GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện:

 

 

Bài 8 - Cầu nguyện: Đavít - Con Người Cầu Nguyện

 

 

Pope Francis gives his general audience address in the library of the Apostolic Palace, June 24, 2020. Credit: Vatican Media

 

Xin thân ái chào anh chị em,

Trong hành trình giáo lý về cầu nguyện, hôm nay chúng ta gặp Vua Đavít. Được Chúa ưu ái ngay từ còn trẻ, chàng được tuyển chọn để thực hiện một sứ vụ đặc thù trong việc đóng vai trò chính yếu của lịch sử dân Chúa, cũng như trong đời sống đức tin của chúng ta. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu được gọi là "con Đavít: một số lần; thật vậy, như chàng, Người đã được hạ sinh ở Bêlem. Theo lời hứa, Đấng Thiên Sai sẽ xuất thân từ giòng dõi Đavít: một vị vua hoàn toàn đẹp lòng Chúa, tuyệt đối tuân phục Chúa Cha, bằng hành động tín trung hiện thực dự án cứu độ của Ngài (xem Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 2579).

Câu chuyện về Đavít được khởi đầu nơi những ngọn đồi quanh vùng Bêlem, nơi chàng chăn dắt đàn vật của cha chàng là Jesse. Chàng vẫn còn là một đứa con trai, đứa út trong nhiều người anh. Nhiều đến độ khi tiên tri Samuel theo lệnh Chúa đến tìm kiếm vị tân vương, thì cha của chàng dường như quên mất người con trai trẻ nhất của mình (xem 1Samuel 16:1-13). Chàng đã làm việc ở ngoài trời thoáng: chúng ta có thể nghĩ về chàng như là một người bạn của gió thổi, của những âm vang thiên nhiên, của những tia nắng mặt trời. Chàng chỉ có một bạn đồng hành duy nhất để an ủi tâm hồn chàng, đó là cây hạc cầm (harp); và trong những tháng ngày dài sống hiu quạnh, chàng thích chơi nó và hát khen Thiên Chúa. Chàng cũng có thể sử dụng cả súng cao su nữa (slingshot).

Bởi thế, trước hết Đavít là một mục đồng: một người chăm sóc đàn vật, bênh vực chúng cho khỏi nguy hiểm xẩy ra, cung cấp cho chúng của ăn. Theo ý Chúa, khi Đavít chăm sóc cho dân của mình, thì chàng thực hiện không khác gì lắm. Đó là lý do tại sao hình ảnh mục đồng thường hiện lên trong Thánh Kinh. Ngay Chúa Giêsu cũng đã nhận mình là "vị mục tử nhân lành", với tác hành khác hẳn với thành phần làm thuê; Người hiến mạng sống mình vì chiên, Người hướng dẫn chiên, Người biết tên từng con một (xem Gioan 10:11-18).

 Đavít đã học được nhiều điều từ việc làm trước đó của mình. Bởi vậy, khi tiên tri Nathan khiển trách chàng về tội lỗi nghiêm trọng của chàng (xem 2Samuel 12:1-15), thì Đavít hiểu ngay rằng chàng đã tác hành như một mục tử tồi tệ, chàng đã cưỡng đoạt người khác là người chỉ có một con chiên được họ thương yêu, chàng không còn là một người tôi tớ khiêm tốn nữa, thế nhưng đã trở thành một con người độc tài chuyên chế, một kẻ trộm đi hôi của và cướp bóc người khác.

Đặc tính thứ hai nơi ơn gọi của Đavít đó là tâm hồn thi ca của chàng. Từ nhận định nhỏ nhoi này, chúng ta có thể suy diễn ra rằng Đavít không phải là một con người thô bỉ, như thường thấy nơi trường hợp của những con người bị sống đơn độc một thời gian lâu dài xa cách với xã hội. Trái lại, chàng là một con người nhạy cảm, thích âm nhạc và ca hát. Cây hạc cầm của chàng luôn kèm theo bên chàng: đôi khi chàng dâng lên Thiên Chúa một bài thánh ca hân hoan (xem 2Samuel 6:16), những lúc khác chàng lại tỏ ra than van, hay xưng thú tội lỗi của chàng (xem Thánh Vịnh 51:3).

Thế giới hiện lên trước mắt chàng không phải là một cảnh tượng lặng lẽ, ở chỗ khi các sự vật mở ra trước cái nhìn của chàng thì chàng đã thấy được cả một mầu nhiệm cao cả. Chính ở chỗ này đã thoát ra lời cầu nguyện: từ niềm xác tín rằng đời sống không phải là một điều gì đó làm cho chúng ta lạ lùng, mà là một mầu nhiệm ngỡ ngàng gây cảm hứng thi ca, âm nhạc, tri ân, thậm chí than vãn và nguyện cầu nơi chúng ta. Một con người thiếu chiều kích thi ca, nghĩa là, không có thi ca, thì tâm hồn họ u sầu ủ dột. Bởi thế truyền thống cho rằng Đavít là một đại nghệ sĩ ở đằng sau việc sáng tác các Thánh Vịnh. Nhiều Thánh Vịnh ở ngay đầu đã rõ ràng nói đến vị vua Israel này, cũng như đến một số biến cố quí phái trong đời sống của chàng, không nhiều thì ít.

Thế nên, Đavít có một giấc mơ, đó là trở thành một vị mục tử tốt lành. Đôi khi chàng đã sống trọn công việc này, có những lúc khác thì kém hơn; tuy nhiên, cái quan trọng trong bối cảnh lịch sử cứu độ ở chỗ chàng là một dấu báo về một Đức Vua khác, Đấng chàng chỉ loan báo và là tiền thân.

Pope Francis at the weekly General Audience

Nhìn vào Đavít, nghĩ về Đavít. Thánh thiện và tội lỗi, bị bách hại và bách hại, nạn nhân và sát nhân, những gì là phản khắc. Đavít là như thế, là tất cả những thứ ấy hợp lại. Cả chúng ta cũng đã ghi nhận các biến cố thường nghịch nhau; trong thảm kịch của cuộc đời, tất cả mọi người thường lỗi phạm vì tính chất bất nhất. Có một cái cốt tủy vàng son duy nhất dọc suốt cuộc đời của Đavít, cống hiến mối liên hết cho tất cả mọi sự đã xẩy ra, đó là việc cầu nguyện của chàng. Đó là tiếng kêu không bao giờ bị tắt lịm. Đavít một vị thánh cầu nguyện: Đavít một tội nhân cầu nguyện; Đavít một kẻ bị bách hại cầu nguyện; Đavít một tên bách hại cầu nguyện. Thậm chí ngay cả Đavít sát nhân cầu nguyện nữa. Đó là cái cốt tủy vàng son trải qua suốt cuộc đời của chàng. Một con người cầu nguyện. Đó là tiếng nói không bao giờ nín thinh. Cho dù nó âm vang niềm hân hoan hay nỗi than van, bao giờ cũng một lời nguyện cầu, chỉ có giai điệu là đổi thay thôi. Sống như thế, Đavít dạy cho chúng ta rằng hãy để cho hết mọi sự tham phần vào việc đối thoại với Thiên Chúa: niềm vui cũng như lỗi tội, yêu thương cũng như sầu khổ, thân tình cũng như yếu bệnh. Hết mọi sự đều có thể trở thành ngôn ngữ thân thưa cùng "Ngài", Đấng luôn lắng nghe chúng ta.

Đavít, người đã nếm mùi quạnh hiu, thật ra chưa bao giờ cảm thấy lẻ loi cô độc! Trái lại, nó là quyền lực nguyện cầu ở nơi tất cả những ai giành chỗ cho nó trong cuộc sống của mình. Cầu nguyện làm cho anh chị em trở thành cao quí, và Đavít cao quí vì chàng nguyện cầu. Thế nhưng chàng là một kẻ sát nhân cầu nguyện; chàng thống hối và chàng lấy lại tính chất cao quí nhờ cầu nguyện. Cầu nguyện làm cho chúng ta trở nên cao quí. Nó có thể bảo đảm mối liên hệ của nó với Thiên Chúa, Đấng thực sự là Đồng Bạn trong hành trình của hết mọi con người nam nữ, giữa bao nghịch cảnh của cuộc đời, tốt hay xấu: thế nhưng lúc nào cũng nguyện cầu. Lạy Chúa, con xin cám ơn Chúa. Lạy Chúa, con cảm thấy lo sợ. Xin giúp con lạy Chúa. Xin tha thứ cho con lạy Chúa. Lòng tin tưởng của Đavit mạnh mẽ tới độ khi chàng bị bách hại và phải thoát thân, chàng đã không để ai bênh vực chàng: "Nếu Thiên Chúa của tôi hạ tôi xuống như thế thì Ngài biết việc Ngài đang làm", vì tính chất cao quí của việc cầu nguyện đưa chúng ta vào bàn tay Thiên Chúa. Những bàn tay vì yêu đã bị thương tích: bàn tay vững chắc duy nhất chúng ta có được.

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2020/documents/papa-francesco_20200624_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu