ĐTC PHANXICÔ - GIẢNG LỄ

 

THỨ TƯ LỄ TRO 26/2/2020 ở ĐỀN THỜ SANTA SABINA

 

 

Pope Francis leads a penitential procession to the Basilica of Santa Sabina

 

Chúng ta là hạt bụi của trái đất này,

một hạt bụi Thiên Chúa đã tuôn đổ trời cao của Ngài xuống,

hạt bụi chất chứa các giấc mơ của Ngài.

Chúng ta là niềm hy vọng của Thiên Chúa, là kho tàng của Ngài và là vinh quang của Ngài.

Trong cuộc hành trình tiến về Lễ Phục Sinh, chúng ta có thể thực hiện hai cuộc vượt qua:

trước hết là từ bụi đất đền sự sống, từ nhân tình mong manh của chúng ta đến nhân tính của Chúa Giêsu, Đấng chữa lành chúng ta....

Và một khi chúng ta đã lãnh nhận tình yêu của Người, một khi chúng ta đã khóc khi nghĩ đến tình yêu ấy,

chúng ta có thể thực hiện cuộc vượt qua thứ hai, bằng việc dứt khoát không bao giờ sa ngã nữa từ sự sống đến cát bụi.

 

Chúng ta bắt đầu Mùa Chay bằng việc nhận tro: "Các ngươi là tro bụi và các ngươi sẽ trở về với bụi tro" (Cf. Khởi Nguyên 3:19). Tro được rắc trên đầu của chúng ta mang chúng ta trở về với đất; nó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là bụi đất và chúng ta sẽ trở về với đất bụi. Chúng ta yếu kém, mỏng dòn và tử vong. Các thế kỷ cùng với các thiên kỷ đang qua đi, và chúng ta cũng đến rồi đi; trước cảnh mênh mông đầy những giải ngân hà và không gian, chúng ta chỉ là như không vậy. Chúng ta là hạt bụi trong vũ trụ này. Tuy nhiên, chúng ta lại là một hạt bụi được Thiên Chúa yêu thương. Chúa thích qui tụ lại hạt bụi ấy trong bàn tay của Ngài và thở vào nó hơi sự sống (xem Khởi Nguyên 2:27). Bởi thế chúng ta là một hạt cát quí báu cho sự sống đời đời. Chúng ta là hạt bụi của trái đất này, một hạt bụi Thiên Chúa đã tuôn đổ trời cao của Ngài xuống, hạt bụi chất chứa các giấc mơ của Ngài. Chúng ta là niềm hy vọng của Thiên Chúa, là kho tàng của Ngài và là vinh quang của Ngài.

Vậy tro là một thứ nhắc nhở về hướng sống của chúng ta: một cuộc vượt qua từ bụi đất vào sự sống. Chúng ta là bụi, là đất, là sét, thế mà nếu chúng ta để mình cho bàn tay Thiên Chúa nhào nặn nắn đúc chúng ta sẽ trở thành những gì là diệu vợi. Đặc biệt là vào những lúc khốn khó và lẻ loi cô độc chúng ta mới thường thấy được cái bụi đất của mình! Thế nhưng Chúa lại phấn khích chúng ta, ở chỗ, trước nhan của Ngài, cái tí hon của chúng ta lại có một giá trị vô cùng. Vậy chúng ta hãy ấp ủ trong lòng mình cảm nghĩ rằng: chúng ta được sinh ra để được yêu thương; chúng ta được sinh ra là để trở nên con cái của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, chớ gì chúng ta nhớ lấy điều ấy khi chúng ta bắt đầu Mùa Chay này. Vì Mùa Chay không phải là một thời điểm cho những bài giảng vô bổ, mà là để nhìn nhận rằng cái tro hèn của chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Đó là một thời điểm của ân sủng, một thời điểm để Thiên Chúa ưu ái ghé mắt đến chúng ta, nhờ đó biến đổi cuộc sống của chúng ta. Chúng ta được đưa vào thế giới này là để đi từ tro tàn đến sự sống. Vậy chúng ta đừng biến niềm hy vọng của chúng ta và giấc mơ của Thiên Chúa về chúng ta thành bột, thành tro. Chúng ta đừng thoái lui. Anh chị em có thể hỏi rằng: "Tôi làm sao có thể tin tưởng đây? Thế giới này đang tan ra từng mảnh, sợ hãi lại đang gia tăng, có rất nhiều ác tâm bủa vây chúng ta, xã hội này càng ngày càng suy yếu đi tính cách Kitô giáo..." Anh chị em không tin rằng Thiên Chúa có thể biến hạt bụi chúng ta thành vinh quang được sao?

Tro chúng ta nhận trên trán phải tác dụng đến những ý nghĩ thoáng qua trong trí khôn của chúng ta. Nó nhắc nhở chúng ta rằng, là con cái của Thiên Chúa, chúng ta không thể sống cuộc đời chạy theo bụi đất. Từ đó một vấn đề được đặt ra cho tâm can của chúng ta, đó là "Tôi đang sống cho cái gì đây?" Nếu tôi sống cho các thực tại mau qua chóng hết của trần gian này, thì tôi đang trở về với tro bụi, bằng cách loại trừ những gì Thiên Chúa đã làm nơi cuộc đời của tôi. Nếu tôi chỉ sống để kiếm tiền, để có được một lúc tốt đẹp, để chiếm được một chút thế giá hay được thăng cấp trong việc làm của tôi, là tôi đang sống cho bụi đất. Nếu tôi không hạnh phúc với cuộc sống, vì tôi nghĩ tôi không được tôn trọng đủ, hay không được lãnh nhận những gì tôi cho rằng xứng với tôi, thì lúc ấy tôi chỉ gắn mắt vào bụi đất.

 Đó không phải là lý do tại sao chúng ta được đưa vào trần gian này. Chúng ta còn đáng giá hơn thế nhiều. Chúng ta sống còn hơn thế nữa, vì chúng ta muốn làm cho giấc mộng của Thiên Chúa trở thành hiện thực và để yêu thương. Tro được rắc trên đầu của chúng ta để ngọn lửa tình yêu có thể được thắp lên trong lòng của chúng ta. Chúng ta là những công dân nước trời, và tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và tha nhân là thẻ thông hành của chúng ta về trời. Những sở hữu của chúng ta sẽ trở thành vô dụng, thành bụi tung tóe ra, nhưng tình yêu chúng ta chia sẻ - trong gia đình của chúng ta, khi làm việc, trong Giáo Hội và trên thế giới này - sẽ cứu chúng ta, vì nó bền vững muôn đời.

Tro chúng ta lãnh nhận cũng nhắc nhở chúng ta về cuộc vượt qua thứ hai ngược lại đó là từ sự sống đến bụi đất. Tất cả mọi sự ở chung quanh mình, chúng ta đều thấy cái bụi chết chóc. Sự sống biến thành tro tàn. Thành đổ nát, thành hủy hoại, thành chiến tranh. Sự sống của những con người vô tội bị hất hủi, sự sống của thành phần nghèo khổ bị loại trừ, sự sống của những vị lão niên bị bỏ rơi. Chúng ta tiếp tục hủy hoại chính bản thân mình, tiếp tục trở về với tro và bụi. Có bao nhiêu là bụi trong các mối liên hệ của chúng ta! Hãy nhìn vào các ngôi nhà và gia đình của chúng ta: những chuyện cãi vã của chúng ta, việc chúng ta bất lực giải quyết các xung khắc, thái độ của chúng ta không tự nguyện xin lỗi, thứ tha, bắt đầu lại, trong khi đó chúng ta lại coi trọng quyền tự do của chúng ta cùng với các quyền lợi của chúng ta! Tất cả mọi thứ bụi này là những gì bôi bẩn tình yêu của chúng ta và làm phai mờ đời sống của chúng ta. Ngay cả trong Giáo Hội, nhà của Thiên Chúa, chúng ta cũng để xẩy ra quá nhiều bụi bám, bụi trần tục.

Chúng ta hãy nhìn vào bên trong, trong lòng của chúng ta: biết bao nhiêu lần chúng ta đã dập tắt ngọn lửa của Thiên Chúa bằng thứ tro giả hình! Giả hình là những gì bẩn thỉu Chúa Giêsu đã nói với chúng ta trong bài Phúc Âm hôm nay mà chúng ta cần phải loại trừ đi. Thật vậy, Chúa bảo chúng ta chẳng những thi hành các việc bác ái, cầu nguyện và chay tịnh, mà còn thực hiện những điều ấy không được vờ vịt, hai lòng và giả hình (cf. Mt 6:2.5.16). Tuy nhiên, biết bao nhiêu lần chúng ta thường làm chỉ để được nhìn biết, để thấy dễ coi, để thỏa mãn cái tôi của chúng ta! Biết bao nhiêu lần chúng ta xưng mình là Kitô hữu, nhưng lòng chúng ta lại dễ chiều theo đam mê biến chúng ta thành nô lệ! Biết bao nhiêu lần chúng ta giảng một đàng mà làm một nẻo! Biết bao nhiêu lần chúng ta làm cho mình bề ngoài nhìn coi bộ ngon lành mà lại đầy những ác cảm hận thù bên trong! Trong lòng chúng ta có bao nhiêu là mập mờ thiên tả.... Tất cả những điều ấy là tro tàn dập tắt ngọn lửa tình yêu. 

Chúng ta cần được thanh tẩy cho khỏi tất cả mọi thứ bụi bặm đã làm bẩn tâm can của chúng ta. Bằng cách nào? Những lời kêu gọi khẩn trương của Thánh Phaolô trong bài đọc 2 hôm nay có thể giúp chúng ta. Thánh Phaolô nói rằng: "Hãy chịu hòa giải với Thiên Chúa!" Ngài không chỉ xin; mà là ngài van xin: "Chúng tôi nài xin anh em nhân danh Đức Kitô hãy được hòa giải với Thiên Chúa" (2 Cor 5:20). Chúng ta đã từng nói: "Hãy hòa giải mình với Thiên Chúa!" Nhưng không, ở đây Thánh Phaolô sử dụng thể thụ động: Be reconciled! Hãy chịu hòa giải. Thánh thiện là những gì không phải do nỗ lực của chúng ta mà có, vì nó là một ân ban! Tự mình, chúng ta không thể loại trừ thứ bụi làm bẩn cõi lòng của chúng ta. Chỉ có Chúa Giêsu, Đấng biết cõi lòng của chúng ta và yêu thương tâm can của chúng ta mới có thể chữa lành nó. Mùa Chay là thời điểm chữa lành.

Vậy chúng ta cần phải làm gì? Trong cuộc hành trình tiến về Lễ Phục Sinh, chúng ta có thể thực hiện hai cuộc vượt qua: trước hết là từ bụi đất đền sự sống, từ nhân tình mong manh của chúng ta đến nhân tính của Chúa Giêsu, Đấng chữa lành chúng ta. Chúng ta có thể dừng lại chiêm ngưỡng trước Vị Chúa tử giá mà lập lại lời này: "Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu thương con, xin biến đổi con.... Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu thương con, xin biến đổi con..." Và một khi chúng ta đã lãnh nhận tình yêu của Người, một khi chúng ta đã khóc khi nghĩ đến tình yêu ấy, chúng ta có thể thực hiện cuộc vượt qua thứ hai, bằng việc dứt khoát không bao giờ sa ngã nữa từ sự sống đến cát bụi. Chúng ta có thể lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa nơi bí tích thống hối, vì ở đó ngọn lửa của tình yêu Thiên Chúa thiêu rụi tro tàn tội lỗi chúng ta. Việc ấp ủ của Chúa Cha nơi việc chúng ta xưng tội là những gì canh tân chúng ta từ bên trong và thanh tẩy tâm can của chúng ta. Chớ gì chúng ta để cho mình được hòa giải, để có thể sống như là những người con cái yêu dấu, như những tội nhân được thứ tha và được chữa lành, như những lữ khách có Ngài đồng hành.

Chúng ta hãy để mình được yêu thương, nhờ đó chúng ta mới có thể đáp trả tình yêu. Chúng ta hãy để cho mình đứng lên và tiến về Lễ Phục Sinh. Bấy giờ chúng ta mới cảm nghiệm được niềm vui khi khám phá Thiên Chúa nâng chúng ta lên từ tro tàn của chúng ta như thế nào.

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2020/documents/papa-francesco_20200226_omelia-ceneri.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu