CÔNG GIÁO VIỆT NAM

 

2020

 

 

THÁNH MẪU HỌC THEO PHÚC ÂM THÁNH GIOAN

Linh Đạo Thánh Mẫu: Nhờ Mẹ Đến Chúa - Per Maria ad Jesum

 

5  tiểu đề trong bài viết này là 5 đề tài cho Khóa LTXC 2019 của Nhóm TĐCTT

một Khóa LTXC chủ đề "Trái Tim - Gươm Sắc Đâm Thâu" (Luca 2:35)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Trong lần hiện ra thứ hai, ngày 13/6/1917, Mẹ Maria đã nói riêng với thiếu nhi Fatiam thụ khai Lucia lớn nhật và cũng sống lâu nhất trong 3 thiếu nhi Fatima thụ khải đó là: “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi cho con nương náu và là đường đưa con đến cùng Thiên Chúa”.

Vấn đề được đặt ra ở đây là Mẹ Maria có thực sự là đường đến với Chúa hay chăng? Hay nói cách khác, tại sao lại phải nhờ Mẹ đến với Chúa?? Mẹ Maria phải chăng là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người như “Chúa Kitô là trung gian duy nhất” (1Timotheu 2:5)???

Xin thưa, tại vì chính Thiên Chúa đã qua Con Đường Maria này để đến với loài người thì loài người không còn con đường nào khác: chân thật nhất, hoàn hảo nhất, chắc chắn nhất, và nhanh chóng nhất để đến cùng Ngài!

Trong Cựu Ước, câu chuyện về Giacóp với Esau là chứng cớ cho thấy, chính vì Giacóp gần gũi với mẹ là bà Rebecca, vợ của tổ phụ Isaac, và luôn nghe lời mẹ, hơn Esau tỏ ra lạnh lùng với mẹ và xa cách mẹ, mà Giacóp đã dễ dàng và nhanh chóng chiếm được phúc lành của cha mình (xem Khởi Nguyên 27:1-29). Câu chuyện này đã được Thánh Long Mộng Phố (Louis de Montfort) sử dụng để minh chứng luận đề nhờ Mẹ đến với Chúa của ngài trong tác phẩm thời danh về Thánh Mẫu của ngài: “Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria”.

Trong Tân Ước, Phúc Âm Thánh Gioan cũng đã cho thấy những bằng chứng Mẹ Maria là đường đến với Chúa, mà thành phần Kitô hữu môn dệ Chúa Kitô cần phải nhờ Mẹ đến với Chúa, và những bằng chứng này có thể nói được bao gồm trong 5 đề tài, được người viết chọn cho các Khóa LTXC 2019, và được các vị linh mục giảng huấn ở nhiều nơi khác nhau. 5 đề tài có thể nói bao gồm khoa Thánh Mẫu học của Kitô giáo, trong đó, 3 đề tài đầu liên quan đến biến cố ở trên Đồi Canvê, và 2 đề tài sau liên quan đến tiệc cưới Cana, đó là: 1- "Này là con Bà”; 2- “Này là Mẹ con”; 3- “Đem Mẹ về nhà mình”; 4- “Hãy làm theo những gì Người bảo”; và 5- “Để Người tỏ vinh quang của Người

Năm đề tài này liên kết chặt chẽ với nhau, bất khả thiếu và bất khả phân ly, với một ý nghĩa thông suốt từ đầu đến cuối, cho thấy vai trò của Mẹ Maria trong dự án và công cuộc cứu độ của Thiên Chúa (đề tài 1), vai trò của Mẹ đối với chung loài người và riêng Giáo Hội (đề tài 2), vai trò của chung Giáo Hội và Kitô hữu đối với Mẹ Maria (đề tài 3), vai trò môi giới của Mẹ Maria trong sứ vụ sửa soạn cho con người nói chung và Kitô hữu nói riêng đón nhận mạc khải thần linh của Thiên Chúa (đề tài 4), nhờ đó Thiên Chúa có thể tỏ hết mình ra và thông mình ra cho họ theo ý muốn cứu độ của Ngài (đề tài 5).

Nếu chú ý chúng ta sẽ thấy 2 đề tài đầu (1 và 2), liên quan đến mối liên hệ thiêng liêng giữa Mẹ Maria và Kitô hữu chúng ta; 2 đề tài sau đó (3 và 4), liên quan đến bổn phận của cả 2, trước hết là bổn phận của Kitô hữu chúng ta đối với Mẹ Maria, sau đó là bổn phận của Mẹ Maria đối với Kitô hữu chúng ta; sau hết là mục đích chính yếu và tối hậu, mà bổn phận Mẹ Maria đối với Kitô hữu chúng ta, và bổn phận của Kitô hữu môn đệ chúng ta đối với Mẹ, đều nhắm tới, đó là “để Người tỏ vinh quang của Người”, hay nói cách khác, để làm sao cho Kitô hữu chúng ta, nhờ Mẹ, đến được cùng Chúa Kitô Con Mẹ, nhờ đó, trong Chúa Kitô, được hiệp thông thần linh với Cha trên trời như Mẹ vậy!

 

1-  “Này là con Bà” (Gioan 19:26)

Woman, Behold Thy Son (Stabat Mater)" -- by James Tissot | Jesus ...

 

Chúa Kitô khổ giá đã không trao Người Mẹ góa của mình cho môn đệ Gioan trước, mà lại trao người môn đệ Gioan, người môn đệ tự nhận mình và tự xưng mình, trong chính Phúc Âm ngài viết, là “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu” này (Gioan 15:23; 19:26; 20:2; 21: 7,20) cho Mẹ của Người trước. Tại sao?

Nếu không phải tại vì Người là con của Mẹ sắp sửa tử giá, trong khi đó Người đã có ý định thiết lập Giáo Hội của Người trên thế gian này (xem Mathêu 16:18-19), một Giáo Hội bao gồm những ai “tin vào tin mừng và chịu phép rửa” (Marco 16:16), nghĩa là “những ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ được quyền làm con Thiên Chúa” (Gioan 1:12), thành phần đã được thụ thai trong cõi lòng “yêu thương đến cùng” (Gioan 13:1, 15:13, 17:19; Luca 22:19-20) của Người, và là thành phần chỉ được hạ sinh bởi một người đàn bà quằn quại đớn đau chuyển bụng sinh con (xem Gioan 16:21; Khải Huyền 12:2).

Chính vì thế mà lúc Giáo Hội được hạ sinh đã xẩy ra ngay vào lúc “máu và nước chảy ra” (Gioan 19:34), lúc Mẹ của Người chất ngất đớn đau khi chứng kiến thấy Người Con chí thiện, chí tôn và chí ái của Mẹ bị lưỡi đòng đâm thâu, sau khi Người đã “gục đầu xuống trút thần khí của Người” (Gioan 19:30), khi mà Người chẳng còn cảm thấy đớn đau gì nữa, nhưng Mẹ của Người đã đau cái đau của chính Người, đau cái đau với Người, và đau cái đau thay Người, một trạng thái đớn đau khủng khiếp nhất trong cuộc đời của Người Mẹ, một Người Mẹ hồn thì vô nhiễm nguyên tội và xác thì trọn đời trinh nguyên.

Tại sao lại là tông đồ Gioan, vị đại diện cho Giáo Hội bấy giờ, mà không phải là tông đồ Phêrô là vị tông đồ đã tuyên xưng đức tin chính xác về Người, nhờ đó đã được Người chọn làm nền đá để xây Giáo Hội của Người (xem Mathêu 16:16-19), đồng thời cũng là vị tông đồ chính yếu được Người, sau phục sinh, trên bờ Biển Hồ Tibêria, đã chọn thay Người chăn dắt cả đàn chiên của Người, bao gồm cả chiên mẹ lẫn chiên con của Người (xem Gioan 21:15-17)?

Phải chăng vì tông đồ Phêrô dầu sao cũng đã tỏ ra “rối đạo” một cách ngây thơ, ngay sau khi Chúa Kitô phong ngài làm giáo hoàng tiên khởi của Giáo Hội Người lập (xem Mathêu 16:22-23), thậm chí còn cuống lên vội vàng “bỏ đạo” và  “chối đạo” là chính Người Thày vô cùng yêu quí của mình (xem 26:69-75), nên bất xứng đại diện Giáo Hội để được Người trao cho Mẹ của Người, trong khi đó tông đồ Gioan lại tỏ ra trung thành đến cùng với Người, và là người môn đệ cũng là tông đồ duy nhất đứng dưới chân Thánh Giá của Người với Mẹ Người?

Thật ra, chính vì Giáo Hội của Người là Nhiệm Thể của Người, là vị hôn thê trinh trong của Người, được Người hết tình yêu thương và tự hiến cho Giáo Hội được diễm lệ tuyệt với, xứng với tư cách và phẩm vị là hôn thê của Người (xem Epheso 5:25-27), mà tông đồ Gioan, người môn đệ đồng trinh trong tông đồ đoàn, người môn đệ được Người thương, và cũng kính mến Thày mình thiết tha, đã được ngả đầu vào ngực của Người (xem Gioan 15:23), và đã trung thành với Người cho đến cùng (Gioan 19:26),  mới thật sự xứng đáng được Người trao cho Người Mẹ vô nhiễm trinh nguyên của Người, như “người con” của Mẹ thay Người.

2-  “Này là Mẹ con” (Gioan 19:27)

 

Library of behold your son behold your mother clipart black and ...

Chính vì Người Mẹ của Chúa Giêsu, Người Mẹ mà Người đã trao tông đồ Gioan cho, người môn đệ tông đồ đại diện Giáo Hội và là biểu tượng của Giáo Hội, để làm con của Mẹ như chính Người, một người con thiêng liêng trong Thánh Ý Chúa”, được Mẹ hạ sinh bởi lòng “thương yêu đến cùng” của Chúa Giêsu Con Mẹ, cũng như bằng tất cả tấm lòng Mẹ đã kính mến Con Mẹ.

Đúng thế, chính vì mối liên hệ về tình nghĩa thiêng liêng giữa Mẹ Maria và Giáo Hội, nơi người môn đệ tông đồ Gioan, trong Thiên Chúa, ở chỗ tuân theo Thánh Ý Chúa Cha trên trời (xem Mathêu 12:48), như chính Chúa Giêsu Con Mẹ và Mẹ đã thực hiện, mà Mẹ Maria làm Mẹ của Giáo Hội nhờ chính gương mẫu của Mẹ: gương đức tin tuân phục và gương đức ái trọn hảo.

Trước hết là gương đức tin tuân phục của Mẹ, khi Mẹ tỏ ra tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng ở cùng Mẹ (xem Luca 1:28), khi Mẹ được sứ thần Gabiên truyền tin Mẹ được thụ thai Lời Nhập Thể, một mầu nhiệm thần linh Mẹ không thể hiểu, và đồng thời cũng là một biến cố thần linh hoàn toàn phản lại với ý muốn giữ mình đồng trinh của Mẹ, nhưng Mẹ, sau khi biết được phần nào cách thức thần linh Thiên Chúa thực hiện nơi Mẹ, vẫn sẵn sang xin vâng (xem Luca 1:38), xin vâng cho đến cùng, cho đến khi đứng dưới chân Thánh Giá Chúa Giêsu Con Mẹ trên Đồi Canvê.

Sau nữa là gương đức ái trọn hảo của Mẹ, một tấm gương được tỏ hiện chẳng những qua việc Mẹ, cho dù đã trở nên Mẹ của Vị Thiên Chúa vô cùng cao cả, cũng vội vã lên đường đến viếng thăm người chị họ son sẻ của Mẹ, đã được sứ thần Gabiên báo cho Mẹ biết, chị đã có thai được 6 tháng, mà nhất là qua việc Mẹ còn tự nguyện hiến dâng Người Con vô tội duy nhất vô cùng dấu yêu của Mẹ, là tất cả lẽ sống thần linh của Mẹ, lên Chúa Cha, để cùng với Con Mẹ cứu độ trần gian, bất chấp mọi đau thương chính Mẹ phải chịu nơi bản thân thánh hảo của Mẹ, nhất là cái đau kinh hoàng nhất thay cho Con Mẹ, khi Người bị lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn của Người.

Chưa hết, Mẹ Maria chẳng những là gương mẫu của Giáo Hội, vị hôn thê của Chúa Giêsu Con Mẹ, về đức tin tuân phục cũng như về đức ái trọn hảo, mà còn là gương mẫu cho Giáo Hội về tính cách vừa là trinh nữ vừa là mẹ nữa. Đúng thế, chỉ duy một mình Mẹ Maria mới vừa là trinh nữ vừa là mẹ, và chính vì thế, Trinh Nữ Maria mới có thể thụ thai, cưu mang cùng hạ sinh Chúa Giêsu và xứng đáng làm Mẹ của Người thế nào, thì Mẹ cũng mới có thể thụ thai, cưu mang cùng hạ sinh Giáo Hội và làm Mẹ của Giáo Hội là thân mình của Chúa Giêsu Con Mẹ như vậy.

Theo gương Người Mẹ đã được Chúa Giêsu Khổ Giá trăn trối cho mình, Giáo Hội, vị hôn thê trinh trong của Người, và đồng thời cũng là người mẹ của các chi thể làm nên than mình Người, nhờ công ơn cứu chuộc của Người, được tuôn trào ra như “máu và nước” từ chính trái tim “yêu cho đến cùng” bị lưỡi đóng đâm thâu của Người, đã hạ sinh những ai tin vào Chúa Kitô qua Phép Rửa tái sinh, như thể Giáo Hội là chính bí tích cứu độ của Chúa Kitô vậy.

Tư cách vừa là trinh nữ vừa là mẹ của Giáo Hội, phản ảnh Mẹ Maria trinh nữ và là mẹ còn ở chỗ, nếu Trinh Mẫu Maria vô nhiễm nguyên tội đã phải chịu đau khổ và quằn quại sinh con như một tội nhân thế nào, thì Giáo Hội, tự bản chất là thánh, cũng ôm trong lòng mình thành phần con cái tội lỗi, khiến Giáo Hội phải được liên lỉ thanh tẩy, bằng việc canh tân đổi mới sự hiện diện và sinh hoạt của mình qua giòng thờì gian, bằng những gian nan thử thách bất khả thiếu và bất khả tránh để càng được nên giống phu quân của mình hơn, nhất là bằng chính máu tử đạo đổ ra nơi biết bao nhiêu là chi thể thuộc Nhiệm Thể Chúa Kitô, những cành nho sinh trái càng sinh trái hơn (xem Gioan 15:2).

3-  “Đem Mẹ về nhà mình” (Gioan 19:27)

 

The Annunciation | Imagens religiosas, Virgem maria, Apóstolo joão

Tông đồ Gioan, sau khi được Chúa Kitô khổ giá trao Mẹ của Người cho mình thì đã “đem Mẹ về nhà mình”, không phải để chăm sóc cho Mẹ về thể lý, vì Mẹ vẫn có thể chẳng những tự chăm sóc cho Mẹ, như trong thời gian Chúa Giêsu Con Mẹ rời xa Mẹ để thi hành thừa tác vị Thiên Sai Cứu Thế của Người, mà còn có thể chăm sóc cho cả các tông đồ nữa. “Người môn đệ được Chúa Giêsu yêu” này đem Mẹ về nhà mình” là Giáo Hội để noi gương bắt chước Mẹ về đời sống thiêng liêng, về cách sống với Thiên Chúa.

Chính vì được ở trong nhà Giáo Hội của Con Mẹ sau khi Người về thăng thiên về cùng Cha là Đấng đã sai Người, mà Mẹ Maria đã bắt đầu thực thi thừa tác vụ Thánh Mẫu của Mẹ với Giáo Hội Con Mẹ. Trước hết và trên hết, ở biến cố các tồng đồ cần phải dọn mình cho thật xứng đáng để đón nhận “quyền lực từ trên cao” (Tông Vụ 1:8), một thời điểm rất quan trọng cho vai trò làm “chứng nhân của Thày ở Giêrusalem, khắp Giuđêa và Samaria, và cho tới tận cùng trái dất” (Tông Vụ 1:8), nghĩa là hạ sinh Chúa Kitô nơi các tâm hồn tin vào Người, bằng chứng từ đầy Thánh Linh của các vị, một thời điểm vì thế bất khả thiếu vai trò của Mẹ Chúa Kitô, một Người Mẹ đã được “quyền phép Đấng Tối Cao bao phủ” (Luca 1:35), nhờ đó Mẹ đã có thể thụ thai, cưu mang và hạ sinh “Con Thiên Chúa” (Luca 1:35).

Vì chính Mẹ Maria đã hiện diện với các tông đồ, cả trước thời điểm và ngay vào thời điểm Thánh Thần Hiện Xuống trong Ngày Lễ Ngũ Tuần ở Giêrusalem, sau 9 ngày Chúa Giêsu Con Mẹ Thăng Thiên, mà Mẹ đã được Đức Thánh Cha Phanxicô truyền cho cả Giáo Hội hoàn vũ phải tỏ ra đặc biệt tôn kính danh hiệu Mẹ Giáo Hội của Mẹ, một danh hiệu được Đức Thánh Cha Phaolô VI tuyên xưng vào ngày 1/11/1964, trước Công Đồng Chung Vaticanô II, khi ngài ban bố Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium – Ánh Sáng Muôn Dân, bằng Lễ Mẹ Giáo Hội, được cử hành vào Thứ Hai ngay sau Chúa Nhật Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Chính vì đã “đem Mẹ về nhà mình” ngay từ đầu như thế mà Giáo Hội, trong suốt giòng lịch sử của mình, đã tuần tự thiết lập các Lễ về Người Mẹ của mình, từ bậc Lễ Trọng (solemnity) – 4 lễ, liên quan đặc biệt đến các tín điều về Mẹ, sang bậc Lễ Kính (feast) - 6 lễ, liên quan đến các biến cố về Mẹ được Phúc Âm thuật lại, tới bậc Lễ Nhớ (memorial) - 8 lễ, đặc biệt liên quan tới những lần Mẹ Maria chính yếu, để dẫn dắt con cái Giáo Hội về với Con Mẹ, bằng một sứ điệp thời sự nhưng phản ảnh Phúc Âm và ý muốn cứu độ của Con Mẹ. Mẹ có tất cả là 18 lễ, lễ nào cũng liên quan tới mầu nhiệm cứu độ của Chúa Giêsu Con Mẹ.

Việc “đem Mẹ về nhà mình” còn bao gồm cả các tín điều về Mẹ được Giáo Hội, qua giòng thời gian, nhận biết và long trọng tuyên tín, trong đó có 2 tín điều do Công Đồng tuyên tín và 2 tín điều do 2 Đức Thánh Cha công bố, thứ tự như sau:

1-    Tín điều Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, chứ không phải chỉ là Mẹ của Chúa Giêsu, Lời Nhập Thể, Đấng chỉ có 1 ngôi vị duy nhất dù có 2 bản tính, do Công Đồng Chung Êphêsô tuyên tín năm 431;

2-    Tín điều Mẹ Maria trọn đời trinh nguyên kể cả trước khi, đang khi và sau khi sinh Con, do Công Đồng Lateranô tuyên bố vào năm 649;

3-    Tín điều Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngay từ khi được đầu thai, nhờ được Chúa gìn giữ và cho hưởng trước Ơn Cứu Độ của Chúa Kitô, do Đức Thánh Cha Piô IX tuyên tín ngày 8/12/1854;

4-    Tín Điều Mẹ Hồn Xác Về Trời, như Người Con Phục Sinh Thăng Thiên của Mẹ, do Đức Thánh Cha Piô XII công bố vào ngày Lễ Các Thánh 1/11/1950.

4-  “Hãy làm theo những gì Người bảo” (Gioan 2:5)

 

Do Whatever He Tells You” — Integrated Catholic Life™

Nếu bổn phận Giáo Hội trong việc làm con của Mẹ Maria là nhận biết Mẹ, tôn kính Mẹ và noi gương Mẹ, thì bổn phận làm Mẹ Giáo Hội nói chung và của Kitô hữu nói riêng của Mẹ Maria là ở chỗ giúp cho con cái của mình, như mình, được gặp gỡ Chúa Kitô Con Mẹ, nhờ đó được hiệp thong thần linh với Người trong Chúa Cha và bởi Chúa Thánh Linh.

Những gì Mẹ đã thực hiện ở tiệc cưới Cana sẽ được Mẹ tiếp tục và liên lỉ tái diễn trong giòngf lịch sử của Giáo Hội. Ở tiệc cưới Cana, một tiệc cưới được Thánh ký Gioan thuật lại ngay đầu đoạn 2 (trong 21 đoạn) Phúc Âm của ngài, một tiệc cưới ám chỉ tiệc cưới của Con Chiên với tân nương của mình, Mẹ Maria đã đóng vai trò môi giới giữa Chúa Giêsu và loài người.

Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội đã đóng vai trò môi giới giữa Chúa Giêsu Con Mẹ và thành phần phục vụ tiệc cưới, ám chỉ các tông đồ hay hàng giáo phẩm kế vị các ngài, và thành phần dự tiệc cưới, ám chỉ các phần tử của Giáo Hội, một cách hiệu nghiệm ở chỗ: trước hết Mẹ đến báo (chứ không xin) Chúa Giêsu về tình trạng “hết rượu rồi” (Gioan 2:3); sau nữa, vì Mẹ biết được đích xác lý do tại sao giờ của Con Mẹ chưa tới, Mẹ đã đi dọn đường cho giờ Người tới, bằng cách căn dặn gia nhân hãy làm theo ý của Người; sau hết, vì mọi sự đã sẵn sàng cho giờ của Con Mẹ bao giờ cũng tới một khi con người xứng đáng lãnh nhận. Vai trò môi giới của Mẹ là để tạo nên cuộc hội ngộ thần linh này vậy.

Trong giòng lịch sử của Giáo Hội, Mẹ Giáo Hội vẫn tiếp tục sứ điệp duy nhất, tối khẩn và bất khả thiếu này của Mẹ: “Hãy làm theo điều Người bảo”. Bất cứ Mẹ hiện ra ở đâu trên thế giới, như những nơi thời danh tiêu biểu được Giáo Hội công nhận và được chính các Đức Thánh Cha đến kính viếng, nổi nhất là Fatima ở Bồ Đào Nha (vào ngày 13/5 và tất cả 6 lần vào năm 1917), và Lộ Đức ở Pháp quốc (vào ngày 11/2 và tất cả là 18 lần vào năm 1858), vào bất cứ thời điểm nào trong lịch sử loài người, và dù sứ điệp cho mỗi lần hiện ra của Mẹ có vẻ khác biệt ở từng lần Mẹ hiện ra chăng nữa, sứ điệp chính yếu của Mẹ vẫn chung qui là “hãy làm theo những gì Người bảo”.

Có nghĩa là Mẹ Maria luôn kêu gọi loài người nói chung, nhất là Kitô hữu nói riêng, hãy ăn năn thống hối mà trở về cùng Thiên Chúa, bằng cách hãy tuân giữ lề luật của Ngài, chứ đừng sống buông thả theo đam mê của bản tính tự nhiên đã bị băng hoại theo nguyên tội, theo đuổi những thứ hấp dẫn mê hoặc của thế gian theo khuynh hướng thích rộng rãi và hưởng thụ của mình, và chiều theo các chước cám dỗ của ma quỉ mà sa ngã phạm tội mất lòng Chúa, đến độ, thành phần con cái của Mẹ, nếu không chịu hay không kịp ăn năn thống hối trở về cùng Chúa là Thiên Chúa chân thật duy nhất, chí thánh, chí ái và chí tôn trên hết mọi sự của mình, có thể liều mình sẽ bị đời đời hư vong, hoàn toàn uổng phí mất Ơn Cứu Độ vô cùng cao quí của Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ.

Có lẽ sứ điệp chính yếu của Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội: “hãy làm theo những gì Người bảo” ở tiệc cưới Cana, phản ảnh trung thực nhất nơi Sứ Điệp Fatima ngày 13/10/1917, khi Mẹ Maria, trước khi biến mất, không bao giờ trở lại Fatima vào mỗi ngày 13 trong tháng, suốt 6 tháng lien năm 1917 nữa, thảm thiết kêu gọi cách riêng Kitô hữu, như một lời trăn trối tối quan trọng cuối cùng rằng: “Đứng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”. “Chúa là Thiên Chúa” ở đây chính là Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ, “đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”, ở chỗ, như Thiên Thần Hòa Bình đã dạy cho 3 Thiếu Nhi Fatima thụ khải từ năm 1916 những lời nguyện đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể, trong đó bao gồm cả những gì “Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”, như Người đã bị chính thành phần Kitô hữu “lăng nhục, phạm thánh và thờ ơ lãnh đạm”, bởi họ “không tin kính Chúa, không thờ lạy Chúa, không trông cậy Chúa và không yêu mến Chúa”!

5-  “Để Người tỏ vinh quang của Người” (Gioan 2:11)

 

Changing Water into Wine Poster | Religious Posters | Spiritual ...

 

Thật vậy, mối liên hệ thiêng liêng giữa Mẹ Maria và Giáo Hội, được Chúa Kitô thiết lập trên Thánh Giá: “Này là con của Bà” và “này là Mẹ của con”, kèm theo bổn phận cả của con là “đem Mẹ về nhà mình” lẫn của Mẹ là “hãy làm theo những gì Người bảo”, đều nhắm đến mục đích tối hậu đó là “để Người tỏ vinh quang của Người ra”. Thế nhưng, đâu là vinh quang của Thiên Chúa và vinh quang của Ngài được tỏ hiện ra sao?

Nếu vinh quang của Thiên Chúa là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa thì vinh quang của Ngài là những gì Ngài tỏ mình ra. Mà Chúa Kitô là tất cả mạc khải thần linh: “Ai thấy Thày là thấy Cha” (Gioan 14:7), và là tột đỉnh thần linh của Thiên Chúa trong giòng lịch sử cứu độ của dân Do Thái: “Khi quí vị treo Con Người lên quí vị sẽ biết Tôi là ai” (Gioan 8:28). Vậy Chúa Kitô “tỏ vinh quang của Người ra” tức tỏ mình ra là ai, để nhờ đó “các môn đệ tin vào Người” (Gioan 2:11) là Đấng Thiên Sai, và qua Người tin vào Thiên Chúa là Đấng đã sai Người.

Chính vì vinh quang của Thiên Chúa là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa, là tất cả những gì về Ngài và Ngài muốn tỏ ra cho, trước hết và trên hết, là Trinh Nữ Maria, Mẹ của Lời Nhập Thể, sau đó là thành phần môn độ tông đồ chứng nhân tiên khởi của Con Ngài, mà vinh quang của Thiên Chúa không phải ở chỗ con người làm gì cho Ngài, vì Ngài là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và Toàn Hữu (xem Xuất Hành 3:14; Khải Huyền 1:17-18, 21:6), không tạo vật nào có thể thêm vào cho Ngài bất cứ một sự gì, trái lại, vinh quang của Thiên Chúa là ở chỗ Ngài làm cho con người, vì thế, con người hãy để cho Ngài tỏ vinh quang của Ngài ra nơi bản thân mình và cuộc đời của mình, bằng đức tin tuân phục như Mẹ Maria: “Này tôi là tôi tớ Chúa. Xin hãy thực hiện nơi tôi những gì sứ thần truyền” (Luca 1:38).

Trong việc hoạt động tông đồ hay tham dự phụng vụ cũng thế, vinh quang của Thiên Chúa không phải ở chỗ Kitô hữu môn đệ của Chúa Kitô làm cho Ngài được vinh quang, khi chúc tụng Chúa hay khi dấn thân phụng vụ Chúa, mà là những sinh hoạt truyền giáo và phụng vụ chỉ là việc Kitô hữu hợp tác với, hay đúng hơn, là việc họ được thông phần vào tất cả công nghiệp của Chúa Kitô để hoàn tất dự án cứu đô vô cùng yêu thương nhân hậu của Thiên Chúa là Cha trên trời.

Chính vì vinh quang của Thiên Chúa là tất cả những gì Thiên Chúa muốn tỏ mình ra, thông mình ra, qua con người, mà cả đau khổ cũng là cơ hội Thiên Chúa tỏ vinh quang của Ngài ra, chỉ cần con người biết sẵn sang chấp nhận mọi sự theo Thánh Ý Chúa, như Chúa Kitô Con Thiên Chúa “đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập tự giá” (Philiphê 2:8).

Thậm chí cả tội lỗi và mọi bất toàn của con người càng là dịp cho vinh quang của Thiên Chúa tỏ hiện rạng ngời hơn bao giờ hết và hơn ở đâu hết, như trường hợp “hết rượu” ở tiệc cưới Cana, chỉ cần con người tin vào Ngài nơi Con của Ngài, tức là hãy để cho Ngài tỏ mình ra qua Con Ngài, bằng cách “làm theo những gì Người bảo”, như Mẹ Maria khuyên nhủ theo vai trò môi giới của Mẹ.

Đó là lý do Kinh Lạy Cha phản ảnh đúng đường lối thần linh là để Thiên Chúa tỏ vinh quang của Ngài ra, nơi chính bản thân chúng ta, cũng như nơi chung cộng đồng “chúng con” là dân Chúa, là gia đình của cùng một Người Cha ở trên trời: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.

Bài viết trên chuyến bay từ JFK New York về Ontario CA Thứ Hai 26/8/2019

 

Xin mời nghe chia sẻ bằng audio ở cái link dưới đây:

Nhờ Mẹ đến Chúa - Per Mariam ad Jesum

 

From: Lucy Thao
Date: Mon, May 11, 2020 at 2:04 AM
Subject: Re: Linh Đạo Thánh Mẫu Học theo Phúc Âm Thánh Gioan
To: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>

bai viet hay quá, HN Thảo Nhi cam ơn anh

TN sẽ đăng từng phần lên groupe ở facebook, TN có 2 groupe về Mẹ

TAT CẢ CHO MẸ TOTUS TUUS

MẸ MARIA LÀ CỬA THIÊN ĐÀNG

và PAGE MẸ MARIA LÀ CỬA THIÊN ĐÀNG.