GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Giáng Sinh

 

Pope Francis at the General Audience of December 23, 2020.

 

Giáng Sinh là một biến cố quan trọng,

một thứ lửa vĩnh cửu được Thiên Chúa thắp lên trên thế giới này,

nên không được lẫn lộn với những thứ phù phiếm mau qua.

Vấn đề quan trọng ở đây đó là không được biến Giáng Sinh thành một ngày lễ thuần cảm tình hay hưởng thụ.

 

Pope Francis at his general audience address in the library of the Apostolic Palace Dec. 16, 2020. Credit: Vatican Media.

 

"Với việc nhập thể của mình,

Người Con Thiên Chúa đã liên kết bản thân mình, một cách nào đó, với hết mọi người.

Người đã làm việc bằng đôi tay loài người, Người đã suy nghĩ bằng con tim con người,

đã tác hành bằng ý muốn loài người, và đã yêu thương bằng con tim con người.

Được hạ sinh bởi Trinh Nữ Maria, Người thực sự trở nên một người trong chúng ta,

giống như chúng ta trong tất cả mọi sự ngoại trừ tội lỗi"

 

 

Thực tại này cống hiến cho chúng ta niềm vui và lòng can đảm.

Thiên Chúa không phải là từ xa chẳng ngó ngàng gì đến chúng ta,

Ngài không bỏ mặc chúng ta, Ngài không bị đẩy lui trước nỗi khốn khổ của chúng ta,

Ngài không mặc vào mình chỉ những gì là hời hợt bề ngoài trên thân xác,

mà Ngài hoàn toàn mặc lấy bản tính của chúng ta cùng với các thứ thân phận của loài người chúng ta.

 

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Đang lúc chúng ta tiến gần đến Lễ Giáng Sinh, ở bài giáo lý này, tôi muốn cống hiến một chút suy tư để dọn mừng Lễ Giáng Sinh. Trong phụng vụ Lễ Đêm Giáng Sinh, lời loan báo của vị Thiên thần cho các Mục đồng đó là "Đừng sợ; vì này đây ta báo cho các người một tin rất vui mừng cho toàn dân; vì hôm nay trong thành Đavít Đấng Cứu Thế, vị Thiên Sai của Chúa, đã được hạ sinh vì các người" (Lk 2:10-12).

Theo gương các mục đồng, cả tinh thần của chúng ta nữa cũng hãy tiến đến Belem, nơi Mẹ Maria đã hạ sinh Con Trẻ trong một chuồng thú, "vì không còn chỗ cho các vị trong quán trọ" (2:7). Giáng Sinh đã trở thành một ngày lễ quốc tế, và ngay cả những ai không tin tưởng cũng thấy được lời kêu gọi ấy trong dịp này. Tuy nhiên, Kitô hữu thì biết rằng Giáng Sinh là một biến cố quan trọng, một thứ lửa vĩnh cửu được Thiên Chúa thắp lên trên thế giới này, nên không được lẫn lộn với những thứ phù phiếm mau qua. Vấn đề quan trọng ở đây đó là không được biến Giáng Sinh thành một ngày lễ thuần cảm tình hay hưởng thụ. Chúa Nhật vừa rồi tôi đã lưu ý đến vấn đề này, nhấn mạnh rằng tính cách hưởng thụ đã bắt cóc Giáng Sinh. Không: không được biến Giáng Sinh thành một ngày lễ thuần cảm tình hay hưởng thụ, với đầy những quà tặng và chúc mừng những lại nghèo nàn về đức tin Kitô giáo, và cũng nghèo nàn về cả nhân loại nữa. Bởi thế, cần phải kìm hãm bớt một vài ý hệ trần tục, không thể nắm bắt được cái cốt lõi rạng ngời của đức tin chúng ta, đó là: "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta, đầy ân sủng và chân lý; chúng ta đã được thấy vinh hiển của Người, vinh hiển của Người Con đến từ Cha" (Jn 1:14). Đó mới là cốt lõi của Giáng Sinh; nói cách khác, đó mới là sự thật về Giáng Sinh, không còn gì khác.

Giáng Sinh, một đàng, mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ về thảm kịch lịch sử mà con người nam nữ, vị thương tích bởi tội lỗi, không ngừng tìm kiếm chân lý, cuộc tìm kiếm lòng thương xót, và là cuộc tìm kiếm ơn cứu chuộc; đàng khác, cũng mời gọi chúng ta suy nghĩ về lòng thiện hảo của Thiên Chúa, Đấng đã đến với chúng ta để truyền đạt cho chúng ta Sự Thật cứu độ chúng ta, và làm cho chúng ta thành những con người được thông phần với mối thân tình của Ngài và sự sống của Ngài. Tặng ân sự sống này hoàn toàn là ân huệ, chứ không bởi bất cứ công lênh nào của chúng ta. Có một Đức Thánh Cha đã nói: "Này, xem kìa, đó đó: cứ tìm kiếm xem công nghiệp của bạn mà xem, bạn sẽ không thấy gì ngoài ân sủng". Tất cả đều là hồng ân, quà tặng hồng ân. Mà quà tặng hồng ân này chúng ta lãnh nhận nhờ tính chất đơn thường và lòng nhân đạo của Giáng Sinh, và cất đi khỏi lòng trí chúng ta những gì là bi quan yếm thế đang lan tràn hơn bao giờ hết hiện nay gây ra bởi dịch bệnh. Chúng ta có thể thắng vượt được cái cảm giác hoang mang bối rối bất ổn ấy, bằng cách đừng để mình bị choáng ngợp bởi những gì là thua bại và thất bại, nơi việc tái nhận thức được rằng Con Trẻ khiêm hạ và bần cùng, ẩn khuất và bất lực, là Chính Thiên Chúa hóa thân làm người vì chúng ta. Công Đồng Chung Vatican II, trong một đoạn nổi tiếng ở Hiến Chế về Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến Ngày Nay, đã nói với chúng ta rằng biến cố này liên quan đến hết mọi người chúng ta: "Vì với việc nhập thể của mình, Người Con Thiên Chúa đã liên kết bản thân mình, một cách nào đó, với hết mọi người. Người đã làm việc bằng đôi tay loài người, Người đã suy nghĩ bằng con tim con người, đã tác hành bằng ý muốn loài người, và đã yêu thương bằng con tim con người. Được hạ sinh bởi Trinh Nữ Maria, Người thực sự trở nên một người trong chúng ta, giống như chúng ta trong tất cả mọi sự ngoại trừ tội lỗi" (Pastoral Constitution Gaudium et Spes, 22). Thế nhưng Chúa Giêsu đã được hạ sinh hai ngàn năm trước, thì có liên hệ gì với tôi chăng? Việc hạ sinh này có ảnh hưởng đến anh chị em, đến tôi, đến từng người chúng ta. Chúa Giêsu là một người trong chúng ta: Thiên Chúa là một con người trong chúng ta nơi Chúa Giêsu.

Thực tại này cống hiến cho chúng ta niềm vui và lòng can đảm. Thiên Chúa không phải là từ xa chẳng ngó ngàng gì đến chúng ta, Ngài không bỏ mặc chúng ta, Ngài không bị đẩy lui trước nỗi khốn khổ của chúng ta, Ngài không mặc vào mình chỉ những gì là hời hợt bề ngoài trên thân xác, mà Ngài hoàn toàn mặc lấy bản tính của chúng ta cùng với các thứ thân phận của loài người chúng ta. Ngài không trừ một gì hết ngoài tội lỗi là cái duy nhất Ngài không có. Tất cả nhân loại đều ở nơi Ngài. Ngài đã nhận lấy tất cả những gì chúng ta là, như chúng ta là. Đó là những gì thiết yếu để hiểu được đức tin Kitô giáo. Thánh Âu Quốc Tinh, khi suy niệm về cuộc hành trình hoán cải của mình, đã viết trong cuốn Tự Thú rằng: "Vì tôi không bám lấy Chúa Giêsu Kitô của tôi, tôi khiêm tốn bám lấy Đấng Khiêm Hạ; tôi cũng chẳng biết tính chất yếu đuối của Người sẽ dẫn tôi đến đâu" (Tự Thú VII,8). Mà "tính chất yếu đuối" của Chúa Giêsu là gì? "Tính chất yếu đuối" của Chúa Giêsu là "một giáo huấn"! Vì nó cho chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa. Giáng Sinh là lễ của Tình Yêu nhập thể, tình yêu hạ giáng cho chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng của nhân loại chiếu soi trong tăm tối, hiến ban ý nghĩa cho cuộc sống của nhân loại cũng như cho toàn thể lịch sử.

Anh chị em thân mến, chớ gì những suy tư vắn tắt này giúp chúng ta cử hành Lễ Giáng Sinh với nhận thức hơn nữa. Thế nhưng, còn một cách khác nữa để dọn mừng, một cách mà tôi muốn nhắc nhở cho anh chị em cũng như cho tôi, một cách trong tầm tay với của mọi người, đó là hãy âm thầm chiêm niệm một chút trước máng cỏ. Cảnh Giáng Sinh là một bài giáo lý về thực tại này, về những gì đã xẩy ra năm ấy, ngày ấy, như chúng ta đã nghe thấy trong Phúc Âm. Bởi thế nên nắm ngoái tôi đã viết một Bức Thư, chúng ta nên đọc lại một lần nữa để giúp cho mình. Nó mang tựa đề là “Admirabile signum”, "Hình ảnh thu hút". Nơi học đường của Thánh Phanxicô Assisi, chúng ta có thể trở nên như trẻ nhỏ bằng việc trầm lặng chiêm ngắm cảnh Giáng Sinh, cũng như bằng việc cảm thấy ngỡ ngàng trước đường lối "huyền nhiệm" được Thiên Chúa sử dụng trong việc xuống thế tái sinh trong chúng ta. Chúng ta hãy xin ơn biết ngỡ ngàng: trước mầu nhiệm này, một thực tại quá êm ái, quá mỹ miều, quá gần gũi với cõi lòng của chúng ta, nhờ đó Chúa có thể ban cho chúng ta ơn biết ngỡ ngàng, để hội ngộ với Ngài, để gần gũi Ngài hơn, để Ngài gần với tất cả chúng ta hơn. Điều này sẽ làm cho những gì là mềm mại nơi chúng ta hồi sinh. Có lần, tôi nói chuyện với một số khoa học gia, chúng tôi nói về trí thông minh nhân tạo và những thứ người máy... có những người máy được cài đặt đầy đủ làm thay cho hết mọi người và làm được hết mọi sự, và việc này vẫn tiếp tục phát triển. Tôi đã nói cùng họ rằng: "Thế nhưng có cái gì mà các người máy này sẽ không thể nào làm được?" Họ ngẫm nghĩ, và nêu lên ý này ý kia, thế nhưng cuối cùng tất cả họ đều đồng ý về một điều duy nhất, đó là tính chất mềm mại. Những thứ người máy không bao giờ có thể mềm mại. Và đó là những gì Thiên Chúa mang đến cho chúng ta, hôm nay: một thứ yếu ớt tuyệt vời Thiên Chúa muốn dùng để đến trong thế gian này, và cái yếu ớt ấy làm sống lại tính chất mềm mại nơi chúng ta, tính chất mềm mại của loài người gần gũi với tính chất mềm mại của Thiên Chúa. Hôm nay chúng ta rất cần đến tính chất mềm mại, rất cần đến một đụng chạm loài người, trước quá nhiều khốn khổ! Nếu dịch bệnh này bắt chúng ta phải giãn cách hơn. thì Chúa Giêsu, nơi máng cỏ, cho chúng ta thấy đường lối mềm mại để gần gũi với nhau, để làm người. Chúng ta hãy theo đuổi đường lối này. Chúc Mừng Giáng Sinh!

   

http://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2020/documents/papa-francesco_20201223_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu