GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện

 

Bài 11 Cầu Nguyện ....

 

Pope Francis at the General Audience of Oct. 21, 2020, at the Paul VI audience hall.

 

Thực ra cũng có cả một thứ cầu nguyện ngụy tạo, một thứ cầu nguyện chỉ để ca tụng người khác..

Những ai đó đi lễ chỉ để chứng tỏ họ là Công giáo, hay để khoe kiểu phục sức tân thời nhất mang trên người,

hoặc để gây một ấn tượng tốt trong xã hội. Họ đang đi đến chỗ cầu nguyện ngụy tạo...

Cầu nguyện không phải là một thứ thuốc giảm đau để nhẹ bớt những lo âu của đời sống

 

Pope Francis gives his general audience address in the Paul VI Audience Hall at the Vatican Oct. 21, 2020. Photo credits: Daniel Ibáñez/CNA.

 

Nếu anh chị em đọc nhiều kinh mân côi mỗi ngày,

nhưng sau đó xì xèo bàn tán về người khác, cùng nung nấu những mối hận thù trong lòng,

nếu anh chị em ghét người khác, thì thật là nhân tạo, không chân thực.

 

 

Thứ vô thần hằng ngày ấy là ở chỗ:

tôi tin Thiên Chúa nhưng tôi vẫn cứ giãn cách với người khác, và cứ việc ghét người khác.

Đó là thứ chủ nghĩa vô thần thực dụng.

Việc không nhìn nhận con người là hình ảnh của Thiên Chúa là một thứ tội phạm thánh,

một thứ kinh tởm, một xúc phạm tệ nhất như phạm đến đền thờ và bàn thờ vậy.

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta cần thay đổi một chút về cách thức buổi triều kiến chung này được kết thúc vì vi khuẩn corona. Anh chị em bị cách ly, với những khẩu trang an toàn nữa, còn tôi ở đây, hơi xa cách và không thể thực hiện những gì tôi vẫn làm khi đến gần anh chị em, vì mỗi lần tôi đến gần anh chị em như vậy thì tất cả anh chị em cùng kéo đến nên chẳng còn cách ly nữa, như thế là nguy hiểm cho anh chị em bị lây nhiễm. Tôi xin lỗi về điều này, nhưng chỉ vì vấn đề an toàn của anh chị em thôi. Thay vì đến gần anh chị em và bắt tay anh chị em để chào anh chị em, thì chúng ta cần phải chào nhau từ xa vậy, nhưng nên biết rằng lòng tôi luôn cận kề với anh chị em. Tôi hy vọng rằng anh chị em hiểu được lý do tại sao tôi lại làm như vậy.

Cũng thế, trong khi những người đọc đoạn thánh kinh, tôi chú ý tới một bé nam hay nữ ở đằng kia đang khóc, và tôi thấy người mẹ đang nựng bé và cho bé bú, nên tôi nghĩ rằng đó là những gì Thiên Chúa làm cho chúng ta, như người mẹ ấy. Người mẹ dịu dàng biết bao, đang cố gắng vỗ về và cho bé bú. Đó là những hình ảnh tuyệt vời. Khi xẩy ra chuyện một em bé khóc ở trong Nhà thờ, hãy lắng nghe tiếng khóc để cảm thấy nỗi dịu dàng của người mẹ ở đó, như hôm nay đây, xin cám ơn những chứng từ của anh chị em, và có một nỗi dịu dàng nơi một người mẹ tiêu biểu cho sự dịu dàng của Thiên Chúa ở với chúng ta đây. Đừng bao giờ làm câm nín đi một em bé khóc ở trong Nhà thờ, đừng bao giờ hết, vì đó là tiếng khóc thu hút nỗi dịu dàng của Thiên Chúa. Xin cám ơn chứng từ của chị.

Hôm nay, chúng ta sẽ hoàn tất loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện bằng các Thánh Vịnh. Trước hết, chúng ta thấy ở đấy thường xuất hiện một nhân vật tiêu cực nào đó trong các bài Thánh Vịnh, được gọi là con người "gian ác", tức là họ sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu. Đó là một con người không có bất cứ một dính dáng gì tới siêu việt thể hết, ngạo mạn khôn lường, bất chấp mọi án quyết liên quan đến những gì họ nghĩ hay làm.

Vì thế mà Thánh Vịnh cho thấy việc cầu nguyện như là một thực tại sống cốt yếu. Việc qui chiếu về tuyệt đối thể và về siêu việt thể - mà các bậc thày thiêng liêng gọi là "lòng kính sợ Thiên Chúa thánh hảo" - và làm cho chúng ta hoàn toàn là người, là thứ biên giới cứu chúng ta khỏi bản thân chúng ta, ngăn ngừa chúng ta khỏi sống sượng và ngấu nghiến rơi vào cuộc sống liều lĩnh. Cầu nguyện là việc cứu độ của loài người

Thực ra cũng có cả một thứ cầu nguyện ngụy tạo, một thứ cầu nguyện chỉ để ca tụng người khác. Con người nào, hoặc những ai đó đi lễ chỉ để chứng tỏ họ là Công giáo, hay để khoe kiểu phục sức tân thời nhất mang trên người, hoặc để gây một ấn tượng tốt trong xã hội. Họ đang đi đến chỗ cầu nguyện ngụy tạo. Chúa Giêsu mãnh mẽ khiến trách thứ cầu nguyện như vậy (xem Mt 6:5-6; Lc 9:14). Thế nhưng, nếu chân thành có được tinh thần cầu nguyện thật sự trong lòng mình, thì nó mới giúp chúng ta có thể chiêm ngắm thực tại, bằng chính con mắt của Thiên Chúa.

Khi người ta cầu nguyện thì hết mọi sự có được "chiều sâu". Đó là việc chú tâm vào việc cầu nguyện, có thể bắt đầu xẩy ra một cái gì đó ẩn khuất, nhưng trong việc cầu nguyện có chiều sâu thì nó trở thành trân trọng, như thể Thiên Chúa nắm bắt lấy nó và biến đổi nó vậy. Việc phụng sự tệ nhất người ta có thể cống hiến cho Thiên Chúa và cho cả những người khác nữa, đó là cầu nguyện một cách uể oải như cái máy vậy. Cầu nguyện như con vẹt. Không, hãy cầu nguyện bằng tấm lòng. Cầu nguyện là tâm điểm của đời sống. Với cầu nguyện thì ngay cả một người anh em, chị em, thậm chí cả kẻ thù nữa cũng trở thành quan trọng. Các đan sĩ Kitô giáo ngày xưa có nói: "Phúc cho đan sĩ nào biết coi hết mọi con người như là Thiên Chúa, theo như Thiên Chúa" (Evagrius Ponticus, Trattato sulla preghiera, n. 122). Những ai tôn thờ Thiên Chúa thì cũng yêu thương con cái của Ngài. Những ai kính trọng Thiên Chúa thì cũng tôn trọng con người ta.

Bởi thế, cầu nguyện không phải là một thứ thuốc giảm đau để nhẹ bớt những lo âu của đời sống; hay, thứ cầu nguyện này dầu sao cũng không phải thật sự là thứ cầu nguyện Kitô giáo. Trái lại, cầu nguyện là những gì làm cho mỗi một người trong chúng ta trở nên hữu trách. Chúng ta thấy điều ấy rõ ràng nơi "Kinh Lạy Cha" được Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ của Người.

Để biết cách cầu nguyện như vậy thì Thánh Vịnh là một học đường cao cả. Chúng ta thấy cách thức các bài Thánh Vịnh không luôn sử dụng thứ ngôn ngữ chau chuốt và nhẹ nhàng, cũng như cách thức các bài Thánh Vịnh này thường phơi bày ra những vết xẹo của cuộc sống. Tuy nhiên, tất cả những kinh nguyện này đầu tiên được sử dụng ở Đền Thờ Giêrusalem, sau đó ở trong các hội đường; thậm chí ở những nơi sâu xa và riêng tư nhất. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nói thế này: "Nhiều hình thức Thánh Vịnh hình thành cả ở nơi Đền thờ, cũng như nơi cõi lòng của con người" (khoản 2588). Như thế, lời cầu nguyện riêng tư được kín múc từ, và được nuôi dưỡng trước hết bởi lời cầu nguyện của dân Do Thái, rồi bởi lời cầu nguyện của Giáo Hội.

Thậm chí các bài Thánh Vịnh ở ngôi số ít thứ nhất, những bài Thánh Vịnh giải bày những ý tâm tưởng sâu thẳm nhất cùng với các vấn đề của một cá nhân nào đó, là một gia sản chung, cho đến độ được cầu nguyện bởi hết mọi người và cho hết mọi người. Lời cầu nguyện của Kitô hữu có được "hơi thở" này, có được tính chất "căng giãn" để giữ đền thờ và thế giới lại với nhau. Cầu nguyện có thể bắt đầu ở nơi một vùng mờ tối giữa nhà thờ, nhưng cuối cùng thì lại ở trên các đường phố. Và ngược lại, nó có thể nẩy nở trong các thứ hoạt động trong ngày, và tiến tới mức độ viên trọn của nó nơi phụng vụ. Các cửa nhà thờ không phải là những thứ rào cản, mà là "những cái màng" khả thấu, có thể thấm nhập những tiếng than van của hết mọi người.

Thế giới luôn hiện lên nơi việc cầu nguyện ở Thánh Vịnh. Chẳng hạn, các Thánh Vịnh vang tiếng hứa hẹn cứu độ của Thiên Chúa cho những ai hèn kém nhất:... "Chúa phán: 'Giờ đây Ta đứng lên bởi kẻ nghèo bị áp bức, kẻ khốn cùng rên siết thở than, Ta sẽ đưa vào vào chốn an toàn mà họ mong chờ'" (12:5). Cũng thế, các bài Thánh Vịnh cảnh báo về mối nguy hiểm của giầu sang trần thế vì..."Con người không thể sống trong tráng lệ, họ như thú dữ sát hại" (49:20). Chưa hết, các bài Thánh Vịnh mở ra chân trời theo nhãn quan của Thiên Chúa về lịch sử: "Chúa đảo lộn chương trình muôn nước, Người phá tan ý định chư dân. Chương trình của Chúa ngàn năm bền vững, ý định của lòng Người vạn kiếp trường tồn" (33:1011).

Tóm lại, nơi đâu có Thiên Chúa thì con người cũng cần phải ở đó nữa. Thánh Kinh đã rõ ràng cho thấy rằng: "Chúng ta hãy yêu thương là vì Ngài đã thương yêu chúng ta trước". Ngài luôn đi trước chúng ta. Ngài luôn chờ đợi chúng ta vì Ngài yêu chúng ta trước, Ngài nhìn đến chúng ta trước, Ngài biết chúng ta trước. Ngài bao giờ cũng chờ đợi chúng ta. "Nếu ai nói rằng 'tôi yêu mến Thiên Chúa' mà lại ghét anh em mình, thì họ là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương anh em mình là thành phần họ nhìn thấy được, thì cũng không thể kính mến Thiên Chúa là Đấng họ chẳng thấy". Nếu anh chị em đọc nhiều kinh mân côi mỗi ngày, nhưng sau đó xì xèo bàn tán về người khác, cùng nung nấu những mối hận thù trong lòng, nếu anh chị em ghét người khác, thì thật là nhân tạo, không chân thực. "Mệnh lệnh chúng ta đã nhận lãnh từ Người đó là ai kính mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em của mình nữa" (1Gioan 4:19-21).

Thánh Kinh công nhận trường hợp của con người, cho dù họ thành thực tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng chẳng bao giờ thành đạt trong việc gặp gỡ Ngài; đồng thời cũng khẳng định rằng những giọt nước mắt của kẻ nghèo không bao giờ bị ruồng rẫy bởi nỗi đớn đau không được gặp gỡ Thiên Chúa. Thiên Chúa không nâng đỡ "chủ nghĩa vô thần" của những ai không chấp nhận hình ảnh thần linh được in ấn nơi hết mọi con người. Thứ vô thần hằng ngày ấy là ở chỗ: tôi tin Thiên Chúa nhưng tôi vẫn cứ giãn cách với người khác, và cứ việc ghét người khác. Đó là thứ chủ nghĩa vô thần thực dụng. Việc không nhìn nhận con người là hình ảnh của Thiên Chúa là một thứ tội phạm thánh, một thứ kinh tởm, một xúc phạm tệ nhất như phạm đến đền thờ và bàn thờ vậy.

Anh chị em thân mến, những lời cầu nguyện của các bài Thánh Vịnh giúp cho chúng ta không bị rơi vào chước cám dỗ của thành phần "gian ác", tức là của việc sống, có lẽ cả việc nguyện cầu nữa, như thể Thiên Chúa không hiện hữu, và như thể không có người nghèo vậy.

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2020/documents/papa-francesco_20201021_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu