SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 


Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa 
Tuần XXXII Thường Niên Năm C và Năm Lẻ
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


Chúa Nhật


Phụng Vụ Lời Chúa


Bài Ðọc I: 2 Mcb 7, 1-2. 9-14

"Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi được sống lại trong cuộc sống đời đời".

Trích sách Macabê quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, có bảy anh em bị bắt làm một với mẹ mình, và bị vua cho đánh bằng roi da và roi gân bò, bắt ép ăn thịt heo mà lề luật đã cấm. Nhưng người anh cả của chúng tâu vua rằng: "Bệ hạ còn hỏi han và muốn dò xét chúng tôi làm chi? Chúng tôi sẵn sàng chịu chết hơn là phạm đến lề luật Thiên Chúa đã truyền cho tổ phụ chúng tôi".

Khi sắp thở hơi cuối cùng, người con thứ hai tâu vua rằng: "Hỡi vua độc ác kia, vua chỉ cất mất mạng sống chúng tôi ở đời này, nhưng Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi, là những kẻ đã chết vì lề luật của Người, được sống lại trong cuộc sống đời đời".

Sau khi người con thứ hai chết, thì đến người con thứ ba chịu cực hình, tên lý hình bảo cậu le lưỡi, cậu liền le lưỡi, dõng dạc giang hai tay ra và nói một cách tin tưởng rằng: "Tôi được Trời ban cho các phần thân thể này, nhưng giờ đây vì lề luật của Thiên Chúa, tôi khinh chê chúng, bởi tôi trông cậy rằng Người sẽ ban lại cho tôi các phần thân thể ấy". Nhà vua và những kẻ tuỳ tùng của ông lấy làm bỡ ngỡ thấy lòng mạnh bạo của cậu trẻ coi các cực hình như không.

Người con thứ ba chết rồi, thì người ta bắt người con thứ tư chịu cùng một cực hình. Lúc sắp chết, cậu nói rằng: "Thà chịu chết do tay người đời mà trông cậy Thiên Chúa sẽ cho sống lại thì hơn: Phần vua, vua sẽ không được sống lại để sống đời đời đâu".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 16, 1. 5-6. 8b và 15

Ðáp: Lạy Chúa, khi thức giấc, con no thỏa nhìn chân dung Chúa (c. 15b).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng con thốt ra tự cặp môi chân thành. - Ðáp.

2) Bước con đi bám chặt đường lối của Ngài, chân con đã không hề xiêu té. Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con, lạy Chúa, xin lắng tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. - Ðáp.

3) Xin che chở con trong bóng cánh của Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan, khi thức giấc, con no thỏa nhìn chân dung Chúa. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 2 Tx 2, 15 - 3, 5

"Chúa làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, nguyện xin Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ðấng đã thương yêu chúng ta và dùng ân sủng của Người mà ban cho chúng ta sự an ủi đời đời và lòng cậy trông tốt lành, xin Người khuyên bảo và làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành.

Anh em thân mến, ngoài ra, xin anh em hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để lời Thiên Chúa chóng lan tràn và được vinh hiển như việc đã thể hiện nơi anh em, và để chúng tôi thoát khỏi tay những kẻ lầm lạc và xấu xa: vì không phải hết mọi người đều có lòng tin. Nhưng Thiên Chúa là Ðấng trung thành, Người sẽ làm cho anh em được kiên vững và gìn giữ anh em khỏi sự dữ. Chúng tôi tin tưởng anh em trong Chúa: những điều chúng tôi truyền dạy, anh em hiện đang thi hành và sẽ còn thi hành. Nguyện xin Chúa hướng lòng anh em đến tình yêu Thiên Chúa và lòng kiên nhẫn của Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Lc 21, 36

Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 20, 27-38

"Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: Nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ goá đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào; sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy? vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ".

Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa".

Ðó là lời Chúa.

Image result for Lc 20, 27-38

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Phục sinh rõ ràng là chủ đề cho Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXXII Thường Niên Năm C hôm nay, một thời điểm gần áp cuối của toàn thể phụng niên bao gồm 34 tuần lễ. Niềm tin tưởng vào sự phục sinh của thân xác con người chỉ có ở nơi Do Thái giáo ngay trước khi Chúa Kitô giáng sinh. Bài Đọc 1 hôm nay, được Giáo Hội trích từ Sách Macabê quyển thứ hai ở chương 7, về sự kiện người mẹ anh hùng tận mắt chứng kiến và phấn khích cả 7 người con trai của mình hiên ngang tử đạo, thà chết chứ cương quyết không chịu "ăn thịt heo mà lề luật đã cấm". Những câu trả lời khẳng khái của 3 trong 7 người anh em cùng mẹ góa này đã chất chứa niềm tin vào sự phục sinh của Do Thái giáo trước quyền lực của dân ngoại vô thần:

"Hỡi vua độc ác kia, vua chỉ cất mất mạng sống chúng tôi ở đời này, nhưng Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi, là những kẻ đã chết vì lề luật của Người, được sống lại trong cuộc sống đời đời" (lời của người con thứ 2); "Tôi được Trời ban cho các phần thân thể này, nhưng giờ đây vì lề luật của Thiên Chúa, tôi khinh chê chúng, bởi tôi trông cậy rằng Người sẽ ban lại cho tôi các phần thân thể ấy" (lời của người con thứ 3); "Thà chịu chết do tay người đời mà trông cậy Thiên Chúa sẽ cho sống lại thì hơn: Phần vua, vua sẽ không được sống lại để sống đời đời đâu" (lời của người con thứ 4).

Bài Phúc Âm hôm nay được Thánh ký Luca thuật lại về những gì liên quan đến phục sinh trong câu trả lời của Chúa Giêsu cho thành phần Sađóc vốn không tin có chuyện phục sinh, qua trường hợp giả tưởng họ đặt ra để chất vấn Chúa Giêsu về một người đàn bà làm vợ của cả 7 anh em ruột. Căn cứ vào trường hợp giả tưởng về hôn nhân được họ tự đặt ra này mà thành phần Sađốc mới quan niệm rằng không thể nào có chuyện sống lại một cách hoang đường về thân xác như thế. Tuy nhiên, phục sinh về thân xác chẳng những là một mạc khải thần linh, mà còn là một mầu nhiệm siêu nhiên, vượt trên tầm hiểu biết hạn hẹp của tâm trí con người trần gian. Chính vì chưa được mạc khải về phục sinh nên mới có chuyện đầu thai luân hồi.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, lợi dụng câu chất vấn của những người thuộc phát Sađốc, Chúa Giêsu đã mạc khải thêm một số chi tiết quan trọng liên quan đến sự kiện hay sự thật phục sinh của con người khi hoàn tất mầu nhiệm Cánh chung như sau:

1- Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng.

2- Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần.

3- Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại.

4- Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa".

Trong 4 chi tiết trên đây từ câu trả lời của Chúa Giêsu về vấn đề sống lại của con người, 2 chi tiết đầu tiên quan đến sự kiện phục sinh của thân xác, và 2 chi tiết cuối liên quan đến sự kiện phục sinh của linh hồn. Trước hết, căn cứ vào 2 chi tiết đầu thì thân xác của con người khi sống lại sẽ nên giống như các thần trời, nghĩa là không còn hữu hình nữa, mà là được biến thể, trở thành thiêng liêng vô hình như các thần trời, không lệ thuộc thời không (thời gian và không gian) như khi còn sống trên thế gian này nữa, và nhờ biến thể như thế, thân xác mới có thể nên một với hồn thiêng mà trở thành bất tử.

Sau nữa, 2 chi tiết sau liên quan đến sự kiện phục sinh của linh hồn. Thật ra linh hồn thiêng liêng vô hình như các thần trời, nghĩa là bất tử, không chết như thân xác, một cái chết nơi thân xác của con người gây ra bởi nguyên tội và xẩy ra sau nguyên tội. Tuy linh hồn bất tử nhưng không phải vì thế mà tự nhiên có sự sống đời đời, sự sống thần linh, một sự sống đã bị mất đi bởi nguyên tội sau khi hai nguyên tổ bất tuân lệnh cấm của Thiên Chúa là Đấng dựng nên mình, trong việc dám động chạm đến cây biết lành biết dữ ở ngay giữa vườn địa đường (xem Khởi Nguyên 2:17), nhưng cũng là sự sống đã được Chúa Kitô phục hồi bằng cuộc Vượt Qua của Người.

Tuy nhiên, linh hồn của con người muốn được tái sinh trong Chúa Kitô và bởi Chúa Kitô, nghĩa là muốn được sống đời đời phải tin vào Chúa Kitô Phục Sinh: "Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại". Chính vì họ tin vào Chúa Kitô mà họ đã "được vượt qua sự chết mà vào sự sống" (Gioan 5:24; Ephêsô 2:6), và nhờ đó: "Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa", "Đấng", được Thánh Phaolô tuyên xưng trong Bài Đọc 2 hôm nay là: "đã thương yêu chúng ta và dùng ân sủng của Người mà ban cho chúng ta sự an ủi đời đời và lòng cậy trông tốt lành".

Nếu Thiên Chúa, trong Chúa Kitô và qua Chúa Kitô, đã cứu chuộc con người cả hồn lẫn xác, thì như Người đã "Vượt Qua" từ cõi chết sang cõi sống thế nào, thì, nơi Người, theo nguyên tắc, nhân tính của con người cũng đã được "vượt qua" như vậy, nghĩa là đã được vượt qua tội lỗi và sự chết mà vào sự sống, nhất là đối với những ai tin vào Người qua Phép rửa: "Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới" (Roma 6:3-4).

Thế nhưng, cho dù có được lãnh nhận Phép rửa, và có được thông phần vào sự sống thần linh với Thiên Chúa và của Thiên Chúa, Kitô hữu còn phải tiếp tục sống xứng đáng với ơn gọi thần linh làm con Thiên Chúa của mình, nghĩa là còn phải sống trung thực với đức tin của mình cho đến cùng nữa họ mới được cứu độ (xem Mathêu 24:13), mới được phục sinh cùng với thân xác của mình trong ngày Chúa Kitô vinh quang tái giáng. Hình ảnh của con người được phục sinh vào lần tái giáng của Chúa Kitô dường như đã được tiên báo trong Thánh Vịnh 16 ở Bài Đáp Ca hôm nay: "nhờ công chính (ám chỉ sống đức tin trên đời này) con sẽ được thấy thiên nhan, khi thức giấc (ám chỉ phục sinh), con no thỏa nhìn chân dung Chúa (ám chỉ được hoan hưởng sự sống đời đời là được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa trong cõi vĩnh phúc)"!

 

 

Ngày 10: Thánh Lêô cả, Giáo Hoàng tiến sĩ Hội Thánh

 

Thánh Lêô cả có lẽ sinh tại Etrurie nước Ý khoảng năm 400. Ngài là phụ tá của giáo đoàn Rôma. Ðó là một chức vụ quan trọng đại diện Ðức Thánh Cha trong các công việc tài chính... Tháng 8 năm 440, ngài được cử lên ngôi Giáo Hoàng lấy hiệu là Lêô I.

Công việc chính của ngài là lo tẩy trừ các đồi phong bại tục trong Giáo Hội. Ngài để ý đến việc gìn giữ Giáo Hội khi những lầm lạc do các bè rối đem lại, nhất là lạc giáo Nestoriô và Eutyches có khuynh hướng muốn tách biệt nhân tính ra khỏi Thiên tính của Chúa Giêsu và gán cho Ngài hai ngôi vị. Ðể chấm dứt các hậu quả tai hại do các bè rối gây nên, ngài đã triệu tập công đồng năm 451 tại Chalcédoine với sự tham dự của hơn 630 Giám Mục. Nhờ đức khôn ngoan, tài ngoại giao và ảnh hưởng lớn lao của ngài đối với các hoàng đế, công đồng đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Ngài có tài hùng biện và ngoại giao đặc biệt, có thể thuyết phục được những người hung dữ. Ðiển hình là tháng 8 năm 452, Attila chúa rợ Hung (Huns) dẫn quân xâm chiếm Âu Châu, gieo rắc kinh hoàng cho mọi người. Attila kéo quân về Rôma, cả kinh thành run sợ. Nhưng nhờ có Chúa và nhờ tài đức, ngài đã khắc phục được vị tướng đó rút quân trở lại theo đường cũ. Năm 455, lại có Gensérie nổi lên đốt phá, hãm hiếp và tàn sát dân lành, chính nhờ ngài mà loạn quân không còn gieo tai họa nữa.

Thêm vào đó, ngài còn lo chấn hưng tinh thần đạo đức của giáo dân đã sa sút. Các bài giảng của ngài tuy đơn sơ, nhưng luôn bao hàm nhiều tính chất thần học. Ngài cũng đã viết nhiều sách vở để bênh vực Giáo Hội, chống lại tà thuyết. Ngài chết ngày 10/11/461, sau gần 22 năm điều khiển Giáo Hội.

 

ĐTC Biển Đức XVI:

Thứ Tư 5/3/2008 - Bài Giáo Lý 68 - Thánh Giáo Phụ Lêô Cả

 

 

Thứ Hai

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

 

 

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Kn 1, 1-7

"Thần trí khôn ngoan thì nhân hậu; Thánh Thần Chúa tràn ngập hoàn cầu".

Khởi đầu sách Khôn Ngoan.

Hỡi các vị lãnh đạo trần gian, hãy chuộng đức công chính. Hãy tưởng nghĩ về Chúa cách ngay lành, và hãy tìm kiếm Người với tâm hồn đơn sơ. Vì những ai không thử thách Chúa, sẽ gặp thấy Người, và Người sẽ tỏ mình cho những ai tin vào Người. Vì chưng, những tà ý làm xa cách Chúa, và quyền năng bị thử thách sẽ sửa phạt những kẻ ngu đần đó. Sự khôn ngoan sẽ không ngự vào tâm hồn gian ác, và không ở trong thân xác nô lệ tội lỗi. Vì Thánh Thần, Ðấng dạy dỗ chúng ta, sẽ xa tránh kẻ gian dối, lánh xa những tư tưởng ngông cuồng, và lui đi khi sự gian ác tới.

Thần trí khôn ngoan thì nhân hậu, nhưng không tha thứ kẻ nói lộng ngôn. Vì Thiên Chúa thấu suốt tâm can kẻ ấy, Người thực sự kiểm soát lòng nó và nghe lời nó nói. Vì thần trí Chúa tràn ngập hoàn cầu. Người nắm giữ mọi sự, và thông biết mọi lời.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 138, 1-3. 4-6. 7-8. 9-10

Ðáp: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời (c. 24b).

Xướng: 1) Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con, Ngài biết con, lúc con ngồi khi con đứng. Ngài hiểu thấu tư tưởng con tự đàng xa, khi con bước đi hay nằm nghỉ, Ngài thấy hết, Ngài để ý tới mọi đường lối của con. - Ðáp.

2) Khi lời nói chưa lên tới đầu lưỡi, thì kìa, lạy Chúa, Ngài đã biết cả rồi; sau lưng hay trước mặt, Chúa bao bọc thân con, và trên mình con, Chúa đặt tay. Ðối với con, sự thông minh này quá ư huyền diệu, quá cao xa, con thực không thể hiểu ra. - Ðáp.

3) Con đi đâu xa khuất được thần linh của Chúa? Con trốn đâu cho khỏi thiên nhan Ngài? Nếu con leo được tới trời, thì cũng có Ngài ngự đó, nếu con nằm dưới âm phủ, thì đây cũng có mặt Ngài. - Ðáp.

4) Nếu con mượn đôi cánh của hồng đông, và bay đến cư ngụ nơi biên cương biển cả, tại nơi đây cũng bàn tay Chúa dẫn dắt con, và tay hữu Ngài nắm giữ con. - Ðáp.

 

Alleluia: Mt 11, 25

Alleluia, alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã mạc khải những mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 17, 1-6

"Dù một ngày bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: Tôi hối hận, thì con hãy tha cho nó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không thể nào mà không xảy ra gương xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này.

"Các con hãy cẩn thận: nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: "Tôi hối hận", thì con hãy tha thứ cho nó".

Các Tông đồ thưa với Chúa rằng: "Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con". Chúa liền phán rằng: "Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: "Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển", nó liền vâng lời các con".

Ðó là lời Chúa.

 


Suy Nghiệm Lời Chúa

 

 Không sống Đức Tin không thể tránh làm gương mù và có sống đức tin mới có uy tín sửa lỗi cho nhau


Hôm nay, Thứ Hai Tuần XXXII Thường Niên, Bài Phúc Âm bao gồm 3 vấn đề "Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ" của Người, những vấn đề dường như hoàn toàn khác nhau, chẳng liên quan gì đến nhau: vấn đề thứ nhất là "gương xấu", vấn đề thứ hai là "sửa bảo nhau" và vấn đề thứ ba là "lòng tin hạt cải".

Về "gương xấu": 
"Không thể nào mà không xảy ra gương xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này".

Về "sửa bảo nhau": "Các con hãy cẩn thận: nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: 'Tôi hối hận', thì con hãy tha thứ cho nó"

Về "lòng tin hạt cải":
 "Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: 'Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển', nó liền vâng lời các con".

Th
ật ra, nếu phân tích kỹ, chúng ta sẽ thấy cả 3 vấn đề này đều có liên hệ với nhau. Chẳng hạn: vì "gương xấu không thể nào" không xẩy ra trên thế gian này (vấn đề 1), nên có thể sẽ khiến cho một số người nhẹ dạ như "những trẻ nhỏ" sa ngã phạm tội (vấn đề 2), nhưng muốn khỏi bị gương mù lôi cuốn đến vấp ngã thì cần phải có một "đức tin" trưởng thành thật là vững chắc (vấn đề 3).
Trước hết, về vấn đề "gương xấu": sở dĩ "không thể nào mà không xảy ra" là vì thế gian này, nhất là bản tính của con người, đã bị nguyên tội làm băng hoại, nên mới có những tư tưởng, lời nói, hành vi cử chỉ và việc làm xấu xa bậy bạ. Đôi khi chính đối tượng nhân không có gì là xấu xa bậy bạ, nhưng đối tượng nhân này tự nhiên lại trở thành "dịp tội" cho một người nào đó. Điển hình nhất là một người nữ đẹp, dù rất đoan trang nết na, vẫn rất có thể trở thành "dịp tội" cho một cặp mắt nhục dục nam nhân nào đó.
Trong trường hợp này, người nữ vô tình ấy không làm "gương xấu", mà người nam nhục dục kia vẫn có thể phạm tội, bởi "dịp tội" ở ngay con mắt của nam nhân này (xem Mathêu 5:28-29), ở ngay xu hướng thèm thuồng nhục thể của chàng ta. Nếu anh ta nhắm mắt lại, quay đi hay bỏ đi chỗ khác khi bị cám dỗ thì đã không phạm tội ngoại tình trong lòng của mình. Trái lại, nếu người nữ đã đẹp lại còn ăn mặc sexy thì hành động khiêu dâm hay thân mình gợi dục đến xúi dục mời gọi của nàng quả thực càng là "gương xấu" gây "dịp tội" cho thành phần nam nhân vốn có khuynh hướng chiếm đoạt...

Thế gian đã không thể tránh "gương xấu" mà còn càng gia tăng gương xấu hơn bao giờ hết trong một thế giới càng văn minh về vật chất và càng văn hóa về nhân quyền
, những gương xấu khủng khiếp chưa bao giờ có, chẳng hạn quyền phá thai, quyền được hôn nhân đồng tính v.v., khiến cho Chúa Giêsu dường như đã thấy trước và đã phải công nhận "vì sự dữ gia tăng mà lòng người hầu hết trở nên nguội lạnh" (Mathêu 24:12).
Đối với những ai gây "gương xấu" như thế thì phải chịu trách nhiệm về hành vi cử chỉ của mình: "vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này". Tại sao hình phạt cho thành phần gây ra gương xấu không phải là một hình phạt nào khác ngoài hình phạt "bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển"? Phải chăng là vì họ chẳng khác gì như đàn heo bị quỉ nhập nên đã lao đầu xuống biển sau khi đám quỉ xuất khỏi người bị chúng ám (xem Mathêu 8:28-30)?
Tuy nhiên, không ai trong chúng ta dám vỗ ngực cho mình là trưởng thành, khó có thể hay không thể nào sa ngã trước bất cứ một gương xấu vào một lúc nào đó trong đời, và cũng chẳng ai dám tự phụ cho mình là chưa bao giờ gây gương mù gương xấu cho ai, nghĩa là chúng ta chưa bao giờ phạm tội, vì tội lỗi của chúng ta tự bản chất là một gương mù. Bởi thế, ai cũng có lỗi và cũng cần phải ăn năn thống hối và hoán cải. 
Thế nhưng, không phải vì thế mà chúng ta không dám chỉ bảo cho ai hay sửa lỗi cho ai. Trái lại, chính vì chúng ta lỗi lầm mới thấy được cái xấu xa và tai hại của lầm lỗi gây gương mù gương xấu tác hại lẫn nhau của chúng ta, mà chúng ta càng cần phải giúp cho nhau tránh khỏi những lầm lỗi như chúng ta, tránh gây tác hại xấu cho chung đoàn thể của chúng ta, bằng cách giúp nhau hoàn chỉnh lại những gì cần thiết. 
Nhất là phải có lòng quảng đại thứ tha một khi phạm nhân tỏ lòng thống hối ăn năn, thậm chí họ cứ sa đi ngã lại nhiều lần trong ngày nhưng vẫn có thiện chí hoán cải qua hành động họ tỏ thiện chí đến xin lỗi chúng ta: "nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: 'Tôi hối hận', thì con hãy tha thứ cho nó". 
Có thế, có thông cảm tha thứ cho hối nhân, mới chứng tỏ chúng ta sửa lỗi cho nhau chỉ vì thương nhau và cho công ích, bằng không, nếu cứ chấp nhất nhau, một khi họ đã hối hận và xin lỗi chúng ta, thì rõ ràng là chúng ta sửa bảo nhau chỉ vì những lý do không chính đáng, và chắc chắn chúng ta cũng không được Chúa thứ tha, thậm chí Ngài còn để cho chúng ta bị đong lại đúng cái đấu chúng ta đong cho anh chị em của chúng ta nữa (xem Luca 6:38)
Để có thể vừa tránh gương xấu bất khả tránh xẩy ra trên thế gian đã bị băng hoại bởi nguyên tổ này, và để có thể giíp nhau hoàn chỉnh cuộc đời theo ý Chúa, chúng ta không thể nào thiếu đức tin hay yếu đức tin. Hình ảnh "những trẻ nhỏ" bị lôi cuốn bởi gương xấu và sa ngã theo gương xấu là hình ảnh tiêu biểu cho bản tính yếu đuối của con người, cho một đức tin non dại chưa trưởng thành của Kitô hữu. 
Đó là lý do trong Bài Phúc Âm hôm nay "các Tông đồ thưa với Chúa rằng: 'Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con'". Thật ra đức tin tự bản chất đối nội không tăng trưởng, vì đức tin đã chất chứa tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa, không còn thiếu một sự gì. Tuy nhiên, đức tin ấy, đối ngoại, vẫn có thể gia tăng hay giảm sút, mạnh mẽ hay yếu mềm, tùy ở môi trường của đức tin, tùy ở mỗi một người có biết thực hành đức tin hay chăng, nhất là có biết chấp nhận mọi gian nan đau khổ thử thách để sống đức tin và chứng tỏ đức tin hay chăng! 
Tuy nhiên, đức tin gia tăng hay lớn lên hoặc mạnh mẽ không phải ở chỗ phát triển về hình dạng như thân thể của con người trong thời kỳ trưởng thành, mà trái lại càng nhỏ đi, nhỏ như "hạt cải" được Chúa Giêsu ví trong bài Phúc Âm hôm nay, "một hạt nhỏ nhất trong các hạt giống" (Mathêu 13:32), nhưng lại có khả năng và quyền lực thần kỳ trong việc có thể "khiến cây dâu này rằng: 'Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển', nó liền vâng lời các con". 
Tại sao thế, nếu không phải, theo nguyên tắc tu đức và đường lối siêu nhiên, thì càng nhỏ lại càng lớn: "ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này là kẻ lớn nhất trên Nước Trời" (Mathêu 18:4)! 
Kinh nghiệm sống đức tin cũng cho thấy, một khi càng cậy mình lại càng thất bại, hay có thành công rồi cũng thất bại, thất bại một cách chua cay, bằng không, càng thành công càng nguy hiểm cho phần rỗi, Trái lại, cho dù đã cố gắng hết sức, lại càng chẳng làm được gì, càng bất lực trong những việc đạo đức và tông đồ mình ham muốn, mà nhờ đó mới có thể hoàn toàn trông cậy vào Chúa, mới càng được Chúa chiếm đoạt và càng làm được những việc cao cả chưa từng thấy và theo sức tự nhiên không thể nào làm được, vì Chúa sống trong họ và hoạt động qua họ, nhờ họ.

Đối với vấn đề đầu tiên của bài Phúc Âm hôm nay, vấn đề về gương mù gương xấu của thế gian và ở thế gian nói chung, những gì bất khả tránh, và về thành phần làm gương mù gương xấu nói riêng, nhất là những ai làm đầu, (chẳng hạn như các vị linh mục lạm dụng hiện nay), dù vô tình hay hữu ý, được Sách Khôn Ngoan ở Bài Đọc 1 hôm nay vừa khuyên nhủ vừa cảnh báo như thế này:

"Hỡi các vị lãnh đạo trần gian, hãy chuộng đức công chính. Hãy tưởng nghĩ về Chúa cách ngay lành, và hãy tìm kiếm Người với tâm hồn đơn sơ. Vì những ai không thử thách Chúa, sẽ gặp thấy Người, và Người sẽ tỏ mình cho những ai tin vào Người. Vì chưng, những tà ý làm xa cách Chúa, và quyền năng bị thử thách sẽ sửa phạt những kẻ ngu đần đó. Sự khôn ngoan sẽ không ngự vào tâm hồn gian ác, và không ở trong thân xác nô lệ tội lỗi. Vì Thánh Thần, Ðấng dạy dỗ chúng ta, sẽ xa tránh kẻ gian dối, lánh xa những tư tưởng ngông cuồng, và lui đi khi sự gian ác tới. Thần trí khôn ngoan thì nhân hậu, nhưng không tha thứ kẻ nói lộng ngôn. Vì Thiên Chúa thấu suốt tâm can kẻ ấy, Người thực sự kiểm soát lòng nó và nghe lời nó nói. Vì thần trí Chúa tràn ngập hoàn cầu. Người nắm giữ mọi sự, và thông biết mọi lời".

 

Và đó là lý do, vì vừa mù quáng vừa yếu đuối, họ cần phải nguyện cầu cùng Chúa như câu họa của Bài Đáp Ca trong Thánh Vịnh 138 (câu 24) hôm nay: "Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời".


Ngày 11: Thánh Martinô, giám mục                                                        

 

Martinô chào đời khoảng thế kỷ IV tại Sabaria miền Pannônia, nay thuộc nước Hung Gia Lợi. Năm 20 tuổi, Martinô được gửi theo học tại Ý. Tuy là người ngoại nhưng vì sống giữa các sinh viên Công Giáo, nên ngài đã suy nghĩ nhiều khi nghe bạn bè nói đến Giêsu. Ngài nhất định tìm hiểu xem Giêsu là ai?

Với ơn Chúa thúc đẩy, ngài quyết định học hỏi và tin theo dầu bị cha mẹ ngăn cản, nhưng chẳng bao lâu, ngài bị động viên. Trong những năm phục vụ tại quân ngũ, ngài vẫn thầm mong được trở thành Kitô hữu. Một ngày kia, sau khi đã chia cắt một phần áo choàng cho người ăn xin bên vệ đường, ngài cảm thấy có một sức lực mạnh mẽ thúc giục bên trong vì Chúa Giêsu đã hiện ra với ngài và sau đó, ngài đã hân hoan lãnh nhận bí tích Rửa Tội.

Khoảng năm 350, rời khỏi quân đội, ngài xin làm đồ đệ thánh Hilariô, Giám Mục thành Potiers. Nhận thấy ngài là một người đầy nhân đức và có học thức uyên thâm, Ðức Giám Mục đã gọi ngài lãnh nhận các chức Thánh. Năm 350, bè rối Ariô bắt thánh Hilariô đem đi đày vì chống lại họ. Martinô cũng bị Giám Mục Milan là người bênh vực bè rối trục xuất khỏi địa phận và sống trên một hòn đảo cùng với một linh mục khác. Sau khi thánh Hilariô được tha, Martinô trở về Poachi và lập thành một dòng tu tại Liguygé. Năm 370, ngài được bầu làm Giám Mục thành Tours. Có thể nói trong thời kỳ này, ngài là một người truyền giáo lỗi lạc nhất. Năm 379, khi đến Cadet để hòa giải mối bất bình giữa một số linh mục và tu sĩ, ngài đã ngã bệnh và từ trần.

Cuộc đời thánh Martinô là cả một chuỗi ngày vất vả, đau khổ vì bị anh em bội bạc. Ðể bảo vệ đức tin và đức ái, ngài luôn cầu nguyện với Chúa: "Lạy Chúa, nếu dân Chúa còn cần đến con, con sẽ không chối từ bất cứ việc gì".

 

 

 

Thứ Ba


Phụng Vụ Lời Chúa

 

 

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Kn 2, 23 - 3, 9

"Ðối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết, nhưng thật ra các ngài sống trong bình an".

Trích sách Khôn Ngoan.

Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa để sống vĩnh viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết, và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra, các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng cậy trông của các ngài cũng không chết.

Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao, vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu. Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu tỏ ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét xử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời.

Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 16-17. 18-19

Ðáp: Tôi chúc tụng Thiên Chúa trong mọi lúc (c. 2a).

Xướng: 1) Tôi chúc tụng Thiên Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Thiên Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. - Ðáp.

2) Thiên Chúa để mắt coi người hiền đức, và tai Người lắng nghe tiếng họ cầu. Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần gian. - Ðáp.

3) Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Người cứ họ khỏi mọi nỗi âu lo. Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữu những tâm hồn đau thương dập nát. - Ðáp.

 

Alleluia: Cl 3, 16a và 17c

Alleluia, alleluia! - Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em; anh em hãy nhờ Ðức Kitô mà tạ ơn Chúa Cha. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 7-10

"Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: "Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: "Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa", mà trái lại không bảo nó rằng: "Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống"? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng không.

"Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: "Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".

Ðó là lời Chúa.



Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Không thật vô dụng  không thể hữu dụng


Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần XXXII Thường Niên hôm nay sát ngay bài Phúc Âm hôm qua, vẫn ở trong bối cảnh Chúa Giêsu đang nói với các môn đệ của Người để trả lời cho các vị về vấn đề các vị xin Người gia tăng đức tin cho các vị.
Đúng thế, sau khi "các Tông đồ thưa với Chúa rằng: 'Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con'. Chúa liền phán rằng: 'Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển, nó liền vâng lời các con'", thì Chúa Giêsu nói tiếp những gì được Thánh ký Luca thuật lại trong bài Phúc Âm hôm nay:
"Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: 'Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa', mà trái lại không bảo nó rằng: 'Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống'? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: 'Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm'".
Vậy, phần cuối của bài Phúc Âm hôm qua và cả bài Phúc Âm hôm nay có liên hệ gì với nhau hay chăng? Nói cách khác, việc gia tăng đức tin nơi các tông đồ ở cuối bài Phúc Âm hôm qua, và thái độ các vị cần phải tỏ ra sau khi hoàn thành nhiệm vụ đầy tớ của mình như Chúa Giêsu dạy trong bài Phúc Âm hôm nay, có liên hệ gì với nhau hay chăng?
Vấn đề là ở chỗ nếu không có liên hệ gì với nhau chắc Chúa Giêsu đã không nói 2 vấn đề này liền với nhau như thế. Bởi vì, nếu người đầy tớ làm công cho chủ không biết phận mình, trái lại, theo tự nhiên cảm thấy mình bị chủ lợi dụng, luôn bắt mình phải phục dịch hầu hạ chủ, cho dù đuợc trả lương cân xứng, vẫn cảm thấy tủi nhục đến độ có thể bỏ cuộc, hay tỏ ra ngang bướng hoặc lén lút biếng nhác cách nào, thậm chí đàng phải xin thôi. 
Trái lại, người đầy tớ nào biết thân biết phận sẽ thấy rằng tất cả những gì mình làm là phải, là việc của mình, việc của một người đầy tớ trong nhà: "chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm". Không có gì là nhục nhã. Chẳng có gì là tủi hổ. Không có gì là bất công. Chẳng có gì là vô phúc. Trái lại, thậm chí còn cảm thấy được vinh dự là đàng khác. Ở chỗ có việc làm xứng với thân phần thấp hèn của mình, tay làm hàm nhai, không lệ thuộc ai hay ăn bám người nào. Chẳng có việc nào là tầm thường hèn hạ khi sống hợp với nhân phẩm và nhân cách của mình. 
Thế nhưng, với thân phận đầy tớ, họ vẫn không thể nào làm hơn được nữa để giúp cho chủ của họ, nên họ vẫn thực sự cảm thấy mình chỉ "là đầy tớ vô dụng". "Chúng tôi là đầy tớ vô dụng" đây còn có thể hiểu là nếu không có họ thì chủ vẫn lo xong việc của chủ thôi, bằng cách thuê mướn những người khác, lắm khi còn khả năng hơn và tinh thần hơn họ nữa, và việc làm của những người đầy tớ thay thế họ đó có thể nhanh hơn họ làm và hoàn hảo hơn họ làm.
Trong đời sống hoạt động tông đồ, có một số tâm hồn cảm thấy không có họ thì hội đoàn này, đoàn thể kia, giáo xứ này, cộng đoàn nọ không thể phát triển, trái lại, sẽ bị xụp đổ, thất bại. Họ làm như họ là chủ chứ không phải là đầy tớ. Họ không chấp nhận ai hơn họ và không thể chịu được khi bị người khác phê bình, chỉ trích, chê bai, chửi bới v.v. Cái gì cũng phải làm theo ý của họ mới được. Ý của họ bao giờ cũng hay, cũng nhất, không thể nào bỏ qua v.v.
Họ tưởng rằng họ làm việc "cho" Chúa hơn là họ làm việc "của" Chúa. Chúng ta chẳng có gì gọi là "cho" Chúa. Bởi vì Chúa chẳng thiếu thốn gì, trái lại, Ngài còn ban cho chúng ta tất cả mọi sự những gì cần thiết (tài năng, thiện chí, tinh thần, vật chất, thời giờ, môi trường v.v.) để chúng ta có thể phục vụ mà làm sinh lợi các nén bạc Ngài trao cho từng người chúng ta. Bởi thế, khi làm việc tông đồ là chúng ta, ở một cách nào đó, "trả về" Chúa những gì Ngài đã ban cho chúng ta, "trả về" Ngài chẳng những cả vốn lẫn lời gấp trăm: 2 sinh 2, 5 sinh 5 và 10 sinh 10 (xem Mathêu 25:14-30).
Thật vậy, làm việc tông đồ hay thừa tác vụ là chúng ta làm việc "của" Chúa, việc Chúa trao cho chúng ta là thành phần Kitô hữu môn đệ của Chúa Kitô, một việc không thể nào không làm, để chứng tỏ chúng ta là Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô, vì tự bản chất của mình, chúng ta "là ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:14), không thể nào không chiếu sáng, một "ánh sáng" không phải tự họ mà có, nhưng chỉ là những gì phản ánh Đấng "là ánh sáng thế gian"(Gioan 8:12)
Đúng thế, để có thể xứng đáng làm việc "của" Chúa, chúng ta, về phần tiêu cực, không bao giờ được làm theo ý riêng của mình, dù ý đó có tốt đến đâu và có lợi đến mấy chăng nữa, nếu nó không phải là ý Chúa hay không hợp với ý Chúa, được tỏ ra qua bề trên hay ý chung của đoàn thể, và về phần tích cực, cần phải để cho chính Chúa làm trong chúng ta và qua chúng ta, bấy giờ chúng ta mới có thể trọn vẹn hoàn tất những gì Ngài trao phó cho chúng ta.  
Cho tới trình độ tin tưởng vào Chúa, hoàn toàn để cho Ngài làm mọi sự cho việc "của" Ngài trong chúng ta và qua chúng ta, chúng ta mới thấm thía lời Chúa Giêsu dạy chúng ta trong bài Phúc Âm hôm nay sau khi chúng ta chỉ là thành phần đầy tớ hoàn thành nhiệm vụ của mình: "Chúng tôi là đầy tớ vô dụng". 
Và chỉ khi nào chúng ta cảm thấy mình thật sự là "vô dụng", nghĩa là cảm thấy mình hoàn toàn bất lực, không làm được gì thiện hảo ngoài Chúa, Chúa là Đấng vô cùng khôn ngoan và toàn năng mới chính thức và chủ động làm việc "của" Ngài trong chúng ta và qua chúng ta. Bởi thế, kinh nghiệm tu đức cho thấy, chính Ngài cũng ra tay thanh tẩy chúng ta khỏi khuynh hướng tự phụ và cậy mình, để chúng ta chỉ tin vào Ngài và để Ngài làm chủ chúng ta thôi. Phải chăng đường lối thần linh này của Thiên Chúa, ở chỗ từ vai trò làm chủ trở thành đầy tớ cho các đầy tớ của mình, khi Người cúi mình xuống trên những bất toàn, bất xứng và thấp hèn xấu xa của con người, để thanh tẩy họ nhờ đó họ xứng đáng với Người cũng như với việc của Người, điển hình nhất là việc Người rửa chân cho các tông đồ ngay trước Bữa Tiệc Ly cho họ được xứng đáng dự phấn với Người (xem Gioan 13:1-17).

Thành phần đầy tớ biết chân thành nói "tôi chỉ là đầy tớ vô dụng", sau khi hết mình hoàn thành trách vụ của mình được chủ tin tưởng trao phó cho mình, là những con người được Sách Khôn Ngoan ở Bài Đọc 1 hôm nay cho biết rằng:

"Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao, vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu. Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu tỏ ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét xử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn".

Họ là thành phần có thể vang lên như Thánh Vịnh gia trong Thánh Vịnh 33 ở Bài Đáp Ca hôm nay rằng:

1) Tôi chúc tụng Thiên Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Thiên Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.

2) Thiên Chúa để mắt coi người hiền đức, và tai Người lắng nghe tiếng họ cầu. Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần gian.

3) Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Người cứ họ khỏi mọi nỗi âu lo. Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữu những tâm hồn đau thương dập nát. 

 

 

 

Ngày 12: Thánh Giosaphát, giám mục tử đạo

 

 Giosaphat ra đời khoảng năm 1580 tại Vladimir nước Ba Lan. Năm 17 tuổi, ngài ngỏ ý xin cha mẹ cho đi tu, nhưng ông bà ngăn cản và muốn con mình kết hôn nói dõi tông đường. Dù gặp trở ngại, ngài vẫn luôn mang ý tưởng tu trì và nhất quyết từ chối việc kết hôn. Cuối cùng cha mẹ đành phải chiều lòng ngài.

Năm 20 tuổi, Giosaphat nhập dòng thánh Basilô ở Vilna. Lúc đó có một bè rối nổi lên chống lại Giáo Hội. Chính vị Bề Trên tu viện cũng ngả theo bè rối và buộc ngài cũng phải theo. Phân vân không biết đâu là ý Chúa, ngài đã cầu nguyện nhiều và cuối cùng giữ lập trường trung thành với Giáo Hội. Sau khi vị Bề Trên bị trục xuất, Ðức Giám Mục liền đặt ngài lên thay thế. Hai năm sau, ngài thụ phong linh mục, rồi Giám Mục và năm 1617 được đặt làm Tổng Giám Mục Polotsk. Ngài đã tỏ ra là mẫu mực của các nhân đức. Ngài lo vận động cho việc hợp nhất giữa Giáo Hội Hy Lạp và La Tinh. Ngài đã đem về cho Giáo Hội một số đông những người lạc giáo.

Trong một cuộc thăm viếng mục vụ tại Vitebsk, bọn ly giáo xông đến trước mặt ngài và đòi giết, ngài đã bình tĩnh trả lời: "Này các bạn, nếu chính tôi là người mà các bạn tìm giết, thì tôi đây!". Họ liền lôi ngài đi đánh đập tàn nhẫn và kết thúc bằng một nhát gươm xuyên qua ngực. Sau đó họ ném xác ngài xuống sông.

Ðức Giáo Hoàng Urbanô VIII phong Chân Phước cho ngài và Ðức Piô X tôn phong ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1867 với tước hiệu "Ðấng bảo vệ sự thống nhất Giáo Hội". Ðây là vị thánh Ðông Phương đầu tiên được phong tước hiệu này.

 

​​

 

Thứ Tư

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Kn 6, 2-12

"Hỡi các vua chúa, hãy lắng nghe và học biết sự khôn ngoan".

Trích sách Khôn Ngoan.

Hỡi các vua chúa, hãy nghe và hãy hiểu. Hỡi các thủ lãnh trần gian, hãy học biết. Hỡi các vị lãnh đạo quần chúng, các ngươi kiêu hãnh, vì dân các ngươi đông đảo, xin lắng nghe: Quyền bính của các ngươi là do Chúa ban, và uy lực của các ngươi cũng do Ðấng Tối Cao. Người sẽ chất vấn mọi hành động và kiểm soát những tư tưởng các ngươi. Vì nếu các ngươi là những quản lý nước Chúa mà không xét xử công minh, không giữ luật công bình, không sống theo thánh ý Thiên Chúa, thì Người sẽ xuất hiện trên các ngươi cách kinh hoàng mau lẹ. Vì đối với những kẻ cầm quyền, Người sẽ xét xử nghiêm nhặt. Ðối với những kẻ thấp hèn, thì Người sẽ thương xót, còn những người quyền thế, Người sẽ lấy quyền thế mà trừng trị. Thiên Chúa không lùi bước trước mặt ai, chẳng sợ chức bậc nào, vì kẻ hèn người sang đều do chính Người tác tạo, và Người săn sóc tất cả đồng đều. Nhưng Người sẽ xét xử nghiêm nhặt hạng quyền thế. Vậy hỡi các vua chúa, đây là lời ta nói với các ngươi, để các ngươi học biết sự khôn ngoan và khỏi sa ngã. Vì chưng, những ai kính cẩn nắm giữ những điều công chính, sẽ nên người công chính, và những ai học hỏi các điều này, sẽ biết cách trả lời. Vậy các ngươi hãy say mến lời ta, thì các ngươi sẽ được giáo huấn.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 81, 3-4. 6-7

Ðáp: Ôi Thiên Chúa, xin Chúa đứng lên xét xử địa cầu (c. 8a).

Xướng: 1) Hãy bầu chữa kẻ bị ức và người phận nhỏ; hãy bênh vực quyền lợi người khốn khó và kẻ cơ hàn. Hãy cứu chữa người bị áp bức và kẻ bần cùng; hãy giải thoát họ khỏi bàn tay đứa ác. - Ðáp.

2) Ta đã nói: các ngươi là những bậc chúa tể, và hết thảy các ngươi là con Ðấng Tối Cao. Tuy nhiên, cũng như người ta, các ngươi sẽ chết, cũng như một quân vương nào đó, các ngươi sẽ té nhào. - Ðáp.


Alleluia: 1 Tx 2, 13

Alleluia, alleluia! - Anh em hãy đón nhận lời Chúa, không phải như lời của loài người, mà là như lời của Thiên Chúa và đích thực là thế. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 11-19

"Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi". Thấy họ, Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người: Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này". Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".

Ðó là lời Chúa.


 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Vô ơn là thái độ lạm dụng Thiên Chúa và coi Ngài như một phương tiện sử dụng của mình hơn là cùng đích nhắm đến



H
ôm nay, Thứ Tư Tuần XXXII Thường Niên, Bài Phúc Âm cho chúng ta thấy Chúa Giêsu vẫn tiếp tục cuộc hành trình lên Giêrusalem của Người, một cuộc hành trình đã đi tới chỗ "Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa".

Th
ật vậy, cuộc hành trình Giêrusalem của Chúa Giêsu, theo bài Phúc Âm hôm nay ghi nhận, thì kể như mới rời khỏi miền bắc nước Do Thái là Xứ Galilêa, và bắt đầu vượt qua "biên giới" giữa hai miền trung bắc mà vào miền trung của nước này là Samaria. Bởi vì, cũng theo bài Phúc Âm này, Người đã chữa lành cho 10 nạn nhân phong cùi, trong đó có một "là người xứ Samaria". 
Vậy thì 9 người kia có thể toàn là người Do Thái chính gốc, một là họ vốn thuộc về dân cư ở Samaria, chung đụng với thành phần Do Thái vẫn bị những người Do Thái chính cống coi là thứ ngoại lai nhơ nhớp đáng xa tránh, hai là ở Galilêa hoặc Giuđêa nhưng một mình đến cư ngụ ở Samaria để xa tránh gia đình bởi thân phận bị cùi hủi của mình. Có thể vì thế mà họ đã tập trung ở cùng một chỗ với nhau như bài Phúc Âm cho biết: "vào một làng kia", hoàn toàn bị cách ly với xã hội lành mạnh bên ngoài.
Thế nhưng, họ đâu có ngờ rằng, ở một nơi xa vắng cách ly như vậy, một thế giới của những con người bị bỏ rơi, bị kinh sợ, như ma quái ấy, một ngày kia, bất ngờ, họ lại được gặp một vị cứu tinh là Chúa Giêsu, như bài Phúc Âm hôm nay thuật lại: "Khi Người vào một làng kia thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: 'Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi'".
Đúng vậy, biết thân biết phận, 10 nạn nhân bị phong cùi đáng thương này "đứng ở đàng xa", chứ không dám đến gần ai. Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao từ xa mà họ biết được nhân vật mà hình như họ chưa bao giờ gặp, nhưng lại là vị dường như họ hằng mong chờ ấy là "Chúa Giêsu", Đấng duy nhất có thể cứu họ chứ? 
Không biết có bao giờ Chúa Giêsu đã đến chỗ này hay chưa? Hay là có một ai đó trong họ đã biết Người trước khi đến làng cùi này? Hoặc họ được ai đó ngay lúc bấy giờ liều lĩnh đến báo cho họ biết có sự hiện diện của Chúa Giêsu? Có thể là họ đã nghe tin đồn về Người từ dân làng chung quanh hay chăng, hoặc từ chính những người thân nhân nào đó trong họ đến thăm họ? v.v.
Chỉ biết rằng, Chúa Giêsu không thể không động lòng thương họ khi thấy được hoàn cảnh hết sức đáng thương như thế. Bởi vậy, Người đã đáp ứng lời họ kêu lên cùng Người "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi", bằng lời truyền "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Và thành phần nạn nhân phong cùi không trực tiếp xin Người chữa lành cho mà chỉ gián tiếp xin Người chữa lành nếu Người "thương xót" họđã đồng thanh tin tưởng tuân hành và được chữa lành như bài Phúc Âm cho thấy: "Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch".
Tuy nhiên, sự vụ không chấm dứt ở chỗ này. Sau đó, Phúc Âm tiếp tục cho biết rằng: "Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người: Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: 'Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này'. Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: 'Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi'".
Trong đời sống đạo cũng thế, khi chúng ta gặp gian nan khốn khó, tai ương hoạn nạn, đớn đau khổ sở v.v. chúng ta rất mau mắn chạy đến cầu xin cùng Chúa cho chúng ta chóng thoát khỏi những thứ bất hạnh vô phúc ấy. Thậm chí khấn hứa với Ngài điều này điều nọ. Như đã từng xẩy ra trong cuộc vượt biển của thuyền nhân Việt Nam ở thập niên 1980 đang trong cơn nguy tử. Có những lúc chúng ta cầu được ước thấy, để rồi sau khi thoát nạn rồi, chúng ta chẳng giữ lời khấn nguyện gì cả, trái lại, còn lợi dụng xã hội tư do văn minh mà sống một cách vô thần duy vật nữa, như thực tế phũ phàng cho thấy trong cộng đồng Người Việt hải ngoại chúng ta.
Trường hợp của 9 nạn nhân phong cùi được khỏi nhưng vô ơn như thế, hay của những ai được ơn mà vô ơn, thì họ coi Thiên Chúa chỉ là phương tiện cứu độ, như cái phao bám víu trong lúc khẩn cấp vậy thôi, để rồi sau khi tai qua nạn khỏi, họ vứt Ngài đi như vứt bỏ một thứ không còn giá trị gì nữa, hoàn toàn vô dụng, như thể không bao giờ họ gặp gian nan khốn khó như vậy hay hơn vậy nữa. 
Nếu ai có thái độ không coi Thiên Chúa như cùng đích của mình như người phong cùi Samaritanô trở về tạ ơn chúc tụng Thiên Chúa là Đấng đã chữa lành cho mình, thì hãy coi chừng họ sẽ được ứng nghiệm những gì Chúa Giêsu đã nghiêm khắc cảnh báo với nạn nhân bất toại 38 năm được Người chữa lành sau đây: "Hãy nhớ nhé, giờ đây anh đã được khỏi rồi đó. Đừng phạm tội nữa kẻo anh sẽ trở nên tệ hại hơn đó" (Gioan 5:14). 

Về thành phần 9 người phong cùi được chữa lành mà lại coi thường Đấng đã chữa mình thì chẳng khác gì coi những gì mình muốn là nhất, và lợi lộc của mình là cùng đích, còn Thiên Chúa chỉ là thứ yếu, là phương tiện, nghĩa là họ coi mình hơn Thiên Chúa, coi Ngài như đầy tớ của mình, là bầy tôi phải phục vụ họ là chủ nhân ông, là thành phần lãnh đạo, nắm trong tay quyền bính, không cần biết ơn bề dưới, thì Sách Khôn Ngoan ở Bài Đọc 1 hôm nay đã vừa cảnh báo vừa nhắn nhủ họ như sau:

"Đối với những kẻ cầm quyền, Người sẽ xét xử nghiêm nhặt. Ðối với những kẻ thấp hèn, thì Người sẽ thương xót, còn những người quyền thế, Người sẽ lấy quyền thế mà trừng trị. Thiên Chúa không lùi bước trước mặt ai, chẳng sợ chức bậc nào, vì kẻ hèn người sang đều do chính Người tác tạo, và Người săn sóc tất cả đồng đều. Nhưng Người sẽ xét xử nghiêm nhặt hạng quyền thế. Vậy hỡi các vua chúa, đây là lời ta nói với các ngươi, để các ngươi học biết sự khôn ngoan và khỏi sa ngã. Vì chưng, những ai kính cẩn nắm giữ những điều công chính, sẽ nên người công chính, và những ai học hỏi các điều này, sẽ biết cách trả lời. Vậy các ngươi hãy say mến lời ta, thì các ngươi sẽ được giáo huấn.

 

Nếu Bài Đọc 1 hôm nay liên quan đến 9 người cùi vô ơn, thì Bài Đáp Ca (trích Thánh Vịnh 81) hôm nay liên quan đến người cùi biết ơn, như sau:

1) Hãy bầu chữa kẻ bị ức và người phận nhỏ; hãy bênh vực quyền lợi người khốn khó và kẻ cơ hàn. Hãy cứu chữa người bị áp bức và kẻ bần cùng; hãy giải thoát họ khỏi bàn tay đứa ác.

2) Ta đã nói: các ngươi là những bậc chúa tể, và hết thảy các ngươi là con Ðấng Tối Cao. Tuy nhiên, cũng như người ta, các ngươi sẽ chết, cũng như một quân vương nào đó, các ngươi sẽ té nhào.




Thứ Năm

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Kn 7, 22 - 8, 1

"Sự khôn ngoan là phản ảnh của ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương vẹn tuyền của uy quyền Thiên Chúa".

Trích sách Khôn Ngoan.

Trong sự khôn ngoan có tinh thần sáng suốt, thánh thiện, duy nhất, đa diện, tinh vi, lợi khẩu, linh động, tinh tuyền, chắc chắn, dịu dàng, phục thiện, sâu sắc, bất khuất, hào hiệp, nhân đạo, đại lượng, vững tâm, bền chí, vững chắc, bình thản, làm được mọi sự, kiểm soát hết thảy, thấu suốt mọi thần trí, những kẻ thông minh, những người thanh sạch và những người tế nhị. Sự khôn ngoan linh hoạt hơn mọi chuyển động, và vì trong sạch, nên thấu nhập mọi nơi.

Sự khôn ngoan là hơi thở của quyền năng Thiên Chúa, và là sự phát xuất tinh tuyền của vinh quang Thiên Chúa toàn năng; bởi thế không vật ô uế nào đụng tới được; sự khôn ngoan là phản ảnh của ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương vẹn tuyền của Uy quyền Thiên Chúa, và là hình ảnh lòng từ nhân của Người.

Tuy duy nhất, nhưng sự khôn ngoan có thể làm mọi sự, và dù bất biến, nhưng có thể canh tân mọi loài. Qua các thế hệ, sự khôn ngoan lan tràn trên các tâm hồn thánh thiện, làm cho các tâm hồn trở nên bạn hữu và tiên tri của Thiên Chúa.

Vì Chúa không yêu mến ai nếu không phải là kẻ ở với sự khôn ngoan. Khôn ngoan xinh đẹp hơn mặt trời, trổi vượt mọi tinh tú, và so với ánh sáng, nó còn trổi vượt hơn, vì ánh sáng có lúc phải nhường chỗ cho bóng tối, nhưng ngay cả gian ác cũng không thắng nổi sự khôn ngoan.

Vậy sự khôn ngoan đã lan tràn mạnh mẽ từ bờ cõi này đến bờ cõi kia, và hướng dẫn mọi loài cách khôn khéo.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 118, 89. 90. 91. 130. 135. 175

Ðáp: Thân lạy Chúa, cho tới đời đời, lời Chúa vẫn còn đó (c. 89a).

Xướng: 1) Thân lạy Chúa, cho tới đời đời kiếp kiếp, lời Chúa vẫn còn đó như cõi trời cao. - Ðáp.

2) Ðời nọ sang đời kia, còn mãi lòng trung thành của Chúa, Ngài đã kiến tạo địa cầu, nó còn đứng vững trơ trơ. - Ðáp.

3) Theo chỉ dụ Chúa, vũ trụ luôn luôn tồn tại, vì hết thảy vạn vật đều phải phục vụ Ngài. - Ðáp.

4) Sự mạc khải lời Ngài soi sáng, và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm. - Ðáp.

5) Xin tỏ cho tôi tớ Ngài thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.

6) Nguyện cho hồn con được sống để khen ngợi Chúa, và xin các sắc dụ của Chúa phù trợ cho con. - Ðáp.

 

Alleluia: 2 Tx 2, 14

Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được chiếm lấy vinh quang của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 17, 20-25

"Nước Thiên Chúa ở giữa các ông".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu "Khi nào nước Thiên Chúa đến", thì Người đáp lại rằng: "Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát, và người ta sẽ không nói được: "Này nước trời ở đây hay ở kia". Vì nước Thiên Chúa ở giữa các ông". Chúa lại phán cùng các môn đệ rằng: "Sẽ có ngày các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy. Người ta sẽ bảo các con: "Này Người ở đây và này Người ở kia", các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm. Vì như chớp sáng loè từ chân trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi".

Ðó là lời Chúa.



Suy Nghiệm Lời Chúa


Nước Trời là một thực tại thần linh

 không theo chiều kích thời gian và không gian mà là chiều kích hiện thực đức tin


Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Năm Tuần XXXII Thường Niên, thuật lại cho chúng ta lời Chúa Giêsu trả lời cho "những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu 'Khi nào nước Thiên Chúa đến'".
Trong khi câu hỏi liên quan đến thời điểm "khi nào Nước Thiên Chúa đến", câu trả lời của Chúa Giêsu lại nói đến địa điểm hay nơi chốn có tính cách hiện thực "Nước Chúa đến" như thế này: "Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát, và người ta sẽ không nói được: 'Này nước trời ở đây hay ở kia'. Vì nước Thiên Chúa ở giữa các ông".
Ở đây, qua câu trả lời này, Chúa Giêsu dường như muốn xác định bản chất của Nước Thiên Chúa, để rồi, nếu biết được thực chất của Nước Thiên Chúa là gì và như thế nào thì sẽ biết Nước Thiên Chúa này địa điểm ở đâu và thời điểm bao giờ đến. Đó là lý do ngay khi bắt đầu trả lời Người đã minh định: "Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát". 
Lời đầu tiên trong câu trả lời này của Chúa Giêsu như thể Người muốn nói rằng Nước Thiên Chúa là một thực tại vô hình, chứ không phải hữu hình, là một thực tại thần linh chứ không phải trần thế. Và chính vì thế, vì bản chất thiêng liêng và thần linh của một thực tại như thế mới có thể xẩy ra chuyện "nước Thiên Chúa ở giữa các ông". 
Chúa Giêsu như muốn nói với hay muốn nhắn nhủ những người biệt phái hỏi người bấy giờ rằng: quí vị khỏi tìm đâu xa mất công, chỉ cần có được một nhận thức đức tin siêu nhiên là sẽ thấy Nước Trời ở ngay giữa quí vị, không cần phải tìm ở đâu xa xôi, và vì thế, Nước Trời lúc nào cũng hiện hữu ở giữa quí vị, không cần phải chờ đợi làm chi.
Đúng thế, nếu "ở đâu có hai ba người hợp lại vì danh Thày thì Thày ở giữa họ" (Mathêu 18:20), thì Nước Trời đây không phải là chính Chúa Kitô hay sao? Bởi thế, khi trả lời cho những người biệt phái hỏi Người về thời điểm khi nào Nước Trời đến thì thay vì Người trả lời là Nước Trời đã đến rồi (xem Marcô 1:15) Người lại trả lời về địa điểm có tính cách hiện thực của Nước Trời, vì ngay lúc bấy giờ Người chính là Nước Trời đang ở trước mặt họ và đang ở giữa họ, một Nước Trời đã đến với họ và ở cùng họ mà họ không nhận ra, chưa nhận thấy, dù Người luôn tỏ mình ra cho họ.
Vì Nước Trời chính là Chúa Kitô mà ngay sau khi trả lời cho những người biệt phái hỏi Người về Nước Trời bấy giờ, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ về chính bản thân Người như sau:
"Sẽ có ngày các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy. Người ta sẽ bảo các con: 'Này Người ở đây và này Người ở kia', các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm. Vì như chớp sáng loè từ chân trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi".
Qua câu căn dặn có tính cách cảnh báo này, Chúa Giêsu như muốn nói với các môn đệ của Người rằng: các con không thể nào hiểu được Thày đâu, chính vì thế mà "các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy", vì "nơi Thày đi các con không thể đến được" (Gioan 13:33). 
Thày là Đấng không phải như những gì người ta tưởng đâu các con à, đừng có mà nghe theo óc tưởng tượng giả tạo của họ: "Người ta sẽ bảo các con: 'Này Người ở đây và này Người ở kia', các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm". Các con chỉ có thể nhận biết Thày thực sự là ai khi Thày "bị treo lên" (Gioan 8:28), nghĩa là chỉ sau khi "Thày đi để dọn chỗ cho các con" trên thập tự giá "để Thày ở đâu các con cũng được ở đó với Thày" (xem Gioan 14:3): "Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi".
Thế nhưng, con đường tử nạn tràn đầy sự dữ và tận cùng sự dữ này của Chúa Kitô mới thật sự chứng tỏ sự khôn ngoan vô cùng và bất diệt của Thiên Chúa trong việc Ngài nhờ đó mới được dịp và mới có thể tỏ hết bản tính toàn thiện vô cùng từ bi thương xót của Ngài ra, như Ngài thực sự là, cho nhân loại nhận biết mà được cứu độ, mà được hiệp thông thần linh với Ngài.

Đúng vậy, con người nào khôn ngoan nhất trên đời này cũng không thể nào hiểu được sự khôn ngoan siêu việt của Thiên Chúa, một sự khôn ngoan chẳng những vượt lên trên mọi lập luận trần gian mà còn hoàn toàn trái ngược với chọn lựa trần gian. Bởi vì, như Sách Khôn Ngoan ở Bài Đọc 1 hôm nay cho biết:

"Sự khôn ngoan là hơi thở của quyền năng Thiên Chúa, và là sự phát xuất tinh tuyền của vinh quang Thiên Chúa toàn năng; bởi thế không vật ô uế nào đụng tới được; sự khôn ngoan là phản ảnh của ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương vẹn tuyền của Uy quyền Thiên Chúa, và là hình ảnh lòng từ nhân của Người. Tuy duy nhất, nhưng sự khôn ngoan có thể làm mọi sự, và dù bất biến, nhưng có thể canh tân mọi loài. Qua các thế hệ, sự khôn ngoan lan tràn trên các tâm hồn thánh thiện, làm cho các tâm hồn trở nên bạn hữu và tiên tri của Thiên Chúa".


Chính vì "sự khôn ngoan đã lan tràn mạnh mẽ từ bờ cõi này đến bờ cõi kia, và hướng dẫn mọi loài cách khôn khéo", như Sách Khôn Ngoan ở Bài Đọc 1 hôm nay còn khẳng định, mà những ai được hướng dẫn bởi khôn ngoan mới có được những tâm thức đầy tin tưởng của Thánh Vịnh 118 ở Bài Đáp Ca hôm nay:

1) Thân lạy Chúa, cho tới đời đời kiếp kiếp, lời Chúa vẫn còn đó như cõi trời cao.

2) Ðời nọ sang đời kia, còn mãi lòng trung thành của Chúa, Ngài đã kiến tạo địa cầu, nó còn đứng vững trơ trơ.

3) Theo chỉ dụ Chúa, vũ trụ luôn luôn tồn tại, vì hết thảy vạn vật đều phải phục vụ Ngài.

4) Sự mạc khải lời Ngài soi sáng, và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm.

5) Xin tỏ cho tôi tớ Ngài thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài.

6) Nguyện cho hồn con được sống để khen ngợi Chúa, và xin các sắc dụ của Chúa phù trợ cho con.

 

 

Thứ Sáu

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Kn 13, 1-9

"Nếu họ đã có thể truy tầm càn khôn, sao họ lại không nhận thấy Chúa tể Càn khôn".

Trích sách Khôn Ngoan.

Khờ dại thay tất cả những người không chịu nhận biết Chúa, và cả những người không biết căn cứ vào các sự vật hữu hình để tìm hiểu Ðấng Tự Hữu, và không chú ý đến các công trình để biết ai là Ðấng Hoá công. Nhưng họ kể lửa, gió, khí thiêng, bầu trời đầy tinh tú, nước lũ, mặt trời, mặt trăng là những thần minh bá chủ hoàn cầu. Nếu họ say mê vẻ đẹp của các vật đó mà kể chúng là chúa tể, thì phải biết rằng: Ðấng quản trị các vật đó còn tốt đẹp hơn bội phần, vì chính Ðấng tác sinh thiện mỹ, đã tạo thành mọi vật đó. Hoặc nếu họ ngạc nhiên về năng lực và kỳ công của những tạo vật đó, thì do đó họ phải hiểu rằng Ðấng đã tạo thành các vật đó, còn có quyền lực hơn nhiều, vì do sự cao sang tốt đẹp của tạo vật mà người ta có thể nhìn biết Ðấng tạo dựng mọi loài.

Dầu sao họ cũng không đáng trách mấy, vì chưng, có lẽ họ lầm trong khi tìm kiếm Chúa, và muốn gặp Người. Họ tìm kiếm, khi sống giữa các kỳ công của Chúa, nhưng họ ngộ nhận khi thấy các vật kia tốt đẹp.

Tuy vậy, chính họ cũng không đáng được tha thứ, vì nếu họ có khả năng nhận thức để truy tầm càn khôn, sao họ lại không nhận thấy cách dễ dàng hơn chính Chúa tể càn khôn?

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5

Ðáp: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa (c. 2a).

Xướng: 1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia. - Ðáp.

2) Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. - Ðáp.

Alleluia: 1 Ga 2, 5

Alleluia, alleluia! - Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 26-37

"Cũng xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như sự kiện đã xảy ra thời Noe thế nào, thì trong ngày Con Người cũng xảy đến như vậy. Thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng, mãi cho tới ngày Noe vào tầu, rồi nước lụt đến tiêu diệt mọi người.

"Lại cũng như đã xảy ra thời ông Lót: người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất, nhưng ngày ông Lót ra khỏi thành Sôđôma, thì trời liền mưa lửa và sinh diêm, tiêu diệt mọi người. Cũng sẽ xảy như thế trong ngày Con Người xuất hiện.

"Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ trường hợp vợ ông Lót. Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó.

"Thầy bảo các con: Trong đêm ấy sẽ có hai người trên một giường, thì một người bị đem đi, và người kia sẽ được để lại. Hai phụ nữ xay cùng một cối, thì một người sẽ bị đem đi, còn người kia sẽ được để lại. Hai người ở ngoài đồng, thì một người bị đem đi, và người kia được để lại".

Các môn đệ thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, chuyện đó ở đâu vậy?" Người phán bảo các ông: "Xác ở đâu thì diều hâu tựu lại đó".

Ðó là lời Chúa.



 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Bị mang đi hay được mang đi? - được phúc cứu rỗi hay bị họa hư đi?


Hôm nay, Thứ Sáu Tuần XXXII Thường Niên, Bài Phúc Âm vẫn tiếp tục với lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người, từ dấu chỉ Nước Trời ở bài Phúc Âm hôm qua đến sự kiện Nước Trời trong bài Phúc Âm hôm nay theo chiều hướng của câu những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu về thời điểm Nước Trời đến trong bài Phúc Âm hôm qua.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, những lời của Chúa Giêsu nói về ngày tận thế, một thời điểm cho ngày cùng tháng tận của thế giới này, đã xẩy ra như thế nào, được Thánh ký Luca ghi lại những lời Chúa Giêsu cho biết một cách tổng quan liên quan đến dấu hiệu của nó, đến việc cần phải đối phó với nó, và đến hiện tượng của nó thứ tự như sau:
Ngày tận thế - Dấu hiệu: "Như sự kiện đã xảy ra thời Noe thế nào, thì trong ngày Con Người cũng xảy đến như vậy. Thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng, mãi cho tới ngày Noe vào tầu, rồi nước lụt đến tiêu diệt mọi người. Lại cũng như đã xảy ra thời ông Lót: người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất, nhưng ngày ông Lót ra khỏi thành Sôđôma, thì trời liền mưa lửa và sinh diêm, tiêu diệt mọi người. Cũng sẽ xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện".
Ngày tận thế - Đối phó: "Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ trường hợp vợ ông Lót. Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó".
Ngày tận thế - Hiện tượng: "Thầy bảo các con: Trong đêm ấy sẽ có hai người đàn ông nằm trên một giường, thì một người b đem đi, và người kia sẽ được để lại. Có hai người phụ nữ xay cùng một cối, thì một người sẽ b đem đi, còn người kia sẽ được để lại".
Trước hết, về dấu hiệu của mình thì ngày tận thế "xẩy ra như thời Noe" và như "thời ông Lót". Nghĩa là bấy giờ, vào những thời được Chúa Giêsu nêu lên đây, "thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng", "người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất". Tức trong khi con người ta chẳng để ý gì hết, cứ vui vẻ hưởng thụ và làm ăn sinh sống, thì "cũng sẽ xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện". 

Như thế thì quả thực "ngày Con Người xuất hiện" xẩy ra đùng một cái, chứ không từ từ hay được báo trước về ngày giờ chính xác của nó: "Như chớp lóe ra từ đông sang tây thế nào thì Con Người đến cũng như vậy" (Mathêu 24:27), hoàn toàn ngoài dự tưởng của con người, vào chính lúc con người không ngờ và chẳng kịp sửa soạn gì hết, ngoại trừ việc duy nhất là họ cần phải liên lỉ tỉnh thức: "Hãy tỉnh thức vì các con không biết được ngày giờ nào" (Mathêu 25:13).
Nếu vào "thời ông Noe" người ta cùng mọi sinh vật trên mặt đất bị đại hồng thủy hủy diệt (xem Khởi Nguyên 7:4), và vào "thời ông Lót" người ta bị mưa lửa từ trời đổ xuống thiêu hủy (xem Khởi Nguyên 19:24), chỉ vì con người bấy giờ quá ư là hư hỏng tội lỗi, toàn là nhục dục vào "thời ông Noe(xem Khởi Nguyên 6:3,5), thậm chí còn nhục dục đồng tính nữa vào "thời ông Lót" (xem Khởi Nguyên 19:4-14), thì hiện nay, con người càng văn minh về vật chất lại càng phá sản về luân lý, chắc chẳng cần bị Thiên Chúa ra tay, chính họ sẽ tự hủy diệt mình bằng quyền tự do được phép phá thai thoải mái và đồng tình hôn nhân vô sản lăng loàn của họ, chưa kể đến tình trạng con người bị tiêu diệt bởi chiến tranh và khủng bố cùng tai nạn nhân tạo liên tục xẩy ra chưa từng có trong lịch sử loài người.

Sau nữa, về cách đối phó với ngày tận thế, đối phó với những gì "xảy ra trong ngày Con Người xuất hiện" thì dù bất chợt xẩy ra vẫn còn có thể thoát nạn, vẫn còn có thể cứu vãn. Ở chỗ, đừng tiếc xót gì hết, như "trường hợp vợ ông Lót" trong lúc chạy trốn mà vẫn ngoảnh lại như còn tiếc xót những gì bị mất mát nên đã bị trở thành tượng muối (xem Khởi Nguyên 19:26). Lúc bấy giờ chỉ còn một cách duy nhất là "bỏ của mà chạy lấy người", đúng như lời Chúa căn dặn trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về".
Không biết ở đây có phải Chúa Giêsu muốn nói đến những thành phần Kitô hữu chứng nhân vào thời bấy giờ hay chăng, thành phần "ở trên mái nhà", tức là những con người loan truyền những gì được nói cho biết một cách riêng tư (xem Mathêu 10:27; Luca 12:3), và thành phần "ở ngoài đồng", tức là những người đang gieo rắc hạt giống đức tin hay đang gặt hái mùa màng (xem Gioan 4:35-38). Vì chính lúc "sự dữ gia tăng mà lòng con người hầu hết ra nguội lạnh" (Mathêu 24:12) thì "Tin Mừng về Nước Trời được rao giảng khắp thế giới như một chứng từ cho tất cả mọi dân nước. Chỉ sau đó mới tới ngày cùng tận" (Mathêu 24:14).

Sau hết
, về hiện tượng của ngày tận thế, một thời điểm liên quan đến chết chóc, một thời điểm được biểu hiệu bằng chết chóc, một thời điểm con người đã đi đến chỗ tột cùng băng hoại, như chính Chúa Giêsu đã ám chỉ trong lời cuối cùng của Bài Phúc Âm hôm nay: "Xác chết ở đâu thì diều hâu bâu lại đó". 
Như thế thì phải chăng thế giới ngày nay cũng sắp sửa tận thế hay thậm chí đang ở ngày vào thời tận thế, vì họ đang "sống" trong sự chết: trong trận lụt "văn hóa sự chết - culture of death" (thành ngữ của ĐTC Gioan Phaolô II), thậm chí càng ngày nó càng trở thành một "văn hóa tận số - terminal culture" (ĐTC Phanxicô).
Chính lúc con người tự hủy diệt và không thể nào cứu được mình như thế, như một "xác chết" mới lại là lúc xuất hiện của "diều hâu" là loài chim vốn nhậy cảm với mùi chết chóc và thích rúc rỉa những gì là thối rữa. Và vì thế những ai không bị "diều hâu" rúc rỉa là thành phần được cứu rỗi, như được Chúa Giêsu ám chỉ về số phận của kẻ "được" mang đi, tức "được" giải thoát, "được" cứu độ, cũng như của người "bị" để lại cho "diều hâu" xâu xé làm thịt trong bài Phúc Âm hôm nay như sau: 
"Trong đêm ấy (đêm ám chỉ chết chóc và quyền lực hoành hành kinh khủng của sự dữ) sẽ có hai người đàn ông nằm trên một giường (hình như ở đây là hình ảnh ám chỉ đến tội đồng tính hôn nhân), thì một người được đem đi, và người kia sẽ b để lại. Có hai người phụ nữ xay cùng một cối (phải chăng đây là hình ảnh ám chỉ tội tạo sinh ngoại nhiên xẩy ra cho trường hợp của một người vợ son sẻ không con và một người nữ mang thai mướn thụ thai nhờ tinh trùng của người chồng có vợ không con?), thì một người sẽ được đem đi, còn người kia sẽ b để lại".
Theo chiều hướng ấy và ý nghĩa được suy diễn như vậy, ở đây người chia sẻ phụng vụ lời Chúa xin phép được tạm chuyển đổi chữ "bị" thành chữ "được" và chữ "được" thành chữ "bị" ở bản dịch của bài Phúc Âm hôm nay (xin so với nguyên văn câu này ở trong bài Phúc Âm của phần Lời Chúa trên đây).

Nếu trong bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đã cho thấy những dấu chỉ thời đại về "ngày Con Người xuất hiện cũng xảy ra như thế", thì Bài Đọc 1 hôm nay, trích Sách Khôn Ngoan, nhấn mạnh đến trách nhiệm của con người về những gì họ nhận thấy và nhờ đó suy diễn mà nhận biết Thiên Chúa hầu được cứu thoát và được sự sống đời đời: "nếu họ có khả năng nhận thức để truy tầm càn khôn, sao họ lại không nhận thấy cách dễ dàng hơn chính Chúa tể càn khôn?". Bởi thế nên: "chính họ cũng không đáng được tha thứ".

Bài Đáp Ca (Thánh Vịnh 18) hôm nay cũng đồng ý với Sách Khôn Ngoan ở Bài Đọc 1 hôm nay:

1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia.

2) Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu.

 


Thánh Albertô Cả, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh

 


Image result for st albert the great symbols

 

Ngày 15: Thánh Albertô cả, giám mục tiến sĩ Hội Thánh

 

Thánh Albertô được gọi là cả vì tài khôn ngoan và thông minh đặc biệt của ngài. Ngài sinh vào khoảng năm 1193 tại Lauingen, một làng nhỏ bên bờ sông Danube miền Souabe, nước Ðức.

Ngài theo học tại đại học Padua. Sau đó xin gia nhập dòng Ða Minh, mặc dầu gia đình ngăn cản. Ngài giữ luật dòng hết sức trung thành và nghiệm nhặt, có lòng sùng kính Mẹ Maria cách riêng, và hăng say phục vụ các linh hồn. Năm 1228, ngài được gửi sang Cologne để học xong chương trình. Sau đó, ngài được mời về làm giáo sư đại học Paris. Ngài là người thầy đã có công tìm hiểu và hướng dẫn thánh Tôma Aquinô, sau này trở nên một vị tiến sĩ thời danh của Giáo Hội.

Ít lâu sau, ngài rời Paris để nhận nhiệm sở khác tại Ðức và tại Rôma. Năm 1260, ngài được gọi làm Giám Mục Ratisbone và chết tại đó năm 1280.

Thánh nhân để lại rất nhiều tác phẩm quý giá về mọi vấn đề, nhất là triết học và thần học. Ngài được tôn phong Hiển Thánh năm 1931 do Ðức Giáo Hoàng Piô XI. Và năm 1942, Ðức Piô XII đã đặt cho ngài danh hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh.

24/3/2010 Bài 109 về Thánh Albetô Cả

(ĐTC Biển Đức XVI)

 


Thứ Bảy

Phụng Vụ Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Kn 18, 14-16; 19, 6-9

"Giữa biển đỏ đã xuất hiện một lối đi không có chướng ngại, và họ nhảy mừng như đoàn chiên".

Trích sách Khôn Ngoan.

Ðang lúc yên tĩnh bao trùm vạn vật, và đêm đã tới nửa vòng xoay: từ vương toà trên trời cao, lời toàn năng của Chúa tựa như một dũng sĩ rắn rỏi xông tới giữa miền đất bị tiêu diệt, tựa như gươm bén mang mệnh lệnh cố định của Chúa, đứng sừng sững, đầu chạm trời, chân đạp đất, gieo chết chóc khắp muôn loài.

Và muôn loài được tác tạo như thuở ban đầu, phụng lệnh Chúa để gìn giữ thần dân Chúa được an toàn, vì Chúa đã khiến mây bao phủ trại binh họ, và từ nơi trước kia đầy nước, đã xuất hiện vùng đất ráo khô. Và giữa Biển Ðỏ đã xuất hiện một lối đi không có chướng ngại, và từ vực sâu xuất hiện một cánh đồng xanh tươi. Toàn dân được tay Chúa che chở, đi qua nơi ấy và chiêm ngưỡng những diệu kỳ phi thường của Chúa. Lạy Chúa, họ như đàn ngựa giữa bãi cỏ, như đoàn chiên nhảy mừng, họ tán dương Chúa, là Ðấng đã giải thoát họ.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 104, 2-3. 36-37. 42-43

Ðáp: Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm (c. 5a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người; hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. Hãy tự hào vì danh thánh của Người; tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. - Ðáp.

2) Chúa sát phạt mọi con đầu lòng trong lãnh thổ, của đầu mùa do sức lực cường tráng chúng sinh ra. Người dẫn họ ra đi cùng với bạc với vàng, và trong các bộ lạc của họ, không một ai đau yếu. - Ðáp.

3) Vì Người đã nhớ lời thánh thiện của Người, lời Người đã ban bố cùng Abraham là tôi tớ Người. Người đã đưa dân tộc Người ra đi trong niềm vui vẻ, đưa những kẻ Người kén chọn ra đi trong tiếng hân hoan. - Ðáp.

 

Alleluia: 2 Tm 1, 10b

Alleluia, alleluia! - Ðấng Cứu Chuộc chúng ta là Ðức Giêsu Kitô đã dùng Tin Mừng mà tiêu diệt sự chết, và chiếu soi sự sống. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 18, 1-8

"Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng mà rằng:

"Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: "Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù". Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: "Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc".

Rồi Chúa phán: "Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"

Ðó là lời Chúa.


 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Đức tin cánh chung - thời điểm minh oan  


Bài Phúc Âm cho Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên hôm nay liên quan đến những lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ về "một dụ ngôn dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng".
Nguyên văn dụ ngôn này như sau: "Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: 'Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù'. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: 'Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc'".
Phải chăng đây là dụ ngôn liên quan đến ngày tận thế nói chung và cuộc chung thẩm nói riêng? Bởi vì, nếu tất cả mọi sự xẩy ra trên trần gian này, mà thực tế phũ phàng cho thấy, sự dữ dường như lấn át sự lành, kẻ lành bị thua kẻ mạnh. Kẻ dữ lại được may lành hơn người công chính. Người lành thường gian nan khốn khó lận đận. Kẻ cô đơn yếu thế (mà bà góa trong Bài Phúc Âm hôm nay tiêu biểu) bị đàn áp bất công. Bởi thế, nếu không có đời sau, không có vấn đề thưởng phạt công minh thì sống đức tin và tin vào Chúa thật là vô lý và vô cùng dại dột. Mất cả 2 đời.
Đó là lý do, sau khi đã nói với các môn đệ về dụ ngôn bà góa kêu oan, hay cũng có thể nói là dụ ngôn quan tòa nể xử, Chúa Giêsu đã kết thúc bằng một câu vừa để trấn an và phấn khích các môn đệ của Người vừa có tính cách cảnh báo liên quan đến ngày tận thế như sau:

"Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"

Qua câu này, Chúa Giêsu chỉ có ý khuyên các môn đệ của Người, không phải chỉ cho thành phần môn đệ đang ở bên Người bấy giờ, mà cho mọi thế hệ môn đệ của Người, phải "bền đỗ đến cùng mới được cứu độ" (Mathêu 24:13). Nhất là thế hệ môn đệ cuối cùng ở vào thời tận thế, thời Người đến lần thứ hai, đến lần cuối cùng, thời điểm mà như Người cảnh báo: "không biết có còn đức tin trên thế gian này nữa hay chăng?

Đó là lý do Thánh Phaolô đã khẳng định rất chính xác về thời cánh chung liên quan đến tận thế, hay đến mục đích lần đến cuối cùng của Chúa Kitô đó là để cứu độ những ai tin tưởng Người cho đến cùng, cho đến khi Ngưi tái giáng: 

"Người sẽ xuất hiện lần thứ hai không phải để xóa tội trần gian mà là để mang ơn cứu độ cho những ai thiết tha trông đợi Người(Do Thái 9:28). Chẳng hạn như trường hợp của 5 cô trinh nữ / phú dâu khôn ngoan cầm đèn đức tin cháy lửa đức mến bằng dầu đức cậy vậy (xem Mathêu 25:1-12).

Thật ra, thời cánh chung đã được mở màn từ khi "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), tức là "vào thời điểm viên trọn" (Galata 4:4), "thời sau hết - final age" (Do Thái 1:2), thời Thiên Chúa tỏ hết mình ra nơi Con Một của Ngài là Đấng Thiên Sai Cứu Thế đúng như lời Ngài đã hứa với nguyên tổ sau nguyên tội (xem Khởi Nguyên 3:15). 

Nếu thời cánh chung được bắt đầu từ lần đến thứ nhất của Chúa Kitô thì thời cánh chung này cũng kết thúc vào lần đến thứ hai của Người, một lần đến quyết liệt cho phần rỗi của chung nhân loại cũng như của riêng từng người, liên quan đến đức tin cứu độ, một đức tin sẽ bị khủng hoảng đến tận gốc... và bị bật gốc nơi nhiều tâm hồn yếu dại! 

Đúng thế, thời tận thế là thời kinh hoàng khủng khiếp đến độ đối với loài người về cả thể xác lẫn linh hồn của họ, như Chúa Giêsu còn thẳng thắn tiết lộ không giấu diếm như sau: "vì những ngày ấy tràn đầy những gì là thống khổ hơn bất cứ thời nào từ khi hiện hữu thế giới này... Thật vậy, nếu giai đoạn này không được rút ngắn lại thì không một ai được cứu độ..." (Mathêu 24:21-22).

Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo ở khoản 675 cũng đã phải công nhận cuộc thử thách cuối cùng Giáo Hội phải trải qua đầy nguy hiểm đến đức tin của Kitô hữu là phần tử của mình vào thời điểm trước khi Chúa Kitô đến lần thứ hai cũng là lần cuối như sau:

"Trước khi Ðức Kitô quang lâm, Hội Thánh phải trải qua một cuộc thử thách cuối cùng khiến nhiều tín hữu bị lung lạc đức tin (x. Lc 18, 8; Mt 14, 12). Những cuộc bách hại mà Hội Thánh phải chịu trong suốt cuộc lữ hành trên trần thế (x. Lc 21, 12; Ga 15, 19-20) sẽ vạch trần 'mầu nhiệm sự dữ' dưới hình thức bịp bợm tôn giáo; hình thức này chỉ đem lại cho con người một giải đáp giả tạo cho các vấn đề của họ để rồi họ phải xa rời chân lý. Sự bịp bợm tôn giáo nham hiểm nhất là sự bịp bợm của tên Phản Kitô, nghĩa là của một thuyết Mêsia giả hiệu: trong đó, con người tự tôn vinh chính mình thay vì tôn vinh Thiên Chúa và Ðấng Mêsia của Người đã đến trong xác phàm (x. 2Th 2, 4-12; 1Th 5, 2-3; 2Ga 7; 1Ga 2, 18. 22)".

Đúng thế, ngày Kitô quang lâm sẽ là ngày "Chúa sẽ kíp giải oan cho họ", một sự thật được Sách Khôn Ngoan ở Bài Đọc 1 diễn tả một cách bóng bẩy về Lời Nhập Thể xuất hiện như "ánh sáng chiếu soi trong tăm tối" (Gioan 1:5) để giải thoát những ai tin tưởng vào Người khỏi quyền lực tối tăm như sau:
 

"Ðang lúc yên tĩnh bao trùm vạn vật, và đêm đã tới nửa vòng xoay: từ vương toà trên trời cao, lời toàn năng của Chúa tựa như một dũng sĩ rắn rỏi xông tới giữa miền đất bị tiêu diệt, tựa như gươm bén mang mệnh lệnh cố định của Chúa, đứng sừng sững, đầu chạm trời, chân đạp đất, gieo chết chóc khắp muôn loài.... Và giữa Biển Ðỏ đã xuất hiện một lối đi không có chướng ngại, và từ vực sâu xuất hiện một cánh đồng xanh tươi. Toàn dân được tay Chúa che chở, đi qua nơi ấy và chiêm ngưỡng những diệu kỳ phi thường của Chúa. Lạy Chúa, họ như đàn ngựa giữa bãi cỏ, như đoàn chiên nhảy mừng, họ tán dương Chúa, là Ðấng đã giải thoát họ".

 

Và đó là lý do mới có Bài Đáp Ca hôm nay thúc giục những ai được "Chúa kíp giải oan" "hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm", với những câu Thánh Vịnh 104 như thế này:

1) Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người; hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. Hãy tự hào vì danh thánh của Người; tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. .

2) Chúa sát phạt mọi con đầu lòng trong lãnh thổ, của đầu mùa do sức lực cường tráng chúng sinh ra. Người dẫn họ ra đi cùng với bạc với vàng, và trong các bộ lạc của họ, không một ai đau yếu.

3) Vì Người đã nhớ lời thánh thiện của Người, lời Người đã ban bố cùng Abraham là tôi tớ Người. Người đã đưa dân tộc Người ra đi trong niềm vui vẻ, đưa những kẻ Người kén chọn ra đi trong tiếng hân hoan.

 

 

Ngày 16: 1- Thánh Margarita Scotia, hoàng hậu

 

Thánh Margarita thuộc hoàng tộc Anh quốc, ngài sinh năm 1046 tại Hung Gia Lợi khi thân phụ đang bị lưu đày ở đấy. Margarita sống một đời niên thiếu đạo đức thánh thiện. Vì tình hình chính trị, gia đình ngài phải di cư sang miền Écosse. Trong chuyến đi này, cha ngài từ trần, phủ lên gia đình ngài tấm khăn tang chua xót.

Tại Écosse, gia đình ngài được triều đình và dân bản xứ đón tiếp nồng hậu cùng sự giúp đỡ tận tình. Ngài được vua Écosse là Malcolm III ngỏ lời cầu hôn năm 1067. 

Với tước hiệu Hoàng hậu, ngài làm gương và hướng dẫn dân chúng đi vào con đường ánh sáng và cộng tác trong việc giáo dục quần chúng theo tinh thần Phúc Âm.

Ðiểm nổi bật nơi thánh nữ là đời sống nội tâm phong phú và đức bác ái dồi dào. Ngài thường rời triều đình để đến những xóm lao động thăm hỏi, giúp đỡ dân chúng nghèo túng. Ngài cũng dành nhiều thời giờ cho việc cầu nguyện và lãnh nhận các phép bí tích.

Dù bận rộn với những công tác xã hội, ngài vẫn không xao lãng bổn phận làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Ngài để tâm trí vào việc săn sóc chồng và dạy dỗ con cái.

Ðể thưởng công nhân đức của thánh nữ, Chúa cho người được nhiều ơn đặc biệt như biết trước việc chưa xảy đến. Thánh nữ qua đời ngày 16/11/1903 và được Ðức Giáo Hoàng Innocentê IV phong Hiển Thánh năm 1250.





     2. Thánh Gertruđê, đồng trinh

 

Thánh Gertruđê sinh ngày 06/01/1256 tại Eisleben miền Saxe nước Ðức. Ngay từ nhỏ đã xin nhập dòng Xitô. Tại đây, ngài đã sống một cuộc đời khổ hạnh giản dị nhưng luôn bình thản, thánh thiện. Sức khỏe của ngài có phần yếu kém nên thường được miễn tham dự những giờ kinh chung. Sẵn tinh thần hiếu học, Gertruđê tiến rất mau trên đường học vấn và đặc biệt có khiếu về văn chương.

Ngày 27/01/1281, Chúa Giêsu đã hiện ra với thánh nữ lần đầu tiên và mạc khải cho thánh nữ nhiều điều về tình yêu và ân sủng Chúa.

Ngài luôn luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa và được Chúa ban ơn xuất thần nhiều lần để chiêm ngưỡng thánh tâm Ngài.

Ngài có một lòng mến thánh sử và sự thương khó Chúa cách đặc biệt. Ngài qua đời năm 1302 sau một cơn bệnh trầm trọng.

            

6/10/2010 Bài 118 - Thánh Giêtruđê, “Người Nữ duy nhất gốc Đức quốc được gọi là ‘Cả’”

(ĐTC Biển Đức XVI)