CÔNG GIÁO VIỆT NAM

 

2020

 

 

Thiên Chúa ở một mình không tốt

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

creation genesis | The Story of Creation(audio) Adam in the Garden ...

 

Cho dù tự mình, Thiên Chúa đã viên trọn và toàn mãn, thế nhưng, cũng chính vì toàn mãn mà Ngài lại muốn trở thành Emmanuel, vị Thiên Chúa ở giữa loài người. Bởi thế, có thể nói không phải vì con người sa ngã mà Thiên Chúa mới muốn nhập thể hóa thân làm người như con người, mà ngày từ ban đầu Ngài đã có ý định nhập thể rồi. Nếu nói theo kiểu loài người thì nhập thể là nhu cầu bất khả thiếu và là một khuynh hướng bất khả kháng của một Thiên Chúa muốn tỏ mình ra: "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Gioan 1:5) không thể nào không soi chiếu mà còn là Thiên Chúa. "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) không thể nào không yêu mà còn là Thiên Chúa! Do đó, nguyên tội chỉ là cái cớ thích đáng để Thiên Chúa lợi dụng tỏ hết mình ra thôi, chứ nguyên tội không phải là nguyên nhân chính yếu hay nguyên động lực thúc đẩy Thiên Chúa nhập thể.

 

Và đó là lý do trước khi dựng nên con người và sự kiện sa ngã của con người, Thiên Chúa đã tỏ cho loài thần thiêng trên trời biết ý định nhập thể của Ngài. Ở chỗ, khi Ngài dựng nên loài thần thiêng này vào ngày thứ nhất, ngày đầu tiên trong 6 ngày tạo dựng, ngày Ngài dựng nên "ánh sáng" (Khởi Nguyên 1:3), và ngay sau đó Ngài "đã phân ánh sáng ra khỏi bóng tối" (Khởi Nguyên 1:4). Việc Ngài "phân ánh sáng ra khỏi bóng tối" ngay từ ngày đầu tiên tạo dựng muôn loại cả vô hình (thần thiêng) lẫn hữu hình (thế gian và nhất là loài người) ấy ám chỉ việc Ngài tỏ cho loài thần thiêng này ý định nhập thể của Ngài, một ý định thần linh tối thượng phản ảnh bản tính yêu thương này đã bị Luxiphe là đệ nhất thần, qua hình ảnh con khủng long, cùng với 1/3 thần thiêng bị cái đuôi gương mù của nó lôi kéo, chống lại, và vì thế đã trở thành bóng tối sự chết. Biến cố bóng tối bị tách ra khỏi ánh sáng ngay từ ban đầu này, trước mạc khải về ý định nhập thể của Thiên Chúa, đã được Sách Khải Huyền diễn tả, qua hình ảnh con khủng long rình chực trước người nữ sinh con để nuốt con trẻ (12:4)

Israel Jesus and Woman v Seven Headed Dragon Revelation 12 Art ...

 

Chính vì Thiên Chúa đã có ý định nhập thể ngay từ ban đầu mới có chuyện Chúa Giêsu Kitô "là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử của tất cả mọi tạo vật" (Galata 1:15), có nghĩa là "trong Người tất cả mọi sự trên trời dưới đất được dựng nên, hữu hình và vô hình" (Colose 1:15) và "được dựng nên nhờ Người và cho Người" (Colose 1:16), nhất là loài người là loài vừa hữu hình bề ngoài vừa vô hình bề trong, loài duy nhất trong tất cả mọi tạo vật trên trời dưới đất được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài (xem Khởi Nguyên 1:26-27) là Chúa Giêsu Kitô. Bởi vì ý định Thiên Chúa dựng nên loài người chẳng những là để tỏ mình ra mà còn để loài người nhờ đó mà được hiệp thông thần linh với Ngài nữa, mối hiệp thông thần linh trong Chúa Giêsu Kitô, "Thiên Chúa thật và là người thật" (Kinh Tin Kính). Như thế, ơn gọi là người và làm người của con người đó là làm sao để có thể trung thực và sống động phản chiếu "hình ảnh của Thiên Chúa vô hình" là Chúa Giêsu Kitô, nghĩa là phản ảnh Con Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người, "Con Cha yêu dấu, đẹp lòng Cha mọi bề" (Mathêu 3:17).   

 

Loài người được dựng nên họ theo hình ảnh của Thiên Chúa, trước hết và trên hết là giống Chúa Giêsu Kitô "là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình", sau nữa là giống Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, một Thiên Chúa hiệp thông  Ba Ngôi: "Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh của chúng ta và tương tự như như chúng ta". Chính vì con người "được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa", một Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, mà họ là một cá nhân, một cá thể biệt lập trong xã hội loài người, độc nhất vô nhị trên trần gian này, không ai giống ai, bất khả cloning (tạo sinh sao bản như con vật, như con cừu bên Anh quốc hay con chó bên Trung cộng), từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. So với loài vật chỉ là một tập thể hình thù và diện mạo giống nhau, thậm chí cả với loài thần thiêng vô hình nói chung cũng là một tập thể: "Tên ngươi là gì?" - "Chúng tôi là một đạo binh, vì chúng tôi nhiều lắm" (Marco 5:8). 

Flareon banished from Heaven : twitchplayspokemon

 

Tuy nhiên, con người không phải chỉ được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa chân thật duy nhất, ở chỗ, là một cá thể độc nhất trên đời về hữu thể, mà còn được dựng nên tương tự như Vị Thiên Chúa duy nhất nhưng cũng là Vị Thiên Chúa hiệp thông Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần nữa. 

 

Và đó là lý do "con người ở một mình không tốt" (Khởi Nguyên 2:18), cần phải sống hiệp thông nữa trong đời sống của mình. Mà hiệp thông là một mối liên hệ, như khuôn mẫu nơi mối hiệp thông thần linh của Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần. Chính vì con người được dựng nên "tương tự như" Thiên Chúa, ở chỗ hiệp thông như thế, mà trong cho dù con người đầu tiên và duy nhất có ngự giữa một thiên đường trần thế là vườn địa đường với muôn vàn muông thú để chọn lựa làm "đồng bạn xứng hợp của mình" (Khởi Nguyên 2:20), con người vẫn chưa viên trọn, vẫn còn thiếu một cái gì bất khả thiếu, nên vẫn tìm kiếm khôn nguôi ở tận thâm tâm của mình, như thể trải qua qua "một giấc ngủ say" (Khởi Nguyên 2:21), cho đến khi, theo tác động thần linh của Thiên Chúa, con người đã tự động thốt lên "cuối cùng thì đây là xương bởi xương tôi, và thịt bởi thịt tôi... rồi cả hai trở nên một thân mình" (Khởi Nguyên 2:23-24). 

posts-icon-creation-adam-eve | St. Nektarios Orthodox Church of ...

 

Nếu nguyên lý hiệp thông là Thánh Thần Thiên Chúa, như nơi mối hiệp thông thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần, thì chỉ nhờ Thánh Thần Thiên Chúa con người mới có thể nhờ đó hiệp thông với Thiên Chúa, với nhau và với tất cả mọi tạo vật mà thôi. Đó là lý do, có thể nói, tại sao ngay từ ban đầu, khi con người còn sống trong tình trạng công chính nguyên thủy, chẳng biết đến tội lỗi là gì: "trần truồng mà không biết xấu hổ" (Khởi Nguyên 2:25), nghĩa là chưa có tính mê nết xấu và đam mê nhục dục mà đã có thể phạm tội! Tội phạm không phải là do tính mế nết xầu và đam mê nhục dục, mà chính yếu là bởi tự do của con người. Các thần trời thiêng liêng sáng láng, không hề có xác thịt như loài người, nhưng cũng đã phạm tội, khiến các vị đã bị "mất chỗ của mình ở trên trời" (xem Khải Huyền 12:8-9) là mối hiệp thông thần linh với Thiên Chúa. 

 

Loài người, cho dù đã được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa, để phản ảnh Ngài là Vị Thiên Chúa Duy Nhất nhưng đồng thời cũng là Vị Thiên Chúa Yêu Thương, tự mình vẫn không thể hiệp thông thần linh với Ngài, nếu không có Thánh Thần Thiên Chúa được ban cho họ, để nhờ đó họ có thể nhận biết Thiên Chúa như Ngài là, và xứng đáng yêu Ngài như Ngài muốn. Tuy nhiên, loài người là tạo vật vô cùng thấp hèn và hạn hữu, không thể nào tự mình lãnh nhận Thánh Thần Thiên Chúa, trong khi đó con người không thể nào thiếu Thánh Linh Thiên Chúa để nhờ đó được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa, bằng việc nhờ Thánh Linh mà nhận biết Thiên Chúa và kính mến Thiên Chúa một cách xứng đáng. Bởi thế, theo thượng trí vô cùng khôn ngoan của mình, chính Thiên Chúa đã phải đích thân làm người, nơi Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô, để ban cho con người Thánh Linh của Ngài.

 

Thật thế, không phải vì con người sa ngã phạm tội mà Thiên Chúa mới xuống thế làm người. Thiên Chúa có thể tha cả tội lẫn vạ cho con người ngay sau khi con người phạm đến Ngài mà không cần xuống thế làm người và chịu nan chịu chết vô cùng đớn đau nhục nhã bất xứng với Ngài. Tuy nhiên, cho dù con người sa ngã phạm tội ngay từ ban đầu ấy có được Thiên Chúa vô cùng nhân hậu tha thứ cả tội lẫn vạ, nhân tính của họ vẫn ở trong tình trạng băng hoại, bất xứng với Ngài, không thể hiệp thông thần linh với Ngài. Do đó, Thiên Chúa đã lợi dụng cơ hội con người sa ngã để xuống thế làm người, để tỏ tất cả bản tính là tình yêu vô cùng nhân hậu của Ngài ra, nhờ đó, bằng nhân tính của họ và như họ, qua cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô Con Ngài, Ngài chẳng những đã cứu con người khỏi tội lỗi và sự chết, mà còn, bằng Thánh Thần của Ngài, hoa trái xuất phát từ Đấng Phục Sinh (xem Gioan 20:22) và Thăng Thiên (xem Gioan 16:5-16), ban cho con người "sự sống và là sự sống viên mãn" (Gioan 10:10). 

The return of the Prodigal Son painting oil painting on canvas | Etsy

 

Thiên Chúa ở một mình không tốt, mà là muốn ở với loài người như một Emmanuel, nơi Con Ngài là Đức Giêsu Kitô và bằng Thánh Thần của Ngài được Ngài thông ban cho con người qua Lời Nhập Thể và Vượt Qua. Và chính vì thế mà Sách Khởi Nguyên mới khẳng định: "Đó là lý do người nam lìa bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ mình" (2:24). Nếu "người nam" ngay từ ban đầu ấy là con người duy nhất, và đầu tiên được Thiên Chúa dựng nên từ bùn đất, ám chỉ thân xác, và hơi thở của Ngài, ám chỉ hồn thiêng (Khởi Nguyên 2:7), thì đâu có cha mẹ để mà "lìa bỏ". Vậy, ở đây có thể hiểu là ám chỉ Chúa Giêsu Kitô, "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14), Người Con đã lìa bỏ Cha Trên Trời của mình để ở với loài người và nên một với loài người, nhờ đó, ý muốn tối hậu của Thiên Chúa trong việc tạo dựng nên loài người của Thiên Chúa được hoàn tất, như thị kiến được Sách Khải Huyền (21:1-3) ghi lại như sau: 

 

"Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: 'Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ'".

 

Holy Day of Obligation: All Saints' Day – South Carolina Catholic

 

Xin nghe bài giảng và huấn từ truyền tin của ĐTC về bí tích hiện diện thần linh của Vị Thiên Chúa không muốn ở một mình mà là với loài người ở cái link dưới đây:

 

DTCPhanxico-BaiGiangvaHuanTuTruyenTinLeMinhMauChuaKito.2020.mp3

 

 

Nhận định của độc giả về bài "Thiên Chúa ở một mình không tốt":

Bài viết "Thiên Chúa ở một mình không tốt" được phổ biến cho cộng đồng dân Chúa, bao gồm cả trên dưới 3 ngàn địa chỉ emails, trong đó có cả gần chục vị giám mục và trăm vị linh mục cùng tu sĩ nam nữ, một cộng đồng emails được người viết hằng ngày chia sẻ Phụng Vụ Lời Chúa, hằng tuần gửi các bài dịch lời của ĐTC (Huấn Từ Truyền Tin, Giáo Lý, Giảng Lễ, Sứ Điệp v.v.), và từng dịp gửi các bài chia sẻ liên quan đến Giáo Hội Hiện Thế, Giáo Hội trong thế giới ngày nay, hay về đời sống tu đức, đời sống chứng nhân của Kitô giáo trong thế giới ngày nay. Chẳng hạn loạt bài về đức tin trong mùa đại dịch covid-19 mới được mở màn bằng bài đầu tiên là "Thiên Chúa ở một mình không tốt"..

Sáng hôm nay, người viết nhận được 2 emails của 2 vị giáo dân quen biết, một vị cho rằng người viết "lý luận giống như bị lạc giáo!", và một vị thì "thêm chữ 'nói' mới đúng nghĩa: Thiên Chúa nói 'ở một mình không tốt'". Thực ra khi viết bài lấy tựa đề "Thiên Chúa ở một mình không tốt", người viết đã cảm thấy thế nào cũng có phản ứng, không thể nào thoát được, vì nhan đề nghe/đọc thật sự là bất khả chấp. Tuy nhiên, người viết lại hoàn toàn không rào đón gì hết, đi thẳng ngay vào những gì mình cần chia sẻ theo quan điểm của mình, căn cứ vào nền tảng Thánh Kinh đàng hoàng, hy vọng đọc kỹ độc giả sẽ thấy được một cái gì đó mới lạ, ngược đời nhưng không sai!

Thật vậy, tự mình, Thiên Chúa là Đấng viên mãn, toàn hảo, không thiếu gì và chẳng cần ai. Thế nhưng, nếu là Thiên Chúa là Đấng hằng sống, bất tử, không thể chết, không ai có thể giết được Ngài, vậy thì tại sao Ngài lại chết... nơi Người Con Nhập Thể của Ngài, cũng là Thiên Chúa như Ngài chứ? Chính vị tông đồ trưởng Phêrô đã tuyên xứng đức tin chính xác, được Chúa Kitô khen (xem Mathêu 16:17), và vì căn cứ vào đức tin chính xác này của mình, ngài Phêrô lại phạm đến Thày mới oái oăm, lại trở thành "satan" ngay sau đó (xem Mathêu 16:23). Bởi vì, theo lập luận trần gian của ngài, không phải là lý lẽ của Thiên Chúa (xem Mathêu 16:23), ở chỗ, theo lý lẽ trần gian: nếu Thày đã là "Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16) thì Thày không thể nào bị sát hại, bị chết được! Thế nhưng, cái đúng lý của trần gian này lại không phải là thứ triết lý vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa.

"Thiên Chúa ở một mình không tốt" cũng thế, theo cả lập luận trần gian cũng như thần học và giáo lý thì hoàn toàn sai trái, lạc đạo, phản đức tin. Tuy nhiên, theo triết lý vô cùng khôn ngoan siêu việt của Thiên Chúa, thì Ngài vẫn là "Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (Gioan 1:14), nghĩa là Ngài không chịu "ở một mình", vì tự bản thân Ngài đã toàn mãn và toàn hảo, mà lại tự nguyện muốn "ở cùng chúng ta" là loài người thụ tạo của Ngài, nơi Người Con Nhập Thể của Ngài. Phải chăng, đó là lý do mà Chúa Giêsu Kitô, ngay từ khi mới được 40 ngày, trong biến cố Người được cha mẹ dâng trong Đền Thánh, đã được vị lão thành Simeon tiên báo "là dấu hiệu xung khắc - a sign of contradiction" (Luca 2:34), "nên cớ cho nhiều người Israel vấp phạm hay chỗi dậy" (cùng câu vừa trích) - trong số vấp phạm có cả chính các tông đồ của Người, tiêu biểu nhất là tông đồ trưởng Phêrô!

Vậy thì, theo triết lý siêu việt vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa ở đây là gì, hay nói cách khác, đâu là lý lẽ của Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan, toàn hảo, toàn năng, bất biến, bất tử v.v., qua việc Ngài Nhập Thể và Tử Giá nơi Chúa Giêsu Kitô Con của Ngài? Xin thưa, theo trí khôn thiển cận của người viết này, đó là: chính vì Thiên Chúa muốn tỏ mình ra là Đấng Toàn Mãn mà Ngài đã nhập thể để tỏ ra Ngài toàn mãn, bằng việc ban tặng bản thân mình cho loài người (xem Gioan 3:16), như ánh sáng phải soi chiếu mới là ánh sáng: "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Gioan 1:5), hay như tình yêu thì phải yêu mới là tình yêu, nghĩa là phải nên một với đối tượng được yêu, mà "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16), Ngài đã tỏ tình yêu của Ngài ra ở chỗ, trước hết, "ở cùng chúng ta", nhất là ở chỗ "chết cho chúng ta".

Tóm lại, chính vì Thiên Chúa muốn tỏ mình ra là Đấng hằng sống, bất diệt, mà Ngài đã chết đi nơi Người Con Nhập Thể nhưng đã sống lại nơi Người Con Phục Sinh của Ngài. Như thế, mầu nhiệm và biến cố Nhập Thể cùng  Tử Nạn của Con Ngài, Chúa Giêsu Kitô, là đường lối mạc khải thần linh tuyệt vời nhất Thiên Chúa cố ý và tự tình muốn thực hiện để chứng tỏ Ngài thực sự là Đấng Toàn Mãn và Toàn Hảo, Hằng Sống và Bất Diệt, chứ không phải hoàn toàn ngược lại. Bởi vậy Giáo Hội mới chí lý khi mâu thuẫn vang lên những lời hết sức hân hoan lạ lùng chưa từng thấy, trong Đêm Vọng Phục Sinh, qua bài Exultet như thế này: "Ôi, tội hồng phúc - O, felix culpa".

 

 

From: Lt Nguyen
Date: Mon, Jun 29, 2020 at 7:28 AM
Subject: Fw: Thiên Chúa nói " ở Một Mình Không Tốt" (Thêm chữ "nói" mới đúng nghĩa)
To: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>

----- Forwarded Message -----

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>

To: tinh cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>

Sent: Sunday, June 28, 2020, 06:05:37 PM PDT

Subject: Thiên Chúa ở Một Mình Không Tốt

Thiên Chúa nói "ở một mình không tốt"

 

 

From: LV
Date: Sun, Jun 28, 2020 at 10:41 PM
Subject: Re: Thiên Chúa ở Một Mình Không Tốt
To: Tinh Cao <Daminhmariacaotantinh@gmail.com>

Anh Tinh lý luận giống như bị lạc giáo!