GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2017

 

 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô: Linh mục được lấy vợ?

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

Đúng là truyền thông, không biết cố ý xuyên tạc hay muốn lợi dụng để câu độc giả, mà vấn đề đã được tuyên truyền trong công chúng (cách riêng ở cộng đồng Công giáo Việt Nam) rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có chủ trương cho linh mục lấy vợ...!

 

Sáng nay, Chúa Nhật 12/3/2017, sau một cuộc họp hằng tháng của hội đoàn trong trách nhiệm phục vụ theo miền của tôi ở Giáo Phận Orange California, có một chị học thức đã đề cập đến chuyện này với tôi. Chính vì đã nắm bắt được câu chuyện từ mấy ngày nay nên tôi đã đính chính với chị ngay. Sở dĩ tôi chưa phổ biến vấn đề này là vì tôi đang đợi toàn bài phỏng vấn bằng tiếng Anh, như nhiều lần trước, để cống hiến bản dịch tiếng Việt một lúc cho trọn vẹn. Thế nhưng, giờ đây, không chần chờ được nữa, có bao nhiêu tài liệu trong tay (như 3 cái links chính thống ngay dưới đây), tôi xin phổ biến bấy nhiêu cho rõ vấn đề này sớm bao nhiêu có thể.

https://zenit.org/articles/popes-interview-with-die-zeit-priestly-celibacy-crisis-of-faith-forthcoming-trips/

http://www.lastampa.it/2017/03/09/vaticaninsider/eng/inquiries-and-interviews/pope-francis-we-must-reflect-on-viri-probati-reJoZYsd0UJBDfk6GC2aBN/pagina.html

http://www.news.va/en/news/pope-francis-to-die-zeit-i-too-have-moments-of-emp

 

 

Vấn đề Đức Thánh Cha Phanxicô chủ trương cho linh mục lấy vợ được báo chí chộp bắt từ bài phỏng vấn được tờ Tuần San Đức là Dei Zeit phổ biến hôm Thứ Năm mùng 9/3/2017, một cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi vị chủ bút của tờ tuần san này là Giovanni di Lorenzo. Nội dung của cuộc phỏng vấn này bao gồm nhiều vấn đề khác nhau, như về lòng tôn sùng Thánh mẫu của ngài, về tình trạng khủng hoảng ơn gọi linh mục, về tình trạng con người ta thực chất là tốt hay xấu, về các chuyến tông du tương lai, về việc giải quyết tổ chức the Order of Malta, về hiện tượng thế chiến thứ ba phân mảnh, về chủ nghĩa dân túy gia tăng ở Tây phương và mối họa cứu tinh ngụy tạo v.v.

 

Riêng vế vấn đề tình trạng khủng hoảng ơn gọi linh mục, Đức Thánh Cha đã nói những lời sau đây (xin được in đậm đỏ cho rõ ràng, còn những chữ in nâu là để bổ túc thêm):

 

Trước hết ngài đã hoàn toàn đồng ý rằng:

"Cuộc khủng hoảng ơn gọi linh mục là một vấn đề cả thể / priests’ vocation crisis is a huge problem".

 

Bởi thế, cuộc khủng hoảng cả thể này không thể nào không giải quyết như ngài đã cho biết:

"Giáo Hội sẽ cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng này".

 

Tuy nhiên, theo ngài, thì những giải quyết sau đây không thích hợp và đáp ứng, đó là:

"Việc tự nguyện độc thân không phải là cách giải quyết / voluntary celibacy is not a solution".

 

Ngoài ra, cũng theo ngài, cho linh mục hiện tại hay tương lấy vợ, hoặc nhận chủng sinh bừa bãi cũng không thể giải quyết vấn đề khủng hoảng này:

 "Ngày nay có rất nhiều giới trẻ, và vì thế có những người sẽ hủy hoại Giáo Hội vì họ không phải là linh mục theo ơn gọi. Ơn gọi là vấn đề quan trọng".

 

Trái lại, ngài cho rằng có 3 cách giải quyết như sau:

 

Thứ nhất là cầu nguyện, một việc quan trọng và cần thiết bất khả thiếu:

"Chúa đã bảo chúng ta rằng hãy cầu nguyện. Đó là những gì đang bị hụt hẫng: cầu nguyện".

 

Thứ hai là thuyết phục "giới trẻ đang cần được hướng dẫn", một việc đầy thử thách "khó khăn" nhưng "cần thiết" vẫn phải thực hiện.

 

Thứ ba là cứu xét cho một số nam nhân xứng đáng (viri probati) đang có gia đình làm linh mục ở những nơi thật khẩn thiết mà thôi:

 "Chúng ta cần cứu xét đến giải pháp khả dĩ viri probati. Nếu vậy thì chúng ta cần phải định xem họ có thể đảm nhận các nhiệm vụ nào, chẳng hạn, ở những cộng đồng xa xôi hẻo lánh".

 

 

Những câu nói nguyên văn của Đức Thánh Cha Phanxicô trên đây đã đủ cho thấy ngài không hề có ý định cho linh mục lấy vợ để giải quyết vấn đề khủng hoảng ơn gọi linh mục, mà chỉ đề cập đến vấn đề cho thành phần nam nhân xứng hợp đã có gia đình được làm linh mục cho lợi ích phần rỗi của các cộng đồng Kitô hữu Công giáo ở những nơi xa xôi cả năm hầu như chẳng có một vị linh mục nào đến cử hành phụng vụ và thi hành mục vụ.

 

Trong tác phẩm "On Heaven and Earth", ấn bản Anh ngữ (236 trang), do Image New York xuất bản năm 2013, tôi đọc ngay trong năm 2013 là năm đầu tiên của vị giáo hoàng "đến từ tận cùng trái đất" (lời của vị tân giáo hoàng tối 13/3/2013) là Á Căn Đình ở cực nam Mỹ châu, nội dung về cuộc đối thoại giữa Đức Tổng Giám Mục Jorge Mario Bergoglio và Tôn Sư Do Thái Abraham Skorka, liên quan đến 29 vấn đề khác nhau, bấy giờ vị tổng giám mục của chúng ta đã trả lời ở chương 6 "về vấn đề kỷ luật" cho vị tôn sư này liên quan tới truyền thống độc thân linh mục của Giáo Hội Công giáo Rôma và chủ trương của ngài về truyền thống này như sau (trang 48-49):

 

"Giả sử nếu Công giáo Tây phương muốn thay đổi vấn đề độc thân này thì tôi tin rằng chỉ vì những lý do văn hóa (như nơi Giáo Hội Đông phương), chứ không phải như là một chọn lựa phổ quát. Hiện nay tôi thiên về việc giữ độc thân, với tất cả những gì là phò hay chống xẩy ra cho nó, vì nó đã từng trải qua cả chục thế kỷ có được những kinh nghiệm tốt đẹp hơn là thất bại. Những gì đang xẩy ra là ở chỗ những thứ gương mù gương xấu ở ngay trước mắt. Thế nhưng truyền thống vẫn có giá trị và tính cách hiệu năng của nó. Các linh mục Công giáo đã chọn sống độc thân từ chút một. Mãi cho đến năm 1100 vẫn còn những vị chọn nó và những vị không. Sau đó, ở Giáo Hội Đông phương họ tiếp tục truyền thống không độc thân như một chọn lựa theo cá nhân, còn ở Tây phương lại theo đường lối khác. Nó là vấn đề kỷ luật chứ không phải đức tin. Nó có thể được thay đổi. Bản thân tôi chưa bao giờ có ý định lập gia đình..."  

 

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Tuần San Đức quốc này, Đức Thánh Cha Phanxicô không hề đả động tới truyền thống độc thân linh mục của Giáo Hội Công giáo Rôma, nghĩa là linh mục vẫn tiếp tục sống độc thân như thường. Vấn đề ngài đề cập đến ở đây là vấn đề nam nhân đã có gia đình có thể làm linh mục nếu cứu xét thấy xứng đáng và đầy đủ điều kiện cùng khả năng, chỉ vì lợi ích thiêng liêng cho một số nơi nào xa xôi hẻo lánh hoàn toàn và thực sự không có linh mục cả một thời gian dài. Thế thôi.

 

Giả sử Đức Thánh Cha Phanxicô cho cho phép nam nhân có gia đình được làm linh mục khi xét thấy nhu cầu mục vụ đòi buộc và cá nhân ấy thật xứng đáng thì có sao đâu, vì đây là truyền thống riêng biệt của Giáo Hội Công Giáo Rôma, một truyền thống mới có chứ tự bản chất của thiên chức linh mục và ngay từ ban đầu không buộc phải giữ độc thân: "Thực ra, tự bản chất của chức linh mục không đòi buộc điều đó, như đã thấy thực hành trong Giáo Hội sơ khai và trong truyền thống của Giáo Hội Đông phương" (Công Đồng Chung Vaticanô II - Sắc lệnh về Linh Mục: khoản 16). Vả lại trong Giáo Hội Công giáo Rôma hiện nay đã có một số linh mục sống đời gia đình, từ Anh giáo hay Chính Thống giáo trở về với Giáo Hội Công giáo Rôma.

 

Tội nghiệp cho ngài, bất cứ khi nào, vì nhu cầu mục vụ cụ thể và vì lợi ích thiết thực cho phần rỗi của con chiên mình, theo lòng thương xót của Đấng đến là "để tìm kiếm và cứu vớt những gì hư trầm" (Luca 19:10), ngài dám đụng tới một vấn đề tế nhị nào đó, không ai dám khơi lên hay dám đụng tới, nhất là với tư cách giáo hoàng như ngài, thì lập tức ngài liền bị những con mắt Pharisiêu và luật sĩ thời đại theo dõi xuyên tạc, tấn công, truất phế.

 

Vấn đề hôn nhân gia đình cũng thế. Trong Tông Huấn Amoris Leatitia - Niềm Vui Yêu Thương, một văn kiện tổng hợp giáo huấn và quyết nghị của hai thượng nghị Giám Mục Thế Giới 2014 và 2015, ban hành ngày 19/3/2016, cũng vậy. Toàn thể các vị có thẩm quyền trong Giáo Hội tham dự hai cuộc thượng nghị này và ngài, qua bức Tông Huấn này, đều không hề phủ nhận luật bất khả phân ly của hôn nhân theo dự án thần linh nguyên thủy của Thiên Chúa Hóa Công.

 

Vấn đề cho một số Kitô hữu Công giáo sống hôn nhân "bất hợp lệ / irregular" (ly di rồi tái hôn theo dân sự) có thể được hiệp lễ chỉ được bàn đến trọng 2 thượng nghị mà không hề được đề cập đến trong bức tông thư hậu hai thượng nghị này. Trong cùng tông huấn ấy chỉ nêu lên những trường hợp hoàn toàn ngoại lệ kèm theo các nguyên tắc mục vụ phổ quát cùng với những nhận thức cần thiết về những trường hợp ngoại lệ, cần phải được bản quyền địa phương cẩn thận cứu xét tùy ở mỗi trường hợp đáng thương và bất khả kháng (xin xem Chương 8 nhất là ở các khoản 296-300 của Tông Huấn này http://w2.vatican.va/content/dam/francesco/pdf/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20160319_amoris-laetitia_en.pdf / Đức Thánh Cha Phanxicô - Tông Huấn Amoris Laetitia: Niềm Vui Yêu Thương về Tình Yêu Thương trong Gia Đình), để làm sao giúp họ chẳng những không bị cộng đồng Kitô hữu Công giáo "tuyệt thông", mà còn có thể tiếp tục được hiệp thông với Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô, như người đàn bà tội lỗi ở trong thành kia đã dám lấy bàn tay và môi miệng đĩ điếm nhơ nhớp của mình đụng đến Thánh Thể Chúa Kitô đang dự bữa ở nhà gia chủ biệt phái (xem Luca 7:36-50).

 

Thế nhưng vấn đề lấy lòng thương xót mà quan tâm đặc biệt đến những người anh chị em Kitô hữu Công giáo sống đời hôn nhân "bất hợp lệ" đầy giẫy hiện nay như thế cũng đã trở thành đề tài nóng bỏng bất khả chấp, đặc biệt cho một số Kitô hữu Công giáo. Trong đó bao gồm cả một số hồng y (6 vị) có chức sắc ở Tòa Thánh, những vị đã công khai tỏ ra muốn đích thân đóng vai trò làm giám khảo đối với một vị giáo hoàng của các vị, qua hành động của mình này, các vị đã vô tình hay chủ ý coi ngài như một sinh viên thần học viết luận án tiến sĩ thần học không chỉnh, muốn vị sinh viên giáo hoàng này phải trả lời đúng sai cho những câu hỏi do chính các vị giám khảo này đặt ra rồi vị giáo hoàng sinh viên còn non yếu này mới được các vị cho đậu; thậm chí một trong các vị còn tung ra tối hậu thư cho ngài nữa chứ, ban cho ngài một thời hạn chót buộc ngài phải dứt khoát trả lời các câu hỏi đúng sai chủ quan ấy, bằng không vị này sẽ ra tay "chính thức chỉnh sửa / formal correction" ngài sau Giáng Sinh 2016.

 

Thế nhưng, đối với những "hiện tượng" bảo thủ duy luật "con người vì ngày hưu lễ" (Marco 2:27) có tính cách công khai chống đối ấy, vị giáo hoàng thương xót của chúng ta vẫn bình an vui sống, như ngài đã tự thú trong chính cuộc phỏng vấn của tờ Tuần San Đức này:

"Tôi sẽ thực hiện một cuộc thú nhận về điều này, một thú nhận chân thành. Từ giây phút tôi được chọn làm Giáo Hoàng tôi chưa bao giờ mất bình an. Tôi hiểu rằng dám có người không thích cách thức tác hành của tôi, thậm chí tôi còn biện minh cho nó nữa, ở chỗ có nhiều cách suy nghĩ; nó là điều hợp lý, nó là những gì con người, thậm chí nó còn là một cái gì phong phú nữa".

 

Trả lời cho câu nhân vật phỏng vấn mình nhận định "Ngài có thể cười được trước những điều ấy là giỏi đấy chứ", ngài đã đáp lại rằng:

"Dĩ nhiên mà! Nó là một trong những điều tôi cầu xin từng ngày, với lời kinh của Thánh Thomas More: Con xin được tính hài hước".

 

Cho dù những cuộc chống đối không làm ngài mất bình an, nhưng không phải vì thế mà ngài không có lúc tự cảm thấy trống rỗng, như ngài đã nói trong cuộc phỏng vấn đến "những giây phút tối tăm thiêng liêng... 'Chúa ơi, con không hiểu điều ấy'" như sau:

"Tôi cũng có những giây phút trống rỗng... Người ta không thể nào tăng trưởng mà không trải qua các cuộc khủng hoảng: nơi đời sống con người cũng xẩy ra như vậy. Ngay cả sự tăng trưởng về sinh học cũng là một cuộc khủng hoảng phải không? Cuộc khủng hoảng của một đứa trẻ trở thành người lớn. Đức tin cũng thế thôi... Đức tin không phải là một thứ kiếm được mà là một tặng ân... Khủng hoảng là những gì thuộc về đời sống đức tin. Một đức tin mà không trải qua khủng hoảng để tăng trưởng thì vẫn ấu trĩ... (để trung thành với đức tin trong các cuộc khủng hoảng thì) Tôi xin Chúa và Ngài đáp ứng. Không sớm thì muộn. Thế nhưng có những lúc bạn cần phải đợi chờ, trong một cuộc khủng hoảng". 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc cuộc phỏng vấn bằng câu:

"Cho tôi xin lỗi nếu tôi đã không đáp ứng được những gì bạn mong đợi.... Xin bạn cầu cho tôi với!".