GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Bát Phúc: Bài 5

 

 Phúc cho ai đói khát công lý...

 

Pope Francis' General Audience for 11 March 2020 was livestreamed from the Apostolic Library

 

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Trong bài giáo lý hôm nay, chúng ta tiếp tục suy niệm về con đường hạnh phúc quang minh được Chúa ban cho chúng ta nơi Bát Phúc, và chúng ta tiến đến mối phúc thứ 4: "Phúc cho những ai đói khát công lý vì họ sẽ được no thỏa vậy" (Mathêu 5:6).

Chúng ta đã chạm trán với vấn đề nghèo khó trong tinh thần và vấn đề than khóc; giờ đây chúng ta đối diện với một loại yếu hèn khác, có liên hệ với đói khát. Đói và khát là những nhu cầu căn bản, liên quan đến chuyện sống còn. Cần phải nhấn mạnh là ở đây không phải là vấn đề của một thứ mong muốn chung chung vậy, mà là một nhu cầu sống còn hằng ngày, chẳng hạn nhu cầu về dinh dưỡng.

Thế nhưng đâu là ý nghĩa của việc đói khát công lý? Chắc chắn chúng ta không nói về những ai muốn trả thù rửa hận, trái lại, chúng ta nói về tính chất dịu hiền ở mối phúc trước đó. Những gì bất công thật sự đều gây tổn thương cho con người; xã hội loài người rất cần đến những gì là công bình, chân lý và công lý xã hội; chúng ta hãy nhớ rằng sự dữ mà những con người nam nữ chịu đựng trên thế giới này vươn tới tận con tim của Thiên Chúa là Cha. Người cha nào mà không đau lòng trước nỗi đớn đau của con cái mình chứ?

Thánh Kinh nói về nỗi đớn đau của người nghèo và thành phần bị áp bức được Thiên Chúa biết tới và chia sẻ. Vì đã lắng nghe tiếng kêu bị áp bức của con cái Israel - như sách Xuất Hành thuật lại (cf. 3:7-10) - mà Thiên Chúa đã xuống giải thoát dân của Ngài. Thế nhưng thứ đói khát công lý được Chúa nói với chúng ta đây về công lý của con người mà ai cũng ấp ủ trong lòng mình, thậm chí còn sâu xa hơn cả nhu cầu chính đáng nữa.

Trong cùng "bài giảng trên núi" này, xa hơn một chút, Chúa Giêsu nói về một thứ công chính cao hơn cả quyền lợi của con người hay sự trọn lành riêng tư: "Nếu sự công chính của các con không vượt trên sự công chính của những luật sĩ và biệt phái, thì các con sẽ không được vào nước trời" (Mt 5:20). Và đó mới là thứ công chính của Thiên Chúa (cf. 1Cor 1:30).

Trong Thánh Kinh chúng ta thấy được một khát khao sâu xa hơn cả thứ khát về thể lý, đó là thứ khát khao ở tận đáy hữu thể của chúng ta. Có câu Thánh Vịnh "Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước" (Thánh Vịnh 63:2). Các vị Giáo phụ của Giáo Hội nói về nỗi khắc khoải tồn tại trong cõi lòng của con người này. Thánh Âu Quốc Tinh viết: "Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên lòng con nôn nao cho tới khi nó được nghỉ yên trong Chúa" [Confessions , 1.1.5] Có một thứ khát vọng nội tại, một đói khát trong lòng, một khôn nguôi khắc khoải ....

Ở hết mọi cõi lòng, thậm chí ở nơi con người băng hoại nhất và không tốt lành gì, vẫn có một ngưỡng vọng về những gì sáng tỏ, thậm chí tâm can của họ có đang nằm bẹp ở dưới đống vụn giả trá và lầm lỗi, ở đó bao giờ vẫn có một khát vọng chân thiện, tức là thứ khát vọng Thiên Chúa. Chính Thánh Linh đã khơi lên thứ khát vọng này: Ngài là thứ nước hằng sống đã hình thành thứ cát bụi chúng ta, Ngài là hơi thở sáng tạo đã cống hiến sự sống cho chúng ta cát bụi.

Chính vì lý do này mà Giáo Hội được sai đi để loan báo Lời Chúa cho hết mọi người, những con người được thấm nhiễm Thánh Linh. Vì Phúc Âm của Chúa Kitô là thứ công chính cao cả nhất có thể được cống hiến cho tâm can của nhân loại, một tâm can sống còn cần đến nó, ngay cả khi cõi lòng ấy không nhận thức được nó [Cf Catechism of the Catholic Church , 2017: "The grace of the Holy Spirit confers on us the justice of God. By uniting us through faith and Baptism with the passion and resurrection of Christ, the Spirit makes us partakers of his life"].

Chẳng hạn, khi một người nam và một người nữ thành hôn thì họ có ý thực hiện một cái gì đó lớn lao và đẹp đẽ, và nếu họ giữ cho nỗi khát vọng này sống động thì họ sẽ luôn tìm thấy con đường tiến lên, giữa những các thứ trục trặc, bằng sự trợ giúp của Ân sủng. Ngay cả giới trẻ cũng đói khát, và chúng không được làm mất đi nỗi đói khát này! Chúng ta cần phải bảo vệ và nuôi dưỡng trong cõi lòng của trẻ em nỗi khát vọng được yêu thương, được dịu hiền, được đón nhận, được chúng bày tỏ nơi những thôi thúc chân thành và tỏ tường của chúng.

Mỗi một người được kêu gọi để tái khám phá ra những gì thực sự đáng kể, những gì họ thực sự cần, những gì làm cho đời sống tốt đẹp, và đồng thời, những gì là phụ thuộc, và những gì không thể nào không thực hiện.

Chúa Giêsu công bố ở mối phúc này - đói khát công lý - rằng có một thứ đói khát sẽ không bị lỡ làng; một thứ khát vọng mà, nếu được no thỏa, sẽ được mãn nguyện và bao giờ cũng có kết quả, vì nó tương xứng với chính cõi lòng của Thiên Chúa, với Thánh Linh là tình yêu của Ngài, và cũng là hạt giống được Thánh Linh gieo vào lòng của chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn này, đó là được một tấm lòng khao khát công lý là chính lòng khát khao tìm kiếm Ngài, khao khát thấy nhìn thấy Thiên Chúa và khao khát làm lành cho người khác.

(Sau bài giáo lý, ĐTC con ngỏ lời cùng các thành phần khác nhau như sau:)

Vào lúc này đây, tôi muốn ngỏ lời cùng tất cả mọi bệnh nhân đang bị vi khuẩn và những ai đang phải chịu thứ bệnh này, cũng như nhiều người đang bất ổn về bệnh nạn của mình. Tôi chân thành cám ơn nhân viên nhà thương, các bác sĩ, y tá, những tự nguyện viên đang ở bên thành phần đau khổ vào chính lúc rất khốn khó này đây. Tôi xin cám ơn tất cả mọi Kitô hữu, tất cả mọi người nam nữ thiện tâm đang cầu nguyện cho lúc này, tất cả liên kết với nhau, bất kể truyền thống tôn giáo của mình. Xin cám ơn rất nhiều về nỗ lực ấy. Thế nhưng tôi không muốn nỗi đớn đau này, cơn dịch dữ dội này, khiến chúng ta quên mất nhân dân Syria khốn khổ, những con người đang khổ đau ở biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ: một dân tộc khổ đau đã nhiều năm. Họ cần phải thoát được chiến tranh, đói khổ, bệnh nạn. Chúng ta đừng quên những người anh chị em này, đừng quên nhiều trẻ em.

Tôi thân ái chào anh chị em nói tiếng Ý. Tôi phấn khích anh chị em hãy đối diện với hết mọi trường hợp, ngay cả vào những lúc khó khăn nhất, một cách dũng cảm, trách nhiệm và hy vọng.

Tôi cũng xin cám ơn giáo xứ có nhà tù "Due Palazzi" ở Padua: cám ơn anh chị em rất nhiều. Hôm qua, tôi đã nhận được bản thảo về Đường Thánh Giá được anh chị em soạn thảo cho Thứ Sáu Tuần Thánh tới đây. Xin cám ơn tất cả anh chị em đã cùng nhau làm việc, toàn thể cộng đồng nhà tù này. Xin cám ơn những gì anh chị em sâu xa suy niệm.

Giờ đây tôi xin đặc biệt chào giới trẻ, giới già và các cặp tân hôn. Chớ gì anh chị em sống Mùa Chay này bằng ánh mắt gắn chặt vào Chúa Giêsu, Đấng đã khổ nạn và phục sinh từ trong kẻ chết, được nhận lấy ơn an ủi và niềm dịu hiền của Thần Linh Người.

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2020/documents/papa-francesco_20200311_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu 

Vì phòng ngừa nạn dịch vi khuẩn corona đang hoàng hành lây lan ở Ý,

Đền Thờ Thánh Phêrô hoàn toàn bị đóng cửa từ lúc 1:40 chiều ngày 10/3/2020, giờ Roma, cho đến ngày 4/4/2020, tức cho đến Thứ Bảy áp Chúa Nhật Lễ Lá.

Hôm nay, Thứ Tư ngày 11/3/2020, cảnh sát Ý đã không cho ai vào Quảng Trường Thánh Phêrô nữa.