GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2019

 

ĐTC PHANXICÔ GIẢNG LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN

NGÀY 2/11/2019 Ở HẦM MỘ PRISCILLA ROMA

 

 

Vào lúc 4 giờ chiều Thứ Bảy ngày 2/11/2019, Lễ Các Đẳng Linh Hồn, ĐTC Phanxicô đã dâng lễ ở ngôi Đền Thờ nhỏ San Silvestro Papa, và có các nữ tu Dòng Biển Đức và khoảng 100 người tham dự.

Catacombs of Priscilla. Credit: Vatican News.

 

Việc cử hành lễ cho tất cả người chết ở trong một hầm mộ - đối với tôi thì đây là lần đầu tiên trong đời tôi vào một hầm mộ như thế này, thật là ngỡ ngàng - nói với chúng ta nhiều điều. Chúng ta có thể nghĩ về đời sống của những con người ấy, những người đã phải ẩn nấp, những người đã thực hiện văn hóa chôn xác kẻ chết này và cử hành Thánh Thể ở nơi đây... Đó là một thời khắc tồi tệ của lịch sử, thế nhưng nó vẫn chưa được khắc phục, cho dù đến tận ngày nay. Vẫn còn nhiều. Nhiều hầm mộ ở các xứ sở khác, nơi họ thậm chí phải giả bộ mở tiệc tùng hay mừng sinh nhật để có thể cử hành Thánh Thể, vì ở nơi đó bị cấm cử hành Thánh Thể. Ngay cả hôm nay đây vẫn còn có những Kitô hữu bị bách hại, còn nhiều hơn cả các thế kỷ đầu tiên nữa. Những thứ hầm mộ này, cuộc bách hại ấy, các Kitô hữu kia, cùng với những Bài Đọc đây khiến tôi nghĩ đến 3 chữ: căn tính, nơi chốn và hy vọng.

Căn tính của những người qui tụ lại ở nơi đây để cử hành Thánh Thể cũng như để chúc tụng Chúa, thì giống như căn tính của anh chị em chúng ta ngày nay ở rất nhiều, rất nhiều xứ sở, nơi làm Kitô hữu là một tội ác, bị cấm đoán, họ chẳng có quyền lợi gì hết. Giống nhau. Căn tính này là ở chỗ như chúng ta đã nghe thấy rằng họ là những Phúc Đức. Căn tính của Kitô hữu là những Phúc Đức. Không có một căn tính nào khác. Nếu anh chị em thực hiện như thế, nếu anh chị em sống như vậy, thì anh chị em là Kitô hữu. "Không phải vậy, này nhé, tôi thuộc về hội đoàn này, hội đoàn kia mà..., tôi thuộc về phong trào nọ mà...". Đúng thế, đúng vậy, tất cả đều tốt; thế nhưng những cái ấy chỉ là bóng dáng trước thực tại này thôi. Thẻ căn cước của anh chị em là thực tại ấy, mà nếu anh chị em thiếu vắng thì các thứ phong trào hay những gì là thuộc về khác đều vô dụng. Một là anh chị em sống như vậy hoặc anh chị em không phải là Kitô hữu. Thế thôi. Chúa đã nói như vậy. "Vâng, nhưng không phải là chuyện dễ, tôi không biết làm sao để sống như vậy..." Có một đoạn Phúc Âm khác giúp chúng ta hiểu điều này hơn, và đoạn Phúc Âm này cũng sẽ là "một thủ tục quan trọng" để căn cứ vào đó chúng ta sẽ bị luận phán. Đó là đoàn Phúc Âm 25 của Thánh Mathêu. Với 2 đoạn Phúc Âm này, đoạn về Những Phúc Đức và đoạn về thủ tục quan trọng này, chúng ta sẽ chứng tỏ, bằng việc sống như thế, căn tính là Kitô hữu của chúng ta. Không sống như vậy thì cũng chẳng có căn tính nào hết. Chỉ có thứ Kitô hữu hư cấu chứ không có Kitô hữu căn tính.

Đó là căn tính của Kitô hữu. Chữ thứ hai là nơi chốn. Những người đến đây để ẩn náu, để an toàn, thậm chí để chôn xác kẻ chết; và những người bí mật cử hành Thánh Thể ngày nay, ở những xứ sở bị cấm đoán... Tôi nghĩ đến vị nữ tu ở Albania, người đã ở trong một trại cải tạo, vào thời cộng sản, và các vị linh mục bị cấm không được ban các phép bí tích, và nữ tu này đã bí mật làm phép rửa ở đó. Dân chúng, các Kitô hữu biết rằng vị nữ tu này đã làm phép rửa và các bà mẹ bế con mình đến với sơ; thế nhưng sơ này không có ly để đựng nước... Sơ rửa tội nhờ những chiếc giầy, bằng cách lấy nước sông và rửa tội nhờ các chiếc giầy. Nơi chốn của các Kitô hữu thì ở khắp mọi nơi, chúng ta không có một nơi đặc biệt nào trong đời. Có một số mong muốn một nơi chốn đặc biệt như thế, họ là những Kitô hữu "có hạng". Thế nhưng thành phần Kitô hữu này có nguy cơ tiếp tục là "Kitô hữu" "có hạng" lẫn vô loài. Đâu là nơi chốn của Kitô hữu? "Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa" (Sap 3:1): nơi chốn của Kitô thì ở trong tay Thiên Chúa, nơi Ngài muốn. Bàn tay của Thiên Chúa, những bàn tay bị hoạn nạn, những bàn tay này là chính bàn tay của Con Ngài, Đấng muốn mang các thương tích để giơ ra cho Cha thấy và để chuyển cầu cho chúng ta. Nơi chốn của Kitô hữu ở nơi việc chuyển cầu của Chúa Giêsu trước nhan Cha của Người. Trong bàn tay của Thiên Chúa. Chúng ta tin tưởng ở đó, bất chấp xẩy ra điều gì, cho dù là thập tự giá. Căn tính của chúng ta nói rằng chúng ta sẽ được chúc phúc nếu họ bách hại chúng ta, nếu họ nói phạm đến chúng ta; thế nhưng nếu chúng ta ở trong bàn tay của Thiên Chúa, trong ước nguyện yêu thương, thì chúng ta vững tâm. Đó là nơi chốn của chúng ta. Hôm nay chúng ta hãy tự vấn xem thế nhưng tôi cảm thấy an toàn nhất là ở nơi nào? Ở trong bàn tay của Thiên Chúa hay ở những cái khác, ở những loại bảo toàn khác được chúng ta "thuê mướn" nhưng lại là những gì dần dần bị sụp đổ, không có tính chất vững chắc?

Thành phần Kitô hữu này, với tấm thẻ căn cuớc ấy, thành phần đã sống và đang sống trong tay của Thiên Chúa, là những con người nam nữ của niềm hy vọng. Đó là chữ thứ ba đến với tôi hôm nay: niềm hy vọng. Chúng ta đã nghe thấy chữ này ở bài đọc 2, nơi thị kiến cuối cùng cho thấy hết mọi sự được tái tác, hết mọi sự được tái tạo, xứ sở mà tất cả chúng ta đều tiến tới. Và để tiến vào đó, chúng ta không cần những điều lạ, chúng ta không cần đến những thái độ khôn khéo, chúng ta chỉ cần trình thẻ căn cước: "Được, cứ vào". Niềm hy vọng của chúng ta ở trên Trời, niềm hy vọng của chúng ta được cắm neo ở đó, và chúng ta, nắm trong tay sợi giây thừng, hỗ trợ bản thân mình bằng việc nhìn đến bến bờ chúng ta cần phải băng qua.

Căn tính: những Mối Phúc Đức và Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 25. Nơi chốn: nơi an toàn nhất, ở trong bàn tay của Thiên Chúa, một bàn tay bị hoạn nạn bởi yêu thương. Niềm hy vọng, tương lai, đó là cái neo, ở đó, ở bờ bên kia, thế nhưng chúng ta phải nắm chặt sợi giây thừng. Đó là điều quan trọng, bao giờ cũng phải nắm cho chặt lấy sợi giây thừng này! Nhiều lần chúng ta chỉ thấy sợi giây thừng, chứ không phải thậm chí là cái neo, chứ không phải ngay cả bờ bên kia; thế nhưng, hỡi anh chị em, hãy nắm lấy sợi giây thừng để nhờ đó anh chị em an toàn đạt tới bến bờ.

 

https://zenit.org/articles/all-souls-pope-francis-celebrates-mass-in-catacombs-of-priscilla/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu  

 

Sau lễ và trước khi trở về Vatican vào lúc 5:30 pm, ngài đã xuống viếng thăm các hầm mộ ở bên đưới và âm thầm cầu nguyện. Trên đường về Vatican, ngài còn ghé kính viếng các Động của Đền Thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho các vị giáo hoàng tiền nhiệm của mình được chôn táng ở đó.

 

Xin mời nghe bài chia sẻ (2/11/2019 với Nhóm TĐCTT GP Orange CA) những gì liên quan đến Lễ Các Đẳng và Tháng Các Linh Hồn ở cái link audio mp3 dưới đây

ChetChoc-ToiVa-AnPhat-ToanXa.mp3