GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2019

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Buổi Triều Kiến Chung Thư Tư 1-5-2019

 

 

Kinh Lạy Cha - Bài 14: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ"

 

Pope Francis at the General Audience

"Với lời cầu áp chót này cuộc đối thoại với Cha Trên Trời, có thể nói, mới tiến vào tâm điểm của vấn đề,

tức là, đến lãnh vực đối đầu giữa quyền tự do của chúng ta với những cạm bẫy của tên Gian Dối"

"Những lời nguyện khó nhất của Kinh 'Lạy Cha' này, những lời nguyện kết thúc kinh ấy, đã được đáp ứng rồi,

vì Thiên Chúa không bỏ chúng ta một mình, trái lại, trong Chúa Giêsu,

Ngài tỏ Mình ra như 'Vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta' cho tới những hậu quả kinh hoàng nhất".

Pope Francis in St. Peter's Square March 14, 2018. Credit: Daniel Ibanez/CNA.

"Nỗi an ủi của chúng ta trong giờ phút thử thách đó là nhận thức thấy rằng cái thung lũng ấy,

vì Chúa Giêsu đã băng qua nó, không còn là nơi hoang vắng muộn phiền mà được chúc phúc

bởi sự hiện diện của Người Con Thiên Chúa. Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta!"

 

 

Xin chào anh chị em thân mến!

 

Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về Kinh "Lạy Cha", đến nay tới lời cầu áp cuối, đó là "Xin chớ đưa chúng con đến chước cám dỗ" (Mathêu 6:13). Có bản đọc là "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ". Kinh "Lạy Cha" bắt đầu một cách rõ ràng, đó là kinh này làm cho chúng ta ước mong rằng dự án cao cả của Thiên Chúa được nên trọn giữa chúng ta. Vậy kinh này có một thoáng nhìn về đời sống, khiến cho chúng ta xin những gì chúng ta cần đến hằng ngày: "lương thực hằng ngày". Rồi kinh nguyện này nói tới các mối liên hệ liên cá thể thường bị lem luốc bởi cái tôi vị kỷ: chúng ta xin tha thứ và dấn thân thứ tha. Tuy nhiên, với lời cầu áp chót này cuộc đối thoại với Cha Trên Trời, có thể nói, mới tiến vào tâm điểm của vấn đề, tức là, đến lãnh vực đối đầu giữa quyền tự do của chúng ta với những cạm bẫy của tên Gian Dối.

Như đã biết, lời phát biểu theo gốc Hy Lạp ở trong các Phúc Âm khó có thể cống hiến một cách chính xác, và tất cả các bản dịch tân thời đều có vẻ kém cỏi làm sao ấy. Tuy nhiên, chúng ta đều có thể qui về một yếu tố duy nhất, đó là bất kể bản văn được hiểu ra sao, chúng ta cũng cần phải loại bỏ vấn đề Thiên Chúa đóng vai chính trong các chước cám dỗ làm mù mịt đường lối của con người, như thể chính Thiên Chúa lén lút đặt cạm đánh bẫy con cái của Ngài. Loại giải thích này mâu thuẫn trước hết với chính bản văn và xa vời với hình ảnh về Vị Thiên Chúa được Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta thấy. Chúng ta đừng quên rằng: Kinh "Lạy Cha" được bắt đầu bằng chữ "Cha". Và là một người cha không mưu bẫy con cái của mình. Kitô hữu không có liên quan gì tới một vị Thiên Chúa hờn ghen đố kỵ, cạnh tranh với con người, hay là vị lấy làm vui thích khi thử thách con người. Đó là những hình ảnh về rất nhiều những thần linh ngoại đạo. Trong Thư của Tông Đồ Gacôbê chúng ta đọc thấy rằng: "Đừng có ai nói khi bị cám dỗ rằng tôi bị Thiên Chúa cám dỗ, vì Thiên Chúa không xu hướng về sự dữ và cũng chẳng cám dỗ ai" (1:13). Bằng không là những gì ngược ngạo, ở chỗ Chúa Cha không phải là tác giả của sự dữ, và không một đứa con nào xin cá mà lại nhận được rắn (xem Luca 11:11) - như Chúa Giêsu đã dạy -, và khi sự dữ xuất hiện trong đời sống của con người, Ngài chiến đấu bên cạnh họ, để họ được giải thoát - một vị Thiên Chúa luôn chiến đấu cho chúng ta chứ không chống lại chúng ta. Ngài là Cha! Theo chiều hướng ấy mà chúng ta nguyện cầu Kinh "Lạy Cha". Hai giây phút này - thử thách và cám dỗ - cũng nhiệm mầu xẩy ra trong đời sống của chính Chúa Giêsu. Nơi trải nghiệm này, Con Thiên Chúa hoàn toàn biến mình thành người anh của chúng ta, một cách hầu như đụng chạm tới những gì là gương mù tồi bại. Chính những đoạn phúc âm này cho chúng ta thấy rằng những lời nguyện khó nhất của Kinh “Lạy Cha” này, những lời nguyện kết thúc kinh ấy, đã được đáp ứng rồi, vì Thiên Chúa không bỏ chúng ta một mình, trái lại, trong Chúa Giêsu, Ngài tỏ Mình ra như “Vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta” cho tới những hậu quả kinh hoàng nhất. Ngài ở với chúng ta khi Ngài ban sự sống cho chúng ta, Ngài ở với chúng ta trong cuộc đời này, Ngài ở với chúng ta lúc vui mừng, Ngài ở với chúng ta khi gian nan khốn khó, Ngài ở với chúng ta lúc sầu thương, Ngài ở với chúng ta khi thảm bại, khi chúng ta sa ngã phạm tội, thế nhưng Ngài vẫn luôn ở với chúng ta, vì Ngài là Cha và không thể bỏ rơi chúng ta.

Nếu chúng ta bị cám dỗ hành ác, bằng việc chối bỏ tình huynh đệ với những người khác hay muốn có một quyền lực tuyệt đối trên tất cả mọi sự và hết mọi người, thì Chúa Giêsu đã chiến đấu với chước cám dỗ này cho chúng ta rồi: những trang đầu tiên của các Phúc Âm đã chứng thực là như thế. Ngay sau khi lãnh nhận Phép Rửa bởi Gioan ở giữa đám đông tội nhân, Chúa Giêsu đã rút lui vào sa mạc và bị Satan cám dỗ. Satan đã xuất hiện. Rất nhiều người nói rằng: “Thế nhưng tại sao lại nói về ma quỉ là những gì cũ kỹ như vậy chứ? Ma quỉ đâu có hiện hữu”. Thế nhưng xin hãy xem những gì Phúc Âm dạy cho anh chị em là Chúa Giêsu đã phải đương đầu với ma quỉ; Satan đã cám dỗ Người. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã loại trừ được hết mọi chước cám dỗ cho đến khi chiến thắng. Phúc Âm Thánh Mathêu đã có được một ghi nhận hay hay để kết thúc cuộc đọ sức giữa Chúa Giêsu và Kẻ Thù: “Bấy giờ ma quỉ bỏ Người mà đi, và này, các Thiên Thần đã đến hầu chực Người” (4:11).

Thế nhưng, ngay cả trong những lúc bị thử thách nhất, Thiên Chúa cũng không bỏ chúng ta lẻ loi cô độc một mình. Khi Chúa Giêsu rút lui vào Vườn Nhiệt để cầu nguyện, thì cõi lòng của Người bị xâm chiếm bởi một nỗi thống khổ khôn cùng - Người đã nói thế với các môn đệ - và Người đã cảm thấy lẻ loi cô độc và bị bỏ rơi - một mình, với trách nhiệm phải gánh chịu tất cả mọi tội lỗi của thế gian mà Người phải gánh vác; một mình, với nỗi thống khổ khôn xiết tả. Cơn thử thách này xâu xé đến độ có một cái gì đó bất ngờ xẩy ra. Chúa Giêsu không van xin tình yêu thương giành cho Người, nhưng trong đêm hôm ấy, Người cảm thấy sầu thương đến chết được, và vì thế Người đã xin thành phần bạn hữu của Người ở sát bên Người: “Các con hãy ở đây mà canh thức với Thày!” (26:38). Như chúng ta biết, các môn đệ, nặng nề với một thứ mê mệt gây ra bởi sợ hãi, đã thiếp ngủ. Trong lúc sầu khổ, Thiên Chúa xin con người đừng bỏ Ngài, nhưng con người lại ngủ. Trái lại Thiên Chúa canh chừng trong lúc con người trải qua thử thách của họ. Trong những lúc ghê rợn nhất trong đời sống của chúng ta, trong những khi đớn đau nhất, trong những sầu thương nhất, Thiên Chúa canh thức với chúng ta, Thiên Chúa chiến đấu với chúng ta, Ngài luôn ở gần chúng ta. Tại sao? Ngài làm như thế vì Ngài là Cha. Đó là lý do tại sao chúng ta bắt đầu kinh nguyện này là “Lạy Cha chúng con”. Và là một người cha không bỏ rơi con cái của mình. Cái đêm sầu khổ và day dứt của Chúa Giêsu là ấn dấu cuối cùng của việc Nhập Thể, ở chỗ, Thiên Chúa xuống tìm kiếm chúng ta trong vực thẳm của chúng ta và trong những khốn khổ là những gì điểm tô giòng lịch sử.

 

Nỗi an ủi của chúng ta trong giờ phút thử thách đó là nhận thức thấy rằng cái thung lũng ấy, vì Chúa Giêsu đã băng qua nó, không còn là nơi hoang vắng muộn phiền mà được chúc phúc bởi sự hiện diện của Người Con Thiên Chúa. Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta!

 

Bởi thế, Ôi Thiên Chúa, xin hãy loại khỏi chúng con những lúc thử thách và cám dỗ. Thế nhưng, khi những lúc như thế xẩy ra cho chúng con, thì Lạy Cha của chúng con, xin cho chúng con thấy rằng chúng con không bị lẻ loi cô độc một mình. Chúa là Cha. Xin cho chúng con thấy rằng Chúa Kitô đã nhận lấy nơi Bản Thân của Người gánh nặng của thập tự giá. Xin cho chúng con thấy rằng Chúa Giêsu kêu gọi chúng con vác thập giá với Người, hoàn toàn tin tưởng phó mình cho tình yêu của Chúa là Cha. Xin cám ơn anh chị em.

 

https://zenit.org/articles/holy-father-addresses-our-father-at-general-audience-full-text/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu