GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Bát Phúc: Bài 4

 

 Phúc cho ai hiền lành

 

A woman gives Pope Francis a bouquet of flowers at the General Audience

 

Thái độ hiền lành được tỏ hiện ở những lúc xung khắc,

cho thấy cách thức con người phản ứng trước tình trạng thù địch.

 

 

Hiền lành là khả năng chiếm đoạt tâm can...

Trái "đất" được chiếm lấy bằng đức hiền lành đó là phần rỗi của người anh em

 

Pope Francis at the general audience in Paul VI Hall Jan. 22, 2020. Credit: Daniel Ibanez/CNA.

 

Chẳng có mảnh đất nào tuyệt vời hơn là cõi lòng của người khác;

chẳng có lãnh thổ nào tuyệt vời hơn để chiếm hữu bằng trở lại sống bình an với một người anh em.

 

 

Xin chào anh chị em thân mến,

 

Trong bài giáo lý hôm nay, chúng ta tập trung vào mối phúc thứ ba trong Bát Phúc ở Phúc Âm Thánh Mathêu: "Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được thừa hưởng đất làm của mình vậy" (5:5). Chữ "hiền lành" được sử dụng ở đây, theo nghĩa đen, là tinh tế, mềm mại và dịu dàng, không bạo động. Thái độ hiền lành được tỏ hiện ở những lúc xung khắc, cho thấy cách thức con người phản ứng trước tình trạng thù địch. Bất cứ ai cũng có thể gieo rắc sự hiền lành khi tất cả đều bình lặng, thế nhưng người ta sẽ phản ứng ra sao "khi bị đè nén", lúc bị tấn công, bị xúc phạm, bị hành hung?

 

Thánh Phaolô đã nhắc lại ở một đoạn "hiền lành và dịu dàng của Chúa Kitô" (2Corinto 10:1). Phần thánh Phêrô nhắc lại thái độ của Chúa Giêsu trong cuộc Khổ Nạn: "Người không đáp trả hay đe dọa, vì Người ký thác cho Đấng phân xử công minh" (1Phero 2:23). Thái độ hiền lạnh của Chúa Giêsu được chứng kiến thấy mãnh liệt nhất là ở nơi cuộc Khổ Nạn của Người.

 

Trong Thánh Kinh, chữ "hiền lành" cũng là người không có sản vật trên trần thế; bởi thế chúng ta mới bật ngửa ra trước sự kiện là Mối Phúc thứ ba này nói rằng kẻ hiền lành thực sự "sẽ được đất làm của mình vậy".

 

Thật vậy, Mối Phúc này là mối phúc được trích từ Thánh Vịnh 37, bài Thánh Vịnh chúng ta đã nghe ngay mở đầu bài giáo lý. Ở trong đó, thái độ hiền lành và việc sở hữu trái đất này liên hệ với nhau. Tuy nhiên, hai điều này được coi như như bất tương hợp. Thật thế, việc sở hữu trái đất này là phạm vi tiêu biểu của những gì là xung khắc: thường xẩy ra những tranh chấp về một lãnh thổ, tranh chấp về quyền bá chủ một vùng nào đó. Trong các cuộc chiến tranh thì kẻ mạnh là người thắng thế và chiếm lấy các vùng đất khác.

 

Tuy nhiên, chúng ta hãy nhìn vào động từ được sử dụng để nói đến vấn đề sở hữu của kẻ hiền lành, đó là họ không chiếm hữu trái đất. Không, câu đó không nói rằng "phúc cho ai hiền lành vì họ sẽ chiếm được / conquer trái đất", mà là họ sẽ "thừa hưởng / inherit" trái đất. Phúc cho ai hiền lành vì họ sẽ "thừa hưởng" trái đất. Theo Kinh Thánh thì động từ "thừa hưởng" có một ý nghĩa còn bao rộng hơn nữa. Đúng thế, Dân Chúa kêu gọi "việc thừa hưởng" này là mảnh đất Israel, tức là Đất Hứa.

 

Mảnh đất đó là một hứa hẹn và là một tặng ân cho Dân Chúa, và nó trở nên một dấu hiệu cho một cái gì đó còn lớn lao hơn nhiều so với một lãnh thổ vậy thôi. Tôi xin được chơi chữ như thế này, có một thứ "đất" là Nước Trời, tức là, mảnh đất chúng ta đang tiến về, là Trời mới và đất mới chúng ta đang hướng tới (Cf. Isaiah 65:17; 66:22; 2 Peter 3:13; Revelation 21:1). Vậy, con người hiền lành là kẻ "thừa hưởng" những lãnh thổ cao quí nhất. Họ không phải là một kẻ nhút nhát, một con người "yếu hèn" tìm kiếm một thứ luân lý thủ lợi tránh né các vấn đề. Hoàn toàn ngược lại! Họ là con người đã lãnh nhận được quyền thừa hưởng nơi Thiên Chúa; họ bênh vực tặng ân này của mình, tặng ân của Thiên Chúa, bằng cách canh chừng lòng thương xót, tình huynh đệ, lòng tin tưởng cùng với những con người ôm ấp niềm hy vọng.

 

Đến đây, chúng ta cần phải nói đến tội giận dữ, một tác động bạo lực, được thúc đẩy bởi những gì thì chúng ta tất cả đều biết. Ai là người thỉnh thoảng đã tỏ ra giận dữ? Tất cả mọi người. Chúng ta cần phải bảo tồn Mối Phúc này và tự vấn xem biết bao nhiêu là điều chúng ta đã hủy hoại bởi giận dữ? Biết bao nhiêu là điều chúng ta đã bị mất đi? Một giây phút giận dữ có thể hủy hoại rất ư là nhiều điều; con người ta  mất tự chủ và con người không trân trọng những gì thật là quan trọng, nên con người có thể hủy hoại mối liên hệ với một người anh chị em, đôi khi đi đến chỗ hết thuốc chữa. Rất nhiều anh chị em không nói chuyện với nhau lâu dài, chỉ vì giận dữ; họ tách biệt khỏi nhau. Đó là những gì phản lại với hiền lành. Hiền lành thì qui tụ còn giận dữ thì phân tán.

 

Hiền lành thắng đoạt rất nhiều sự. Hiền lành là khả năng chiếm đoạt tâm can, khả năng gìn giữ tình bằng hữu, cùng rất nhiều điều khác nữa, vì thành phần giận dữ nhưng sau đó lắng dịu xuống, họ nghĩ lại và lấy lại quân bình, nhờ đó họ có thể tái thiết một cách hiền lành.

 

Trái "đất" được chiếm lấy bằng đức hiền lành đó là phần rỗi của người anh em được Phúc Âm Thánh Mathêu nói tới: "Nếu họ nghe các con thì các con đã chiếm được người anh em của các con" (18:15). Chẳng có mảnh đất nào tuyệt vời hơn là cõi lòng của người khác; chẳng có lãnh thổ nào tuyệt vời hơn để chiếm hữu bằng trở lại sống bình an với một người anh em. Đó là trái đất được thừa hưởng bằng đức hiền lành vậy!

 

https://zenit.org/articles/popes-general-audience-on-the-3rd-beatitude-full-text/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu