GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

GIÁO LÝ VỀ PHỤNG VỤ CỬ HÀNH THÁNH THỂ

 

 

Pope Francis greets the faithful at the Wednesday General Audience

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 28-3-2018

 

"Lễ nào của đức tin chúng ta quan trọng nhất: Giáng Sinh hay Phục Sinh? Phục Sinh,

vì đó là lễ cứu độ của chúng ta, lễ của tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta, lễ cử hành Cái Chết và Phục Sinh của Người...

Tam Nhật này được bắt đầu vào ngày mai, với Thánh Lễ tưởng niệm Bữa Tiệc Ly của Chúa và sẽ chấm dứt bằng Kinh Tối Chúa Nhật Phục Sinh".

 

"Đến đây tôi cần phải nói đến một điều đáng buồn và nhức nhối... Đó là có những Kitô hữu giả tạo / fake Christians...

Thành phần Kitô hữu băng hoại giả vờ là một con người khả kính, thế nhưng, cuối cùng mới lòi ra cái thối rữa ở trong tâm can của họ"

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Hôm nay tôi muốn dừng lại để suy niệm về Tam Nhật Vượt Qua - Easter Triduum, bắt đầu vào ngày mai, để đi sâu một chút vào những gì được các ngày quan trọng nhất của Phụng Niên này nói lên cho chúng ta là thành phần tín hữu biết. Tôi xin hỏi anh chị em một câu nhé: lễ nào của đức tin chúng ta quan trọng nhất: Giáng Sinh hay Phục Sinh? Phục Sinh, vì đó là lễ cứu độ của chúng ta, lễ của tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta, lễ cử hành Cái Chết và Phục Sinh của Người. Bởi thế tôi muốn chia sẻ với anh chị em về lễ này, về những ngày này, những ngày vượt qua, cho đến Lễ Chúa Phục Sinh. Những ngày này làm nên việc tưởng niệm về một mầu nhiệm cao cả, đó là mầu nhiệm về Sự Chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Tam Nhật này được bắt đầu vào ngày mai, với Thánh Lễ tưởng niệm Bữa Tiệc Ly của Chúa và sẽ chấm dứt bằng Kinh Tối Chúa Nhật Phục Sinh. Sau đó là Thứ Hai Phục Sinh để cử hành đại lễ này: thêm một ngày nữa. Tuy nhiên, lễ này là lễ hậu phụng vụ: lễ gia đình (family feast), lễ của xã hội. Nó đánh dấu những chặng chính yếu nơi đức tin của chúng ta cũng như của ơn gọi chúng ta trong thế giới này, và tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi để sống Tam Nhật Thánh này - Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy; và Chúa Nhật - dĩ nhiên - Thứ Bảy là Phục Sinh - Tam Nhật Thánh, có thể nói, như là "cái khung" cho đời sống chung riêng của họ, cho đời sống cộng đồng của họ, như cuộc xuất hành từ Ai Cập được anh chị em Do Thái trải qua vậy.

Ba ngày này nêu lên một lần nữa cho dân Kitô giáo các biến cố cả thể về việc Chúa Kitô cứu độ, nhờ đó họ hướng ơn cứu độ đến chân trời định mệnh tương lai của họ và củng cố ơn cứu độ nơi việc họ dấn thân làm chứng nhân trong lịch sử.

Ôn lại các chặng được trải qua trong Tam Nhật này, vào buổi sáng Lễ Phục Sinh, Bài Ca Tiếp Liên, tức là một bài thánh ca hay một loại Thánh Vịnh, làm cho chúng ta nghe thấy lời long trọng loan báo về Phục Sinh, đó là: "Chúa Kitô, niềm hy vọng của chúng ta, đã sống lại và đi trước chúng ta đến Galilêa". Đó là một khẳng định cả thể: Chúa Kitô đã sống lại. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là ở Đông Âu, dân chúng chào nhau trong những ngày này không phải bằng tiếng chào "sáng" hay "tối" bình thường, mà là "Chúa Kitô đã sống lại", để chấp nhận lời chào vượt qua cao cả ấy. "Chúa Kitô đã sống lại". Tam Nhật này đạt đến tột đỉnh ở những chữ - "Chúa Kitô đã sống lại" - đầy hoan hỉ phấn khích ấy. Chúng chất chứa chẳng những một loan báo về niềm vui và hy vọng, mà còn là một lời kêu gọi về trách nhiệm và sứ vụ nữa. Câu chuyện không kết thúc ở chim câu, ở những quả trứng, ở tiệc tùng - cho dù tốt lành bởi là ngày lễ gia đình - nhưng lại không kết thúc như thế. Con đường theo sứ vụ được bắt đầu ở chỗ ấy, ở lời loan báo: Chúa Kitô đã sống lại. Lời loan báo này, được Tam Nhật Vượt Qua dẫn tới, bằng cách sửa soạn cho chúng ta lãnh nhận nó, là tâm điểm của đức tin và đức cậy của chúng ta, nó là cốt lõi, là lời loan báo, là việc rao giảng, một việc tiếp tục truyền bá phúc âm hóa Giáo Hội để Giáo Hội được sai đi truyền bá phúc âm hóa.

Thánh Phaolô đã tóm gọn biến cố vượt qua ở lời diễn tả như thế này: "Đức Kitô, con chiên vượt qua của chúng ta, đã chịu hy tế" (1Corinto 5:7), như một con chiên. Người đã bị sát tế. Thế nên - ngài tiếp tục - "những gì cũ kỹ đã qua và hết mọi sự đã trở thành mới mẻ" (2Corinto 5:15). Tái sinh. Bởi vậy mà từ ban đầu người ta được rửa tội vào ngày Lễ Phục Sinh. Cũng vào đêm Thứ Bảy này tôi sẽ rửa tội ở Đền Thờ Thánh Phêrô này 8 người lớn đang bắt đầu cuộc sống Kitô giáo. Hết mọi sự được bắt đầu vì chúng sẽ được tái sinh. Bằng một công thức tổng hợp khác, Thánh Phaolô giải thích rằng Chúa Kitô "đã bị giết chết vì những vấp phạm của chúng ta và đã sống lại cho sự công chính của chúng ta" (Roma 4:25). Người là Đấng duy nhất, Đấng duy nhất công chính hóa chúng ta; Chúa Giêsu Kitô là Đấng duy nhất làm cho chúng ta được tái sinh, không còn ai khác ngoài Người. Vì vậy mà không gì cần phải trả giá, bởi việc công chính hóa - làm cho chúng ta nên công chính - là việc tặng không. Đó là sự cao cả lớn lao của tình yêu Chúa Kitô; Người ban sự sống của Người một cách nhưng không để làm cho chúng ta trở thành những vị thánh, để canh tân đổi mới chúng ta, để tha thứ cho chúng ta. Đó là chính cốt lõi của Tam Nhật Vượt Qua này. Nơi Tam Nhật Vượt Qua ấy, việc tưởng nhớ đến biến cố chính yếu này trở thành một việc cử hành đầy lòng tri ân cảm tạ, đồng thời nó cũng làm tái phát ở nơi người lãnh nhận Phép Rửa cái cảm quan về thân phận mới của họ, một thân phận được Thánh Phaolô lại diễn tả như thế này: "Bởi vậy mà nếu anh em đã được sống lại với Chúa Kitô thì hãy tìm kiếm những gì ở trên cao [...] chứ đừng ... những gì ở dưới đất này" (Colosê 3:1-3). Hãy ngước nhìn lên, hãy nhìn đến chân trời, hãy mở rộng các chân trời ra: đó là đức tin của chúng ta, đó là sự công chính hóa của chúng ta, đó là tình trạng ân sủng! Thật vậy, nhờ Phép Rửa, chúng ta được sống lại với Chúa Kitô và chúng ta chết đi cho những gì của thế gian và cho lý lẽ của trần gian; chúng ta được tái sinh như thành phần thụ tạo mới: một thực tại cần trở thành cuộc sống cụ thể hằng ngày.

Nếu một Kitô hữu thật sự để mình được Chúa Kitô rửa cho, nếu họ thực sự để mình được Người tước lột cho khỏi con người cũ để bước vào một đời sống mới, cho dù vẫn còn là một tội nhân - vì tất cả chúng ta đều như thế - họ sẽ không còn bị băng hoại, việc công chính hóa của Chúa Giêsu cứu chúng ta khỏi tình trạng băng hoại; chúng ta là thành phần tội nhân chứ không băng hoại; họ không còn sống với chết chóc trong tâm hồn của họ, hay thậm chí không còn là căn nguyên chết chóc nữa. Đến đây tôi cần phải nói đến một điều đáng buồn và nhức nhối... Đó là có những Kitô hữu giả tạo / fake Christians: những con người miệng thì nói rằng "Chúa Giêsu đã sống lại", "Tôi đã được Chúa Giêsu công chính hóa", tôi đang sống một sự sống mới nhưng tôi lại đang sống một cuộc sống băng hoại. Những Kitô hữu giả tạo này sẽ kết liễu một cách thê thảm. Tôi xin lập lại, Kitô hữu là tội nhân - tất cả chúng ta đều như thế - cả tôi cũng vậy - thế nhưng khi chúng ta xin Chúa tha thứ thì Người thứ tha cho chúng ta. Thành phần Kitô hữu băng hoại giả vờ là một con người khả kính, thế nhưng, cuối cùng mới lòi ra cái thối rữa ở trong tâm can của họ. Chúa Giêsu ban cho chúng ta một sự sống mới. Một Kitô hữu không thể nào sống với chết chóc trong tâm hồn của mình, hay trở thành căn gốc gây chết chóc. Chúng ta thử nghĩ nhé - chẳng cần nói xa xôi làm gì - chúng ta hãy nghĩ đến nhà của chúng ta, chúng ta hãy nghĩ đến thành phần được gọi là "Kitô hữu mafia / mafiosi Christians". Thế nhưng, những con người này chẳng có gì là Kitô giáo cả: họ gọi mình là Kitô hữu, thế nhưng họ gây chết chóc trong tâm hồn của họ cũng như cho người khác. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, để Chúa chạm đến tâm hồn của họ. Tha nhân của mình, nhất là thành phần hèn mọn nhất và những ai đau khổ nhất, trở thành một gương mặt cụ thể mà chúng ta cống hiến tình yêu Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta. Thế giới này trở thành một nơi cho sự sống mới của chúng ta như là thành phần đã sống lại. Chúng ta đã sống lại với Chúa Giêsu: thẳng đứng và ngẩng cao, chúng ta có thể chia sẻ những gì là hèn hạ nhục nhã của những con người mà ngày nay vẫn, như Chúa Giêsu, chịu khổ đau, trần truồng, thiếu thốn, chết chóc, để nhờ Người và với Người, chúng ta trở thành những dụng cụ cứu vãn và hy vọng, thành những dấu hiệu của sự sống và sự phục sinh. Ở nhiều xứ sở - ở Ý đây cũng như ở quê hương của tôi - có cái lệ là vào ngày Lễ Phục Sinh, khi nghe thấy tiếng chuông nhà thờ, thì các bà mẹ, các bà nội bà ngoại mang con cháu đến rửa mắt bằng nước, bằng nước sự sống, như là một dấu hiệu nhờ đó có thể thấy được những gì nơi Chúa Giêsu, thấy những điều mới mẻ. Trong Lễ Phục Sinh này, chúng ta hãy tẩy rửa linh hồn của chúng ta, hãy tẩy rửa con mắt của linh hồn, để thấy được những điều đẹp đẽ và thực hiện những điều tốt đẹp. Như thế thì tuyệt vời! Thật vậy, đây là sự Phục Sinh của Chúa Giêsu sau Cái Chết của Người, một giá trả để cứu độ tất cả chúng ta.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy dọn mình sống một cách tốt đẹp Tam Nhật Thánh giờ đây tới nơi rồi - bắt đầu ngày mai - để được tiến sâu vào mầu nhiệm Chúa Kitô hơn bao giờ hết, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta.

Xin Rất Thánh Maria, Vị đã theo Chúa Giêsu trong Cuộc Khổ Nạn của Người - Mẹ đã ở đó, đã chứng kiến, đã đớn đau... đã hiện diện và đã liên kết với Người dưới thập tự giá của Người, mà không hổ thẹn về Con mình, một Người Mẹ không bao giờ xấu hổ về con mình! Mẹ đã ở đó, và đã lãnh nhận vào lòng của Mẹ niềm vui vô biên của Phục Sinh -, hỗ trợ chúng ta trong cuộc hành trình thiêng liêng này. Chớ gì Mẹ xin cho chúng ta được ơn tham dự sâu xa vào các việc cử hành của các ngày tới đây, nhờ đó lòng của chúng ta và đời của chúng ta thật sự được biến đổi.

Trong khi lưu lại cho anh chị em những ý nghĩ ấy, tôi xin gửi đến tất cả anh chị em, cùng với cộng đồng và những người thân yêu của anh chị em các lời nguyện chúc nồng hậu nhất của tôi về một Lễ Phục Sinh hạnh phúc và thánh đức.

Và tôi khuyên anh chị em là vào sáng Lễ Phục Sinh hãy đem con cái của anh chị em đến một vòi nước nào đó để chúng rửa mắt của chúng. Đó là một dấu hiệu về cách thức nhìn thấy Chúa Giêsu Phục Sinh.

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-the-easter-triduum-2/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu

 

Tấm hình trên đây cố gắng diễn tả cái mù lòa tự bản tính của nhân loại bị băng hoại bởi nguyên tội
cần phải được chữa lành như người mù từ lúc mới sinh bằng nước ở Hồ Siloe (xem Gioan 9:7)

"tôi khuyên anh chị em là vào sáng Lễ Phục Sinh hãy đem con cái của anh chị em đến một vòi nước nào đó để chúng rửa mắt của chúng.
Đó là một dấu hiệu về cách thức thấy Chúa Giêsu Phục Sinh"


Xin xem các hình ảnh, bài nói và hình quay buổi triều kiến chung này ở cái link dưới đây:

General Audience