GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

ĐTC Phanxicô Giảng Lễ Vọng Đêm Phục Sinh 2020 giữa Đại Dịch Covid-19

 

 

 

"Sau Ngày Hưu Lễ" (Mathêu 28:1), những người nữ đi ra mộ. Đó là cách thức Bài Phúc Âm cho Đêm Vọng thánh này mở đầu: một mở đầu với ngày hưu lễ. Đó là ngày của Tam Nhật Phục Sinh, chúng ta có khuynh hướng bỏ qua, khi chúng ta đang ngong ngóng đợi chờ cuộc vượt qua từ thập tự giá của Ngày Thứ Sáu, đến Alleluia của Chúa Nhật Phục Sinh. Tuy nhiên, năm nay, hơn bao giờ hết, chúng ta đang trải qua một thứ thinh lặng cả thể của Thứ Bảy Tuần Thánh. Chúng ta có thể tưởng tượng về mình đang ở vào vị thế của các người phụ nữ hôm ấy. Như chúng ta, trước mắt họ là một thảm kịch khổ đau, một thảm cảnh bất ngờ đùng một cái xẩy ra cho tất cả mọi người. Họ đã nhìn thấy chết chóc, và nó đè nặng lên cõi lòng của họ. Nỗi đớn đau lẫn lộn với sợ hãi: phải chăng họ đang chịu cùng một số mệnh với Vị Sư Phụ? Thế rồi nỗi sợ hãi về tương lai, cùng với tất cả những gì cần được tái thiết. Một ký ức nhức nhối, một niềm hy vọng hụt hẫng. Đối với họ, như đối với chúng ta, đó là giờ khắc đen tối nhất.

 

Pope Francis holds the Paschal candle as he leads the procession into St. Peter's basilica.

 

Tuy nhiên, trong trường hợp này, các chị không để mình bị bại liệt. Họ không chịu bị khuất phục trước những gì là u ám ảm đạm của sầu khổ và tiếc hận, họ không buồn thảm thu mình lại, hay thoát ly khỏi thực tại. Bấy giờ họ thực hiện một điều tầm thương nhưng lại phi thường, đó là ở nhà sửa soạn các thứ hương liệu để xức dầu cho thân thể của Chúa Giêsu. Họ không ngừng yêu thương; trong tăm tối của tâm can mình, họ thắp lên ngọn lửa xót thương. Đức Mẹ đã trải qua hôm Thứ Bảy ấy, ngày được giành cho Mẹ, trong nguyện cầu và hy vọng. Mẹ đã tin tưởng vào Chúa trước nỗi sầu đau. Các chị không biết gì, họ cứ lo sửa soạn, trong tối tăm của ngày Hưu Lễ ấy, cho "rạng đông của ngày thứ nhất trong tuần", ngày sẽ làm thay đổi lịch sử. Chúa Giêsu, như một hạt giống được chôn vùi trong lòng đất, sắp sửa làm cho sự sống mới nẩy sinh trên thế gian này; và các chị, nhờ nguyện cầu và yêu thương, đang giúp vào việc nở hoa hy vọng. Biết bao nhiêu là con người, trong những ngày buồn khổ này, đã thực hiện và vẫn đang làm những gì các người nữ ấy đã làm, đó là gieo vãi hạt giống hy vọng! Bằng những cử chỉ chăm sóc nho nhỏ, cảm mến và nguyện cầu.

 

 

Vào lúc rạng đông, các chị đã đến mộ. Ở đó vị thiên thần đã nói cùng họ rằng: "Đừng sợ. Người không còn ở đây; vì Người đã sống lại" (các câu 5-6). Họ đã nghe thấy những lời về sự sống, ngay khi họ đứng trước ngôi mộ... Sau đó họ đã gặp Chúa Giêsu, Đấng ban phát trọn niềm hy vọng, Đấng khẳng định sứ điệp này mà phán: "Đừng sợ" (câu 10). Đừng sợ, đừng chiều theo sợ hãi: Đó là sứ điệp của niềm hy vọng. Hôm nay, sứ điệp này được ngỏ cùng chúng ta. Đó là những lời được Thiên Chúa lập lại cho chúng ta chính đêm nay đây.

Đêm nay, chúng ta có được một thứ quyền nồng cốt không bao giờ bị cất khỏi chúng ta, đó là quyền hy vọng. Nó là một niềm hy vọng mới mẻ và sống động xuất phát từ Thiên Chúa. Không phải chỉ là những gì lạc quan; nó không phải là một vỗ về vào lưng, hay một lời phấn khích trống rỗng, được thốt ra từ một nụ cười rỗng không. Không! Nó là một tặng ân từ trời, chúng ta không thể nào tự mình có thể chiếm được. Qua những tuần lễ này, chúng vẫn vẫn cứ lập đi lập lại rằng "tất cả rồi cũng tốt thôi", gắn bó với vẻ đẹp về nhân tính của chúng ta, và vang lên những lời phấn khích xuất phát từ tâm can của chúng ta. Thế nhưng, khi mà ngày ngày qua đi, sợ hãi gia tăng, ngay cả niềm hy vọng vững vàng nhất cũng có thể tan biến. Niềm hy vọng của Chúa Giêsu thì khác hẳn. Người trồng trong tâm can của chúng ta niềm xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng có thể làm hết mọi sự thành tốt đẹp, vì Ngài mang lại sự sống ngay từ mồ mả.

 

Pope Francis celebrates the Easter Vigil April 11, 2020. Credit: EWTN-CNA Photo/Daniel Ibáñez/Vatican Pool.

 

Mồ mả là nơi không ai vào rồi đã từng bước ra. Thế nhưng Chúa Giêsu đã sống lại vì chúng ta; Người đã sống lại cho chúng ta, để mang sự sống đến nơi chết chóc, để bắt đầu một câu chuyện mới ở chính nơi đã bị đặt một tảng đá. Người, Đấng đã lăn tảng đá chắn cửa mồ ra, cũng có thể cất đi những tảng đá trong lòng của chúng ta. Vậy, chúng ta đừng thoái lui; chúng ta đừng đặt đá chắn mất niềm hy vọng. Chúng ta có thể và cần phải hy vọng, vì Thiên Chúa là Đấng tín trung. Ngài không bỏ rơi chúng ta; Ngài đã viếng thăm chúng ta, và đã tham phần vào các trường hợp đớn đau, sầu thảm và chết chóc của chúng ta. Ánh sáng của Người đã xua tan tối tăm của ngôi mộ: hôm nay Người muốn ánh sáng ấy thấu nhập vào tận những ngõ ngách trong cuộc đời của chúng ta. Quí chị thân mến, quí anh thân mến, cho dù anh chị em đã chôn vuì niềm hy vọng trong lòng mình, cũng như đã bó tay chịu thua: Thiên Chúa còn cao cả lớn lao hơn thế nữa. Tối tăm và chết chóc không phải là phán quyết cuối cùng. Hãy vững mạnh, vì với Chúa chẳng có gì là mất mát hết!

 

Pope Francis carrying a candle at the beginning of the Easter Vigil

 

Can đảm. Đây là một lời được Chúa Giêsu hay lập lại trong các Phúc Âm. Chỉ có một lần thì những người khác nói thôi, để phấn khích một người đang cần đến nó: "Hãy vững tâm, đứng lên Người đang gọi anh!" (Marco 10:49). Chính Người, Đấng Chỗi Dậy, Đấng nâng chúng ta lên từ những gì cần thiết của chúng ta. Nếu, trong cuộc hành trình của mình, anh chị em cảm thấy yếu kém và mỏng dòn, hay sa ngã, đừng sợ, Thiên Chúa giơ bàn tay trợ giúp của Ngài ra mà nói cùng anh chị em rằng: "Hãy vững tâm!" Anh chị em có thể nói, như Don Abbondio (trong cuốn tiểu thuyết của Manzoni) "can đảm không phải là một cái gì đó các bạn có thể cống hiến bản thân mình" (I Promessi Sposi, XXV). Đúng thế, anh chị em không thể tự cho mình lòng can đảm được, thế nhưng anh chị em có thể lãnh nhận nó như là một ơn ban. Tất cả những gì anh chị em cần phải làm đó là mở lòng cầu nguyện, và đẩy đi, dù từng chút một, tảng đá chắn cửa mồ lòng của anh chị em, nhờ đó, ánh sáng của Chúa Kitô có thể lọt vào. Anh chị em chỉ cần xin Người rằng: "Lạy Chúa Giêsu, xin đến với con, giữa những nỗi sợ hãi của con, và cũng nói với con là hãy vững tâm!" Lạy Chúa, với Chúa, chúng con sẽ bị thử thách nhưng không lay chuyển. Và bất cứ khi nào chúng con cảm thấy buồn đau, chúng con sẽ được kiên cường trong niềm hy vọng, vì với Chúa, thánh giá dẫn đến phục sinh, bởi Chúa ở với chúng con trong mù mịt của đêm tối chúng con; Chúa là niềm tin tưởng giữa những bất ổn của chúng ta, là lời vang ra trong sự thinh lặng của chúng con, và không gì có thể giật mất chúng con khỏi tình Chúa yêu thương chúng con. 

Đó là sứ điệp Phục Sinh, một sứ điệp hy vọng. Nó chất chứa phần thứ hai, phần sai đi. "Hãy đi nói với anh em của Thày rằng họ hãy về Galilêa" (Mathêu 28:10), Chúa Giêsu phán như thế. "Người đi trước anh em đến Galilêa", vị thiên thần nói. Chúa đi trước chúng ta; Người bao giờ cũng đi trước chúng ta. Thật là phần khởi khi biết rằng Người đi trước chúng ta, cả ở sự sống lẫn sự chết; Người đi trước chúng ta tới Galilêa, tức là tới nơi gợi cho Người cũng như các môn đệ của Người ý nghĩ về đời sống hằng ngày, về gia đình và về việc làm. Người muốn chúng ta mang niềm hy vọng đến đó, đến cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Đối với các môn đệ thì Galilêa cũng là nơi của niềm tưởng nhớ, vì chính nơi ấy họ bắt đầu đã được kêu gọi. Trở về Galilêa nghĩa là hãy nhớ rằng chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương và kêu gọi. Mỗi người chúng ta đều có Galilêa nào đó riêng tư của mình. Chúng ta cần tái diễn cuộc hành trình ấy, bằng cách nhớ lại rằng chúng ta đã được hạ sinh và tái sinh, nhờ được nhưng không yêu thương kêu gọi, ở nơi Galilêa giành riêng cho chúng ta. Đó luôn là khởi điểm chúng ta có thể bắt đầu lại, nhất là vào những thời điểm khủng hoảng và thử thách, bằng cách nhớ đến Galilêa của chúng ta.

 

 

Thế nhưng, còn nữa. Galilêa là vùng xa nhất họ ở, cách Giêrusalem. Chẳng những về địa dư. Galilêa cũng là nơi xa nhất đối với tính chất linh thánh của Thành Thánh. Nó là một miền chung đụng các thứ tôn giáo khác nhau của dân chúng: nó đã từng là "Galilêa của Dân Ngoại" (Mathêu 4:15). Chúa Giêsu sai họ đến đó và muốn họ bắt đầu lại từ đó. Điều này nói với chúng ta những gì đây? Đó là sứ điệp của niềm hy vọng này không được hạn hẹp ở những nơi linh thánh của chúng ta, mà phải được mang đến cho hết mọi người. Vì hết mọi người đang cần được tái trấn an, mà nếu chúng ta, thành phần đã được chạm đến "Lời sự sống" (1Gioan 1:1) không cống hiến nó thì còn ai sẽ làm đây? Đẹp biết bao khi chính Kitô hữu là thành phần cống hiến niềm an ủi, thành phần gánh vác những gánh nặng của người khác, và là thành phần mang lại những gì là phấn khởi, tức là thành phần sứ giả của sự sống trong một thời điểm chết chóc! Ở hết mọi Galilêa, ở hết mọi vùng của gia đình nhân loại, mà chúng ta thuộc về và chúng ta làm nên - đối với chúng ta tất cả đều là anh chị em - chớ gì chúng ta hát vang bài ca sự sống! Chúng ta hãy làm câm nín đi những tiếng kêu của chết chóc, không còn các thứ chiến tranh nữa! Chớ gì chúng ta thôi không còn sản xuất và buôn bán các thứ vũ khí nữa, vì chúng ta cần bánh ăn, chứ không phải là các thứ súng đạn. Chớ gì nạn phá thai và sát hại những sự sống vô tội chấm dứt. Chớ gì những tâm can của những ai sống đầy đủ biết mở ra để chia sẻ với những bàn tay chẳng có gì của những con người xác xơ thiếu thốn.

Sau hết, những người nữ này "đã ôm lấy" chân của Chúa Giêsu (Mathêu 28:9); một đôi chân đã từng đi rất xa để gặp gỡ chúng ta, cho đến độ đã tiến vào mồ mả và chỗi dậy từ mồ mả. Các chị đã ôm lấy đôi bàn chân đã chà đạp chết chóc và đã mở đường hy vọng. Hôm nay đây, là những con người lữ hành đi tìm kiếm hy vọng, chúng con xin bám lấy Chúa, lạy Chúa Giêsu Phục Sinh. Chúng con quay lưng lại với chết chóc, và mở lòng của chúng con ra cho Chúa, vì Chúa là chính Sự Sống.

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2020/documents/papa-francesco_20200411_omelia-vegliapasquale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu