GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện:

 

Bài 19 Cầu Nguyện Chuyển Cầu

 

Pope Francis at the General Audience

 

Những ai cầu nguyện thì không bao giờ lãng quên thế giới này.

Nếu cầu nguyện mà không bao gồm cả niềm vui nỗi buồn, hy vọng và lo âu của nhân loại,

thì nó trở thành một hoạt động "trang trí", một cách thức tác hành nông nổi, kịch cỡm và hiu quạnh.

Pope Francis at his general audience address in the library of the Apostolic Palace Dec. 16, 2020. Credit: Vatican Media.

Trong nguyện cầu, Thiên Chúa "nhận lấy chúng ta, chúc phúc cho chúng ta, đoạn bẻ chúng ta ra và trao ban chúng ta đi",

để làm cho cơn đói khổ của hết mọi người được no thỏa.

Hết mọi Kitô hữu được kêu gọi để trở nên tấm bánh trong bàn tay của Thiên Chúa, được bẻ ra và chia sẻ.

Những con người ấy cầu nguyện cho toàn thế giới, ôm lấy những sầu thương và tội lỗi của thế giới trên đôi vai của mình.

Họ cầu nguyện cho mỗi người và mọi người: họ giống như những "antennas" của Thiên Chúa trên thế giới này...

Khi cầu nguyện là chúng ta có cùng tần số với lòng thương xót Chúa;

ở chỗ thương xót tội lỗi của chúng ta, thương xót bản thân của chúng ta,

nhưng cũng thương xót tất cả những ai xin chúng ta cầu nguyện,

những ai chúng ta muốn cầu nguyện theo tần số của cõi lòng Thiên Chúa.

 

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Những ai cầu nguyện thì không bao giờ lãng quên thế giới này. Nếu cầu nguyện mà không bao gồm cả niềm vui nỗi buồn, hy vọng và lo âu của nhân loại, thì nó trở thành một hoạt động "trang trí", một cách thức tác hành nông nổi, kịch cỡm và hiu quạnh. Tất cả chúng ta đều cần đến tính chất nội tâm, ở chỗ thu mình vào một không gian và thời gian giành riêng cho mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là chúng ta tránh né thực tại. Trong nguyện cầu, Thiên Chúa "nhận lấy chúng ta, chúc phúc cho chúng ta, đoạn bẻ chúng ta ra và trao ban chúng ta đi", để làm cho cơn đói khổ của hết mọi người được no thỏa. Hết mọi Kitô hữu được kêu gọi để trở nên tấm bánh trong bàn tay của Thiên Chúa, được bẻ ra và chia sẻ. Tức nó là một thứ cầu nguyện cụ thể, chứ không phải là một thứ thoát ly.

Bởi vậy, những con người nam nữ cầu nguyện tìm kiếm những nơi cô tịch và lặng lẽ không phải để khỏi bị phiền toái, mà là để nghe tiếng của Chúa tốt hơn. Đôi khi họ hoàn toàn thu mình cho khỏi thế gian, kín đáo trong phòng riêng của mình, như Chúa Giêsu khuyên dạy (Mt.6:6). Thế nhưng, bất cứ ở đâu, bao giờ họ cũng mở rộng cửa lòng của họ ra: mở cửa cho những ai không biết cầu nguyện; cho những ai không cầu nguyện gì hết nhưng lại ấp ủ trong lòng một tiếng kêu ngột ngạt, một thỉnh nguyện thầm kín; cho những ai lầm lỡ và lầm đường lạc lối... Bất cứ ai gõ cửa của con người cầu nguyện đều thấy được một cõi lòng thương cảm không loại trừ một ai. Cầu nguyện xuất phát từ cõi lòng của chúng ta cũng như từ tiếng nói của chúng ta, đồng thời cũng là cõi lòng và tiếng nói thay cho rất nhiều người không biết phải cầu nguyện ra sao, hay những ai không muốn cầu nguyện, hay những kẻ không thể cầu nguyện: chúng ta là cõi lòng và là tiếng nói của những con người ấy, dâng lên Chúa Giêsu, dâng lên Chúa Cha, như là thành phần cầu thay nguyện giúp vậy.

Ở nơi cô tịch quạnh hiu của những ai nguyện cầu, dù cảnh tịch hiu này có lâu dài, hay chỉ nửa tiếng đồng hồ, để cầu nguyện, thì họ tách mình khỏi hết mọi sự và mọi người là để tìm gặp hết mọi sự và hết mọi người trong Thiên Chúa. Những con người ấy cầu nguyện cho toàn thế giới, ôm lấy những sầu thương và tội lỗi của thế giới trên đôi vai của mình. Họ cầu nguyện cho mỗi người và mọi người: họ giống như những "antennas" (tiếng Việt phiên âm là ăng-ten, nghĩa là trạm bắt sóng) của Thiên Chúa trên thế giới này. Người cầu nguyện nhìn thấy dung nhan của Chúa Kitô nơi hết mọi người đến gõ cửa lòng mình, nơi hết mọi người đã bị mất đi ý nghĩa của các sự vật. Trong Sách Giáo Lý chúng ta đọc thấy rằng: "việc chuyển cầu - kêu xin thay người khác (...) mang đặc tính của một tâm can cùng tần số với lòng thương xót Chúa". Thật là tuyệt vời. Khi cầu nguyện là chúng ta có cùng tần số với lòng thương xót Chúa; ở chỗ thương xót tội lỗi của chúng ta, thương xót bản thân của chúng ta, nhưng cũng thương xót tất cả những ai xin chúng ta cầu nguyện, những ai chúng ta muốn cầu nguyện theo tần số của cõi lòng Thiên Chúa.

Đó thực sự là cầu nguyện, ở chỗ có cùng tần số với lòng thương xót Chúa, với cõi lòng từ bi nhân hậu của Ngài. "Trong thời đại của Giáo Hội, việc chuyển cầu của Kitô hữu là những gì tham dự vào việc chuyển cầu của Chúa Giêsu, như là một thể hiện mầu nhiệm các thánh cùng thông công" (Giáo Lý số 2635). Vấn đề tham dự vào việc chuyển cầu của Chúa Kitô nghĩa là gì? Khi chúng ta chuyển cầu cho ai hay cầu nguyện cho người nào đó là bởi vì Chúa Kitô là Đấng Cầu Bầu ở trước Chúa Cha, Người cầu cho chúng ta, Người cầu nguyện bằng cách tỏ cho Chúa Cha thấy các thương tích nơi tay của Người, vì Chúa Giêsu hiện diện một cách thể lý trước Chúa Cha nơi thân xác của Người. Chúa Giêsu là Đấng Cầu Bầu của chúng ta và việc cầu nguyện cần phải giống như Chúa Giêsu một chút, ở chỗ chuyển cầu trong Chúa Giêsu trước Chúa Cha, cho những người khác. Đó là những gì rất đẹp đẽ.

Tâm can con người hướng về cầu nguyện. Nó là những gì thuần con người. Những ai không yêu thương anh chị em mình thì chẳng biết thế nào là nghiêm chỉnh cầu nguyện. Có người nói rằng: người ta không thể cầu nguyện khi ngập ứ hận thù ghen ghét; người ta không thể cầu nguyện khi chìm sâu vào tâm trạng lạnh lùng lãnh đạm. Lời cầu nguyện chỉ được dâng lên bằng tinh thần yêu thương. Những ai không yêu thương thì chỉ giả bộ nguyện cầu vậy thôi, họ tin rằng họ đang cầu nguyện, nhưng họ lại chẳng cầu nguyện gì vì thiếu mất thứ tinh thần thích đáng đó là tình yêu thương. Trong Giáo Hội, những ai quen với nỗi sầu thương và niềm vui của người khác thì còn đào sâu hơn cả những viên điều tra "các guống máy chính yếu" trên thế giới này. Chính vì thế mới cần có cảm nghiệm nhân loại ở nơi hết mọi lời cầu nguyện, bất chấp lỗi lầm vấp phạm của con người, những con người lầm lỡ vẫn không được loại trừ hay tẩy chay.  

Khi các tín hữu, được Thánh Linh tác động, cầu cho các tội nhân, thì không có vấn đề chọn lựa, không còn vấn đề phán xét hay lên án nữa, mà là việc họ cầu nguyện cho hết mọi người. Họ cầu nguyện cho chính bản thân họ. Lúc ây, họ ý thức rằng họ chẳng khác với những ai họ cầu nguyện cho. Họ nhận thức rằng họ là những tội nhân giữa các tội nhân, nên họ cầu cho hết mọi người. Bài học từ dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế bao giờ cũng còn đó và luôn có giá trị (see Lk 18:9-14): chúng ta không hơn bất cứ ai, chúng ta tất cả đều là anh chị em mang tính chất mỏng dòn, khổ đau và là tội nhân nói chung. Bởi thế, lời cầu nguyện chúng ta có thể thân thưa với Thiên Chúa là lời cầu như thế này: "Lạy Chúa, không ai là công chính trước nhan Ngài" (see Ps 143:2), đó là những gì được một trong những Thánh Vịnh nói: "Lạy Chúa, không ai là người sống công chính trước nhan Ngài, chẳng một ai trong chúng con: tất cả chúng con đều là tội nhân - tất cả chúng con đều mắc nợ, mỗi người đều có một món nợ kếch sù phải thanh toán; không ai là vô tội trước nhan Chúa. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!" Với tinh thần này, cầu nguyện mới trổ sinh hoa trái, vì chúng ta hạ mình trước Thiên Chúa mà cầu cho hết mọi người. Trái lại, người biệt phái cầu nguyện một cách ngạo mạn: "Tôi tạ ơn Ngài, lạy Chúa, vì tôi không như kẻ khác, những kẻ tội lỗi: tôi là một con người công chính, luôn luôn là như thế...". Đó không phải là cầu nguyện: mà là ngắm mình trong gương soi, chứ không nhìn vào thực tại của mình, không. Nó như thể nhìn vào bản thân mình được trang điểm trong gương soi theo cái kiêu hãnh của mình.

Thế giới tiếp tục tri ân cảm tạ những con người cầu nguyện, thành phần chuyển cầu, và là những người hầu như chẳng được biết tới... thế nhưng lại được Thiên Chúa biết! Có nhiều Kitô hữu vô danh, vào những thời bách hại, đã lập lại những lời của Chúa là: "Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết những việc họ làm" (Luca 23:34).

Vị Mục Tử Nhân Lành vẫn trung thành, ngay cả trước khi dân Ngài nhận thức được tội lỗi của họ, ở chỗ, Vị Mục Tử Nhân Lành này tiếp tục là một Người Cha, bất kể cả khi con cái của Ngài lìa xa Ngài và ruồng bỏ Ngài. Ngài kiên trì phục vụ như một vị mục tử, ngay cả với những ai đã vấy máu Ngài; Ngài không khép kín lòng mình lại trước cả những ai đã hành khổ Ngài.

Giáo Hội, nơi tất cả mọi phần tử của mình, có sứ vụ thực hiện việc cầu nguyện chuyển cầu này, ở chỗ chuyển cầu cho những người khác. Đặc biệt là đối với những ai có trách nhiệm như cha mẹ, thày cô, các vị thừa tác viên thánh chức, các vị bề trên của các cộng đồng... Như Abraham và Moisen, có những lúc họ cần phải "bênh vực" thành phần dân được trao phó cho họ trước Thiên Chúa. Thực vậy, chúng ta đang nói về việc bảo vệ bao che dân, bằng ánh mắt và cõi lòng của Thiên Chúa, bằng cùng một lòng cảm thương và niềm êm ái dịu dàng bất khả chống cưỡng của Ngài. Hãy dịu dàng cầu nguyện cho những người khác.

Hỡi anh chị em, tất cả chúng ta là những chiếc lá ở trên cùng một cây: mỗi một chiếc lá rụng xuống đều nhắc nhở chúng ta về lòng thương cao cả cần phải được nuôi dưỡng bằng nguyện cầu cho kẻ khác. Vậy chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau. Nó sẽ mang lại thiện ích cho cả chúng ta lẫn cho hết mọi người. Xin cám ơn anh chị em.

 

http://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2020/documents/papa-francesco_20201216_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu