GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GIÁO LÝ VỀ NIỀM TIN TƯỞNG CẬY TRÔNG

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 23-8-2017

 

Bài 31

 

General Audience 23/08/2017 © L'Osservatore Romano

 

 

"Thiên Chúa của chúng ta là Vị Thiên Chúa tạo nên những gì là mới mẻ, vì Ngài là Vị Thiên Chúa của những gì là lạ lùng bỡ ngỡ. Kitô hữu không cúi đầu bước đi... Chúng ta là thành phần dân của mùa xuân hơn là mùa thu".

 

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Chúng ta đã nghe Lời Chúa trong Sách Khải Huyền như thế này: "Này đây Ta làm tất cả mọi sự nên mới mẻ" (21:5). Niềm tin tưởng cậy trông của Kitô hữu được xây dựng trên niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng luôn tạo nên những gì là mới mẻ trong cuộc sống của con người, Ngài tạo nên những thứ mới mẻ trong lịch sử và Ngài tạo nên những thứ mới mẻ trong vũ trụ này. Thiên Chúa của chúng ta là Vị Thiên Chúa tạo nên những gì là mới mẻ, vì Ngài là Vị Thiên Chúa của những gì là lạ lùng bỡ ngỡ.

Kitô hữu không cúi đầu bước đi - như các con heo chúng luôn làm thế - mà không ngước mắt của chúng ta hướng về chân trời, như thể tất cả cuộc hành trình của chúng ta đều chấm dứt ở nơi đây, ở một khoảng cách ngắn của vài thước đo của cuộc hành trình; như thể đời sống của chúng ta vô chủ định và bất đạt thành, và chúng ta bị ép buộc phải vĩnh viễn lang thang chẳng có lý do nào cho những lao nhọc của chúng ta. Kitô hữu không phải thế.

Những trang Thánh Kinh cuối cùng cho chúng ta thấy một chân trời tối hậu của việc tín hữu hành trình, đó là Giêrusalem Nước Trời, Giêrusalem thiên quốc. Trước hết nó được mường tượng như là một cái lều vĩ đại, nơi Thiên Chúa sẽ đón nhận tất cả mọi người để vĩnh viễn ở với họ (xem Khải Huyền 21:3). Đó là niềm hy vọng của chúng ta. Và Thiên Chúa sẽ làm những gì khi chúng ta cuối cùng được ở với Ngài? Ngài sẽ tỏ ra một niềm êm ái dịu dàng vô cùng đối với chúng ta, như một người cha đón nhận con cái của mình là thành phần đã chịu khó làm việc và chịu đau khổ. Trong Sách Khải Huyền Thánh Gioan đã nói tiên tri rằng: "Này đây, nơi cư ngụ của Thiên Chúa ở với loài người!... Ngài sẽ lau khô hết mọi giọt nước mắt của họ, và không còn chết chóc gì nữa, cũng chẳng còn than khóc hay kêu gào hoặc đớn đau nữa, vì những gì trước đây đã qua đi... Này đây Ta làm cho tất cả nên mới!" (21:3-5) - Vị Thiên Chúa của điều mới mẻ!

Hãy cố gắng suy niệm về đoạn Thánh Kinh này, không phải một cách trừu tượng, mà bằng cách sau khi đã đọc tin tức thời sự về ngày sống của chúng ta, sau khi đã thấy tin tức trên truyền hình hay trang nhất của các báo chí, nơi xẩy ra quá nhiều thảm cảnh, nơi tin buồn được tường trình khiến tất cả chúng ta có nguy cơ trở thành quen thuộc. Tôi đã chào hỏi một số anh chị em đến từ Barcelona: nơi đã xẩy ra tin buồn biết bao! Tôi đã chào hỏi một số anh chị em từ Congo tới, nơi tin buồn xẩy ra biết là chừng nào! Còn biết bao nhiêu nơi khác nữa! Chỉ cần liệt kê 2 quốc gia trong số các quốc gia của anh chị em hiện diện nơi đây... Hãy cứ nghĩ đến những khuôn mặt của trẻ em đang lo sợ chiến tranh, đến tiếng kêu của các bà mẹ, đến những thứ vỡ mộng của rất nhiều con người trẻ, đến các tị nạn nhân đang phải đối diện với những cuộc hành trình kinh hãi, và đang bị khai thác rất nhiều lần... Tiếc thay, đời sống cũng là như vậy nữa, đôi khi người ta cần phải nói rằng nó đặc biệt là như thế đó.

Cuộc sống có thể xẩy ra như thế, nhưng có một Người Cha đang khóc với chúng ta; có một Người Cha đang nhỏ lệ vô cùng cảm thương con cái của mình. Chúng ta có một Người Cha có thể khóc, Đấng khóc với chúng ta, một Người Cha đang đợi chờ chúng ta để an ủi chúng ta, vì Ngài biết các nỗi khổ đau của chúng ta và đã sửa soạn cho chúng ta một tương lai khác hẳn. Đó là một nhãn quan cao cả của niềm hy vọng Kitô giáo, một nhãn quan tỏa lan trên tất cả mọi ngày sống của chúng ta để thăng hóa chúng ta.

Thiên Chúa đã không nhầm lẫn khi tạo nên cho chúng ta cuộc sống, dồn ép bản thân Ngài và chúng ta vào những đêm tối tăm mịt mù của sầu thương. Trái lại, Ngài đã tạo nên chúng ta vì Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc. Ngài là Cha của chúng ta và nếu chúng ta vào lúc này đây đang trải qua một cuộc đời không như Ngài muốn cho chúng ta, thì Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa đang đích thân ra tay giải cứu. Ngài ra tay giải cứu chúng ta.

Chúng ta tin tưởng và ý thức rằng chết chóc và hận thù không phải là phán quyết cuối cùng được tuyên bố trong dụ ngôn về đời sống của con người. Việc trở thành Kitô hữu bao gồm cả một nhãn quan mới mẻ: một cái nhìn tràn đầy hy vọng. Một số tin rằng đời sống duy trì tất cả hạnh phúc của họ khi còn trẻ và trong quá khứ, và cuộc sống ấy là một thứ dần dần hư nát. Có những người khác thậm chí chủ trương rằng các niềm vui của chúng ta chỉ là những gì có tính cách giai đoạn và qua đi, và đời sống của con người vốn sẵn có những gì là vô nghĩa, những người đang đối diện với rất nhiều thảm trạng thì nói: "Thế nhưng đời sống chẳng có nghĩa lý gì, cuộc hành trình của chúng ta vô nghĩa". Tuy nhiên Kitô hữu chúng ta không tin như vậy. Trái lại, chúng ta tin rằng ở chân trời của con người đang có mặt trời muôn đời chiếu soi. Chúng ta tin rằng những ngày sống tuyệt với nhất của chúng ta chưa tới. Chúng ta là thành phần dân của mùa xuân hơn là mùa thu. Giờ đây tôi muốn hỏi nhé - mỗi người hãy trả lời trong lòng của mình, trong thầm lặng, nhưng hãy trả lời -: Tôi là một người đàn ông, đàn bà, một trẻ nam, một trẻ nữ của mùa xuân hay của mùa thu? Tâm hồn của tôi ở mùa xuân hay ở mùa thu đây?" Mỗi người hãy tự trả lời. Chúng ta thấy những những gì là đâm chồi nẩy lộc của một thế giới mới hơn là những lá cây vàng úa trên cành. Chúng ta không tự lừa dối mình bằng những thứ nhung nhớ, tiếc xót và than van: chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn chúng ta trở nên thành phần thừa tự của một lời hứa và là thành phần không ngừng vun trồng những ước mộng. Đừng quên câu hỏi: "Tôi là một con người của mùa xuân hay mùa thu?" Của mùa xuân là đợi chờ hoa nở, là đợi trông hoa trái, là đợi chờ mặt trời Giêsu, hay của mùa thu là lúc nào cũng cúi mặt xuống, cũng nhăn nhó đắng cay, và như tôi đã đôi khi nói, bằng một khuôn mặt chua cay (the face of vinegar peppers).

Kitô hữu biết rằng Vương Quốc của Thiên Chúa, Vai Trò chủ trị yêu thương của Ngài tăng trưởng như là một đồng lúa lớn rộng, thậm chí ở giữa cỏ lùng chăng nữa. Bao giờ cũng có vấn đề, cũng có đồn đoán, cũng có chiến tranh, cũng có bệnh nạn... cũng có trục trặc! Thế nhưng lúa vẫn cứ mọc lên, để rồi cuối cùng sự dữ sẽ bị loại trừ. Tương lai không thuộc về chúng ta, thế nhưng chúng ta biết rằng Chúa Giêsu Kitô là tặng ân cao cả nhất của đời sống: đó là vòng tay ôm ấp của Thiên Chúa đang đợi chờ chúng ta ở vào lúc kết thúc, nhưng lại là những gì hiện nay đã phù giúp và an ủi chúng ta trong cuộc hành trình này. Người dẫn chúng ta đến với "cái lều" lớn lao của Thiên Chúa với loài người (xem Khải Huyền 21:3), với rất nhiều anh chị em khác, và chúng ta sẽ mang đến cho Thiên Chúa cái ký ức về những ngày sống trên thế gian này. Thật là tuyệt vời khi biết rằng vào lúc ấy không gì là bị mất đi, không một nụ cười hay không một giọt nước mắt bị mất đi. Mặc dù đời sống của chúng ta có thể sẽ kéo dài, chúng ta cũng cảm thấy rằng chúng ta đã sống nó như là một thoáng hơi thở. Cuộc Tạo Dựng không bị nhốt vào nguyên ngày thứ sáu của Khởi Nguyên mà đã không ngừng tiếp tục, vì Thiên Chúa đã luôn quan tâm đến chúng ta. Cho đến ngày hết mọi sự được hoàn thành, vào một buổi sáng châu lệ sẽ được lau khô, vào chính lúc Thiên Chúa tuyên bố lời chúc phúc cuối cùng của Ngài "Này đây - Chúa phán - Ta làm cho tất cả mọi sự nên mới!" (câu 5). Phải, Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của những gì là mới mẻ và ngỡ ngàng. Ngày đó chúng ta sẽ thực sự là hạnh phúc, và chúng ta sẽ khóc. Đúng thế, chúng ta sẽ khóc bằng niềm vui.

https://zenit.org/articles/general-audience-we-are-people-of-spring-more-than-autumn-full-text/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu