GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2017

 

 

 

ĐTC Phanxicô: Bài Giảng Lễ Hiện Xuống CN 4/6/2017

Hôm nay là ngày kết thúc Mùa Phục Sinh, 50 ngày, từ khi Chúa Giêsu phục sinh cho đến Hiện Xuống, được đánh dấu một cách đặc biệt bởi sự hiện diện của Thánh Linh. Vị Thần Linh này tự mình quả thực là Tặng Ân Phục Sinh. Ngài là Vị Thần Linh Tạo Dựng, Đấng liên lỉ mang lại những gì là mới mẻ. Các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy hai trong những điều mới mẻ này. Ở bài đọc thứ nhất, Vị Thần Linh này làm cho các môn đệ thành một con người mới; ở trong Phúc Âm Ngài tạo nên nơi các môn đệ một con tim mới. 

Một con người mới. Vào ngày Hiện Xuống, Vị Thần Linh này đã từ trời mà xuống, bằng hình thể của "những lưỡi phân chia như lửa... đậu trên mỗi người trong họ. Tất cả đều được đầy Thánh Linh và bắt đầu nói các ngôn ngữ khác" (Tông Vụ 2:3-4). Đó là cách lời Chúa diễn tả hoạt động của Vị Thần Linh này: trước hết Ngài đậu ở trên từng người và sau đó mang tất cả các vị lại với nhau trong tình thân hữu. Ngài đã ban một tặng ân cho từng người, và sau đó qui tụ tất cả họ lại trong hiệp nhất. Nói cách khác, cùng một vị Thần Linh này kiến tạo nên những gì là đa dạng và hiệp nhất, và bằng đường lối ấy hình ành một dân tộc mới, đa dạng và hiệp nhất, đó là Giáo Hội hoàn vũ. Trước hết, bằng cách vừa sáng tạo vừa bất ngờ, Ngài làm phát sinh ra những gì là đa dạng, vì qua mọi thời đại, Ngài làm nẩy nở các thuư đặc sủng mới mẻ và khác nhau. Thế rồi Ngài mang lại mối hiệp nhất: Ngài liên kết lại, qui tụ lại và phục hồi mối hòa hợp: “Bằng sự hiện diện của mình và hoạt động của mình, Vị Thần Linh này làm cho các tinh thần khác biệt và tách lìa trong họ được hiệp nhất” (CYRIL OF ALEXANDRIA, Commentary on the Gospel of John, XI, 11). Ngài làm như vậy bằng một cách thức gây nên được mối hiệp nhất thực sự, theo ý muốn của Thiên Chúa, một mối hiệp nhất không phải là đồng nhất (uniformity), mà là hiệp nhất trong khác biệt.

Để cho điều này xẩy ra, chúng ta cần tránh hai thứ khynh hướng cứ tái đi diễn lại. Khuynh hướng thứ nhất là tìm kiếm những gì là khác biệt phi hiệp nhất (diversity without unity). Điều này xẩy ra khi chúng ta muốn phân rẽ, khi chúng ta bè phái, khi chúng ta chiều theo những chủ trương cứng ngắc và bịt bùng, khi chúng ta loay hoay lẩn quẩn với những ý nghĩ của mình cùng với các cách thức thực hiện sự việc, thậm chí còn nghĩ rằng chúng ta khá hơn những người khác, hay nghĩ rằng chúng ta lúc nào cũng đúng, khi chúng ta trở thành những con người được gọi là “bảo quản sự thật”. Khi điều này xẩy ra, chúng ta chọn bán phần hơn là toàn phần,chọn  thuộc về nhóm này nhóm nọ trước khi thuộc về Giáo Hội. Chúng ta trở nên thành phần ủng hộ viên năng nổ cho một phía hơn là trở thành anh chị em trong cùng một Thần Linh. Chúng ta trở thành những Kitô hữu thuộc “pbe hữu” hay “phe tả”, trước khi ở về phía Chúa Giêsu, thành những bảo quản viên triệt để của quá khứ hay những tay tiên phong của tương lai trước khi thành những người con cái khiêm hạ và biết ơn của Giáo Hội. Kết cục đó là đa dang phi hiệp nhất. Khuynh hướng ngược lại là khuynh hướng tìm kiếm hiệp nhất phi đa dạng. Ở đây, hiệp nhất trở thành đồng nhất, ở chỗ hết mọi người đều phải cùng làm hết mọi sự với cùng một cách thức như nhau, bao giờ cũng nghĩ tưởng giống nhau. Sự hiệp nhất cuối cùng thành thuần nhất tính và chẳng còn tự do nữa. Thế nhưng, như Thánh Phaolô nói “ở đâu có Thần Linh Chúa thì ở đó có tự do” (2Corinto 3:17).

Bởi vậy mà lời cầu nguyện chúng ta dâng lên Thánh Linh đó là xin ơn biết lãnh nhận sự hiệp nhất của Ngài, một cái nhìn, bỏ ra ngoài những sở thích riêng tư, tha thiết và mến yêu Giáo Hội của Ngài, Giáo Hội của chúng ta. Đó là chấp nhận trách nhiệm đối với mối hiệp nhất giữa tất cả mọi người, là tẩy chay những thứ xì xèo đồn đoán gieo rắc mầm mống bất hòa và đầu độc tị hiềm, vì làm con người nam nữ của Giáo Hội nghĩa là làm những con người nam nữ của mối hiệp thong. Cũng cần phải xin cho được một tấm lòng biết cảm thấy rằng Giáo Hội là Mẹ của chúng ta và là nhà của chúng ta, một ngôi nhà mở rộng và đón chờ, nơi chia sẻ niềm vui muôn mầu của Thánh Linh.

Giờ đây chúng ta sang điều mới mẻ thứ hai được Vị Thần Linh này mang đến, đó là một con tim mới. Khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra lần đầu tiên với các môn đệ của Người thì Người nói cùng các vị rằng: “Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì tội của họ được tha” (Gioan 20:22-23). Chúa Giêsu không lên án các vị vì các vị đã chối bỏ Người và đã bỏ mặc Người trong cuộc khổ nạn của Người, mà trái lại, còn ban cho các vị vị thần linh tha thứ nữa. Vị Thần Linh này là tặng ân đầu tiên của Chúa sống lại, và trước hết được ban để tha thứ tội lỗi. Ở đây chúng ta thấy khởi điểm của Giáo Hội, cái chốt thắt kết chúng ta lại với nhau, xi măng gắn liền các viên gạch của ngôi nhà, đó là ơn tha thứ. Vì tha thứ là tặng ân ở mức độ cao cả nhất; nó là tình yêu cao cả nhất. Nó bảo trì mối hiệp nhất bất chấp mọi sự, nó ngăn ngừa những gì là suy sụp, và củng cố cùng kiên cường. Tha thứ làm cho cõi lòng của chúng ta được tự do thanh thản, và giúp cho chúng ta có thể bắt đầu lại. Tha thứ là những gì cống hiến niềm hy vọng; Giáo Hội không được dựng xây nếu không tha thứ.

Tinh thần tha thứ giải quyết được hết mọi sự trong hòa hợp, và dẫn chúng ta đến chỗ loại trừ đi hết mọi đường lối khác: đường lối của việc phán đoán một cách hấp tấp, đường lối vòng vo của việc khép lại hết mọi cánh cửa, con đường một chiều khi phê phán kẻ khác. Trái lại, Vị Thần Linh này thách chúng ta đi vào con đường hai chiều của tha th71 và được thứ tha, của lòng thương xót Chúa trở thành tình yêu thương tha nhân, của đức ái được coi như “qui chuẩn nhờ đó biết được những gì cần phải làm và những gì không được làm, những gì cần phải thay đổi hay những gì không được đổi thay” (ISAAC OF STELLA, Or. 31). Chúng ta hãy xin ơn biết làm cho đẹp đẽ mỹ miều hơn dung nhan Mẹ Giáo Hội, bằng cách để mình được canh tân bởi sự tha thứ và việc tự chỉnh đốn bản thân mình. Chỉ có thế chúng ta mới có thể chỉnh sửa kẻ khác trong bác ái yêu thương.

Thánh Thần là ngọn lửa yêu thương bừng cháy trong Giáo Hội cũng như trong tâm can của chúng ta, cho dù chúng ta thương che phủ Ngài bằng lớp tro tội lỗi của chúng ta. Chúng ta hãy kêu xin Ngài rằng: "Ôi Chúa, Thần Linh của Thiên Chúa, Đấng ở trong tâm can của chúng con và trong lòng của Giáo Hội, Đấng hướng dẫn và hình thành Giáo Hội một cách đa dạng, xin hãy đến! Chúng con cần Chúa để sống như một giòng nước. Xin hãy đến trên chúng con một lần nữa, xin hãy dạy chúng con sự hiệp nhất, xin hãy canh tân tâm can của chúng con và hãy dạy chúng con biết yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta, biết tha thứ như Chúa tha thứ cho chúng con. Amen".

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2017/documents/papa-francesco_20170604_omelia-pentecoste.html