GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2018

 

 

 

ĐTC PHANXICÔ

 

HUẤN TỪ TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM B 25/11/2018

 

 

 

Pope Francis blesses a baby Nov. 21, 2018. Credit: MarinaTestino/CNA.

 

"Lễ trọng kính Chúa Giêsu Kitô là Vua Vũ Trụ chúng ta cử hành hôm nay được xếp vào cuối phụng niên,

nhắc nhở rằng sự sống của tạo vật này không tiến triển theo ngẫu nhiên tình cờ mà là tiến đến một đích điểm cuối cùng,

đó là việc tỏ hiện tối hậu của Chúa Kitô là Chúa của lịch sử và của toàn thể tạo vật".

 

Pope Francis prays the Angelus

 

"Chúa Giêsu muốn cho thấy rằng bên trên quyền lực chính trị còn có một quyền lực vĩ đại hơn nữa,

một quyền lực không chiếm được bằng phương tiện trần gian.

Người đã đến trên thế gian này là để thực hiện quyền lực ấy, đó là tình yêu, 'làm chứng cho chân lý' (câu 37)".

 

 

Xin chào anh chị em thân mến!

 

Lễ trọng kính Chúa Giêsu Kitô là Vua Vũ Trụ chúng ta cử hành hôm nay được xếp vào cuối phụng niên, nhắc nhở rằng sự sống của tạo vật này không tiến triển theo ngẫu nhiên tình cờ mà là tiến đến một đích điểm cuối cùng, đó là việc tỏ hiện tối hậu của Chúa Kitô là Chúa của lịch sử và của toàn thể tạo vật. Kết cục của lịch sử sẽ là vương quốc muôn đời của Người.

 

Đoạn phúc âm hôm nay (xem Gioan 18:33b-37) cho chúng ta biết về Vương Quốc này, về vương quốc của Chúa Kitô, khi thuật lại tình trạng tủi nhục của Chúa Giêsu bị bắt giữ ở Vườn Nhiệt: bị trói buộc, bị xỉ nhục, bị tố cáo và bị dẫn đến trước các thẩm quyền ở Giêrusalem bấy giờ. Thế rồi Người đã đứng trước vị Tổng Trấn Roma, như một tên muốn chống lại quyền lực chính trị, muốn trở thành Vua của Người Do Thái. Vậy Philatô đã thực hiện cuộc điều tra, và bằng một thứ chất vấn bi thảm, ông hai lần hỏi Người rằng "Ngươi là vua phải không?" (xem các câu 33b và 37). Đầu tiên Chúa Giêsu trả lời rằng Nước của Người "không thuộc về thế gian này" (câu 36). Sau đó Người khẳng định rằng: "Chính ông là người nói Tôi là vua" (câu 37). Hiển nhiên là tất cả cuộc đời của Người chẳng có tham vọng chính trị gì hết.

 

Chúng ta hãy nhớ rằng sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng, vì hào hứng trước phép lạ ấy, đã muốn tuyên bố Người là vua, để lật đổ quyền bính Roma cũng như để tái thiết vương quốc của Israel. Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu, Vương Quốc này là một cái gì khác, hoàn toàn không được thiết lập bằng việc nổi loạn, bằng bạo lực và bằng võ lực. Do đó Người đã ẩn mình lên núi để cầu nguyện (xem Gioan 6:5-15). Vậy, để trả lời cho Philato, Người nhắc cho ông ta biết rằng các môn đệ của Người đã không chiến đấu để bênh vực Người. Người nói: Nếu nước Tôi thuộc về thế gian này, thì thuộc hạ của Tôi sẽ chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do Thái" (câu 36).

 

Chúa Giêsu muốn cho thấy rằng bên trên quyền lực chính trị còn có một quyền lực vĩ đại hơn nữa, một quyền lực không chiếm được bằng phương tiện trần gian. Người đã đến trên thế gian này là để thực hiện quyền lực ấy, đó là tình yêu, "làm chứng cho chân lý" (câu 37). Chính về sự thật thần linh này mà cuối cùng mới có sứ điệp chính yếu của Phúc Âm: "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8), và Người muốn thiết lập trên thế giới này Vương Quốc yêu thương, công lý và hòa bình của Người. Đó là Vương quốc có Chúa Giêsu là Vua, và là vương quốc kéo dài cho tới ngày cùng tháng tận. Lịch sử dạy chúng ta rằng các vương quốc dựa vào quyền lực vũ khí và gian trá đều mong manh mỏng dòn, và không sớm thì muộn sẽ bị sụp đổ; thế nhưng, Vương Quốc của Thiên Chúa được thiết lập trên tình yêu và ở trong các cõi lòng - Vương quốc của Thiên Chúa ở trong các cõi lòng - ban cho những ai chấp nhận vương quốc này bình an, tự do và sự sống viên mãn. Tất cả chúng ta đều muốn hòa bình, tất cả chúng ta đều muốn được tự do và chúng ta đều muốn nên viên trọn. Mà nó xẩy ra làm sao đây? Hãy để cho tình yêu của Thiên Chúa, Vương Quốc của Thiên Chúa, tình yêu của Chúa Giêsu ăn sâu vào cõi lòng của anh chị em, thì anh chị em sẽ có bình an, anh chị em sẽ được tự do và anh chị em sẽ nên viên trọn.

 

Hôm nay Chúa Giêsu xin chúng ta hãy để Người trở thành Vua của chúng ta. Một Đức Vua mà lời của Người, gương của Người và sự sống bị sát tế trên thập giá của Người, đã cứu chúng ta khỏi sự chết, và Đức Vua này mở đường đến với con người hư hoại; Người ban ánh sáng mới cho sự hiện hữu của chúng ta, một hiện hữu hằn vết ngờ vực, sợ hãi, và các thứ thử thách hằng ngày. Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng Vương Quốc của Chúa Kitô không thuộc về thế gian này. Người có thể cống hiến cho đời sống của chúng ta ý nghĩa mới, một đời sống đôi khi bị thử thách dữ dội bởi các thứ lầm lỗi và tội lỗi của chúng ta, mà chỉ với thân phận này chúng ta mới khỏi chạy theo cái lý lẽ của thế gian và của những "thứ vua chúa" của thế gian.

 

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta biết đón nhận Chúa Giêsu là Vua của cuộc đời chúng ta và biết làm cho Vương Quốc của Người lan rộng, bằng việc làm chứng cho chân lý là tình yêu.

 

 

https://zenit.org/articles/angelus-address-on-the-solemnity-of-christ-the-king/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu 

 

Cảm nhận của người dịch:

Trong bài huấn từ truyền tin hôm nay, ĐTC Phanxicô có nhắc đến sự kiện được ngài suy diễn đáng chú ý và cần tìm hiểu thêm như thế này:

"Người đã đứng trước vị Tổng Trấn Roma, như một tên muốn chống lại quyền lực chính trị, muốn trở thành Vua của Người Do Thái. Vậy Philatô đã thực hiện cuộc điều tra, và bằng một thứ chất vấn bi thảm, ông hai lần hỏi Người rằng 'Ngươi là vua phải không?'"

Trong bài Chia sẻ PVLC Chúa Nhật XXXIV Thường Niên Năm B, người dịch cũng đã suy diễn theo cùng chiều hướng như vậy:

 

"Sự kiện vấn đáp giữa tổng trấn Philatô với Chúa Kitô không phải chỉ đơn giản bề ngoài như là một cuộc đối thoại giữa hai người ngang nhau, mà là một cuộc tra vấn của nhân vật có thẩm quyết xét xử trước khi lên án và xử tội, với một tội phạm bất ngờ được trao nộp cho ông. Bởi thế, ngay câu tra vấn đầu tiên được vị tổng trấn này đặt ra là một câu tra vấn mà tội phạm lên tiếng công nhận một cái là bị lên án liền lập tức: 'Ngươi có phải là vua không?'.

"Tuy nhiên, vì quá thấu biết cả tấm lòng đầy thiện chí lẫn vai trò cần phải thẩm xét một nhân vật bị dân Người coi là phạm nhân, Chúa Kitô đã khôn khéo trả lời, vừa để tránh cái bẫy điều tra của vị tổng trấn dân ngoại vừa để dẫn chính con người ấy về với chân lý là bản thân mình: 'Ông tự ý hỏi như thế hay đã có ai nói về Tôi với ông?' Viên tổng trấn Philatô này cũng không vừa, chẳng những không để cho Chúa Kitô đánh lạc hướng, mà còn trở đòn một cách ngoạn mục, bằng cách bồi thêm một câu tra vấn thứ hai, hết sức mật thiết với câu tra vấn thứ nhất: 'Nhân dân của ngươi đã trao nộp ngươi cho ta. Ngươi đã làm gì?'

"Căn cứ vào hai câu tra vấn: 'Người có phải là vua không?' và 'Người đã làm gì?' của vị tống trấn hạch hỏi Chúa Kitô, thì hình như ông ta đang muốn điều tra xem nhân vật bị coi là tội phạm được trao nộp cho ông ta bấy giờ có làm chính trị hay chăng? - Chẳng hạn có âm mưu hay hành động làm loạn chống lại thẩm quyền đương nhiệm bấy giờ là quận vương Hêrôđê đang ở Giêrusalem (xem Luca 23:7), ngay lúc Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem một cách vinh quang chưa từng thấy, huy hoàng như một quân vương.

"Nếu quả thực Chúa Kitô làm chính trị thì mới thuộc lãnh vực thực sự liên quan đến thẩm quyền xét xử của ông, bằng không, sau khi đã cẩn thận tra vấn, chính ông đã thấy rõ, thậm chí đã dựa vào thẩm quyền của cả quận vương Hêrôđê cũng chẳng lên án Người, mà tuyên bố Người vô tội không đáng chết (xem Luca 23:14-15), một quyết định đã khiến cho 'toàn thể đám đông' (Luca 23:18), bao gồm cả thành phần đầu mục Do Thái lẫn dân chúng bị thành phần đầu mục này xui xiểm (xem Mathêu 27:20), bấy giờ tự ý quay ra muốn vị tổng trấn thả tên trộm cướp Baraba thay vì thả Chúa Kitô, dựa vào thông lệ được vị tổng trấn ân xá vào ngày lễ trọng của dân Do Thái (xem Mathêu 27:15). Nhưng ông lại chỉ muốn thả Chúa Giêsu, vì theo lương tâm và thẩm quyền của mình, ông vẫn thấy Người vô tội, đáng thả hơn là tên ma đầu Barbara, nhưng dân chúng lại làm mạnh hơn, đòi 'đóng đanh nó vào thập giá' (Luca 23:21).

"Người quả thực là 'một người quí tộc kia đi phương xa để được phong vương', như Người đã tiên báo cho các môn đệ và đám đông đi theo Người trong cuộc hành trình Giêrusalem của Người, trong bài Phúc Âm của Thánh ký Luca Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên tuần trước (19:12). Theo bài Phúc Âm này, cho dù dân Do Thái của Người không chấp nhận Người là vua của họ (xem Luca 19:14, Gioan 19:15,20-22), nhưng họ chẳng những vẫn không làm gì được Người mà còn bất ngờ làm cho Người trở thành vua của toàn thể nhân loại nữa: 'Người đã được phong vương trở về' (Luca 19:15), theo chiều hướng của Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật cuối cùng của Phụng Niên trọng kính Chúa Kitô Vua hôm nay".