người, cho Kitô hữu, cho từng người đã được Ngài dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Ngài, nhưng thực tế phũ phàng cho thấy Ngài đã trở thành Vị Thiên Chúa ác độc đối với một thiểu số người này, hay một Vị Thiên Chúa mồ côi đối với đa số những người kia. Nhưng, "dù chúng ta có bất trung, Ngài vẫn trung thành, vì Ngài không thể chối bỏ chính mình Ngài" (2Timôthêu 2:13). 

Ngài là vị Thiên Chúa Hóa Công, dựng nên loài người chúng ta, nên biết chúng ta hơn chính bản thân chúng ta biết mình, và yêu thương chúng ta còn hơn chúng ta yêu thương chúng ta, thành phần thậm chí đi tìm hạnh phúc ở những chỗ tận diệt mà không biết, hay cố tình và bất chấp đâm đầu vào v.v. Bởi thế, có những ơn chúng ta xin Ngài, vì tưởng rằng cần cho chúng ta hay có lợi cho chúng ta, nhưng Ngài vẫn không ban cho chúng ta, vì thấy có hại cho chúng ta, nghĩa là, chính lúc Thiên Chúa không ban ơn cho chúng ta lại là lúc Ngài làm ơn cho chúng ta mà chúng ta không biết đó thôi, bất chấp Ngài có bị chúng ta oán trách giận hờn và bỏ Ngài chăng nữa. 

Chẳng hạn, người bất toại 38 năm ở Phúc Âm Thánh Gioan (5:1-18), thà đừng được Ngài chữa lành cho mà còn có thể được rỗi, sau cuộc đời bất toại đầy bất hạnh ngắn ngủi mau qua của mình, còn hơn sau khi được chữa lành lại trở nên khốn nạn hơn nữa, vì cố tình phạm đến Chúa, như chính Ngài đã cảnh báo trước cho anh ta sau khi đã chữa lành cho anh ta và thấy anh ta đang có xu hướng phạm tội: "Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!" (Gioan 5:14). Đó là lý do thà mất một chi thể mà được rỗi, còn hơn nguyên vẹn cả bản thân mà bị vứt vào lửa hỏa ngục đời đời (xem Mathêu 5:27-30).

Ngược lại, có những trường hợp Thiên Chúa đã ban ơn cho một tâm hồn nào đó, chẳng hạn, Ngài đã ngăn chặn họ bao nhiêu lần để họ đừng phạm tội, khi Ngài nói qua lương tâm của đương sự: đừng làm, đừng làm những gì trái với luân thường đạo lý, bất xứng với họ, tác hại cho phần rỗi của họ, thậm chí nếu có cứ làm, Ngài làm cho lương tâm họ cảm thấy áy náy bất an, nhưng họ vẫn cứ tiếp tục, bất chấp ơn Chúa ban, bất chấp tiếng Chúa nhắc, cứ tiếp tục lao đầu vào hố diệt vong cho tới cùng, đến độ trở thành cứng lòng, không còn biết đến tội lỗi là gì nữa, đến độ biến lành thành dữ và biến dữ thành lành, như thứ văn hóa chết chóc của thế giới càng văn minh con người càng bạo loạn và vô thần duy vật ngày nay. Một khi Thiên Chúa ra tay, bằng cách buông tay ra, để cho con người muốn làm gì thì làm, thì con người chỉ hư đi thôi!

Bởi thế, chính vì loài người vô cùng thấp hèn khốn nạn tội lỗi chúng ta không biết mình và yêu mình như Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta, chúng ta hãy tin vào Ngài và phó thác cho Ngài, để tùy Ngài làm chủ cuộc đời của chúng ta, bằng những ơn Ngài ban cho chúng ta tùy theo ý định thần linh vô cùng khôn ngoan và yêu thương của Ngài. Phần thành phần Kitô hữu chúng ta, một ơn quan trọng nhất và khẩn thiết nhất chúng ta cần xin Chúa, đó là xin Ngài làm cho chúng ta xứng với ơn Chúa: xứng đáng lãnh nhận ơn Ngài ban và sử dụng ơn ban của Ngài một cách xứng đáng, đúng như Ngài mong muốn, và chỉ biết liên lỉ cám ơn Chúa về tất cả những gì Ngài ban cho chúng ta, kể cả ơn tha thứ tội lỗi của chúng ta, và ơn đau khổ để được thánh hóa cho bản thân mình, cũng như cho phần rỗi của các linh hồn cần đến LTXC hơn.

Với tất cả những ý thức và xác tín trên đây, em xin chia sẻ với quí anh chị lời nguyện "Xin Thương Phạt Con" trên đây: