GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

ĐTC Phanxicô - Bài Giảng Chúa Nhật Lễ Lá ngày 5/4/2020

 

Thiên Chúa đã cứu chúng ta bằng việc phục vụ chúng ta.

Chúng ta thường nghĩ chúng ta là những người phục vụ Thiên Chúa.

Không phải, Ngài mới là Đấng tự nguyện muốn phục vụ chúng ta, vì Ngài yêu thương chúng ta trước.

"Tình Cha yêu con không phải là trò đùa".

Tình Chúa yêu thương chúng ta đã khiến Người hy sinh bản thân mình và nhận lấy các thứ tội lỗi của chúng ta.

Điều làm cho chúng ta bàng hoàng sửng sốt đó là:

Thiên Chúa đã cứu chúng ta bằng việc nhận lấy cho mình tất cả mọi hình phạt gây ra bởi tội lỗi của chúng ta...

Chúa phục vụ chúng ta cho đến độ trải qua những trạng thái đớn đau nhất của những ai yêu thương, đó là bị phản bội và bỏ rơi.

Khi chúng ta bị dồn đến chân tường, khi chúng ta rơi vào ngỏ cụt, đầy tối tăm và không lối thoát,

khi chính Thiên Chúa dường như chẳng đáp ứng gì, chúng ta cần phải nhớ rằng chúng ta không lẻ loi một mình đâu.

Chúa Giêsu đã cảm thấy hoàn toàn bị bỏ rơi,

bằng một trạng thái Người chưa bao giờ trải qua trước đó, để nên một với chúng ta trong hết mọi sự.

Người đã làm thế vì tôi, vì anh chị em, như thể muốn nói với chúng ta rằng:

"Đừng sợ, con không lẻ loi một mình đâu. Cha đã cảm nghiệm thấy tất cả nỗi cô đơn của con để hằng gắn bó với con".

Chúng ta được đem vào trần gian này để kính mến Ngài và yêu thương tha nhân của chúng ta.

Hết mọi sự khác đều qua đi, chỉ có điều này là tồn tại thôi.

Thảm trạng chúng ta đang trải qua kêu gọi chúng ta hãy nghiêm cẩn chọn lựa những gì là hệ trọng,

chứ đừng chạy theo những gì ít cần thiết;

hãy tái nhận thức rằng đời sống trở nên vô ích nếu không được dùng để phục vụ người khác.

 

(4 tấm hình trên đây được người dịch chụp khi tham dự trực tuyến vào lúc 2 giờ sáng California Chúa Nhật 5/4/2020, cho tới 3:50 sáng)

 

Chúa Giêsu "đã tự hủy bản thân mình, mang thân phận của một kẻ tôi tớ" (Philip 2:7). Chúng ta hãy để cho những lời này của Thánh Phaolô dẫn chúng ta vào những ngày thánh đây, khi lời Chúa này, như là một điệp khúc, cho chúng ta thấy Chúa Giêsu như là một người tôi tớ: vào Thứ Năm Tuần Thánh, Người được diễn tả như là một người tôi tớ rửa chân cho các môn đệ của Người; vào Thứ Sáu Tuần Thánh, Người được cho thấy như là người tôi tớ khổ đau và vinh thắng (xem Isaia 52:13); và ngày mai, chúng ta sẽ nghe tiên tri Isaia nói về Người rằng: "Này là tôi tớ của Ta, người Ta ưng ý" (42:1). Thiên Chúa đã cứu chúng ta bằng việc phục vụ chúng ta. Chúng ta thường nghĩ chúng ta là những người phục vụ Thiên Chúa. Không phải, Ngài mới là Đấng tự nguyện muốn phục vụ chúng ta, vì Ngài yêu thương chúng ta trước. Thật khó mà yêu thương và không được yêu lại. Lại càng khó hơn nữa để phục vụ nếu chúng ta không để bản thân mình được Thiên Chúa phục vụ.

Thế nhưng, Chúa đã phục vụ chúng ta ra sao? Bằng việc hiến mạng sống mình cho chúng ta. Chúng ta được Người quí mến; chúng ta thật là giá trị đối với Người. Thánh Angels Foligno đã cho biết có lần chị đã nghe thấy Chúa Giêsu nói với chị rằng: "Tình Cha yêu con không phải là trò đùa". Tình Chúa yêu thương chúng ta đã khiến Người hy sinh bản thân mình và nhận lấy các thứ tội lỗi của chúng ta. Điều làm cho chúng ta bàng hoàng sửng sốt đó là: Thiên Chúa đã cứu chúng ta bằng việc nhận lấy cho mình tất cả mọi hình phạt gây ra bởi tội lỗi của chúng ta. Chẳng hề than phiền trách móc gì, mà là bằng một thái độ khiêm hạ, nhẫn nại và tuân phục của người tôi tớ, và hoàn toàn chỉ vì yêu thương. Chúa Cha đã ưng ý với Chúa Giêsu ở việc phục vụ của Người. Ngài không cất đi sự dữ đàn áp Người, trái lại, đã kiên cường Người bằng đau khổ của Người, để nhờ đó sự dữ của chúng ta bị chế ngự bằng sự lành, bằng một tình yêu cho đến cùng.

Chúa phục vụ chúng ta cho đến độ trải qua những trạng thái đớn đau nhất của những ai yêu thương, đó là bị phản bội và bỏ rơi.

Bị phản bội. Chúa Giêsu đã bị phản bội bởi người môn đệ đã bán Người, cũng như bởi người môn đệ đã chối Người. Người đã bị phản bội bởi thành phần dân chúng tung hô vạn tuế Người rồi la lên "Đóng đanh hắn vào thập tự giá!" (Mathêu 27:22). Người bị phản bội bởi cơ cấu tôn giáo bất công lên án Người và bởi tổ chức chính trị đã phủi tay về Người. Chúng ta có thể nghĩ đến tất cả những phản bội lớn nhỏ chúng ta đã phải chịu trong cuộc đời của mình. Thật là hãi hùng khi khám phá ra rằng một niềm tin tưởng vững bền đã bị bội phản. Một nỗi chán chường từ tận sâu thẳm của lòng chúng ta nổi lên, thậm chí có thể biến đời sống trở thành vô nghĩa. Điều này xẩy ra là vì chúng ta được sinh ra để được yêu và để yêu, và điều đớn đau nhất đó là bị phản bội bởi một con người đã thề hứa trung thành và gắn bó với chúng ta. Chúng ta thậm chí không thể nào tưởng tượng nổi Vị Thiên Chúa tình yêu đau đớn đến đâu.

Chúng ta hãy nhìn vào nội tâm. Nếu chúng ta thành thực với bản thân mình, chúng ta sẽ thấy những bất trung của chúng ta. Biết bao nhiêu là những sai trái, những giả hình và những vờ vịt! Biết bao nhiêu là những ý hướng tốt lành đã bị bội phản! Biết bao nhiêu là những lời hứa bị lỗi hẹn! Biết bao nhiêu là những quyết định vẫn cứ bất thành! Chúa biết lòng của chúng ta hơn chúng ta biết mình. Người biết chúng ta yếu hèn và bất nhất biết bao, biết bao nhiêu lần chúng ta sa ngã, chúng ta khó chỗi dậy biết là chừng nào, và khó khăn biết mấy để chữa lành một vết thương nào đó. Người đã làm những gì để giúp đáp chúng ta và phục vụ chúng ta? Qua vị Tiên tri, Người đã nói với chúng ta rằng: "Ta sẽ chữa lành những bất tín của họ; Ta sẽ thiết tha yêu thương họ" (Hosea 14:5). Người đã chữa chúng ta bằng việc nhận lấy cái bất trung của chúng ta và lấy đi những bội phản của chúng ta. Thay vì chán nản gây ra bởi nỗi sợ hãi thất bại, giờ đây chúng ta có thể nhìn lên tượng chịu nạn, cảm thấy được Người ấp ủ, mà thưa cùng Người rằng: "Đây là nỗi bất trung của con, xin Chúa hãy nhận lấy nó, Ôi Giêsu, xin hãy nhận lấy cho Chúa. Xin Chúa hãy giang cánh tay ra cho con, xin Chúa hãy yêu thương phục vụ con, xin Chúa hãy tiếp tục nâng đỡ con... Như thế con mới có thể tiếp tục tiến bước".

Bị bỏ rơi. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói chỉ có một lời ở trên Thánh Giá, một điều duy nhất, đó là "Lạy Chúa Trời tôi, Lạy Chúa Trời tôi, tại sao Ngài lại bỏ rơi tôi?" (Mathêu 27:46). Đây là những lời rất mãnh liệt. Chúa Giêsu đã bị những ai thuộc về Người bỏ rơi, họ đã tẩu thoát hết. Thế nhưng Cha vẫn ở với Người. Giờ đây mới là lúc Người ở trong vực thẳm của lẻ loi cô độc, vì lần đầu tiên Người gọi Ngài bằng danh xưng chung chung "Chúa Trời". Và "bằng một giọng lớn tiếng", Người đã đặt vấn đề "tại sao" nhức buốt nhất: "Tại sao cả Ngài nữa cũng bỏ rơi tôi?" Những lời này thực sự là những lời của Thánh Vịnh (22:2); những lời đó nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu cũng đã bị đưa đến chỗ trải qua tình trạng tận cùng lẻ loi trước lời cầu nguyện của Người. Thế nhưng, sự thật vẫn là ở chỗ chính bản thân Người đã trải qua tình trạng lẻ loi cô độc ấy, ở chỗ, Người đã trải qua trạng thái bị bỏ rơi đến tận cùng, một trạng thái được Phúc Âm chứng thực bằng cách trích dẫn chính các lời của Người: Eli, Eli, lama sabachthani?

Tại sao tất cả những điều này lại xẩy ra chứ? Một lần nữa, nó xẩy ra vì chúng ta, là để phục vụ chúng ta. Nhờ thế, khi chúng ta bị dồn đến chân tường, khi chúng ta rơi vào ngỏ cụt, đầy tối tăm và không lối thoát, khi chính Thiên Chúa dường như chẳng đáp ứng gì, chúng ta cần phải nhớ rằng chúng ta không lẻ loi một mình đâu. Chúa Giêsu đã cảm thấy hoàn toàn bị bỏ rơi, bằng một trạng thái Người chưa bao giờ trải qua trước đó, để nên một với chúng ta trong hết mọi sự. Người đã làm thế vì tôi, vì anh chị em, như thể muốn nói với chúng ta rằng: "Đừng sợ, con không lẻ loi một mình đâu. Cha đã cảm nghiệm thấy tất cả nỗi cô đơn của con để hằng gắn bó với con". Đó là mức độ Chúa Giêsu đã phục vụ chúng ta: Người đã xuống tận vực thẳm của những khổ đau cay đắng nhất của chúng ta, khi đạt tới tột đỉnh của những gì là phản bội  và bị bỏ rơi. Hôm nay, trong thảm trạng của một dịch bệnh, trước nhiều những gì là an toàn giả trá giờ đây bị tan mảnh, trước rất nhiều niềm hy vọng bị phản bội, bằng một cảm quan bị bỏ rơi đang đè nằng trên cõi lòng của chúng ta, Chúa Giêsu đang nói với từng người chúng ta rằng: "Hãy can đảm lên, hãy mở lòng của con cho tình yêu của Cha. Con sẽ cảm thấy niềm an ủi của Thiên Chúa là Đấng nâng đỡ con".

Anh chị em thân mến, chúng ta có thể so sánh gì với Thiên Chúa, Đấng đã phục vụ chúng ta cho đến độ bị phản bội và bị bỏ rơi? Chúng ta có thể chối từ không phản bội Đấng đã dựng nên chúng ta, và không bỏ rơi những gì thật là cần thiết trong đời sống của chúng ta. Chúng ta được đem vào trần gian này để kính mến Ngài và yêu thương tha nhân của chúng ta. Hết mọi sự khác đều qua đi, chỉ có điều này là tồn tại thôi. Thảm trạng chúng ta đang trải qua kêu gọi chúng ta hãy nghiêm cẩn chọn lựa những gì là hệ trọng, chứ đừng chạy theo những gì ít cần thiết; hãy tái nhận thức rằng đời sống trở nên vô ích nếu không được dùng để phục vụ người khác. Vì đời sống được đo lường bằng tình yêu. Bởi vậy, trong những ngày thánh đây, nơi căn nhà của chúng ta, chúng ta hãy đứng trước Đấng Tử Giá, một tầm mức trọn vẹn nhất của tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta, và trước Vị Thiên Chúa đã phục vụ chúng ta cho đến độ hiến mạng sống mình, chúng ta hãy xin ơn biết sống là để phục vụ. Chớ gì chúng ta tiến tới những ai đang đau khổ và những ai đang thiếu thốn nhất. Chớ gì chúng ta không quan tâm đến những gì chúng ta thiếu hụt, mà là những gì tốt lành chúng ta có thể làm cho người khác.

Này là tôi tớ của Ta, người Ta ưng ý. Chúa Cha, Đấng đã nâng đỡ Chúa Giêsu trong cuộc Khổ Nạn của người, cũng nâng đỡ chúng ta nơi các nỗ lực phục vụ của chúng ta. Việc yêu thương, nguyện cầu, tha thứ, chăm sóc cho người khác, trong gia đình cũng như ngoài xã hội: tất cả những việc này thật sự là những việc khó khăn. Nó có thể cảm thấy như là một thứ đường thánh giá - via crucis. Thế nhưng, con đường phục vụ là con đường vinh thắng và ban sự sống mà nhờ đó chúng ta được cứu độ. Tôi muốn đặc biệt nói cùng giới trẻ vào Ngày đã từng được giành cho họ cho đã 35 năm qua hôm nay. Các bạn thân mến, hãy nhìn vào các con người anh hùng thực sự xuất hiện trong những ngày này: họ không phải là thành phần nổi tiếng, giầu sang và thành đạt; trái lại, họ là những con người đang hiến mình để phục vụ kẻ khác. Các bạn hãy cảm thấy mình được kêu gọi sống cuộc đời theo đường lối ấy. Đừng sợ cống hiến sự sống của các bạn cho Thiên Chúa và cho người khác; nó là một thứ vay trả! Vì sự sống là một tặng ân chúng ta nhận được chỉ khi nào chúng ta hiến bản thân mình, và niềm vui sâu xa nhất của chúng ta xuất phát từ việc chấp nhận yêu thương, chứ không có vấn đề nếu hay nhưng gì hết. Như Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta vậy.

https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2020-04/pope-palm-sunday-homily-full-text.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu 

Xin mời xem toàn bộ hình ảnh Lễ Lá ở cái link dưới đây

Lễ Lá Livestream