Đức Thánh Cha Phanxicô

 

GIÁO LÝ VỀ PHỤNG VỤ CỬ HÀNH THÁNH THỂ

Pope Francis greets pilgrims in the Paul VI Hall

Pope Francis arrives at the Paul VI Hall for the weekly General Audience

 

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 28-2-2018

trong Sảnh Đường Phaolô VI (vì thời tiết)

 

 

LOẠT BÀI GIÁO LÝ VỀ THÁNH LỄ HAY CỬ HÀNH THÁNH THỂ

Bài 11

 

 

Phụng Vụ Thánh Thể - Phần Dâng Lễ

 

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Lễ, phần Phụng Vụ Lời Chúa - phần tôi đã chia sẻ ở bài vừa rồi - được tiếp nối bằng một phần chính yếu khác của Thánh Lễ, đó là phần Phụng Vụ Thánh Thể. Ở phần này, qua các dấu hiệu thánh, Giáo Hội tiếp tục dâng Hy Tế của Giao Ước mới được Chúa Giêsu niêm ấn trên bàn thờ Thánh Giá (Cf. Second Ecumenical Vatican Council, Constitution Sacrosanctum Concilium, 47). Bàn thờ đầu tiên của Kitô giáo là Thánh Giá, và khi chúng ta đến bàn thờ để cử hành Thánh Lễ là ký ức của chúng ta trở về với bàn thờ Thánh Giá, nơi hy tế đầu tiên được dâng hiến. Vị linh mục, người đại diện cho Chúa Kitô trong Thánh Lễ, thực hiện những gì chính Chúa đã thực hiện và đã trao phó cho các môn đệ ở Bữa Tiệc Ly: Người cầm lấy bánh và chén, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các môn đệ mà phán: "Hãy nhận lấy mà ăn... mà uống: này là Mình Thày... này là chén Máu Thày. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thày".

Tuân theo lệnh truyền của Chúa Giêsu, Giáo Hội đã sắp xếp việc Cử Hành Thánh Thể vào những lúc hợp với các lời nói cùng cử chỉ Người đã thực hiện, vào lúc vọng cuộc Khổ Nạn của Người. Bởi thế mà trong việc sửa soạn các lễ vật, bánh và rượu được mang lên bàn thờ, tức là các yếu tố Chúa Giêsu đã cầm trong tay của Người. Ở Kinh Nguyện Thánh Thể, chúng ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa về công cuộc Cứu Chuộc, và các lễ vật hiến dâng trở nên Mình và Máu của Chúa Giêsu Kitô. Sau đó là việc Bẻ Bánh và Hiệp lễ, khiến chúng ta sống lại cảm nghiệm của các Tông Đồ, những vị đã lãnh nhận các tặng vật Thánh Thể từ bàn tay của chính Chúa Kitô (Cf. Ordinamento Generale del Messale Romano, 72).

Như thế, việc sửa soạn các lễ vật là những gì tương xứng với cử chỉ đầu tiên của Chúa Giêsu, đó là "Người cầm lấy bánh và chén rượu". Đó là phần đầu của Phụng Vụ Thánh Thể. Thật là hay khi chính tín hữu dâng bánh và rượu cho vị linh mục, vì họ tiêu biểu cho việc hiến dâng thiêng liêng của Giáo Hội được qui tụ bấy giờ để cử hành Thánh Thể. Thật là đẹp khi chính tín hữu thực sự mang bánh và rượu đến bàn thờ. Ngày nay, cho dù 'tín hữu, như trước đây, không còn mang bánh và rượu của riêng mình đến cho Phụng Vụ, nhưng nghi thức hiến dâng các lễ vật này vẫn giữ được giá trị và ý nghĩa thiêng liêng của nó'" (Ibid., 73). Liên quan đến vấn đề này thì thật là ý nghĩa trong việc truyền chức cho một tân chức, vị Giám Mục, lúc trao cho tân chức bánh và rượu thì nói: "Hãy nhận lấy các lễ vật này của dân thánh cho hy tế Thánh Thể" (Roman Pontifical – Ordination of Bishops, of presbyters and of deacons). Chính dân Chúa mang của lễ là bánh và rượu, một lễ dâng cao cả cho Thánh Lễ! Vì thế, nơi hình bánh và rượu, thành phần tín hữu đặt lễ dâng của riêng mình vào bàn tay vị linh mục, vị đặt lễ dâng ấy trên bàn thờ hay trên bàn của Chúa, "tâm điểm của tất cả Phụng Vụ Thánh Thể" (OGMR, 73). Tức tâm điểm của Thánh Lễ là bàn thờ, và bàn thờ là Chúa Kitô. Cần phải luôn luôn nhìn lên bàn thờ, tâm điểm của Thánh Lễ. Bởi thế mà "hoa mầu ruộng đất và lao công của con người" được hiến dâng lên là việc tín hữu dấn thân chính mình, theo Lời Chúa, làm "hy tế hài lòng Thiên Chúa Cha Toàn Năng", "cho thiện ích của toàn thể Hội Thánh Ngài". Vậy "đời sống của tín hữu, nỗi khổ đau của họ, việc nguyện cầu của họ, việc hoạt động của họ, đều được liên kết với những sự ấy của Chúa Kitô cũng như với việc Người toàn hiến, nhờ đó những sự ấy có được một giá trị mới mẻ" (Catechism of the Catholic Church, 1368).

Lễ dâng của chúng ta thật ra chỉ là một cái gì đó nhỏ mọn, thế nhưng Chúa Kitô lại cần đến cái nhỏ mọn này. Chúa cần đến cái chút xíu của chúng ta, và Người ban cho chúng ta rất nhiều. Người xin chúng ta một chút xíu. Người cần thiện chí của chúng ta trong đời sống bình thường; Người muốn chúng ta có một tấm lòng cởi mở; Người muốn chúng ta có một ý muốn tốt đẹp hơn để lãnh nhận Người là Đấng ban mình cho chúng ta nơi Thánh Thể. Người xin chúng ta những lễ dâng tiêu biểu ấy, những lễ dâng sau đó trở thành Mình Người và Máu Người. Một hình ảnh về tác động cầu nguyện tự hiến này được tiêu biểu nơi hương trầm, một thứ hương được hâm bởi lửa, tỏa ra một làn khói thơm bay lên cao: việc xông hương các lễ dâng, như được thực hiện vào các ngày lễ, xông hương Thánh Giá, bàn thờ, vị linh mục và dân tư tế bày tỏ một cách hữu hình mối liên hệ hiến dâng kết hiệp tất cả những thực tại này lại với hy tế của Chúa Kitô (Cf. OGMR, 75). Xin đừng quên rằng bàn thờ là Chúa Kitô, nhưng luôn ám chỉ bàn thờ đầu tiên là Thánh Giá, và trên bàn thờ là Chúa Kitô này, chúng ta mang các lễ vật nhỏ mọn của mình, là bánh và rượu, sau đó chúng thậm chí sẽ trở thành chính Chúa Giêsu là Đấng hiến bản Thân mình cho chúng ta.

Tất cả những điều ấy là những gì được diễn tả nơi lời nguyện cầu trên các lễ dâng. Nơi lời nguyện cầu này, vị linh mục xin Thiên Chúa chấp nhận các lễ vật được Giáo Hội dâng lên cho Ngài, xin thành hoa trái của việc trao đổi tuyệt vời giữa tình trạng bần cùng của chúng ta với sự phong phú của Ngài. Nơi bánh và rượu, chúng ta hiến dâng đời sống của chúng ta cho Ngài, nhờ đó nó được Thánh Thần biến đổi thành hy tế của Chúa Kitô, và cùng với Người, trở thành lễ dâng thiêng liêng đẹp lòng Chúa Cha. Khi việc sửa soạn các lễ vật được chấm dứt như thế thì nó hướng chúng ta về Kinh Nguyện Thánh Thể (Cf. Ibid, 77).

Chớ gì linh đạo tự hiến, được giây phút trong Lễ ấy dạy cho chúng ta, có thể soi sáng cho ngày sống của chúng ta, cho các mối liên hệ của chúng ta với tha nhân, cho các việc chúng ta làm, cho các đau khổ chúng ta gặp, giúp chúng ta xây dựng thành đô trần thế này theo ánh sáng của Phúc Âm.

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-the-liturgy-of-the-eucharist-full-text/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu