GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện:

 

Bài 13 Cầu Nguyện: Chúa Giêsu Thày Dạy

 

Pope Francis holds the General Audience in the Vatican Apostolic Library

 

"Ngay cả vào những lúc hết sức dấn thân cho người nghèo và cho bệnh nhân,

Chúa Giêsu vẫn không bao giờ lơ là với việc Người trao đổi với Chúa Cha.

Người càng trầm mình vào các thứ nhu cầu của dân chúng,

thì Người lại càng cảm thấy cần phải nghỉ ngơi trong Mối Hiệp Thông Ba Ngôi, cần phải trở lại với Chúa Cha và với Thần Linh".

 

 

"Cầu nguyện giúp chúng ta tìm thấy chiều kích chính xác

nơi mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, Cha của chúng ta, cũng như với tất cả mọi tạo vật.

Cuối cùng, việc cầu nguyện của Chúa Giêsu nhắm đến chỗ gieo mình vào bàn tay của Chúa Cha"

 

 

Tiếc thay, chúng ta lại phải trở về với việc thực hiện buổi triều kiến này ở thư viện, để chúng ta khỏi bị nhiễm lây Covid. Điều này cũng dạy cho chúng ta biết rằng chúng ta cần phải lưu ý kỹ lưỡng tới những qui định của các cơ quan thẩm quyền, cả thẩm quyền về chính trị cũng như thẩm quyền về y tế, để chúng ta tránh khỏi bị dịch bệnh đây. Chúng ta hãy dâng lên Chúa khoảng cách này giữa chúng ta, vì thiện ích của tất cả mọi người, và chúng ta hãy nghĩ, hãy nghĩ nhiều về người bệnh, về những ai sống bên lề xã hội khi họ vào nhà thương, chúng ta hãy nghĩ đến các y sĩ, y tá, các tình nguyện viên, nhiều người đang làm việc với người bệnh vào lúc này: họ liều mạng, nhưng họ làm vậy vì yêu thương tha nhân của họ, như là một ơn gọi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.

Trong đời sống công khai của mình, Chúa Giêsu đã lợi dụng quyền năng của việc cầu nguyện. Các Phúc Âm đều cho chúng ta thấy điều này khi Người rút lui vào những nơi thanh vắng để cầu nguyện. Đó là những nhận định đạm bạc và khéo léo giúp chúng ta có thể chỉ cần tưởng tượng thấy được những lần trao đổi nguyện cầu này. Tuy nhiên, những nhận định ấy lại rõ ràng cho thấy rằng, ngay cả vào những lúc hết sức dấn thân cho người nghèo và cho bệnh nhân, Chúa Giêsu vẫn không bao giờ lơ là với việc Người trao đổi với Chúa Cha. Người càng trầm mình vào các thứ nhu cầu của dân chúng, thì Người lại càng cảm thấy cần phải nghỉ ngơi trong Mối Hiệp Thông Ba Ngôi, cần phải trở lại với Chúa Cha và với Thần Linh.

Bởi thế, đời sống của Chúa Giêsu có một bí quyết, bị khuất mắt trần gian, một bí quyết là đòn bẩy cho tất cả mọi sự khác. Việc cầu nguyện của Chúa Giêsu là một thực tại nhiệm mầu, mà chúng ta hơi trực giác thấy, thế nhưng cái thực tại này giúp chúng ta có thể hiểu được tất cả sứ vụ của Người từ một nhãn quan chính xác. Trong những giờ khắc thanh vắng ấy - trước rạng đông hay vào đêm tối - Chúa Giêsu đã trầm mình sống thân mật với Chúa Cha, tức là, trầm mình vào một Tình Yêu mà hết mọi tâm hồn khát vọng. Đó là những gì hiện lên từ những ngày đầu tiên nơi thừa tác vụ công khai của Người.

Chẳng hạn, một ngày Hưu Lễ kia, thành Capernaum đã được biến thành một "bệnh viện dã chiến", ở chỗ, chiều đến, họ đã mang đến cho Chúa Giêsu tất cả mọi bệnh nhân và Người đã chữa lành họ. Tuy nhiên, trước rạng đông thì Chúa Giêsu đã biến khuất: Người đã thu mình ở một nơi thanh vắng mà cầu nguyện. Môn đệ Phêrô và những môn đệ khác đã phải đi kiếm tìm Người, và khi gặp thấy Người thì họ thưa với Người rằng: "Hết mọi người đang tìm kiếm Thày!" Chúa Giêsu đã trả lời ra sao? "Nào chúng ta hãy đi đến cả các tỉnh thành khác nữa, những nơi Thày cũng cần phải rao giảng nữa; đó là lý do tại sao Thày đã đến" (see Mk 1:35-38). Chúa Giêsu bao giờ cũng đi xa hơn một chút, xa hơn nơi việc cầu nguyện với Chúa Cha, và vươn tới các thôn làng khác, các chân trời khác, để đi rao giảng cho những người khác.

Cầu nguyện là thứ chèo lái đời sống của Chúa Giêsu. Không phải là thành công, không phải là được lòng người, không phải là cụm từ hấp dẫn "hết mọi người đang tìm kiếm Thày", là những gì điều khiển các giai đoạn sứ vụ của Người. Đường lối Chúa Giêsu đã phác họa là một đường lối ít thoải mái nhất, mà là đường lối Người tuân theo thần hứng của Chúa Cha, những gì Người đã nghe thấy và đã đón nhận trong giây phút thanh vắng nguyện cầu.

Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy rằng "Khi Chúa Giêsu cầu nguyện là bấy giờ Người dạy cho chúng cầu nguyện ra sao" (khoản 2607). Bởi thế, theo gương của Chúa Giêsu, chúng ta có thể rút ra được một số đặc tính của việc cầu nguyện Kitô giáo.

Trước hết và trên hết, cầu nguyện chiếm vị thế chính yếu, ở chỗ nó là ước muốn đầu tiên trong ngày, một điều gì đó cần phải thực hiện vào lúc hừng đông, trước khi thế giới thức giấc. Nó lấy lại hồn sống là những gì nếu thiếu hụt sẽ như chẳng có gì là sống động. Một ngày sống mà không cầu nguyện có nguy cơ bị biến thành một thứ cảm nghiệm khó chịu hay tẻ nhạt, ở chỗ tất cả những gì xẩy ra cho chúng ta có thể biến thành một thứ số phận mù quáng cần phải chịu đựng một cách tệ hại.Trái lại, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta một thứ thuần phục thực tại, nhờ đó biết lắng nghe. Cầu nguyện chính yếu là lắng nghe và gặp gỡ Thiên Chúa. Nhờ đó mà các thứ vấn đề của mọi ngày sống không còn trở thành các chướng ngại vật, mà những lời kêu gọi từ chính Thiên Chúa hãy lắng nghe và gặp gỡ những ai đang ở trước chúng ta. Các thứ thử thách trong đời, như vậy, trở thành những cơ hội để tăng trưởng đức tin và đức ái. Cuộc hành trình hằng ngày, bao gồm cả các thứ khốn khó, có được tính cách của một "ơn gọi". Cầu nguyện có quyền lực biến đổi những gì trong đời đáng lẽ là khốn nạn thành thiện hảo; cầu nguyện có mãnh lực mở rộng tâm trí và nới rộng tâm can vươn tới một chân trời rộng lớn.  

Sau nữa, cầu nguyện là một nghệ thuật cần phải được nhất trí áp dụng thực hành. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng: hãy gõ, hãy gõ, hãy gõ. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng: hãy gõ, hãy gõ, hãy gõ. Tất cả chúng ta đều có khả năng cầu nguyện một cách rời rạc, những lời cầu xuất phát từ một cảm xúc nhất thời nào đó; thế nhưng, Chúa Giêsu dạy chúng ta một kiểu cầu nguyện khác, đó là thứ cầu nguyện có kỷ luật, được thực hành, như qui luật sống vậy. Việc liên lỉ cầu nguyện tạo nên việc biến đổi thăng hóa, làm cho chúng ta trở nên mạnh mẽ trong những lúc gian nan hoạn nạn, cống hiến cho chúng ta ân sủng bởi Đấng yêu thương chúng ta và luôn bảo vệ chúng ta.

Một đặc tính khác nơi việc cầu nguyện của Chúa Giêsu đó là tính chất thanh vắng. Những ai cầu nguyện thì không phải là những con người muốn xa tránh thế gian này, mà là ưa thích những nơi hoang vắng. Ở đó, trong thinh lặng, nhiều tiếng nói nổi lên từ những thẳm cung sâu lắng nhất của con người chúng ta: như những ước muốn bị dồn nén nhất, các sự thật từng bị ngột ngạt, vân vân. Nhất là việc Thiên Chúa lên tiếng trong thinh lặng. Hết mọi người đều cần giành chỗ cho mình, để nhờ đó có thể vun trồng đời sống nội tâm, một nội tâm làm nên ý nghĩa của các hành động. Không có đời sống nội tâm, chúng ta trở thành nông nổi, giao động và lo âu - nỗi lo âu gây tác hại cho chúng ta biết bao! Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải cầu nguyện; không có đời sống nội tâm chúng ta sẽ thoát ly khỏi thực tại, và chúng ta cũng thoát ly khỏi chính bản thân mình, thành phần con người nam nữ của chúng ta lúc nào cũng đôn đáo đủ thứ chuyện.

Sau hết, việc cầu nguyện của Chúa Giêsu là nơi chúng ta thấy được rằng hết mọi sự đến từ Thiên Chúa và trở về với Ngài. Đôi khi loài người chúng ta tin rằng chúng ta làm chủ hết mọi sự, hay ngược lại, chúng ta chẳng còn tự tin gì nữa, chúng ta nghiêng bên này ngã bên kia. Cầu nguyện giúp chúng ta tìm thấy chiều kích chính xác nơi mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, Cha của chúng ta, cũng như với tất cả mọi tạo vật. Cuối cùng, việc cầu nguyện của Chúa Giêsu nhắm đến chỗ gieo mình vào bàn tay của Chúa Cha, như Chúa Giêsu trong vườn cây dầu, trong lúc sầu khổ: "Cha ơi, nếu có thể... xin cho ý Cha được thể hiện". Phó mình vào bàn tay của Chúa Cha. Cũng tốt thôi khi chúng ta bị giao động, khi chúng ta hơi lo âu, thì Thánh Linh biến đổi chúng ta từ bên trong, và dẫn chúng ta tới chỗ phó mình vào tay của Chúa Cha: "Cha ơi, xin cho ý Cha được nên trọn".

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tái nhận thức rằng Chúa Giêsu Kitô là thày dạy cầu nguyện trong Phúc Âm, và hãy đến với học đường của Người. Tôi bảo đảm với anh chị em là chúng ta sẽ cảm thấy hân hoan và an bình.

 

http://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2020/documents/papa-francesco_20201104_udienza-generale.html

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu