GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GIÁO LÝ VỀ NIỀM TIN TƯỞNG CẬY TRÔNG

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 4-10-2017

 

Bài 35

 

“Các Thừa Sai của Niềm Hy Vọng Ngày Nay”

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Trong bài giáo lý này tôi muốn nói về đề tài “Các Thừa Sai của Niềm Hy Vọng Ngày Nay”. Tôi hân hoan làm điều này vào lúc mở màn cho tháng này, tháng Giáo Hội đặc biệt cống hiến cho việc truyền giáo, và cũng nhân dịp lễ Thánh Phanxicô Assisi, vị đại truyền giáo của niềm hy vọng!

Thật vậy, Kitô hữu không phải là một ngôn sứ của những gì là u ám. Chúng ta không phải là những thứ tiên tri của niềm u ám. Yếu tính của việc họ loan truyền là những gì ngược lại, những gì ngược lại với u ám: đó là Chúa Giêsu, Đấng đã chết đi vì yêu thương và là Đấng đã được Thiên Chúa làm cho sống lại vào sáng ngày Phuc Sinh. Và đó là tâm điểm của đức tin Kitô giáo. Nếu các Phúc Âm chấm dứt ở chỗ an táng Chúa Giêsu, thì câu chuyện về vị tiên tri này sẽ là câu chuyện được thêm vào với nhiều tiểu sử của các nhân vật anh hùng đã sống chết cho một lý tưởng nào đó thôi. Phúc Âm như thế sẽ trở thành một cuốn sách xây dựng và an ủi nhưng không phải là một cuộc loan báo niềm hy vọng.

Tuy nhiên, các Phúc Âm không kết thúc ở Thứ Sáu Tuần Thánh, mà vươn dài hơn thế nữa; chính cái mảnh trải dài vươn rộng này đang biến đổi cuộc đời của chúng ta. Thành phần môn đệ của Chúa Giêsu đã bị chao đảo lao đao vào ngày Thứ Bảy sau biến cố đóng đinh của Người; tảng đá đươc lăn trước cửa mộ cũng đóng lại 3 năm hào hứng họ được sống với Vị Sư Phụ ở Nazarét này. Dường như mọi sự đã chấm dứt, và một số trong họ, bởi thất vọng và sợ sệt, đã rời bỏ Giêrusalem.

Thế nhưng Chúa Giêsu đã phục sinh! Biến cố không thể ngờ này đã lật ngược và làm đảo lộn tâm trí của các vị môn đệ, vì Chúa Giêsu đã không sống lại cho chính Bản Thân Người, như thể việc tái sinh của Người là một thứ đặc quyền cần phải được ganh ghen: Nếu Người lên cùng Cha của Người thì chính là vì Người muốn Cuộc Phục Sinh của Người được chia sẻ thông phần bởi hết mọi người, và đưa hết mọi tạo vật lên cao. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, hơi thở Thánh Linh đã biến đổi thành phần môn đệ. Các vị chẳng những nhận được tin mừng để loan báo cho tất cả mọi người, mà chính các vị cũng trở nên khác hẳn với trước đó, như thể được tái sinh vào một sự sống mới vậy. Biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu biến đổi chúng ta bằng quyền năng của Thánh Linh. Chúa Giêsu đang sống giữa chúng ta, Người đang sống và có quyền năng biến đổi đó.

Thật là tuyệt vời khi nghĩ rằng chúng ta là thành phần loan tin mừng Phục Sinh của Chúa Giêsu chẳng những bằng lời nói mà bằng các việc làm cũng như bằng chứng từ đời sống! Chúa Giêsu không muốn các vị môn đệ chỉ có khả năng để lập lại các thứ công thức thuộc lòng. Ngài muốn các chứng nhân: những con người gieo rắc niềm hy vọng bằng cách thức họ tiếp đón, tươi cười, yêu thương. Nhất là bằng yêu thương, vì quyền năng của Cuộc Phục Sinh cống hiến cho Kitô hữu khả năng yêu thương ngay cả khi tình yêu dường như mất đi lý do của nó. Có một thứ “hơn” nào đó ở nơi cuộc sống của Kitô hữu, và cái hơn đó không được dẫn giải thuần túy bằng quyền lực của tinh thần hay của tính chất đầy lạc quan. Đức tin, niềm hy vọng của chúng ta không phải chỉ là những gì lạc quan; nó là một cái gì khác, một cái gì hơn thế nữa! Như thể tín hữu là những con người có hơn “một mảnh Trời” trên đầu, được kèm theo bởi môt sự hiện diện mà một số người thậm chí không thể trực giác thấy.

Bởi vậy mà công việc của Kitô hữu trên thế giới này là mở ra các vùng cứu độ, như các thứ tế bào được tái sinh có khả năng phục hồi bạch huyết, những gì tưởng rằng đã bị vĩnh viễn mất đi. Khi bầu trời toàn là mây thì ai có thể nói về mặt trời là một phúc lành. Đó, Kitô hữu đích thực là như thế: không than van và giận dữ nhưng bằng quyền năng của Cuộc Phục Sinh xác tín rằng chẳng có sự dữ nào là vô cùng bất tận, chẳng có đêm nào mà lại khôn cùng, chẳng có con người nào vĩnh viễn sai lầm, chẳng có hận thù nào mà lại bất khả thắng đối với tình yêu.

Đôi khi thành phần môn đệ chắc chắn phải trả một giá đắt đỏ nào đó về niềm hy vọng được Chúa Giêsu ban cho họ náy. Chúng ta nghĩ đến nhiều Kitô hữu không bỏ rơi dân của mình, khi xẩy ra thời kỳ bách hại. Họ ở đó, nơi họ thậm chí bất định về ngày mai, nơi không một thứ dự án nào có thể thực hiện, họ chỉ biết hy vọng nơi Thiên Chúa. Chúng ta nghĩ đến những người anh chị em của chúng ta ở Trung Đông đang cống hiến chứng từ hy vọng đồng thời cũng cống hiến sự sống của mình cho chứng từ này. Họ là những Kitô hữu đích thực! Họ ấp ủ Nước Trời trong cõi lòng của họ, biết nhìn xa vượt, bao giờ cũng vượt xa. Ai được ơn tha thiết gắn bó với Cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu thậm chí có thể hy vọng ở những gì ngoài dự tưởng. Các vị tử đạo của mọi thời đại, bằng lòng trung thành của mình với Chúa Kitô, nói với chúng ta rằng bất công không phải là phán quyết cuối cùng trong đời sống. Nơi Chúa Kitô phục sinh, chúng ta có thể tiếp tục hy vọng. Con người nam nữ có “lý do tại sao” sống chịu đựng hơn những người khác trong những lúc bất hạnh. Tuy nhiên, ai thực sự có Chúa Kitô bên mình thì không còn sợ bất cứ sự gì. Và vì thế mà các Kitô hữu này – thành phần Kitô hữu đích thực – không bao giờ là những con người dễ dãi xuề xòa. Tính cách hiền lành của họ không được lẫn lộn với một thứ cảm giác bất an và lụy phục. Thánh Phaolô đã thôi thúc người môn đệ Timothêu chịu khổ vì Phúc Âm như thế này: “Vì Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần trí sợ hãi mà là một thần trí mãnh lực và yêu thương cùng tự chủ” (2Timôthêu 1:7). Bị vấp ngã, họ luôn chỗi dậy.

Anh chị em thân mến, đó, anh chị em thấy được lý do tại sao Kitô hữu là một vị thừa sai của niềm hy vọng. Không phải bởi công trạng của họ mà là nhờ Chúa Giêsu, hạt lúa miến rơi xuống đất bị mục nát đi và đã sinh nhiều hoa trái.(xem Gioan 12:24).

https://zenit.org/articles/popes-general-audience-on-missionaries-of-hope-today/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu