TÌNH HÌNH THỜI CUỘC 2016

 

Bầu cử Hoa Kỳ đầy căng thẳng

Trần Nhật PhongGửi cho BBC từ California

Donald Trump và Hillary Clinton

Cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ 2016 được đánh giá là nhiều sóng gió nhất, nhiều chia rẽ nhất đang diễn ra, khiến cộng đồng quốc tế theo dõi từng bước, từng lời phát ngôn cho đến từng quan điểm của hai ứng cử viên, tạo nên một không khí đầy sôi động và hào hứng.

Kể từ khi hai đảng chính thức đưa ra ứng cử viên, bên đảng Dân Chủ, bà Hillary Clinton trở thành người phụ nữ đầu tiên được đảng đề cử vào chức vị Tổng Thống.

Trong khi đó phía đảng Cộng Hòa dù còn nhiều chia rẽ, nhưng cũng đã chính thức đề cử ông Donald Trump, một thương gia lừng lẫy và là một nhân vật đầy quyền lực trong giới địa sản và truyền thông vào chức vụ này.

Đây được xem là lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử Tổng Thống cả hai nhân vật đều được ủng hộ và chống đối nhiều nhất, kể cả từ trong chính đảng của họ.

Bà Hillary Clinton được xem là một người lão luyện về chính trị, có quan hệ tốt với nhiều giới chính trị ở Washington và kể cả những lãnh đạo thế giới, được cả hai đời tổng thống ủng hộ gần như tuyệt đối gồm chồng bà cựu Tổng Thống Bill Clinton và đương kim Tổng Thống Obama.

Bà cũng được xem là được lòng cộng đồng quốc tế, sẽ dễ dàng làm việc một khi trở thành Tổng Thống. Nhiều đồng minh lẫn kẻ thù của Hoa Kỳ sẽ vui mừng nếu bà được chọn, thậm chí nhiều nhân vật thế lực nhất trên chính trường Hoa Kỳ cũng tuyên bố ủng hộ cho bà.

Clinton bất nhất?

Tuy nhiên đứng ở góc cạnh công dân Hoa Kỳ, những người đang sinh sống tại Hoa Kỳ, những điều bà Clinton đang sở hữu hoặc đang được ủng hộ, chưa chắc sẽ bỏ phiếu chọn bà, vì tuy có nhiều lợi thế nhưng bà cũng có nhiều tiêu cực khiến cho bà sẽ trở nên chật vật hơn khi đối đầu với ông Donald Trump.

Bà bị đánh giá chỉ là lặp lại những chính sách trước đó mà chồng bà hay Tổng Thống Obama đang thực hiện, hoàn toàn không có một hướng đi mới.

Bà bị xem là bất nhất trong quan điểm, điển hình là hiệp ước TPP. Trước đó bà khẳng định ủng hộ cho hiệp ước này. Tuy nhiên khi đối diện với làn sóng chỉ trích lên cao, nhất là những người ngay trong đảng Dân Chủ, bà lât đật đòi xét lại các nguyên tắc của hiệp ước này, thậm chí còn có ý định hủy bỏ hoàn toàn nếu áp lực tiếp tục gia tăng.

Bà cũng được dân chúng đánh giá là quá nhân nhượng thậm chí thỏa hiệp với Trung Quốc, khiến cho Hoa Kỳ bị thiệt hại khá nhiều trong cán cân mậu dịch giữa hai nước, đặc biệt là người dân không tin bà Clinton có bản lãnh để đương đầu với Trung Quốc trong các xung đột về chính trị, quân sự và cuộc chiến mạng.

Ngoài ra điều quan trọng là người dân lo ngại vấn đề sức khỏe của bà. Nhiều người không tin rằng bà Clinton có đầy đủ sức khỏe để chống chọi trong nhiệm kỳ đầu tiên 4 năm. Nếu lỡ giữa nhiệm kỳ xảy ra vấn đề sức khỏe, chắc chắn Hoa kỳ sẽ rơi vào một cơn khủng hoảng trầm trọng.

Chia rẽ vì Trump

Trong khi đó bên đảng Cộng Hòa, ông Trump được đánh giá nhiều tiêu cực hơn bà Clinton.

Việc thắng quyền đề cử trong đảng của ông Trump đã khiến cho đảng Cộng Hòa bị chia rẽ trầm trọng.

Ông bị xem là người không hiểu những vấn đề chính trị, nhất là việc lãnh đạo một quốc gia đứng đầu thế giới như Hoa kỳ, không giống như quản lý một công ty.

Ông bị xem là người đàn ông xấu tánh vì những phát ngôn "động trời", từ chuyện chê bai phái nữ, gọi những người nhập cư lậu từ Mexico là những kẻ buôn ma túy, từng nói xấu phụ nữ trong quá khứ, luồng lách việc đóng thuế bằng cách khai phá sản, và mới đây nhất, trong cuộc tranh luận lần thứ hai, ông còn đòi bỏ tù bà Clinton một khi ông đắc cử tổng thống.

Ông bị chê là "láu cá vặt", khi dùng tiền của quĩ tranh cử, mua lại những cuốn sách của ông viết, rồi tặng lại những người ủng hộ, "bắt" cơ quan mật vụ phải trả tiền máy bay "phí" cho ông, khi cơ quan này phái nhân viên bảo vệ cho ông trong thời gian tranh cử (cơ quan mật vụ phải chi trả lên đến 1.6 triệu Mỹ kim, khi nhân viên mật vụ lên máy bay riêng của ông để bảo vệ cho ông), và tự cho là mình "thông minh" khi dùng thủ thuật lách thuế, mà không xem đó là hành động thiếu trách nhiệm của một công dân.

Tuy nhiên đứng ở góc cạnh khác mà nhìn, rõ ràng ông Trump đang là biểu tượng cho sự đòi hỏi thay đổi mạnh mẽ từ đảng Cộng Hòa nói riêng và công chúng Hoa kỳ nói chung.

8 năm dưới thời tổng thống Obama, tuy ông Obama có nhiều di sản tốt để lại trong hai nhiệm kỳ của ông, nhưng rõ ràng ông đã thất bại trước hai vấn đề. Thứ nhất là nền kinh tế vốn bị khủng hoảng từ đầu nhiệm kỳ của ông, và đến nay không khá hơn được bao nhiêu, việc làm vẫn chảy ra nước ngoài, ông không thúc đẩy được sáng tạo mới để làm đòn bẩy cho nền kinh tế.

Donald Trump và Hillary Clinton

Thứ hai suốt 8 năm, ông chỉ rút quân ra khỏi những điểm nóng, mà không có một cuộc chiến mới nào, thậm chí sự trỗi dậy của ISIS hay ISIL, tại Syria và Iraq ông chỉ cho phép mở các trận không tập mà không chính thức đưa quân đội trực tiếp tham gia dưới mặt đất để hổ trợ cho các đồng minh, khiến cho tư thế quân sự hùng mạnh của Hoa kỳ đã trở thành "què quặt" trong mắt của Nga, Trung Quốc và cả các đồng minh trong lực lượng NATO.

Chính vì những điều này mà công chúng Hoa kỳ muốn có sự thay đổi, do đó những phát biểu quyết liệt của ông Trump đã gợi đúng tâm lý của công chúng nói chung và cử tri đảng Cộng Hòa nói riêng, dẫn đến việc các lãnh đạo đảng Cộng Hòa đã thất bại trong việc lật đổ ông hôm đại hội đảng vừa qua.

Cử tri của đảng chọn ông Trump như một lời cảnh cáo đến các lãnh đạo đảng áp lực đảng này phải thay đổi cách hoạt động.

Ông được mô tả là hoàn toàn không có quan hệ nhiều với Washington. Đây là yếu điểm nhưng cũng là lợi điểm của ông, vì ông sẽ làm việc thẳng tay hơn không có nhân nhượng thỏa hiệp vì những liên hệ chằng chịt như bà Clinton.

Tóm lại dân chúng Hoa Kỳ vẫn đang do dự trước hai ứng cử viên.

Còn gần một tháng nữa là đến ngày bầu cử 8 tháng 11, trong khi bà Clinton không còn gì để tấn công ông Trump ngoại trừ hồ sơ thuế, những "vấn nạn" về đàn bà của ông Trump. Trong khi ngược lại ông Trump còn quá nhiều điều để tấn công bà Clinton để giảm uy thế của bà, vì bà Clinton vừa phải bảo vệ cho chính bà, bảo vệ cho chính sách của ông Obama, và còn bảo vệ cho quá khứ của ông chồng, chưa kể đến các hồ sơ khác như Clinton Foundation, vụ Benghazi.

Chính trường Hoa kỳ còn nhiều biến động, và trong lịch sử chỉ duy nhất thời của cố Tổng Thống Reagan và Bush cha, là một đảng nắm 3 nhiệm kỳ, không biết bà Clinton có lập lại lịch sử hay không? Chờ xem.

 

Mỹ bầu tổng thống sau một chiến dịch tranh cử gây chia rẽ

Anh Vũ, Trọng Thành
mediaỨng viên Hillary Clinton trong buổi mít tinh ở Cleveland, bang Ohio, ngày 06/11/216.REUTERS/Carlos Barria

Hôm nay, 08/11/2016, cử tri Mỹ chính thức đi bỏ phiếu chọn bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump làm tổng thống thứ 45 của hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Hai ứng viên của đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã kết thúc chiến dịch vận động tranh cử kéo dài 18 tháng, với những màn tấn công nhau dữ dội chưa từng có trong lịch sử gây xáo động nước Mỹ. Đây cũng là kỳ bầu cử tổng thống gây thất vọng nhất cho người dân Mỹ.

Sau khi vượt qua được vòng bầu cử sơ bộ trong mỗi đảng, nhà tỷ phú Donald Trump - đại diện của đảng Cộng Hòa và bà Hillary Clinton, chính trị gia dày dạn kinh nghiệm của đảng Dân Chủ,  đã bước vào một cuộc đối đầu trực diện trong một chiến dịch tranh cử dữ dội, nhưng cũng gây chia rẽ nước Mỹ nhất từ trước đến nay.

Nếu như tỷ phú Donald Trump có khẩu hiệu « Hãy làm nước Mỹ mạnh trở lại », " Nước Mỹ là trên hết ", thì bà Hillary Clinton hô hào « Cùng nhau, chúng ta sẽ mạnh hơn ». Tuy nhiên, trong suốt chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, các chương trình hành động về kinh tế, chính trị - xã hội cho nước Mỹ đã nhanh chóng bị che lấp bởi các vụ lùm xùm bê bối và những màn tấn công nhau không khoan nhượng từ cả hai phe.

Trong ba cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, cũng như tại hàng loạt các cuộc mít tinh trên khắp các tiểu bang, cử tri Mỹ chủ yếu chứng kiến những cuộc khẩu chiến dữ dằn, có phần thô bạo của hai ứng viên nhằm tấn công vào tư cách của đối thủ. Dư luận Mỹ nhận thấy đây là kỳ bầu cử gây thất vọng nhất của lịch sử nước Mỹ.

Dù đã huy động hết nguồn lực cho một chiến dịch tranh cử dài hơi, nhưng cả Hillary Clinton và Donald Trump đều không phải là những ứng viên tổng thống lý tưởng đối với đại đa số cử tri Mỹ. Họ lựa chọn bỏ phiếu cho một trong hai ứng cử viên trong tâm trạng miễn cưỡng nhiều hơn là được thuyết phục.

Trước khi kết thúc chiến dịch tranh cử, hôm qua 07/10 ứng viên Donald Trump đã tăng tốc để thuyết phục các cử tri còn lưỡng lự. Trong một ngày, ông đã đi tới 5 tiểu bang để diễn thuyết. Cùng lúc phe Dân chủ cũng huy động tổng lực với cuộc mít tinh của bà Hillary Clinton tại Philadelphia, tập hợp khoảng 40.000 người, với sự tham gia của tổng thống Obama, cả gia đình nhà Clinton và những ngôi sao ca nhạc nổi tiếng của Mỹ như Lady Gaga, Bruce Springsteen, Jon Bon Jovi.

Đến trước ngày bỏ phiếu chính thức, hầu hết các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ứng viên đảng Dân Chủ vượt lên với khoảng trên dưới 2%. Tuy nhiên, con số chênh lệch này vẫn nằm trong phạm vi sai số của thống kê, chưa có gì khẳng định ai chiến thắng. Cả phe Dân Chủ cũng như Cộng Hòa đều nín thở chờ đợi phán quyết qua lá phiếu của cử tri Mỹ sẽ có trong ít giờ nữa. Theo dự tính, vào lúc khoảng 3 giờ, giờ quốc tế ngày 09/11, mọi người có thể biết tên người chiến thắng, tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. 

Mệt mỏi vì cuộc tranh cử kéo dài

Sau một giai đoạn tranh cử tổng thống kéo dài, rất căng thẳng và thậm chí rất hung bạo, các cử tri Mỹ nhìn chung đều thở phào nhẹ nhõm khi ngày bỏ phiếu rốt cuộc cũng đã tới. Từ San Francisco, thông tín viên Carlotta Morteo cho biết tâm trạng của cử tri tiểu bang miền viễn tây nước Mỹ :

« Rời khỏi phòng bỏ phiếu, các cử tri California đều có một quan điểm thống nhất. Một nữ cử tri cho biết bà khá lo ngại về kết quả, nhưng thật mừng là cuối cùng thì mọi sự cũng sẽ sớm kết thúc. Một nam cử tri nhận xét là cuộc tranh cử tổng thống rất sôi động, nhưng ông cũng mong sớm kết thúc, cuộc tranh cử vừa qua phải nói là rất gây chia rẽ, rất tồi. Một nam cử khác thì cho rằng đây là một trò hề, một trò lừa đảo khủng khiếp, điều đáng tiếc là người ta đã không thảo luận thực sự về chính trị trong cuộc tranh cử vừa qua.

Thất vọng về tính chất trống rỗng của một cuộc tranh cử chính trị tràn ngập những lời lẽ cực đoan, rất nhiều cử tri Hoa Kỳ cũng bực bội vì tình trạng bội thực thông tin, và khoản tiền 10 tỉ đô la được chi cho quảng cáo. Một cử tri nói ông hết sức mệt mỏi, vì ngày nào cũng buộc phải nghe đi nghe lại những thông tin như vậy. Một cử tri khác cũng cùng cảm nhận là ông phải tiếp nhận hàng tấn thông tin, gần như bị bão hòa vì các thông tin dồn dập về bầu cử ; quảng cáo về bầu cử chỉ là những lời lẽ tuyên truyền, chỉ là những lời lẽ mà mỗi người muốn được rót vào tai.

Theo báo The Washington Post, cuộc tranh cử tổng thống Mỹ là món lộc trời cho đối với công nghiệp truyền thông. Một ví dụ, đó là hãng CNN đã kiếm được một tỉ đô la năm nay, hay New York Times kiếm được thêm 516.000 khách hàng mới ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161108-cu-tri-my-buoc-vao-ngay-bau-cu-tong-thong-sau-mot-chien-dich-tranh-cu-gay-chia-re

 

http://www.voatiengviet.com/a/us-election-map-2016/3574337.html
http://www.voatiengviet.com/a/us-election-map-2016/3574337.html