GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

ĐTC Phanxicô - Buổi Triều Kiến Chung Thư Tư 1-8-2018

 

Các Giới Răn- Bài 4 

 

Pope Francis greets a child at the General Audience

"ngẫu tượng là một thứ phóng bản thân mình lên các đồ vật hay ở các dự án"

"Các thứ ngẫu tượng đều đòi hỏi việc tôn thờ, đòi hỏi các thứ nghi thức,

ở chỗ người ta phải cúi mình và hy hiến tất cả mọi sự cho chúng"

Pope Francis arrives at the weekly General Audience

 

"để yêu thương chân thực cần phải thoát khỏi các thứ ngẫu tượng.

Đâu là ngẫu tượng của tôi? Hãy chộp lấy nó và ném nó ra khỏi cửa!"

 

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Chúng ta đã nghe giới răn thứ nhất trong Thập Giới là "Các ngươi không được có thần thánh nào ngoài Ta" (Xuất Hành 20:3). Chúng ta cần phải dừng lại ở đề tài về việc tôn thờ ngẫu tượng này, một vấn đề rất quan trọng và hợp thời.

Giới răn này cấm tạo nên các thứ ngẫu tượng (chữ Pesel có nghĩa là "một hình ảnh thần linh nguyên tuyền được khắc vào gỗ hay đá, nhất là ở kim loại" - L. Koehler – W. Baumgartner, The Hebrew and Aramaic Lexicon of the Old Testament, vol. 3, p. 949), hay các loại hình ảnh (chữ Temunah có nghĩa rất rộng, có liên hệ với nghĩa "tương tự, hình thể"; bởi thế, việc cấm đoán này rất bao rộng và những loại hình ảnh này có thể bao gồm hết mọi thứ - Cf. L. Koehler – W. Baumgartner, Op. cit., Vol. 1, p. 504) của bất cứ loại thực thể nào (Giới răn này không cấm chính các loại hình ảnh - chính Thiên Chúa truyền cho Moisen làm một tượng thần cherubim để trên nắp Hòm Bia - Xuất Hành 25:18 và làm một con rắn bằng đồng - Dân Số 21:8, nhưng Ngài cấm tôn thờ hay phụng sự chúng, tức là toàn bộ tiền trình thần linh hóa một điều gì đó, chứ không phải chỉ ở chỗ tạo tác), thật vậy, hết mọi sự có thể được sử dụng như là một ngẫu tượng. Chúng ta đang nói về một khuynh hướng của con người, một khuynh hướng bao gồm cả thành phần tín hữu lẫn vô thần. Chẳng hạn, Kitô hữu chúng ta có thể tự vấn: Thiên Chúa của tôi thực sự là ai? Là Tình Yêu Duy Nhất Ba Ngôi hay đó là hình ảnh của tôi, là sự thành đạt riêng tư của tôi, có lẽ ngay cả trong Giáo Hội nữa? "Việc tôn thờ ngẫu tượng chẳng những liên quan đến việc tôn thờ sai lầm của dân ngoại. Nó vốn là một chước cám dỗ liên lỉ đối với đức tin. Việc tôn thờ ngẫu tượng là ở chỗ thần linh hóa những gì không phải là Thiên Chúa" (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 2113). 

"Một vị thần" về phương diện đời sống đây là gì? Nó là những gì trọng tâm của đời sống con người ta, và nó chi phối những gì con người làm và suy nghĩ (Thánh Kinh Do Thái gán cho việc tôn thờ ngẫu tượng của người Canaan chữ Ba'al, nghĩa là "chúa tể, là mối liên hệ thân mật, là thực tại chi phối con người ta". Ngẫu tượng nào đó là cái làm chủ, chiếm đoạt cõi lòng và trở thành động lực của đời sống - Cf. Theological Lexicon of the old Testament, Vol. 1, 247-251). Loài người sống không thể không tập trung bản thân mình vào một cái gì đó. Thế mới có một thế giới cống hiến một "siêu thị" các thứ ngẫu tượng, có thể là những sự vật, là các hình ảnh, là các ý nghĩ, là các vai trò. Chẳng hạn, cả việc cầu nguyện nữa. Chúng ta cần phải cầu nguyện cùng Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Tôi nhớ có lần tôi đến một giáo xứ kia trong giáo phận Buenos Aires để cử hành Thánh Lễ, sau đó tôi ban Bí Tích Thêm Sức ở một giáo xứ khác, cách đó 1 cây số. Tôi đã đến, bằng cách bách bộ, và đã nhìn thấy một công viên đẹp. Tuy nhiên, ở công viên đó có hơn 50 cái bàn nhỏ, mỗi bàn có hai ghế ngồi và người ta đã ngồi hết rồi, người này ngồi trước người kia. Họ đang làm gì bấy giờ? Họ đang bói bài. Họ đã đến đó để "cầu" cùng một thứ ngẫu tượng. Thay vì cầu cùng Thiên Chúa là Đấng quan phòng về tương lai thì họ đến đó để để xem bói bài về tương lai. Đó là một thứ tôn thờ ngẫu tượng của thời đại chúng ta. Tôi xin hỏi anh chị em nhé: có bao nhiêu người trong anh chị em đã đi coi bói bài để biết tương lai? Có bao nhiêu anh chị em chẳng hạn đã chìa tay ra để xem tương lai của mình, thay vì cầu nguyện cùng Chúa? Cái khác biệt là ở chỗ: Chúa là Đấng sống động; những cái khác là ngẫu tượng, là những thứ tôn thờ ngẫu tượng, những gì vô bổ.

Việc tôn thờ ngẫu tượng phát triển ra sao? Giới răn này cho thấy những giai đoạn là: "Các ngươi không được đúc ảnh tượng [...]; các ngươi không được cúi mình trước chúng và phụng sự chúng" (Xuất Hành 20:4-5).

Chữ "ngẫu tượng" theo tiếng Hy Lạp xuất phát từ động từ "thấy" (Nguyên tự eidolon của tiếng Hy Lạp, xuất phát từ tiếng eidos, có gốc là wied, tức là thấy - Cf. Grande Lessico dell’Antico Testamento, Brescia, 1967, Vol. III, p. 127). Ngẫu tượng là một "nhãn quan" có khuynh hướng trở thành một thứ ấn tượng, một thứ ám ảnh. Thực ra, ngẫu tượng là một thứ phóng bản thân mình lên các đồ vật hay ở các dự án. Việc quảng cáo chẳng hạn sử dụng phương cách này: tôi không thấy đối tượng nơi chính nó mà tôi thấy cái xe ấy, cái điện thoại thông minh ấy, vai trò ấy - hay những cái khác - như là phương tiện để viên trọn bản thân mình cũng như để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của tôi. Khi tôi tìm kiếm nó, nói về nó, nghĩ đến nó, thì ý nghĩ về việc sở hữu vật đó hay về việc thực hiện dự án đó, chiếm đạt vị trí ấy, dường như là một đường lối tuyệt vời dẫn đến hạnh phúc, là một cái tháp ngà vươn lên tận trời cao (xem Khởi Nguyên 11:1-9), và hết mọi sự đều phục vụ cho mục tiêu ấy.

Thế rồi sau đó con người ta tiến đến giai đoạn thứ hai là "các ngươi không được cúi mình trước chúng". Các thứ ngẫu tượng đều đòi hỏi việc tôn thờ, đòi hỏi các thứ nghi thức, ở chỗ người ta phải cúi mình và hy hiến tất cả mọi sự cho chúng. Ngày xưa, các hy tế con người đã được dâng lên cho các thứ ngẫu tượng, mà cả ngày nay nữa: trẻ em bị hy sinh cho một thứ nghề nghiệp nào đó, bằng việc bỏ bê chúng hay chỉ cần không sinh ra chúng; cái đẹp đòi các hy tế của con người. Biết bao nhiêu giờ giấc trước gương soi! Một số người nào đó, một số phụ nữ nào đó, họ bỏ bao nhiêu giờ ra trang điểm?! Đó cũng là việc tôn thờ ngẫu tượng. Việc trang điểm không có gì là xấu, nhưng một cách bình thường thôi, chứ đừng trở thành một thứ nữ thần. Sắc đẹp đòi con người phải hy sinh. Danh tiếng đòi bản thân phải sát tế, đòi tính chất vô tội và chân chính phải sát tế. Các thứ ngẫu tượng cần đến máu. Tiền bạc đánh cắp đời sống và khoái lạc dẫn đến chỗ lẻ loi cô độc. Các thứ cấu trúc kinh tế hy tế mạng sống con người cho được lợi ích lớn lao hơn. Chúng ta nghĩ đến rất nhiều người chẳng có công ăn việc làm. Tại sao? Vì đôi khi xẩy ra là các các nhà thầu của thương vụ ấy, của hãng xưởng ấy, quyết định cho thôi việc để kiếm tiền nhiều hơn - thứ ngẫu tượng về tiền bạc. Người ta sống một cách giả hình, khi hành động và nói năng những gì người khác mong đợi, vì vị thần được con người phê chuẩn áp đặt nó. Thế rồi cuộc sống bị tàn rụi, gia đình bị hủy hoại và giới trẻ bị lọt vào tay của những lối sống hủy diệt để gia tăng lợi lộc. Ma túy cũng là một thứ ngẫu tượng.

Tới đây thì tiến đến giai đoạn thứ ba thảm thê hơn: "... và đừng phụng sự chúng". Những thứ ngẫu tượng bắt con người làm nô lệ. Chúng hứa hẹn hạnh phúc nhưng lại không ban cho; và người ta thấy mình sống cho một điều hay cho một thứ viễn ảnh, bị cuốn hút vào một cơn xoáy tự diệt, ở lòng trông mong một thứ kết quả chẳng bao giờ xẩy ra.

Anh chị em thân mến, các thứ ngẫu tượng hứa hẹn sự sống, thế nhưng thực ra nó cướp mất sự sống. Vị Thiên Chúa chân thực không đòi sự sống mà là ban sự sống, tặng ban sự sống. Vị Thiên Chúa chân thật không cống hiến một thứ dự phóng cho việc chúng ta thành công, mà dạy chúng ta yêu thương. Vị Thiên Chúa chân thật không đòi con cái, mà cống hiến Con Mình cho chúng ta. Các thứ ngẫu tượng dự phóng những giả thiết tương lai và làm cho con người khinh thường hiện tại; vị Thiên Chúa chân thật dạy con người sống trong thực tại hằng ngày, trong cụ thể, chứ không phải với những ảo ảnh về tương lai: hôm nay và ngày mai cũng như ngày kia cùng bước tới tương lai - tính chất cụ thể của vị Thiên Chúa chân thật ngược lại với tính chất lỏng lẻo của các thứ ngẫu tượng. Hôm nay tôi mời gọi anh chị em hãy nghĩ xem có bao nhiêu là ngẫu tượng tôi có và đâu là thứ ngẫu tượng tôi yêu thích? - vì khi nhận thức được các việc tôn thờ ngẫu tượng của mình là khởi điểm của ân sủng, và đưa con người vào con đường yêu thương. Thật vậy, tình yêu là những gì bất tương hợp với việc tôn thờ ngẫu tượng: ở chỗ, nếu một cái gì đó trở thành tuyệt đối và bất khả đụng chạm thì nó quan trọng hơn là một người phối ngẫu, một đứa con hay tình bằng hữu. Việc gắn bó với một vật hay một ý nghĩ là những gì khiến con người ra mù quáng trước tình yêu thương. Và vì thế, việc chạy theo những thứ ngẫu tượng, theo một ngẫu tượng nào đó, chúng ta thậm chí có thể từ bỏ cả cha mẹ, con cái, vợ chồng, gia đình là những gì thân yêu nhất. Việc gắn bó với một vật hay một ý nghĩ là những gì khiến con người ra mù quáng trước tình yêu thương. Hãy ấp ủ ý nghĩ này trong lòng anh chị em, đó là các thứ ngẫu tượng cướp mất anh chị em khỏi tình yêu thương; các thứ ngẫu tượng làm cho anh chị em mù quáng trước tình yêu thương, và để yêu thương chân thực cần phải thoát khỏi các thứ ngẫu tượng. Đâu là ngẫu tượng của tôi? Hãy chộp lấy nó và ném nó ra khỏi cửa!

 

 https://zenit.org/articles/general-audience-on-the-commandments-iii/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu