Đức Thánh Cha Phanxicô

 

GIÁO LÝ VỀ PHỤNG VỤ CỬ HÀNH THÁNH THỂ

 

Pope Francis arrives in St Peter's Square for his weekly General Audience

 

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 14-3-2018

 

 

LOẠT BÀI GIÁO LÝ VỀ THÁNH LỄ HAY CỬ HÀNH THÁNH THỂ

Bài 13

Kinh Lạy Cha

 

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Chúng ta tiếp tục với các bài Giáo Lý về Thánh Lễ. Trong Bữa Tiệc Ly, sau khi Chúa Giêsu cầm lấy bánh và chén rượu, cùng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, chúng ta biết rằng Người "đã bẻ bánh". Trong Phụng Vụ Thánh Thể của Thánh Lễ, việc bẻ Bánh hợp với tác động ấy, được dẫn trước bằng kinh nguyện Chúa dạy chúng ta, đó là "Kinh Lạy Cha".

Và như vậy chúng ta bắt đầu các nghi thức Hiệp Lễ, khi kéo dài lời chúc tụng và thỉnh nguyện của Kinh Nguyện Thánh Thể bằng việc đọc chung "Kinh Lạy Cha". Kinh nguyện này không phải là một trong nhiều kinh nguyện của Kitô hữu, mà là kinh nguyện của con cái Chúa; kinh này là kinh cao trọng được Chúa Giêsu dạy cho chúng ta. Thật vậy, được trao phó cho chúng ta trong ngày chúng ta lãnh nhận Phép Rửa, "Kinh Lạy Cha" vẫn âm vang trong chúng ta cùng một cảm thức nơi Chúa Giêsu Kitô. Khi chúng ta cầu "Kinh Lạy Cha", chúng ta cầu nguyện như Chúa Giêsu đã nguyện cầu. Đó là kinh nguyện Chúa Giêsu đọc và Người dạy kinh này cho chúng ta nữa, khi Người được các môn đệ: "Lạy Thày, xin dạy cho chúng con biết cầu nguyện như Thày". Chúa Giêsu đã cầu nguyện như thế. Thật là tốt đẹp khi cầu nguyện như Chúa Giêsu! Được giáo huấn của Người chỉ dạy, chúng ta dám ngỏ cùng Thiên Chúa khi xưng Ngài là "Cha", vì chúng ta đã được tái sinh làm con cái của Ngài nhờ nước và Thánh Linh (xem Epheso 1:5). Thật vậy, không ai có thể gọi Ngài là "Abba - Cha ơi" - mà lại không đưoọc tái sinh bởi Thiên Chúa, mà không được tác động bởi Thần Linh, như Thánh Phaolô dạy (xem Roma 8:15). Chúng ta cần phải nghĩ rằng không ai có thể gọi Ngài là "Cha" mà lại không được tác động bởi Thần Linh. Biết bao nhiêu lần có người đọc "Lạy Cha", nhưng không biết họ nói gì. Vì thật sự Ngài là Cha nhưng khi anh chị em thưa "Cha" anh chị em có cảm thấy Ngài là Cha, Cha của anh chị em, Cha của nhân loại, Cha của Chúa Giêsu Kitô hay chăng? Anh chị em có liên hệ với vị Cha này hay chăng? Khi chúng ta cầu "Lạy Cha" là chúng ta liên hệ với Ngôi Cha là Đấng yêu thương chúng ta, thế nhưng chính Thần Linh là Đấng ban cho chúng ta mối liên hệ này, ban cho chúng ta cảm thức là con cái của Thiên Chúa.

Còn kinh nguyện nào tốt đẹp, hơn là kinh Chúa Giêsu dạy cho chúng ta, giúp chúng ta có thể dọn mình Hiệp Thông bí tích với Người chứ? Ngoài việc được nguyện cầu trong Thánh Lễ, "Kinh Lạy Cha' còn được cầu vào ban sáng và ban tối, Kinh Ban Mai (Lauds) và Kinh Ban Chiều (Vespers); nhờ đó, thái độ con cái đối với Thiên Chúa và theo tình huynh đệ với tha nhân của chúng ta góp phần vào việc hình thành Kitô hữu cho những ngày chúng ta sống.

Trong Kinh Chúa dạy - trong "Kinh Lạy Cha" - chúng ta xin cho "lương thực hằng ngày", những gì chúng ta đặc biệt ám chỉ đến Thần Lương Thánh Thể, một thứ lương thực chúng ta cần để sống phận làm con cái của Thiên Chúa. Chúng ta cũng van xin "tha nợ chúng con" và để xứng đáng lãnh nhận ơn tha tội của Chúa, chúng ta quyết tâm tha cho những ai phạm đến chúng ta. Điều này không phải là chuyện dễ; chúng ta cần phải xin ơn Chúa: "Lạy Chúa, xin dạy cho con biết tha thứ như Chúa đã thứ tha cho con". Chính ân sủng. Chứ chúng ta tự mình không thể tha thứ; thứ tha là một ân huệ của Thánh Linh. Bởi vậy mà khi chúng ta mở lòng mình cho Thiên Chúa, thì "Cha của chúng ta / Our Father" cũng giúp chúng ta sẵn sàng với tình yêu thương huynh đệ nữa. Sau hết, chúng ta cũng xin Chúa "cứu chúng con cho khỏi sự dữ", sự dữ tách ly chúng ta khỏi Thiên Chúa và phân rẽ chúng ta khỏi anh em chúng ta. Chúng ta hiểu rõ rằng đó là những lời kêu cầu rất xứng hợp để dọn mình Hiệp Lễ [Cf. Ordinamento Generale del Messale Romano, (OGMR),  81].

Thật vậy, những gì chúng ta xin trong "Kinh Lạy Cha", được nối dài nơi lời cầu của vị linh mục, nhân danh tất cả mọi người, nguyện rằng: "Ôi Chúa, xin cứu chúng con cho khỏi tất cả mọi sự dữ và ban bình an cho những ngày sống của chúng con". Sau đó nó lãnh nhận một thứ ấn tín nơi nghi thức chúc bình an: trước hết là kêu xin Chúa Kitô ban tặng ân bình an của Người (xem Gioan 14:27) - rất khác với thứ bình an của thế gian - một bình an làm cho Giáo Hội gia tăng trong mối hiệp nhất và bình an theo ý muốn của Người; sau đó, bằng cử chị cụ thể được chúng ta trao đổi với nhau, chúng ta bày tỏ "mối hiệp thông giáo hội và tình yêu thương nhau trước khi hiệp thông Bí Tích" (OGMR, 82). Theo Lễ Nghi Roma thì việc trao đổi cử chỉ bình an, được đặt ra từ cổ thời trước Hiệp Lễ, để hướng về mối Hiệp Thông Thánh Thể. Theo lời khiển trách của Thánh Phaolô thì chúng ta không thể nào hiệp lễ với một Tấm Bánh duy nhất, là những gì làm cho chúng ta thành một Thân Mình duy nhất trong Chúa Kitô, mà không nhận thấy mình sống bằng an bởi tình yêu thương huynh đệ (Cf. 1 Corinthians 10:16-17; 11:29). Bình an của Chúa Kitô không thể đâm rễ vào một cõi lòng không thể sống tình huynh đệ và biết hàn gắn nó lại sau nó bị tổn thương. Chúa ban bình an; Người ban cho chúng ta ân sủng để chúng ta có thể tha thứ cho những ai xúc phạm đến chúng ta.

Cử chỉ chúc bình an được tiếp theo bằng việc bẻ bánh, một việc bẻ bánh mà từ thời các tông đồ đã cống hiến tên gọi cho toàn thể việc cử hành Thánh Thể   (Cf. OGMR, 83; Catechism of the Catholic Church, 1329). Được thi hành bởi Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, việc bẻ Bánh là cử chỉ mạc khải giúp cho các môn đệ có thể nhận ra Người sau khi Người Phục Sinh. Chúng ta nhớ lại các môn đệ đi Emmau, những người mà khi nói về cuộc gặp gỡ Đấng Phục Sinh thuật lại rằng "họ đã nhận ra Ngài thế nào nơi việc bẻ bánh" (Cf. Luke 24:30-31.35).

Việc bẻ Bánh Thánh Thể được kèm theo bằng lời kêu cầu lên "Chiên Thiên Chúa", hình ảnh được vị Gioan Tẩy Giả đã ám chỉ Chúa Giêsu là "Đấng xóa tội trần gian" (Gioan 1:29). Hình ảnh thánh kinh về con chiên là những gì nói về việc Cứu Chuộc (Cf. Exodus 12:1-14; Isaiah 53:7; 1 Peter 1:19; Revelation 7:14). Nơi Tấm Bánh Thánh Thể, được bẻ ra cho sự sống của thế gian, việc cộng đoàn cầu nguyện nhìn nhận Con Chiên Thiên Chúa thực sự, tức là Đức Kitô Cứu Chuộc, và van xin Người: "Xin Chúa thương xót chúng ta... xin ban bình an cho chúng con". "Xin thương xót chúng con", "xin ban bình an cho chúng con" là những lời kêu cầu mà, từ kinh "Lạy Cha" cho đến khi bẻ Bánh, giúp chúng ta dọn tinh thần của chúng ta để tham dự vào tiệc Thánh Thể, nguồn mạch hiệp thông với Thiên Chúa cũng như với anh chị em.

Chúng ta đừng quên kinh nguyện cao trọng này: kinh nguyện Chúa Giêsu đã dạy, và là kinh nguyện Người cầu nguyện với Cha. Và lời nguyện này dọn lòng chúng ta Hiệp Lễ.

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-communion-rites/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu

 

(Xin bấm vào cái link dưới đây để coi toàn bộ Buổi Triều Kiến Chung hôm nay).

General Audience