GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2018

 

 

ĐTC PHANXICÔ - GIẢNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH

 

Pope Francis celebrates Mass on Christmas Eve

 

"Đêm hôm nay, chúng ta cũng đi Bêlem, nơi chúng ta khám phá ra mầu nhiệm Giáng Sinh"

 

Pope Francis says the Midnight Mass of Christmas, Dec. 24, 2017. Credit: Daniel Ibanez/CNA.

 

"Bêlem: tên gọi này nghĩa là ngôi nhà bánh.

Nơi 'ngôi nhà' này, hôm nay Chúa muốn gặp gỡ toàn thể nhân loại.

Người biết rằng chúng ta cần lương thực để sống.

Tuy nhiên, Người cũng biết rằng các thứ dinh dưỡng trên thế gian này đều không làm cho lòng con người thỏa mãn.

Trong Thánh Kinh, nguyên tội của loài người được liên kết chính xác với việc ăn uống:

cha mẹ đầu tiên của chúng ta 'hái trái cây đó mà ăn'"

 

 

"Bêlem là khúc quanh làm thay đổi giòng lịch sử.

Ở đó, Thiên Chúa, nơi ngôi nhà bánh này, hạ sinh trong một máng cỏ.

Như thể Ngài muốn nói rằng: 'Này Cha đây là lương thực của các con'.

Ngài không nhận lấy mà là cống hiến cho chúng ta ăn;

Ngài không trao ban cho chúng ta chỉ là một thứ gì, mà là chính bản thân Ngài".

 

 

 

Giuse và người phối ngẫu của mình là Maria đi về "thành Đavít được gọi là Bêlem" (Luca 2:4). Đêm hôm nay, chúng ta cũng đi Bêlem, nơi chúng ta khám phá ra mầu nhiệm Giáng Sinh.

 

Bêlem: tên gọi này nghĩa là ngôi nhà bánh. Nơi "ngôi nhà" này, hôm nay Chúa muốn gặp gỡ toàn thể nhân loại. Người biết rằng chúng ta cần lương thực để sống. Tuy nhiên, Người cũng biết rằng các thứ dinh dưỡng trên thế gian này đều không làm cho lòng con người thỏa mãn. Trong Thánh Kinh, nguyên tội của loài người được liên kết chính xác với việc ăn uống: cha mẹ đầu tiên của chúng ta "hái trái cây đó mà ăn", Sách Khởi Nguyên viết như vậy (cf. 3:6). Các vị hái mà ăn. Nhân loại đã trở nên tham lam và tham ăn. Trong thời đại của chúng ta đây, đối với nhiều người, ý nghĩa của đời sống là ở chỗ chiếm hữu, ở chỗ có quá nhiều những đồ vật. Một thứ tham lam khôn thỏa đã làm nên tất cả lịch sử của loài người, cho cả đến ngày nay, khi mà, ngược đời thay, trong khi chỉ một số ít ăn uống thịnh soạn thì quá nhiều người lại không có được của ăn cần thiết để sống còn.

 

Bêlem là khúc quanh làm thay đổi giòng lịch sử. Ở đó, Thiên Chúa, nơi ngôi nhà bánh này, hạ sinh trong một máng cỏ. Như thể Ngài muốn nói rằng: "Này Cha đây là lương thực của các con". Ngài không nhận lấy mà là cống hiến cho chúng ta ăn; Ngài không trao ban cho chúng ta chỉ là một thứ gì, mà là chính bản thân Ngài. Nơi Bêlem, chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa không nhận lấy sự sống mà là hiến ban sự sống. Chúa Giêsu bắt đầu nói với chúng ta là những con người thường nhận lấy mà ăn rằng: "Các con hãy nhận lấy mà ăn. Này là mình Ta" (Mt 26:26). Thân xác bé nhỏ của Con Trẻ ở Bêlem này nói với chúng ta về một cách mới mẻ để chúng ta sống cuộc đời của mình: một cuộc đời không bằng việc ngấu nghiến và tích trữ, mà là bằng việc chia sẻ và trao ban. Thiên Chúa biến mình thành nhỏ bé để Ngài có thể trở thành lương thực cho chúng ta. Nhờ dinh dưỡng bởi Ngài, bánh sự sống, chúng ta mới được tái sinh trong yêu thương, và phá vỡ cơn lốc nắm giữ và tham lam. Từ "ngôi nhà bánh" này, Chúa Giêsu mang chúng ta trở về nhà mình, để chúng ta trở thành gia đình của Thiên Chúa, trở thành anh chị em của tha nhân chúng ta. Đứng trước máng cỏ, chúng ta hiểu rằng lương thực sự sống này không phải là những thứ giầu sang về vật chất mà là yêu thương, không phải là háu ăn mà là bác ái, không phải phô trương mà là chất phác.

 

Chúa biết rằng chúng ta cần được nuôi dưỡng hằng ngày. Đó là lý do Ngài đã hiến mình cho chúng ta hằng ngày sự sống của Ngài: từ máng cỏ Bêlem đến Căn Thượng Lầu ở Giêrusalem. Cả hôm nay nữa, trên bàn thờ này, Ngài trở nên tấm bánh bẻ ra cho chúng ta; Ngài gõ cửa nhà của chúng ta, muốn vào và ăn uống với chúng ta (cf. Rev 3:20). Nơi Giáng Sinh, chúng ta trên trần gian này lãnh nhận Chúa Giêsu, bánh bởi trời xuống. Đó là một thứ bánh không bao giờ cũ kỹ, mà còn giúp chúng ta thậm chí ngay lúc này đây được nếm trước sự sống đời đời.

 

Ở Bêlem, chúng ta khám phá ra rằng sự sống của Thiên Chúa có thể thấm nhập vào cõi lòng của chúng ta và lưu ngụ ở đó. Nếu chúng ta đón nhận tặng ân ấy thì lịch sử đổi thay, bắt đầu với một một người trong chúng ta. Vì một khi Chúa Giêsu ở trong lòng của chúng ta thì trọng tâm của đời sống không còn là cái tôi phàm ăn và vị kỷ nữa của mình, mà là Đấng được sinh ra và sống vì yêu thương. Đêm hôm nay, khi chúng ta nghe thấy những lời hiệu triệu hãy đến Giêrusalem, ngôi nhà bánh, chúng ta hãy tự vấn xem: Đâu là thứ bánh của đời sống chúng ta, Bánh đó là gì mà tôi không thể thiếu được? Phải chăng là chính Chúa hay một điều gì khác? Vậy, khi chúng ta tiến vào hang bò lừa, cảm giác thấy nơi cảnh bần cùng dễ thương của Con Trẻ mới sinh một hương thơm mới của cuộc đời, thứ hương vị của tính chất hồn nhiên đơn thành, chúng ta hãy tự vấn xem: tôi có thật sự cần đến tất cả những đồ vật này, cùng với những thực đơn phức tạp để sống hay chăng? Ở Belem, ngoài nơi Chúa Giêsu nằm, chúng ta còn thấy những con người đã thực hiện cuộc hành trình: đó là Mẹ Maria, Thánh Giuse và các mục đồng. Chúa Giêsu là bánh cho cuộc hành trình này. Ngài không thích những bữa ăn dài dòng và mất giờ, mà mời gọi chúng ta hãy mau mau đứng lên khỏi bàn ăn để phục vụ, như tấm bánh được bẻ ra cho người khác. Chúng ta hãy tự hỏi: Vào dịp lễ Giáng Sinh tôi có bẻ tấm bánh của tôi ra chia sẻ với những ai không có hay chăng?

 

Sau ý nghĩa Bêlem là ngôi nhà bánh, chúng ta hãy chia sẻ về Bêlem là thành của Đavít. Ở đây, chàng Đavít trẻ trung từng là một mục đồng, bởi thế mới được Thiên Chúa tuyển chọn để làm mục tử và lãnh đạo dân của Ngài. Nơi Giáng Sinh, ở trong thành Đavít, chính các mục đồng đã đón nhận Chúa Giêsu vào đời. Vào đêm hôm ấy, Phúc Âm nói với chúng ta rằng: "họ đầy những sợ hãi" (Luca 2:9), thế nhưng thiên thần đã nói cùng họ rằng: "Đừng sợ" (v. 10). Biết bao nhiêu lần chúng ta đã nghe thấy lời "Đừng sợ" này trong các Phúc Âm? Thiên Chúa dường như liên lỉ lập lại lời này khi Ngài tìm kiếm chúng ta. Vì chúng ta, từ ban đầu, vì tội lỗi của chúng ta, đã cảm thấy sợ hãi Thiên Chúa; sau khi sa ngã phạm tội, Adong đã nói: "Tôi sợ nên tôi đã ẩn trốn" (Gen 3:10). Bêlem là phương dược chữa nỗi hãi sợ này, vì, cho dù con người cứ tiếp tục "từ chối", Thiên Chúa vẫn cứ tiếp tục "chấp nhận" con người. Ngài sẽ luôn là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Để cho sự hiện diện của Ngài không gây sợ hãi, Ngài đã biến mình thành một Con Trẻ mềm yếu. Đừng sợ: lời này không phải ngỏ với các thánh nhân mà là với các mục đồng, thành phần chất phác mộc mạc, vào những ngày ấy, chắc chắn chưa biết cách lịch sự tác hành và đạo hạnh. Người Con của Vua Đavít này được hạ sinh giữa thành phần mục đồng để nói với chúng ta rằng đừng bao giờ để xẩy ra nữa cho bất cứ một ai bị cô đơn và bỏ rơi; chúng ta có một Vị Mục Tử chiến thắng hết mọi nỗi sợ hãi của chúng ta và yêu thương tất cả chúng ta, không phân biệt.

 

Các mục đồng ở Bêlem cũng nói với chúng ta cách thức để đến gặp Chúa. Họ canh giữ về đêm: họ không ngủ, nhưng làm những gì được Chúa Giêsu thường xin chúng ta làm, đó là tỉnh thức (cf. Mt 25:13; Mk 13:35; Lk 21:36). Họ vẫn tỉnh táo và chăm chú vào bóng tối; và ánh sáng của Chúa bấy giờ "chiếu tỏa quanh họ" (Lk 2:9). Đó cũng là trường hợp của chúng ta. Đời sống của chúng ta có thể được ghi ấu bằng việc chờ đợi, một đợi chờ giữa những gì là mờ mịt đầy những trục trặc của chúng ta, hy vọng vào Chúa và trông mong Ngài đến; bấy giờ chúng ta sẽ nhận được sự sống của Ngài. Hay đời sống của chúng ta được đánh dấu bằng việc muốn, một cái muốn mà tất cả mọi vấn đề đều ở trong quyền lực và khả năng của chúng ta; trái tim của chúng ta như thế vẫn ngăn cản ánh sáng của Thiên Chúa. Chúa thích được chờ đợi, và chúng ta không thể chờ đợi Ngài nằm ngủ trong một cái trường kỷ. Bởi vậy, các mục đồng liền lên đường: chúng ta được cho biết là họ "vội vã lên đường" (v.16). Họ không chỉ đứng đó như những ai nghĩ mình đã đến nơi rồi và không cần làm gì hơn nữa. Trái lại, họ lên đường; họ bỏ lại đám súc vật chẳng ai trông coi; họ liều mình vì Thiên Chúa. Và sau khi thấy Chúa Giêsu, mặc dù không phải là những con người có tài lợi khẩu, họ cũng đi loan truyền việc Ngài hạ sinh, để "tất cả những ai nghe thấy thì đều lạ lùng bỡ ngỡ về những gì các mục đồng nói với mình" (v.18).

 

Tỉnh thức, lên đường, liều mình, trình thuật vẻ đẹp: tất cả những điều này là tác động yêu thương. Vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng khi Giáng Sinh đến để cống hiến sự sống của Ngài cho chiên, sau này, khi Phục Sinh, đã hỏi Thánh Phêrô, qua vị tông đồ này Ngài cũng hỏi tất cả chúng ta, câu hỏi tối hậu là: "Con có yêu mến Thày không?" (Jn 21:15). Tương lai của đàn chiên sẽ lệ thuộc vào cách thức câu hỏi này được đáp lại. Đêm hôm nay, cả chúng ta nữa cần phải đáp lại Chúa Giêsu bằng những lời: "Con yêu mến Thày". Câu trả lời được vang lên bởi mỗi người chúng ta này là những gì thiết yếu cho cả đoàn chiên.

 

"Vậy chúng ta hãy đến Bêlem" (Luca 2:15). Với những lời này, các mục đồng lên đường. Cả chúng con nữa, lạy Chúa, chúng con cũng muốn đến Bêlem. Cả ngày hôm nay nữa, con đường này là con đường lên dốc: những gì cao ngạo nơi tính vị kỷ của chúng ta cần phải thắng vượt, và chúng ta không được lạc bước hay trượt chân lao mình vào những gì là trần tục và hưởng thụ.

 

Lạy Chúa, con muốn đến Bêlem, vì Chúa đang chờ đợi con ở đó. Con muốn nhận thức rằng Chúa, nằm trong máng cỏ, là bánh sự sống của con. Con cần hương thơm dịu dàng của tình yêu Chúa để con, về phần mình, có thể trở thành tấm bánh bẻ ra cho thế giới. Xin hãy vác con lên vai của Chúa, hỡi Vị Mục Tử Nhân Lành; được Chúa yêu thương, con mới có thể yêu thương anh chị em của con và mới có thể dìu dắt họ. Vậy Giáng Sinh sẽ thực sự là khi con có thể thưa cùng Chúa rằng: Lạy Chúa, Chúa biết hết mọi sự; Chúa biết rằng con yêu mến Chúa" (cf Jn 21:17).

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2018/documents/papa-francesco_20181224_omelia-natale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu