GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2018

 

 

ĐTC Phanxicô - Buổi Triều Kiến Chung Thư Tư 6-3-2019

 

 

Kinh Lạy Cha - Bài 9: "Nước Cha trị đến"

 

 

Pope Francis in St. Peter's Square March 6, 2019. Credit: Lucia Ballester/CNA.

 

"Chính Chúa Giêsu vạch ra cho thấy những dấu hiệu của Vương Quốc Thiên Chúa: 'kẻ mù được sáng, người què đi được, kẻ phong được sạch, người điếc nghe thấy, kẻ chết sống lại và người nghèo được nghe rao giảng Tin Mừng'"

 

 

"Chúa Giêsu đã đến, thế nhưng thế giới này vẫn còn đậm sâu tội lỗi, vẫn còn cứ trú bởi rất nhiều người đau khổ, bởi những con người không tự hòa giải và tha thứ, bởi các thứ chiến tranh và bởi rất nhiều hình thức khai thác".

 

Pope Francis at the General Audience

 

"Tại sao Vương Quốc này được hiện thực quá chậm chạp như vậy?... Cái sai lầm nhất đó là muốn ra tay ngay lập tức trong việc tuyệt trừ đi khỏi thế gian này những ai dường như là thành phần cỏ lùng đối với chúng ta"

 

 

"Vương Quốc của Thiên Chúa thật sự là một quyền lực cả thể, một quyền lực lớn nhất, thế nhưng, lại không theo tiêu chuẩn của thế gian; đó là lý do nó dường như chẳng bao giờ đạt được tình trạng đa số tuyệt đối".

 

 

Xin chào anh chị em thân mến.

Khi chúng ta cầu Kinh "Lạy Cha", thì lời nguyện thứ hai chúng ta thưa cùng Thiên Chúa là "Nước Cha trị đến" (Mathêu 6:10). Sau khi đã nguyện Danh Cha cả sáng, tín hữu bày tỏ lòng mong ước sao cho Nước Cha chóng trị đến. Ước muốn này, có thể nói, vọt lên từ chính cõi lòng của Chúa Kitô, Đấng đã bắt đầu việc rao giảng của mình ở Galilêa khi loan báo rằng: "Thời gian đã viên trọn, và Nước Thiên Chúa gần đến; hãy ăn năn thống hối và tin vào Phúc Âm". Những lời này hoàn toàn không phải là một thứ đe dọa; trái lại, chúng là một loan báo hân hoan, một sứ điệp vui mừng. Chúa Giêsu không muốn đẩy con người ta tiến tới chỗ hoán cải bằng việc gieo rắc sợ hãi về phán quyết chờ chực của Thiên Chúa, hay cảm quan tội lỗi về sự dữ vấp phạm. Chúa Giêsu không dụ giáo, Người chỉ loan báo mà thôi. Trái lại, những gì Người mang lại đó là Tin Mừng cứu độ, và từ đó Người kêu gọi thực hiện việc hoán cải. Mỗi người được mời gọi tin vào "Phúc Âm": vai trò làm chúa của Thiên Chúa là những gì cho thấy Ngài gần gũi với con cái của Ngài. Đó là Phúc Âm: vai trò làm chúa của Thiên Chúa là những gì cho thấy Ngài gần gũi với con cái của Ngài. Và Chúa Giêsu loan báo điều tuyệt vời này, ân sủng này, đó là Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta, Ngài gần gũi với chúng ta và Ngài dạy chúng ta bước đi trên con đường thánh thiện.

Những dấu hiệu cho thấy Vương Quốc này trị đến thì nhiều, và tất cả đều có tính cách tích cực. Chúa Giêsu khởi sự thừa tác vụ của Người bằng việc chăm sóc bệnh nhân, cả nơi thân xác, hay ở trong linh hồn của những ai cảm thấy bị xã hội loại trừ - như người bị phong cùi - của các tội nhân bị tất cả mọi người khinh bỉ, cũng như của những ai còn tội lỗi hơn tội nhân mà tỏ ra mình công chính. Chúa Giêsu đã gọi thành phần này là gì? "Bọn giả hình". Chính Chúa Giêsu vạch ra cho thấy những dấu hiệu ấy, những dấu hiệu của Vương Quốc Thiên Chúa: "kẻ mù được sáng, người què đi được, kẻ phong được sạch, người điếc nghe thấy, kẻ chết sống lại và người nghèo được nghe rao giảng Tin Mừng" (Mathêu 11:5).

"Nước Cha trị đến!" là ước nguyện được Kitô hữu chú trọng lập lại khi họ cầu Kinh "Lạy Cha". Chúa Giêsu đã đến, thế nhưng thế giới này vẫn còn đậm sâu tội lỗi, vẫn còn cứ trú bởi rất nhiều người đau khổ, bởi những con người không tự hòa giải và tha thứ, bởi các thứ chiến tranh và bởi rất nhiều hình thức khai thác. Chúng ta nghĩ đến nạn buôn bán trẻ em chẳng hạn. Tất cả những sự kiện ấy cho thấy rằng cuộc vinh thắng của Chúa Kitô vẫn chưa hoàn toàn được ứng dụng, ở chỗ rất nhiều con người nam nữ vẫn sống với cõi lòng khép kín. Chính trong những hoàn cảnh ấy mà ước nguyện của Kinh "Lạy Cha" xuất phát từ môi miệng của Kitô hữu: "Nước Cha trị đến!" Như thể nói rằng: "Lạy Cha, chúng con cần đến Cha! Lạy Chúa Giêsu, chúng con cần Chúa là Chúa ở giữa chúng con ở mọi nơi và cho đến muôn đời!" "Nước Cha trị đến, khi Chúa ở giữa chúng con".

Đôi khi chúng ta tự vấn rằng tại sao Vương Quốc này được hiện thực quá chậm chạp như vậy? Chúa Giêsu muốn nói về cuộc vinh thắng của Người bằng ngôn từ của các dụ ngôn. Chẳng hạn, Người nói rằng Nước Thiên Chúa giống như một thửa ruộng, nơi có cả hạt giống tốt lẫn cỏ lùng mọc chung với nhau: Cái sai lầm nhất đó là muốn ra tay ngay lập tức trong việc tuyệt trừ đi khỏi thế gian này những ai dường như là thành phần cỏ lùng đối với chúng ta. Thiên Chúa lại không giống như chúng ta; Thiên Chúa là Đấng nhẫn nại. Vương Quốc này không được thiết lập trên thế gian này bằng bạo lực: Kiểu cách truyền bá của Ngài là tính chất hiền lành (xem Mathêu 13:24-30).

Vương Quốc của Thiên Chúa thật sự là một quyền lực cả thể, một quyền lực lớn nhất, thế nhưng, lại không theo tiêu chuẩn của thế gian; đó là lý do nó dường như chẳng bao giờ đạt được tình trạng đa số tuyệt đối. Nó như men được vùi trong bột: nó dường như biến mất, nhưng nó lại chính là những gì làm cho bột phồng lên (xem Mathêu 13:33). Hay nó như một hạt cải, quá bé mọn, hầu như vô hình, thế nhưng lại chất chứa một năng lực bừng nở, và một khi tăng trưởng thì trở thành lớn nhất trong các cây trong vườn rau (xem Mathêu 13:31-32).

Nơi "cái căn tính" này của Vương Quốc Thiên Chúa, chúng ta có thể trực giác thấy có liên hệ với đời sống của Chúa Giêsu, ở chỗ, đối với những người đường thời của mình thì Người là một dấu hiệu yếu kém, một biến cố hầu như không được biết đến đối với các sử gia chính thức của thời ấy. Người đã diễn tả Người như là "một hạt lúa miến", mục nát đi trong lòng đất, thế nhưng chỉ nhờ như vậy mà nó mới có thể sinh "nhiều hoa trái" (xem Gioan 12:24). Biểu hiệu hạt giống này là những gì hùng hồn, ở chỗ, một ngày kia người nông gia vùi nó xuống lòng đất (một cử chỉ như thể chôn táng). Thế rồi nông gia này "ngủ hay thức, đêm hay ngày, thì hạt giống này cứ nẩy mầm và lớn lên, ông ta chẳng cần biết ra sao" (Marco 4:27). Một hạt giống nẩy mầm là công việc của Thiên Chúa hơn là công việc của con người gieo nó (xem Marco 4:27). Thiên Chúa luôn đi trước chúng ta; Thiên Chúa luôn làm cho chúng ta bỡ ngỡ. Nhờ Ngài, sau đêm Thứ Sáu Tuần Thánh mới có rạng đông của Lễ Phục Sinh để có thể chiếu soi niềm hy vọng cho toàn thể thế giới.

"Nước Cha trị đến!" Chúng ta hãy gieo vãi lời này vào giữa tội lỗi của chúng ta và những thất bại của chúng ta. Chúng ta hãy cống hiến lời ấy cho những con người bị thua bại và hàng đầu trước cuộc sống, cho những ai nếm mùi thù hằn ghen ghét hơn là yêu thương, những ai đã sống những ngày tháng vô dụng mà chẳng hiểu lý do tại sao. Chúng ta hãy trao ban nó cho những ai đang chiến đầu cho công lý, cho tất cả những vị tử đạo trong lịch sử, và cho những ai đã tưởng rằng họ chiến đấu mà chẳng được gì và sự dữ đang thống trị thế giới này. Thế rồi chúng ta hãy nghe Kinh "Lạy Cha" trả lời. Nó sẽ lập lại không biết bao nhiêu lần những lời lẽ của niềm hy vọng, niềm hy vọng như Thần Linh đã đóng ấn tín trên toàn bộ Sách Thánh: "Ta chắc chắn sẽ đến sớm". Đó là câu trả lời của Chúa. "Ta sớm đến đây". Amen. Và Giáo Hội của Chúa đáp lại: "Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến" (xem Khải Huyền 2:20). Nguyện "Nước Cha trị đến" như là nói "Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến". Rồi Chúa Giêsu phán: "Ta đến ngay đây". Chúa Giêsu đến, theo cách thức riêng của Người, nhưng đến hằng ngày. Chúng ta phải tin điều này. Và khi chúng ta cầu Kinh "Lạy Cha", chúng ta luôn nguyện: "Nước Cha trị đến", để nghe thấy trong lòng của mình rằng: "Chắc chắc, chắc chắn là Ta đến ngay đây". Xin cám ơn anh chị em!

 

https://zenit.org/articles/general-audience-pope-reflects-on-thy-kingdom-come-full-text/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu