GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện:

 

 

Bài 7 - Cầu nguyện: Lời Chuyển Cầu của Moisen

 

 

 

Pope Francis during his General Audience

 

Xin thân ái chào anh chị em.

Trong hành trình của chúng ta về đề tài cầu nguyện, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa chẳng bao giờ thích những ai cầu nguyện cách "suông sẻ". Moisen cũng không phải là một con người "yếu kém" đối thoại ngay từ khi ông được chọn gọi.

Khi Thiên Chúa gọi ông, thì, theo ngôn ngữ loài người, Moisen là một con người "thất bại". Sách Xuất Hành cho biết ông ở miền đất Midian như là một kẻ trốn lánh. Khi còn trẻ, ông đã cảm thương dân của mình, và đã ra tay bênh vực kẻ bị đàn áp. Thế nhưng, chẳng bao lâu việc này bị lộ tẩy, bất chấp ý hướng tốt lành của ông, nó không phải là công lý, mà gây ra bởi bàn tay bạo lực của ông. Các mộng mơ vinh quang của ông bị tan tành, Moisen không còn là một nhân vật hứa hẹn nữa, một nhân vật nhắm được thăng quan tiến chức mau chóng, trái lại, đã trở thành một con người bị khánh tận, để rồi bấy giờ đang lướt qua đàn vật cũng không phải là của riêng mình nữa. Chính trong lúc thanh vắng ở sa mạc vùng Midian này, Thiên Chúa đã vời Moisen đến với cuộc thần hiển nơi bụi gai bốc cháy: "Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Issac, và Thiên Chúa của Giacóp. Moisen đã che mặt mình lại vì ông sợ nhìn vào Thiên Chúa" (Xuất Hành 3:6).

Bằng những nỗi sợ hãi cùng với những cự nự của mình, Moisen đã cưỡng lại Vị Thiên Chúa đang nói, Đấng mời ông chăm sóc dân Israel một lần nữa, nào là ông bất xứng với sứ vụ này, nào là ông không biết tên Chúa là gì, nào là làm sao dân Israel có thể tin nổi ông, nào là ông nói ngọng... rất ư là nhiều lý do kháng cự. Chữ thường được thốt ra từ miệng lưỡi của Moisen, ở hết mọi lời nguyện cầu ông thân thưa cùng Thiên Chúa là vấn đề: "Tại sao?" Tại sao Chúa lại sai tôi? Tại sao Chúa lại muốn giải thoát dân này chứ? Tại sao? Thậm chí có một đoạn trong bộ Ngũ Kinh cho thấy Thiên Chúa đã khiển trách Moisen vì ông thiếu lòng tin tưởng, một cái thiếu sẽ ngăn chặn ông tiến vào đất hứa (xem Dân Số 20:12).

 

 

Bằng ấy nỗi sợ hãi, kèm theo một tâm can thường nao núng thì Moisen cầu nguyện làm sao đây? Trái lại, Moisen lại đã tỏ ra là người như chúng ta. Điều này cũng xẩy ra cho cả chúng ta nữa, ở chỗ, khi chúng ta có những ngờ vực thì làm sao chúng ta cầu nguyện được? Chúng ta chẳng dễ gì mà cầu nguyện. Chính vì nỗi yếu kém, cùng với nét hùng mạnh của ông, đã làm cho chúng ta cảm thấy lạ lùng. Ông được Thiên Chúa tin tưởng trao phó việc truyền đạt Lề Luật của dân của Ngài, ông là vị thiết lập việc tôn thờ thần linh, là vị trung gian của những mầu nhiệm cao cả nhất, nhưng không vì thế mà ông thôi liên kết chặt chẽ với dân của mình, nhất là vào những giờ phút cám dỗ và tội lỗi. Ông bao giờ cũng gắn bó với dân của ông. Moisen không bao giờ quên dân của mình. Đó là tính cách cao cả của các vị mục tử: đừng quên dân chúng, đừng quân cội nguồn của mình. Như Thánh Phaolô đã nói với vị Giám Mục Timôthêu trẻ trung rằng: "Con hãy nhớ đến người mẹ của con và người bà của con, đến cội nguồn của con, đến dân của con". Moisen rất thân tình với Thiên Chúa, tới độ có thể nói chuyện trực diện với Ngài (xem Xuất Hành 33:11); và ông cũng rất thân tình với những con người ông cảm thương cho tội lỗi của họ, cho những xu hướng của họ, cho nỗi nhung nhớ đột ngột của những con người tha hương tưởng về quá khứ, nhớ lại khi họ còn ở Ai Cập.

Moisen đã không chối từ Thiên Chúa và cũng chẳng loại bỏ dân của mình. Ông đã trung thành với huyết nhục của ông, ông đã trung thành với tiếng gọi của Thiên Chúa. Bởi thế, Moisen không phải là nhà lãnh đạo độc đoán và chuyên chế; trái lại, Sách Dân Số nhận định về ông là "một con người rất hiền lành, hiền hơn hết mọi người trên thế gian này" (12:3). Dù có ở vị thế ưu tú, Moisen vẫn không thôi thuộc về số những người nghèo trong tinh thần, thành phần sống bằng lòng tin tưởng vào Thiên Chúa như của chất dưỡng thực cho cuộc hành trình của họ. Ông là một con người của dân ông.

 

Pope Francis gives a general audience address in the library of the Apostolic Palace. Credit: Vatican Media

 

Vậy cách thức cầu nguyện thích đáng nhất cho Moisen là bằng việc chuyển cầu (xem Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 2574). Đức tin của ông nơi Thiên Chúa hoàn toàn song hành với cảm quan làm cha giành cho dân của ông. Thánh Kinh thường diễn vẽ ông với những bàn tay hướng về Thiên Chúa, như thể bắc một chiếc cầu nối giữa trời và đất nơi con người của ông. Ngay cả những lúc khó khăn nhất, ngay cả ngày mà dân chúng chối bỏ Thiên Chúa và ông là hướng dẫn viên của họ, rồi tự tạo nên cho họ một con bò vàng chăng nữa, Moisen cũng không muốn tẩy chay dân của ông. Họ là dân của tôi. Họ là dân của Chúa. Họ là dân của tôi. Ông không loại trừ Thiên Chúa hay dân mình. Ông đã thân thưa cùng Thiên Chúa rằng: "Than ôi, dân này đã phạm một tội lớn! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng! Nhưng giờ đây, ước gì Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không, - nếu Ngài không thứ tha cho tội lỗi này - thì xin Ngài xoá tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết." (Xuất Hành 32:31-32).

Moisen không đổi chác dân của mình. Ông là chiếc cầu nối, là vị chuyển cầu duy nhất. Cả hai, dân chúng và Thiên Chúa, và ông thì ở giữa. Ông không loại trừ dân của ông để thăng tiến nghề nghiệp của ông. Ông không leo thang, ông là một vị chuyển cầu: cho dân của ông, cho huyết nhục của ông, cho lịch sử của ông, cho dân của ông và cho Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi ông. Ông là một cây cầu nối. Tuyệt vời biết bao tấm gương cho tất cả các vị mục tử là thành phần cần phải trở nên những "chiếc cầu nối". Đó là lý do tại sao các vị được gọi là pontifex, những chiếc cầu nối. Các vị mục tử là những chiếc cầu nối giữa dân chúng với Đấng họ thuộc về, và Thiên Chúa là Đấng họ thuộc về bởi ơn gọi của họ. Đó là những gì là Moisen. "Chỉ khi nào Ngài tha thứ tội lỗi của họ! Bằng không, thì xin hãy xóa bỏ tôi khỏi sổ Ngài đã viết. Tôi không muốn tiến lên bằng giá phải trả của dân tôi".

 

 

Đó là lời cầu nguyện mà những tín hữu đích thực cần phải vun trồng trong đời sống thiêng liêng của họ. Ngay cả khi các vị cảm thấy dân thiếu sót và tách mình ra khỏi Thiên Chúa, họ cũng không lên án dân, không ruồng bỏ dân. Thái độ chuyển cầu là những gì thích đáng với các thánh nhân, những vị, noi gương bắt chước Chúa Giêsu, là "những chiếc cầu nối" giữa Thiên Chúa và dân của họ. Vì thế mà Moisen là vị tiên tri cao cả đầu tiên của Chúa Giêsu, Đấng cầu bầu và chuyển cầu của chúng ta (xem Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 2577). Cả hôm nay nữa, Chúa Giêsu là pontifex, Người là chiếc cầu nối giữa chúng ta và Chúa Cha. Chúa Giêsu chuyển cầu cho chúng ta, Người tỏ cho Chúa Cha thấy những thương tích là giá cứu độ của chúng ta, và Người chuyển cầu. Moisen là hình ảnh của Chúa Giêsu, Đấng đang nguyện cầu cho chúng ta hôm nay đây, đang chuyển cầu cho chúng ta.

Moisen thôi thúc chúng ta hãy cầu nguyện với lòng nhiệt tình như Chúa Giêsu, hãy chuyển cầu cho thế giới, hãy nhớ rằng bất chấp tất cả mọi yếu hèn của nó, nó vẫn thuộc về Thiên Chúa. Hết mọi người đều thuộc về Thiên Chúa. Các tội nhân xấu xa nhất, thành phần gian ác nhất, các vị lãnh đạo băng hoại nhất, họ đều là con cái của Thiên Chúa, và Chúa Giêsu đã cảm thấy như thế nên đã chuyển cầu cho hết mọi người. Thế giới đang sống động và mau phát triển đây là nhờ phúc đức của thành phần kẻ lành, nhờ lời cầu xin thương xót, lời nguyện cầu xin thương xót mà thánh nhân, kẻ công chính, người chuyển cầu, linh mục, giám mục, Giáo Hoàng, giáo dân, bất cứ một ai đã lãnh nhận phép rửa không thôi dâng lên cho nhân loại, ở hết mọi nơi và mọi thời trong giòng lịch sử. Chúng ta hãy nghĩ đến Moisen, vị chuyển cầu. Khi chúng ta muốn lên án ai, và chúng ta cảm thấy giận dữ trong lòng... giận dữ thì tốt, có thể là lành mạnh - nhưng lên án thì không tốt, thì chúng ta hãy chuyển cầu cho họ; điều này sẽ giúp chúng ta rất nhiều.  

https://zenit.org/articles/popes-general-audience-on-the-prayer-of-moses-full-text/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu