GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Giảng Lễ Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm B

 

Dịp Phong Tước cho 13 vị tân hồng

 

Pope Francis celebrates the Eucharist with new Cardinals

Các bài đọc hôm nay đề ra 2 chữ chính cho Mùa Vọng, đó là cận kề tỉnh thức.

Việc Thiên Chúa cận kề và việc chúng ta tỉnh thức.

Pope Francis offers Mass in St. Peter's Basilica Dec. 1, 2019. Credit: Vatican Media/CNA.

Nếu chúng ta xin Chúa Giêsu đến sát gần với chúng ta thì chúng ta cần phải làm sao cho bản thân chúng ta tỉnh thức...

Tỉnh thức có nghĩa là giờ đây là đêm tối.

Chúng ta không sống giữa ánh sáng chói chang ban ngày, mà là đang đợi chờ hừng đông, giữa tối tăm và mệt mỏi rã rời.

Ánh sáng ban ngày sẽ xuất hiện khi chúng ta được ở với Chúa.

Làm sao chúng ta có thể chỗi dậy từ tình trạng ngủ vùi vào những gì là tầm thường đây?

Bằng việc tỉnh thức cầu nguyện...

Làm sao chúng ta có thể chỗi dậy cho khỏi tình trạng mê ngủ lạnh lùng lãnh đạm này chứ?

Bằng việc tỉnh thức của lòng bác ái yêu thương.

 

 

 

1- Các bài đọc hôm nay đề ra 2 chữ chính cho Mùa Vọng, đó là cận kềtỉnh thức. Việc Thiên Chúa cận kề và việc chúng ta tỉnh thức. Tiên tri Isaia nói rằng Thiên Chúa là Đấng cận kề với chúng ta, còn trong Phúc Âm Chúa Giêsu lại thôi thúc chúng ta tỉnh thức trong niềm trông mong Người trở lại.

Cận kề. Tiên tri Isaia bắt đầu thân thưa với Thiên Chúa rằng: "Ôi Chúa, Ngài là cha của chúng con" (63:16). Vị tiên tri tiếp tục: "Chưa hề có ai nghe thấy về một Thiên Chúa nào ngoài Chúa, Đấng đã thực hiện rất nhiều điều cho những ai tin tưởng vào Ngài" (64:3). Chúng ta đã được nhắc nhở những lời trong Sách Đệ Nhị Luật rằng: ai giống như Chúa là Thiên Chúa của chúng tôi, rất kề cận với chúng tôi, bất cứ khi nào chúng tôi kêu lên Ngài" (4:7). 2- Mùa Vọng là mùa để tưởng nhớ đến sự cận kề ấy của Thiên Chúa, Đấng đã đến ngự giữa chúng ta. Vị tiên tri này tiếp tục xin Thiên Chúa cận kề với chúng ta một lần nữa rằng: "Ôi xin Chúa hãy mở ra các tầng trời mà xuống" (64:1). Chúng ta đã nguyện cầu điều này ở bài thánh vịnh đáp ca: "Xin hãy trở lại... để cứu chúng con" (Ps 80:15.3). Chúng ta thường bắt đầu những lời cầu nguyện của chúng ta bằng lời thỉnh nguyện: "Lạy Thiên Chúa, xin hãy đến trợ giúp con". Bước đầu tiên của đức tin đó là thân thưa với Ngài rằng chúng ta cần đến Ngài, chúng ta cần Ngài cận kề với chúng ta.

Đó cũng là sứ điệp đầu tiên của Mùa Vọng và phụng niên: chúng ta cần nhận ra việc Thiên Chúa cận kề mà thân thưa cùng Ngài rằng: "Xin hãy đến ở cận kề với chúng con một lần nữa!" Thiên Chúa muốn được cận kề với chúng ta, thế nhưng Ngài sẽ không tự áp đặt mình; tùy chúng ta có biết luôn thân thưa cùng Ngài rằng: "Xin hãy đến!". Đó là lời cầu nguyện Mùa Vọng của chúng ta: "Xin hãy đến!" Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu đã đến ở giữa chúng ta, và sẽ lại đến vào ngày cùng tháng tận. Tuy nhiên, chúng ta có thể đặt vấn đề về ý nghĩa của hai lần đến này, trong khi đó Người lại chẳng đến với đời sống của chúng ta hôm nay hay sao? Vậy thì chúng ta hãy mời Người. Chúng ta hãy sử dụng lời cầu nguyện truyền thống về Mùa Vọng là: "Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến" (Rev 22:20). Sách Khải Huyền đã kết thúc bằng lời cầu nguyện ấy: "Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến". Chúng ta có thể đọc lời cầu nguyện này vào lúc mở đầu cho từng ngày sống và thường xuyên lập lại lời cầu ấy, trước khi hội họp, trước khi học hành và trước khi làm việc, trước khi thực hiện các quyết định, vào những lúc quan trọng nhất hay khó khăn nhất trong đời sống của chúng ta: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến! Đó là một lời nguyện nho nhỏ, mà là lời cầu nguyện xuất phát từ cõi lòng. Chúng ta hãy đọc lời cầu này trong Mùa Vọng đây. Nào chúng ta hãy lập lại lời nguyện ấy: "Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!".

3- Nếu chúng ta xin Chúa Giêsu đến sát gần với chúng ta thì chúng ta cần phải làm sao cho bản thân chúng ta tỉnh thức. Hôm nay, Phúc Âm của Thánh Marco đã cho chúng ta thấy đoạn cuối của những lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người, những lời có thể tóm gọn lại thành 2 chữ: "Tỉnh thức!" Chúa lập lại những chữ này 4 lần trong 5 câu (cf. Mk 13:33-35.37). Cần phải luôn tỉnh thức, vì lỗi lầm lớn nhất trong đời sống đó là đắm mình vào trăm nghìn chuyện mà lại không chú tâm đến Thiên Chúa. Thánh Âu Quốc Tinh đã nói: “Timeo Iesum transeuntem” (Sermons, 88, 14, 13), "Tôi sợ rằng Chúa Giêsu sẽ không ngờ vượt qua trước mắt tôi". Bị cuốn hút vào những mối quan tâm hằng ngày của chúng ta (chúng ta biết rõ điều này mà!), và bị phân tâm bởi rất nhiều những gì là hư ảo phù du, chúng ta liều mình lạc mất những gì là thiết yếu. Đó là lý do tại sao hôm nay Chúa lập lại rằng: "Thày nói cùng tất cả mọi người rằng: hãy tỉnh thức" (Mk 13:37). Hãy tỉnh thức, hãy chú ý.

4- Tuy nhiên, tỉnh thức có nghĩa là giờ đây là đêm tối. Chúng ta không sống giữa ánh sáng chói chang ban ngày, mà là đang đợi chờ hừng đông, giữa tối tăm và mệt mỏi rã rời. Ánh sáng ban ngày sẽ xuất hiện khi chúng ta được ở với Chúa. Chúng ta đừng nản lòng: ánh sáng ban ngày sẽ xuất hiện, các thứ bóng tối đêm đen sẽ bị tan biến, và Chúa, Đấng đã chết cho chúng ta trên cây thập tự giá, sẽ sống lại để trở thành vị thẩm phán của chúng ta. Tỉnh thức bằng niềm trông đợi Chúa đến nghĩa là không để mình bị thất đảm chán chường. Chính là sống trong hy vọng. Như trước khi chúng ta được sinh ra thì những người thân yêu của chúng ta đã chờ mong chúng ta xuất hiện trên thế gian này thế nào, thì giờ đây ngôi vị Tình Yêu cũng đang đợi chờ chúng ta vậy. Nếu chúng ta đang được Trời Cao đợi chờ thì tại sao chúng ta lại bị cuốn hút vào những thứ quan tâm trần thế chứ? Tại sao chúng ta lại lo âu về tiền bạc, danh tiếng, thành đạt, tất cả những thứ sẽ qua đi? Tại sao chúng ta phí giờ phán nàn về đêm tối, khi ánh sáng ban ngày đang đợi chờ chúng ta chứ? Tại sao chúng ta lại phải tìm kiếm "những vị quan thày" để giúp nghề nghiệp của chúng ta thăng tiến chứ? Tất cả những thứ ấy sẽ qua đi thôi. Hãy tỉnh thức như lời Chúa căn dặn chúng ta.

5- Việc tỉnh thức không phải là chuyện dễ; thật sự là rất khó thực hiện. Về đêm thì tự nhiên dễ ngủ. Ngay cả thành phần môn đệ của Chúa Giêsu cũng không làm sao tỉnh thức được khi được căn dặn hãy tỉnh thức "vào buổi tối, hay lúc nửa đêm, hoặc lúc gà gáy, hay vào hừng đông" cf.v.35). Đó là chính những lúc các vị không tỉnh thức: vào ban tối, tại Bữa Tiệc Ly, các vị đã phản bội Người; vào nửa đêm, các vị đã ngủ gà ngủ gật; vào lúc gà gáy các vị đã chối bỏ Người; vào ban sáng, các vị để Người bị lên án tử. Các vị đã không tỉnh thức. Các vị đã thiếp ngủ. Thế nhưng cũng cái mê mệt này có thể phủ chiếm cả chúng ta nữa. Cái ngủ có thể gây ra nguy cơ là nó trở thành một thứ mê mệt về những gì là tầm thường. Nó xuất hiện khi chúng ta quên đi mối tình đầu của mình, và cảm thấy thỏa mãn với những gì là lạnh lùng lãnh đạm, chỉ biết quan tâm đến cuộc sống không bị trục trặc rắc rối của mình. Không cố gắng thực hiện việc mến yêu Thiên Chúa hằng ngày, và đợi chờ những gì là mới mẻ liên tục được Người mang lại cho chúng ta, chúng ta sẽ trở thành tầm thường, trở thành hâm hâm dở dở, bị tục hóa. Tình trạng này dần dần gặm nhắm đức tin của chúng ta, vì đức tin thì hoàn toàn ngược lại với tính chất tầm thường: đức tin là niềm ước muốn Thiên Chúa một cách nhiệt liệt, là một nỗ lực kiên trì đổi thay, là lòng can đảm yêu thương, là liên tục tiến bộ. Đức tin không phải là nước dập tắt những ngọn lửa, mà chính là lửa thiêu đốt; đức tin không phải là thứ thuốc an thần cho người bị lo âu, mà là một câu chuyện tình đối với con người phải lòng nhau! Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu ghê tởm hơn hết những gì là hâm hâm dở dở (cf Rev 3:16). Thiên Chúa hiển nhiên tỏ ra khinh bỉ tình trạng ương ương dở dở ấy.

6- Làm sao chúng ta có thể chỗi dậy từ tình trạng ngủ vùi vào những gì là tầm thường đây? Bằng việc tỉnh thức cầu nguyện. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta thắp lên một ngọn nến trong tăm tối. Việc cầu nguyện làm cho chúng ta chỗi dậy khỏi tình trạng hững hờ của một cuộc sống chỉ bình bình vậy thôi, và giúp cho chúng ta hướng mắt lên cao hơn; việc cầu nguyện giúp cho chúng ta hòa hợp với Chúa. Việc cầu nguyện giúp cho Thiên Chúa có thể gần gũi chúng ta; cầu nguyện giúp chúng ta thoát được mối quan tâm của chúng ta, và cống hiến cho chúng ta niềm hy vọng. Cầu nguyện là những gì sống còn cho đời sống: như không thở chúng ta không thể sống thế nào, thì chúng ta không thể là Kitô hữu mà lại không cầu nguyện. Chúng ta cần đến các Kitô hữu tỉnh thức, thay cho những ai đang mê ngủ, những con người tôn thờ ngày đêm chuyển cầu trước nhan Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian cho lịch sử tăm tối. Chúng ta cần biết bao những Kitô hữu biết tôn thờ. Chúng ta đã bị mất đi một cái gì đó nơi cảm quan tôn thờ của chúng ta, nơi việc lắng đọng tôn thờ trước nhan Chúa. Đó là tình trạng tầm thường, tình trạng hâm hâm dở dở.

7- Cũng còn một thứ mê ngủ nội tâm khác nữa, đó là thứ mê ngủ dửng dưng lãnh đạm. Những ai dửng dưng lãnh đạm thấy hết mọi sự đều như nhau, như thể đêm tối vậy; họ không quan tâm đến tất cả những gì xẩy ra chung quanh họ. Khi tất cả mọi sự biến chuyển chung quanh chúng ta và các thứ nhu cầu của chúng ta, và chúng ta tỏ ra lãnh đạm trước những nhu cầu của người khác, thì đêm đen phủ xuống cõi lòng của chúng ta. Cõi lòng của chúng ta trở nên tối tăm. Chúng ta liền bắt đầu than phiền hết mọi sự và hết mọi người; chúng ta bắt đầu cảm thấy mình trở thành nạn nhân của mọi người và tiến tới chỗ ngẫm nghĩ về hết mọi sự. Đó là một cái vòng luẩn quẩn đồi bại. Ngày nay, cái đêm tối ấy dường như đã phủ chụp xuống rất là nhiều người, thành phần chỉ biết đòi hỏi những gì cho bản thân họ, nhưng lại mù mắt trước các nhu cầu của kẻ khác.

8- Làm sao chúng ta có thể chỗi dậy cho khỏi tình trạng mê ngủ lạnh lùng lãnh đạm này chứ? Bằng việc tỉnh thức của lòng bác ái yêu thương. Để đánh thức chúng ta khỏi tình trạng mê ngủ tầm thường và ương ương dở dở là việc tỉnh thức cầu nguyện. Để chúng ta chỗi dậy khỏi tình trạng mê ngủ dửng dưng lãnh đạm đó là việc tỉnh thức của lòng bác ái yêu thương. Bác ái yêu thương là con tim còn đập của Kitô hữu: như người ta không thể sống mà thiếu con tim còn đập, thì người ta không thể là Kitô hữu mà thiếu lòng bác ái yêu thương. Có người dường như nghĩ rằng tỏ lòng thương cảm, giúp đỡ và phục vụ kẻ khác là làm cho thành phần tồi bại. Tuy nhiên, những điều này mới là những điều duy nhất mang lại vinh thắng cho chúng ta, vì chúng nhắm đến tương lai, đến ngày của Chúa, khi tất cả mọi sự khác qua đi, và chỉ còn duy tình yêu thương tồn tại. Chính nhờ các việc làm của lòng thương xót mà chúng ta tới được gần Chúa. Đó là những gì chúng ta đã xin trong lời nguyện nhập lễ hôm nay: "Xin ban cho chúng con... niềm quyết tâm chạy đến gặp gỡ Đức Kitô của Chúa bằng những việc làm chân chính vào lúc Người đến". Niềm quyết tâm chạy đến gặp gỡ Chúa Kitô bằng các việc lành. Chúa Giêsu đang đến, và con đường để gặp được Người đã được vạch rõ, đó là băng qua các việc bác ái yêu thương.

Anh chị em thân mến, cầu nguyện và yêu thương: đó là những gì mang ý nghĩa tỉnh thức. Khi Giáo Hội thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ tha nhân của chúng ta, thì Giáo Hội không sống trong đêm tối. Cho dù yếu hèn và mệt mỏi Giáo Hội vẫn đang hành trình đến với Chúa. Giờ đây chúng ta hãy kêu lên Người. Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến, chúng con cần Chúa! Xin hãy cận kề với chúng con. Chúa là ánh sáng. Xin hãy làm cho chúng con chỗi dậy khỏi tình trạng ngủ vùi vào những gì là tầm thường; xin hãy làm cho chúng ta bừng dậy khỏi bóng tối của những gì là dửng dưng lãnh đạm. Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến, hãy nhận lấy các cõi lòng phân tâm của chúng con đây và làm cho chúng biết tỉnh thức. Xin hãy làm bừng lên trong chúng con ước muốn nguyện cầu và nhu cầu bác ái yêu thương.

 

http://www.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2020/documents/papa-francesco_20201129_omelia-nuovi-cardinali.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu

 

13 tân hồng y trong Giáo Hội, vắng 2 vị ở Phi Luật Tuân không thể hiện diện bởi covid-19

Cardinal Wilton Gregory, Archbishop of Washington DC, receives the red hat from Pope Francis during the Consistory of 28 November 2020

 

Pope Francis greets Cardinal Enrico Feroci Nov. 28, 2020. Credit: EWTN-CNA Photo/Daniel Ibáñez/Vatican.

 

The consistory in the Vatican to create 13 new cardinals, 28 November 2020

 

 

 

 

Sau lễ các vị cùng đi với ĐTC Phanxicô đến thăm Đan Viện Mẹ Giáo Hội ở Vườn Vatican