GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2018

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Buổi Triều Kiến Chung Thư Tư 10-10-2018

 

Các Giới Răn- Bài 10 về Giới Răn Thứ 5 “Chớ giết người”

 

"Sự sống mong manh dễ bị tổn thương ấy tỏ cho chúng ta thấy lối thoát,

một đường lối cứu chúng ta khỏi một đời sống thu mình lại và khám phá ra niềm vui yêu thương".

-2018-10-17-udienza-generale-1539762982943.JPG

"Thật là xứng đáng để đón nhận hết mọi sự sống,

vì hết mọi con người nam nữ đều là giá máu của chính Chúa Kitô (xem 1Phêrô 1:18-19).

Chúng ta không thể khinh bỉ những gì được Thiên Chúa rất mực yêu thương!"

Xin chào anh chị em thân mến!

Bài giáo lý hôm nay được dành cho Lời Thứ Năm: Các ngươi chớ giết người. Giới Răn Thứ Năm: các ngươi chớ giết người. Chúng ta đã tiến đến phần thứ hai của Thập Giới, phần lien quan đến các mối lien hệ với tha nhân của chúng ta. Và, theo hình nthức về thể loại và gẫy gọn của mình, giới răn này được dựng nên như là một bức tường để bênh vực các giá trị căn bản nơi những mối liên hệ nhân bản. Thế nhưng đâu là giá trị căn bản nơi các mối lien hệ về nhân bản này, nếu không phải là giá trị của sự sống [xem Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction Donum Vitae, 5: aas 80 (1988), 76-77]. Thế nên các ngươi chớ giết người.

Người ta có thể nói rằng tất cả mọi sự dữ xẩy ra trên thế gian này có thể được gồm tóm ở điều này, đó là khinh bỉ sự sống. Sự sống đang bị tấn công bởi chiến tranh, bởi những tổ chức khai thác con người – như chúng ta đọc thấy trong nhật báo hay thấy nơi truyền hình nhiều sự kiện - bằng những suy đoán về thiên nhiên tạo vật và bằng thứ văn hóa thải trừ cũng như bằng hết mọi tổ chức nô dịch hóa sự hiện hữu của con người vào những trường hợp có tính toán, trong khi có một số người gây gương mù gương xấu sống trong một tình trạng bất xứng với loài người. Đó là khinh thường sự sống, tức là sát hại một cách nào đó.

Một phương thức trái ngược thậm chí còn cho phép chấm dứt sự sống của con người trong bụng dạ của người mẹ, nhân danh việc bảo toàn các thứ quyền lợi khác. Thế nhưng, làm thế nào một hành động kết liễu một sự sống vô tội và bất khả tự vệ nơi giai đoạn bừng nở của nó có thể trở thành việc trị liệu, được văn minh hóa và thuần nhân bản được chứ? Tôi xin hỏi anh chị em nhé: có đúng hay chăng khi loại trừ đi một sự sống của con người để giải quyết vấn đề hay chăng? Có được hay chăng khi thuê mướn một tay đánh mướn để giải quyết vấn đề hay chăng? Không thể nào. Không có quyền loại trừ một hữu thể con người, cho dù là nhỏ bé, để giải quyết vấn đề. Nó giống như thể việc thuê một tay đánh mướn. Tất cả những điều xuất phát từ đâu? Bạo lực và việc loại trừ sự sống; chúng thực sự từ đâu mà có? Từ nỗi sợ hãi. Thật vậy, việc tiếp nhận người khác là một thứ thách đố cho cá nhân chủ nghĩa. Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến lúc khám phá ra một sự sống mới bị tật nguyền, thậm chí là một thứ tật nguyền trầm trọng. Trong những trường hợp thê thảm này, cha mẹ cần đến sự thực sự gần gũi, thực sự gắn bó để đương đầu với thực tại ấy, và thắng vượt được nỗi sợ hãi đáng thong cảm. Tuy nhiên, họ thường hấp tấp đón nhận lời khuyên hủy hoại việc mang thai, một việc chứng tỏ ‘hủy hoại việc mang thai’ nghĩa là trực tiếp ‘loại trừ đi một ai đó’.

Một đứa con bị bệnh nạn thì giống như bất cứ một ai khác cần được giúp đỡ trên thế gian này, như một người già cần được trợ giúp, như nhiều người nghèo tranh đấu để qua khỏi. Con người nam hay nữ đó, một con người bị coi là một vấn đề ấy thực sự là một tặng ân của Thiên Chúa, có thể cứu chúng ta khỏi cái tôi chủ nghĩa và giúp cho chúng ta lớn lên trong yêu thương. Sự sống mong manh dễ bị tổn thương ấy tỏ cho chúng ta thấy lối thoát, một đường lối cứu chúng ta khỏi một đời sống thu mình lại và khám phá ra niềm vui yêu thương. Đến đây tôi xin dừng lại để ngỏ lời cám ơn, cám ơn nhiều thiện nguyện viên, cám ơn phong trào thiện nguyện mạnh mẽ của Ý quốc, một phong trào thiện nguyện mạnh mẽ nhất tôi đã từng biết. Xin cám ơn anh chị em.

Điều gì đã khiến cho con người loại trừ sự sống? Đó là những thứ ngẫu tượng trên thế giới này: là tiền bạc – tốt hơn là bỏ đi con người ấy vì nó tốn kém – là quyền lực, là thành đạt. Những thứ ngẫu tượng này là các thước đo sai lầm trong việc thẩm định sự sống. Đâu là thước đo chân thật duy nhất về sự sống? Đó là tình yêu thương, một tình yêu được Thiên Chúa tỏ ra yêu quí sự sống! Thứ tình yêu được Thiên Chúa tỏ ra yêu quí sự sống: đó là thước đo. Thứ tình yêu được Thiên Chúa tỏ ra yêu quí tất cả sự sống của con người.

Thật vậy, đâu là ý nghĩa tích cực của Lời “các ngươi chớ giết người?” Đó là Thiên Chúa là “Đấng yêu sự sống”, như chúng ta vừa mới nghe trong đoạn Thánh Kinh ấy.

Cái bí mật của sự sống được tỏ ra cho chúng ta bằng cách nó được trân trọng bởi Người Con Thiên Chúa đã hóa thân làm người, cho đến độ chấp nhận tất cả những gì là bị loại trừ, hèn yếu, bần cùng và khổ đau Thánh Giá (xem Gioan 13:1). Chúa Kitô đều tìm kiếm chúng ta (xem Mathêu 25:34-46) nơi hết mọi trẻ em bị bệnh nạn, nơi hết mọi người già yếu, nơi hết mọi người di dân thất vọng, nơi hết mọi cuộc sống mỏng dòn và bị đe dọa, Người tìm kiếm tấm lòng của chúng ta, mở ra cho chúng ta niềm vui yêu thương. 

Thật là xứng đáng để đón nhận hết mọi sự sống, vì hết mọi con người nam nữ đều là giá máu của chính Chúa Kitô (xem 1Phêrô 1:18-19). Chúng ta không thể khinh bỉ những gì được Thiên Chúa rất mực yêu thương!

Chúng ta cần phải nói với những con người nam nữ của thế giới này rằng: chớ có khinh dể sự sống! Sự sống của kẻ khác, mà còn cả sự sống của chính bản than mình nữa, vì Giới Răn “các ngươi chớ giết người” áp dụng cho cả sự sống của bản thân từng người nữa. Nhiều giới trẻ cần phải được bảo cho biết rằng “chớ có khinh thường sự sống của các bạn. Đừng loại trừ công việc của Thiên Chúa! Các bạn là công cuộc của Thiên Chúa! Đừng hạ giá bản thân mình, đừng khinh thường chính mình, bằng những thứ nghiện ngập là những gì sẽ hủy hoại các bạn và dẫn các bạn đến sự chết!

Chớ gì không ai đo lường sự sống theo những thứ lừa đảo của thế giới này, trái lại, chớ gì mỗi người hãy chấp nhận bản thân mình và người khác nhân danh Chúa Cha là Đấng đã dựng nên chúng ta. Ngài là “Đấng yêu thương sự sống”: đó là điều tuyệt vời. “Thiên Chúa là Đấng yêu thương sự sống”. Và tất cả chúng ta là thành phần rất ưu ái đối với Ngài, Đấng đã sai Con của Ngài đến với chúng ta. Thật vậy, Phúc Âm viết: “Vì Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến ban Người Con duy nhất của mình; để ai tin vào Người thì không phải chết mà là có sự sống đời đời” (Gioan 3:16).

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2018/documents/papa-francesco_20181010_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu