GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2019

 

 

ĐTC Phanxicô - Buổi Triều Kiến Chung Thư Tư 15-5-2019

 

 

Kinh Lạy Cha - Bài 15: "Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ"

 

Pope Francis waves to the crowds at the General Audience

 

"Lời thỉnh nguyện cuối cùng thực sự là lời van xin của chúng ta

bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy mình hạn hữu, bao giờ cũng thế".

 

Pope Francis at the General Audience in St. Peter's Square, May 15, 2019. Credit: Daniel Ibanez/CNA.

 

"Có một sự dữ bí nhiệm, chắc chắn không phải là công việc của Thiên Chúa,

âm thầm đột nhập vào giữa các chuồng chiên của lịch sử. Âm thầm như con rắn kín đáo mang nọc độc". 

 

 

"Ở vào những lúc nào đó, nó dường như làm chủ tình hình:

ở những ngày giờ nào đó, sự hiện diện của nó dường như còn tỏ tường hơn cả lòng thương xót Chúa nữa".

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Đến đây cuối cùng chúng ta đã tiến đến vấn đề thứ 7 của Kinh "Lạy Cha": "Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ" (Matheu 6:13b).

Bằng lời bày tỏ này, con người cầu nguyện chẳng những xin đừng bị bỏ rơi trong lúc bị cám dỗ, mà còn van nài cho được giải thoát khỏi sự dữ nữa. Động từ theo gốc Hy Lạp này là một động từ rất mạnh: nó gợi lên sự hiện diện của Tên Gian Ác là kẻ muốn chộp lấy chúng ta và cắn xé chúng ta (xem 1Phêrô 5:8), và là kẻ con người ta cần phải được Thiên Chúa giải phóng cho khỏi tay hắn. Tông Đồ Phêrô cũng nói rằng Tên Gian Ác này, tức là ma quỉ, vây quanh chúng ta như một con sư tử gầm gừ rình chực để nuốt lấy chúng ta, nên chúng ta cần phải xin Thiên Chúa giải thoát chúng ta.

Ở lời thỉnh nguyện lưỡng diện này: "xin chở bỏ mặc chúng con" và "xin giải thoát chúng con", có một đặc tính thiết yếu của kinh nguyện Kitô giáo. Chúa Giêsu dạy cho thành phần bạn hữu của Người dâng lên Chúa Cha lời cầu xin này trước tất cả mọi lời cầu xin khác, nhất là thậm chí vào những lúc cảm thấy Tên Gian Ác hiện diện đáng sợ. Thật vậy, Kinh nguyện của Kitô giáo không nhắm mắt lại trước đời sống. Nó là một lời cầu nguyện thảo kính chứ không phải là một lời nguyện trẻ con. Nó cũng không quá dại khờ nơi tình phụ tử của Thiên Chúa, đến độ quên rằng đường lối của con người đầy những khó khăn. Nếu không có những câu cuối cùng của Kinh "Lạy Cha" thì thành phần tội nhân, thành phần bị bách hại, thành phần tuyệt vọng, thành phần hấp hối làm sao có thể cầu nguyện chứ? Lời thỉnh nguyện cuối cùng thực sự là lời van xin của chúng ta bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy mình hạn hữu, bao giờ cũng thế.

Chúng ta không thể chối cãi được rằng sự dữ xuất hiện trong đời sống của chúng ta. Các sử sách là một bản liệt kê thảm khốc về việc chúng ta hiện hữu trong thế giới này thường là một cuộc thám hiểm khách tận ra sao. Có một sự dữ bí nhiệm, chắc chắn không phải là công việc của Thiên Chúa, âm thầm đột nhập vào giữa các chuồng chiên của lịch sử. Âm thầm như con rắn kín đáo mang nọc độc. Ở vào những lúc nào đó, nó dường như làm chủ tình hình: ở những ngày giờ nào đó sự hiện diện của nó dường như còn tỏ tường hơn cả lòng thương xót Chúa nữa.

Con người cầu nguyện không mù quáng, và họ nhìn thấy trước mặt tỏ tường sự dữ nghêng ngang này và vì thế mà nó tương phản với chính mầu nhiệm về Thiên Chúa. Họ nhìn thấy nó ở thiên nhiên, nơi lịch sử, và thậm chí ngay trong cõi lòng của họ. Vì không một ai trong chúng ta dám nói rằng họ thoát được sự dữ, hay ít là khỏi bị cám dỗ. Tất cả chúng ta đều biết sự dữ là gì; tất cả chúng ta đều biết chước cám dỗ ra sao; tất cả chúng ta đều cảm nghiệm thấy chước cám dỗ ở nơi xác thịt của mình về bất cứ tội lỗi nào. Tuy nhiên, tên cám dỗ là kẻ đưa đẩy chúng ta đến sự dữ, khi nói với chúng ta rằng: "hãy làm điều này, hãy nghĩ điều kia, tiếp tục đi theo đường lối ấy".

Tiếng kêu lên cuối cùng của Kinh "Lạy Cha" này là những gì đụng độ với tên gian ác ấy, một tên gian ác nắm bắt được những cảm nghiệm đa dạng nhất: niềm than khóc của con người, nỗi đớn đau vô tội, sống nô lệ, bị lạm dụng, tiếng kêu của trẻ em vô tội. Tất cả những biến cố ấy ở trong cõi lòng của con người và trở thành một âm thanh nơi lời cuối cùng của kinh Chúa Giêsu dạy.

Chính ở trong các trình thuật về Cuộc Khổ Nạn mà một số lời diễn tả của Kinh "Lạy Cha" đã có được cái âm vang lừng nhất của chúng. Chúa Giêsu thưa rằng: "Abba, Cha ơi, tất cả đều có thể với Cha; xin hãy cất chén này cho Con; nhưng đừng theo ý Con mà là ý Cha" (Marco 14:36). Chúa Giêsu hoàn toàn cảm thấy bị sự dữ xâu xé, chẳng những chết mà còn chết trên một cây thập tự giá; chẳng những lẻ loi cô độc mà còn bị khinh chê và hạ nhục; chẳng những ác tâm mà còn dã man, hung tàn với Người nữa. Hãy nhìn xem con người nào thế: một hữu thể được hiến cho sự sống, Đấng mơ tưởng đến tình yêu thương và sự thiện hảo, thế nhưng lại là Đấng liên lỉ bị phơi bày ra trước sự dữ cũng như trước thành phần đồng hương của Người, cho đến độ chúng ta có thể cảm thấy thất vọng về con người ấy.

Anh chị em thân mến, như thế thì Kinh "Lạy Cha" giống như một bản hợp tấu cần phải hoàn tất nơi mỗi một người chúng ta. Kitô hữu biết được việc làm nô lệ cho quyền lực của sự dữ ra sao, đồng thời cũng có kinh nghiệm rằng Chúa Giêsu, Đấng không bao giờ chịu lui bước trước những xu nịnh của nó, đang ở bên chúng ta và trợ giúp chúng ta.

Vậy kinh Chúa Giêsu dạy lưu lại nơi chúng ta di truyền thể cao quí nhất đó là sự hiện diện của Người Con Thiên Chúa là Đấng đã giải thoát chúng ta khỏi sự dữ, bằng việc chiến đấu để hoán cải nó. Trong giây phút của trận chiến cuối cùng, Người bảo Phêrô đút gươm vào vỏ; với người trộm thống hối Người bảo đảm Thiên Đàng, với tất cả những con người đang vây quanh Người, không biết gì về tấn bi kịch đang đến hồi kết thúc, thì Người dâng hiến ngôn từ hòa bình: "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm" (Luca 23:34).

Bình an tuôn trào từ việc Chúa Giêsu tha thứ, một thứ bình an chân thực xuất phát từ thập tự giá: nó là một tặng ân của Đấng Phục Sinh, một tặng ân Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Hãy nghĩ rằng lời chào đầu tiên của Chúa Giêsu Phục Sinh là "bình an cho các con", bình an cho linh hồn của anh chị em, cho tâm can của anh chị em, cho đời sống của anh chị em. Chúa ban cho chúng ta bình an, Ngài ban ơn tha thứ cho chúng ta, nhưng chúng ta cần phải kêu lên rằng: "xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ", nhờ đó không làm sự dữ. Đó là niềm hy vọng của chúng ta, là sức mạnh Chúa Giêsu Phục Sinh ban cho chúng ta, Đấng đang ở đây, giữa chúng ta: Người đang ở đây. Người đang ở đây với sức mạnh Người ban cho chúng ta để chúng ta tiến bước, và Người hứa giải thoát chúng ta cho khỏi sự dữ.

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-the-our-fathers-deliver-us-from-evil-full-text/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu