GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện:

 

Bài 3 - Cầu Nguyện qua Thiên Nhiên Vạn Vật

 

Pope Francis gives a general audience address in the library of the Apostolic Palace. Credit: Vatican Media

 

Vẻ đẹp và mầu nhiệm của Tạo Vật làm phát sinh nơi tâm can của con người

tác động đầu tiên khơi động nguyện cầu

 

 

Cầu nguyện là mãnh lực đầu tiên của niềm hy vọng.

Khi anh chị em cầu nguyện thì niềm hy vọng dâng lên, cứ thế.

Cầu nguyện là việc mở cánh cửa của niềm hy vọng.

Hy vọng vẫn có đó, thế nhưng tôi chỉ hướng đến hy vọng khi nguyện cầu.

 

 

Thân ái chào anh chị em,

Chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về cầu nguyện, bằng việc suy niệm về mầu nhiệm Tạo Dựng. Sự sống, một sự kiện đơn thuần cho thấy chúng ta đang hiện hữu đây, là những gì hướng lòng con người về việc cầu nguyện.

Trang Thánh Kinh đầu tiên giống như là một bài thánh ca tri ân cảm tạ. Trình thuật về việc Tạo Dựng được chấm phết cách ngăn nhau bằng những điệp khúc, những điệp khúc được liên tục lập lại về sự tốt đẹp mỹ miều của hết mọi sự được dựng nên. Thiên Chúa tạo dựng sự sống bằng lời của Ngài, và hết mọi sự được tham phần vào sự hiện hữu. Bằng lời truyền, Ngài phân ánh sáng ra khỏi bóng tối, luân chuyển ngày và đêm, luân chuyển chu kỳ các mùa, cho xuất hiện đủ thứ thảo mộc và thú vật khác nhau. Trong khu rừng mau chóng tràn đầy khỏa lấp đi cái hỗn loạn ấy thì cuối cùng con người đã xuất hiện. Và sự xuất hiện này làm bùng lên cả một trời hân hoan mãn nguyện muôn vàn, ở chỗ: "Thiên Chúa đã thấy hết mọi sự Ngài đã tạo dựng nên rất ư là tốt đẹp" (Khởi Nguyên 1:31). Chẳng những tốt lành mà còn mỹ lệ nữa, nét mỹ lệ hiện lên nơi toàn thể Tạo Vật!

Vẻ đẹp và mầu nhiệm của Tạo Vật làm phát sinh nơi tâm can của con người tác động đầu tiên khơi động nguyện cầu (Cf. Catechism of the Catholic Church, 2566). Bài Thánh Vịnh thứ 8 nói như thế như chúng ta đã nghe thấy lúc đầu: "Khi tôi nhìn vào các tầng trời của Chúa, vào công cuộc do các ngón tay Chúa, vào trăng sao Chúa đã dựng nên; thì con người là chi mà được Chúa nhớ tới, được Chúa chăm sóc cho?" (các câu 3-4). Con người cầu nguyện chiêm ngắm mầu nhiệm hiện hữu chung quanh mình, họ thấy bầu trời trăng sau ở trên đầu - và khoa thiên thể học ngày nay cho chúng ta thấy được tất cả những mênh mông của nó - và họ nghĩ đến những gì là yêu thương được biểu lộ ở đằng sau một công việc quyền năng như vậy! ... Rồi con người là chi ở giữa một không gian bao la bất tận ấy? Một Thánh Vịnh khác (89:48) nói "hầu như chẳng là gì": một hữu thể vào đời, một hữu thể qua đời, một tạo vật rất mong manh mỏng dòn. Ấy thế mà trong toàn thể vũ trụ này, con người lại là một tạo vật duy nhất nhận thức được vẻ đẹp tràn lan như thế. Một hữu thể nhỏ mọn được sinh ra, chết đi, nay còn mai mất, là một hữu thể duy nhất nhận thức được vẻ đẹp ấy. Chúng ta nhận thức được vẻ đẹp này!

Việc cầu nguyện của con người gắn bó chặt chẽ với cái cảm thức ngỡ ngàng này. Tính chất cao cả của con người chỉ là một cái gì li ti vô cùng, nếu mang so sánh với các chiều kích của vũ trụ này. Những thắng đoạt vĩ đại nhất của họ chỉ là những gì rất ư là nho nhoi... Thế nhưng, con người lại chẳng phải là cái gì không không. Một cảm thức về lòng thương xót bất khả cưỡng hiện lên trong khi nguyện cầu. Không có gì lại tình cờ mà hiện hữu: bí mật của cái vũ trụ này, qua đôi mắt của chúng ta, là ở nơi ánh mắt nhân ái của Đấng Nào Ấy. Bài Thánh Vịnh này khẳng định rằng chúng ta được dựng nên kém Thiên Chúa một chút, được trang điểm bằng vinh quang và vinh dự (xem 8:5). Tính chất cao cả của con người là mối liên hệ của họ với Thiên Chúa: việc họ được lên ngôi. Tự mình, chúng ta hầu như chẳng là gì, bé mọn, nhưng nhờ ơn gọi, chúng ta trở thành con cái của Đức Vua cao cả!

 Đó là một cảm nghiệm nhiều người chúng ta có được. Nếu truyện đời của chúng ta, với tất cả những gì là cay đắng của nó, đôi khi cả tặng ân nguyện cầu còn có nguy cơ bị dập tắt đi mất nơi chúng ta, thì chỉ cần chiêm ngắm bầu trời trăng sao, chiêm ngắm cảnh xế chiều, chiêm ngắm một cánh hoa... để tái thắp lên một tia sáng tri ân cảm tạ. Cảm nghiệm này có lẽ là nền móng cho trang Thánh Kinh đầu tiên ấy.

Khi mà trình thuật Thánh Kinh về việc Tạo Dựng được viết lên, thì dân Do Thái lại không trải qua những ngày may lành hạnh phúc. Quyền lực kẻ thù đã chiếm cứ mảnh đất của họ; nhiều người đã bị đầy ải, và bấy giờ họ thấy mình trở thành những kẻ nô lệ ở Mesopotamia. Chẳng còn quê hương, không còn Đền Thờ, hay còn đời sống xã hội và tôn giáo gì nữa - chẳng còn gì hết. Tuy nhiên, chính nhờ trình thật vĩ đại về việc Tạo Dựng, mà một số trong họ bắt đầu thấy được những lý do để tri ân cảm tạ, để chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa, về việc hiện hữu của họ. Cầu nguyện là mãnh lực đầu tiên của niềm hy vọng. Khi anh chị em cầu nguyện thì niềm hy vọng dâng lên, cứ thế. Tôi muốn nói rằng cầu nguyện là việc mở cánh cửa của niềm hy vọng. Hy vọng vẫn có đó, thế nhưng tôi chỉ hướng đến hy vọng khi nguyện cầu. Vì con người cầu nguyện bảo vệ các chân lý căn bản; chúng là những gì được lập lại, trước hết, cho chính bản thân họ, và sau đó, cho tất cả những người khác, để đời sống này, bất chấp mọi nhọc nhằn thử thách, bất chấp những tháng ngày khó khăn của nó, vẫn tràn đầy một thứ ân sủng nào đó để chiêm ngưỡng, nhờ đó, nó lúc nào cũng được bênh vực và bảo vệ.

Những con người nam nữ cầu nguyện biết rằng niềm hy vọng mạnh hơn là những gì thất đảm. Họ tin rằng tình yêu quyền lực hơn chết chóc, và vào một ngày nào đó tình yêu chắc chắn sẽ chiến thắng, cho dù ở vào những lúc và bằng những đường lối nào đó chúng ta không biết được. Những con người nam nữ cầu nguyện phản ảnh trên khuôn mặt của họ những chớp sáng: vì ngay cả trong những ngày đen tối nhất, mặt trời không thôi chiếu soi cho họ. Cầu nguyện là những gì chiếu soi anh chị em: nó soi chiếu linh hồn của anh chị em, nó chiếu soi cõi lòng của anh chị em, và nó soi chiếu gương mặt của anh chị em, cho dù ở những lúc cực đen tối, cho dù ở những lúc thật thảm sầu.

Tất cả chúng ta đều là thành phần ôm ấp niềm vui. Anh chị em có nghĩ về điều ấy hay chăng? Anh chị em là người ôm ấp niềm vui? Hay anh chị em lại thích mang vác tin dữ, những gì làm buồn chán. Tất cả chúng ta đều có khả năng mang lại niềm vui. Đời sống này là một tặng ân Chúa ban cho chúng ta, và thật quá ngắn ngủi để tiêu tán nó đi bằng sầu thương, bằng cay đắng. Chúng ta hãy ngợi khen chúc tụng Chúa, hãy chỉ biết hân hoan hiện hữu. Chúng ta hãy nhìn vào vũ trụ này, chúng ta hãy nhìn vào những vẻ đẹp, và chúng ta cũng nhìn đến cả các thập giá của chúng ta mà nói rằng: "Thế nhưng Chúa là Đấng hiện hữu, Chúa đã làm cho chúng ta như thế, cho Bản Thân Chúa".

Cần phải cảm thấy rằng nỗi khắc khoải của con tim là những gì dẫn chúng ta đến niềm tri ân cảm tạ và chúc tụng ngợi khen Chúa. Chúng ta, con cái của Vị Vua cao cả, của Đấng Hóa Công, có thể đọc thấy dấu vết của Ngài nơi tất cả mọi Tạo Vật, Tạo Vật mà hôm nay đây chúng ta không biết bảo vệ; tuy nhiên, nơi Tạo Vật ấy có dấu vết của thiên Chúa, Đấng vì yêu đã tạo dựng nên nó. Xin Chúa làm cho chúng ta hiểu được như vậy, một cách sâu xa hơn, và dẫn chúng ta đến chỗ dâng lời "Tạ Ơn", và "Tạ Ơn" là một lời cầu nguyện tuyệt vời.

https://zenit.org/articles/popes-general-audience-on-prayer-mystery-of-creation-full-text/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu