GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2017

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GIÁO LÝ VỀ VIỆC CỬ HÀNH THÁNH THỂ

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 22-11-2017

 

Bài 3

 

 

 

 

 

"Thánh Lễ thực sự là gì? Thánh Lễ là việc tưởng nhớ đến Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô"

 

 

Xin chào anh chị em thân mến!

 

Để tiếp tục các bài giáo lý về Thánh Lễ chúng ta có thể tự hỏi rằng Thánh Lễ thực sự là gì? Thánh Lễ là việc tưởng nhớ đến Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Thánh lễ giúp chúng ta trở thành các tham dự viên vào cuộc vinh thắng của Người trên tội lỗi và chết chóc cùng cống hiến trọn vẹn ý nghĩa cho đời sống của chúng ta.

 

Bởi thế, để hiểu được giá trị của Thánh Lễ chúng ta, trước hết, cần phải hiểu ý nghĩa theo Thánh Kinh về "việc tưởng nhớ". Nó không phải "chỉ là việc hồi tưởng các biến cố đã qua trong quá khứ, mà ở một nghĩa nào đó làm cho các biến cố ấy hiện diện và thực hữu. Thật vậy, chính vì thế mà dân Do Thái hiểu việc giải phóng của họ khỏi Ai Cập mỗi lần Biến Cố Vượt Qua được cử hành, các biến cố Xuất Hành được trở thành hiện tại đối với ký ức của tín hữu, nhờ đó họ sống hợp với các biến cố ấy (Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 1363). Bằng Cuộc Khổ Nạn, Tử Nạn, Phục Sinh và Thăng Thiên, Chúa Giêsu Kitô đã làm cho Cuộc Vượt Qua nên trọn. Thánh Lễ là việc tưởng niệm về Cuộc Vượt Qua của Người, về "Cuộc Xuất Hành" của Người, được Người thực hiện vì chúng ta, làm cho chúng ta thoát khỏi cảnh làm tôi mà đưa chúng ta vào mảnh Đất Hứa của sự sống trường sinh. Thánh Lễ không chỉ là một thứ hồi niệm suông, không phải, mà còn hơn thế nữa: Thánh Lễ hiện tại hóa những gì đã xẩy ra 20 thế kỷ trước đây. Thánh Thể bao giờ cũng dẫn chúng ta tới tột đỉnh của tác động cứu độ của Thiên Chúa, đó là Chúa Giêsu, khi biến mình thành tấm bánh được bẻ ra, tuôn đổ trên chúng ta tất cả lòng thương xót của Người và tình yêu của Người, như Người đã thực hiện trên cây thập tự giá, để canh tân đổi mới cõi lòng của chúng ta, cuộc đời của chúng ta và đường lối chúng ta liên hệ với Người cũng như với anh em. Công Đồng Chung Vaticanô II đã nói: "Hết mọi lần hy tế thập giá - một thập giá Đức Kitô là Con Chiên Vượt Qua của chúng ta bị sát tế - được cử hành trên bàn thờ, thì công cuộc Cứu Chuộc của chúng ta có tác dụng" (Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 3).

 

Hết mọi lần cử hành Thánh Thể đều là một tia sáng của mặt trời không lặn là Chúa Giêsu Phục Sinh. Việc tham phần vào Thánh Lễ, đặc biệt là Chúa Nhật, nghĩa là tham phần vào cuộc vinh thắng của Đấng Phục Sinh, một cuộc vinh thắng được rạng ngời bởi ánh sáng của Người, được nồng nàn bởi hơi ấm của Người. Nhờ việc Cử Hành Thánh Thể, Thánh Linh làm cho chúng ta trở thành những dự phần viên vào sự sống thần linh là những gì có thể biến hình toàn thể cuộc đời chết chóc của chúng ta. Và nơi cuộc vượt qua của Người từ sự chết đến sự sống, từ thời gian đến vĩnh hằng, Chúa Giêsu Kitô kéo chúng ta tới Lễ Phục Sinh với Người. Phục Sinh ở Thánh Lễ. Nơi Thánh Lễ chúng ta ở với Chúa Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại, và Người lôi kéo chúng ta tới sự sống đời đời. Chúng ta được hiệp nhất nên một với Người trong Thánh Lễ. Đúng hơn, Chúa Kitô sống trong chúng ta và chúng ta sống trong Người. "Tôi đã được đóng đanh với Chúa Kitô - Thánh Phaolô nói - không phải là tôi sống nữa, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi; sự sống giờ đây tôi đang sống trong xác thịt là tôi sống bằng niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi" (Galata 2:19-20). Thánh Phaolô đã nghĩ như vậy.

 

Thật vậy, Máu của Người giải thoát chúng ta khỏi sự chết và khỏi nỗi lo sợ về sự chết. Máu của Người giải thoát chúng ta chẳng những khỏi ách thống trị của cái chết về thể lý mà còn cả cái chết về thiêng liêng nữa đó là sự dữ, là tội lỗi cầm buộc chúng ta mỗi lần chúng ta trở thành nạn nhân của tội lỗi chúng ta hay tội lỗi của người khác. Thế rồi cuộc sống của chúng ta trở nên ô uế, nó bị mất đi vẻ đẹp của nó, mất đi ý nghĩa, trở thành tàn tạ.

 

Trái lại, Đức Kitô trả lại cho chúng ta sự sống: Chúa Kitô là tầm vóc viên trọn của sự sống, và khi Người đương đầu với chết chóc thì Người đã làm cho nó vĩnh viễn biến mất: "Sống lại Người đã hủy diệt sự chết và đổi mới sự sống" (Kinh Nguyện Thánh Thể IV). Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô là một cuộc vĩnh thắng trên sự chết, vì Người đã biến đổi cái chết của Người thành một tác động yêu thương cao cả nhất. Người đã chết vì yêu! Nơi Thánh Thể, Người muốn truyền đạt cho chúng ta tình yêu vượt qua vinh thắng của Người. Nếu chúng ta tin tưởng lãnh nhận tình yêu ấy, chúng ta mới có thể thực sự kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, chúng ta mới có thể yêu như Người yêu thương chúng ta, bằng việc hiến ban sự sống của Người.

 

Nếu tình yêu của Chúa Kitô ở trong tôi, tôi có thể hoàn toàn hiến bản thân mình cho người khác, tin tưởng sâu xa rằng cho dù người khác có gây tổn thương cho tôi, tôi cũng không chết; bằng không tôi phải tự vệ. Thật vậy, các vị Tử Đạo đã hiến mạng sống mình vì niềm tin tưởng này vào cuộc vinh thắng trên sự chết của Chúa Kitô. Chỉ khi nào chúng ta cảm nghiệm thấy quyền lực này của Chúa Kitô, quyền lực tình yêu của Người, chúng ta mới thực sự thanh thoát hiến mình một cách dạn dĩ không hãi sợ. Đó là Thánh Lễ: là tham phần vào Cuộc Khổ Nạn, Tử Giá, Phục Sinh và Thăng Thiên của Chúa Giêsu; khi chúng ta đi Lễ như thể chúng ta lên Đồi Canvê, tương tự như thế. Nhưng hãy nghĩ xem nếu chúng ta đến Đồi Canvê trong lúc Thánh Lễ - chúng ta tưởng tượng thôi - và chúng ta biết rằng con người ở đó là Chúa Giêsu, bấy giờ chúng ta có để mình nói chuyện, chụp hình, tác hành như ở một màn trình diễn hay chăng? Không! Vì đó là Chúa Giêsu! Chúng ta chắc chắn sẽ giữ thinh lặng, tỏ ra buồn thương cũng như vui mừng vì được cứu độ. Khi chúng ta vào nhà thờ để cử hành Thánh Lễ chúng ta cần phải nghĩ rằng: tôi đang tiến lên Đồi Canvê, nơi Chúa Giêsu hiến sự sống mình cho tôi. Nhờ đó mới hết màn trình diễn, hết nói chuyện, hết những phê phán cùng với những gì loại chúng ta khỏi điều tuyệt vời nhất là Thánh Lễ, là cuộc chiến thắng của Chúa Giêsu.

 

Tôi nghĩ rằng giờ đây thì rõ ràng hơn làm thế nào mà Cuộc Vượt Qua được hiện tại hóa và sống động mỗi khi chúng ta cử hành Thánh Lễ, tức là, cử hành ý nghĩa của việc tưởng nhớ. Việc tham phần vào Thánh Thể làm cho chúng ta dự phần vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, làm cho chúng ta cùng với Người vượt qua sự chết mà vào sự sống, tức là ở trên Đồi Canvê ấy. Thánh Lễ là sống lại Đồi Canvê, chứ không phải là một màn trình diễn.

 

https://zenit.org/articles/pope-francis-the-mass-is-a-memorial/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu