GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý Chữa Lành Xã Hội Thời Dịch Bệnh Toàn Cầu 2020

 

Bài 2. Vi Khuẩn Loạn Thị Nhân Phẩm - Chữa Trị: Hiệp Thông Nhân Bản Xã Hội

 

Pope Francis during the General Audience

 

Dịch bệnh này đã càng cho thấy hết mọi người đều mềm yếu dễ bị tổn thương và liên kết với nhau ra sao.

Nếu chúng ta không chăm sóc cho nhau, bắt đầu từ những người hèn kém nhất,

với những con người bị ảnh hưởng nhất, bao gồm cả thiên nhiên vạn vật,

chúng ta sẽ không thể nào chữa lành được thế giới này.

 

Pope Francis delivers his general audience via livestream on Aug. 12, 2020. Credit: Vatican Media/CNA.

 

Vi khuẩn corona không phải chỉ là một thứ bệnh cần phải đối chọi,

mà dịch bệnh này còn tỏ cho thấy rõ hơn nữa những thứ bệnh hoạn về xã hội ở tầm mức bao rộng hơn nữa.

Một trong những thứ bệnh hoạn ấy là một nhãn quan lệch lạc méo mó về con người,

một quan điểm coi thường nhân phẩm và mối liên hệ của con người.

Có những lúc chúng ta nhìn người khác như là những thứ đồ vật, cần được sử dụng và loại bỏ.

Loại quan điểm này thực sự là mù quáng và dung dưỡng thứ văn hóa cá nhân chủ nghĩa và hung hăng sa thải nhau,

thứ văn hóa biến con người thành một thứ sản vật để tiêu thụ

 

 

Con người, nơi phẩm vị làm người của mình, là một hữu thể có tính cách xã hội,

được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, Duy Nhất và Ba Ngôi.

Chúng ta là những hữu thể xã hội; chúng ta cần sống trong tình trạng hòa hợp về xã hội,

 thế nhưng, bất cứ khi nào xẩy ra vị kỷ là cái nhìn của chúng ta không còn vươn tới người khác, tới cộng đồng,

mà chỉ tập trung vào bản thân chúng ta, và điều ấy biến chúng ta trở thành dị ngợm, ghê tởm và vị kỷ, hủy hoại đi tình trạng hòa hợp...

Việc tái nhận thức về phẩm giá của hết mọi con người có những bao hàm hệ trọng về xã hội, kinh tế và chính trị.

 

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Dịch bệnh này đã càng cho thấy hết mọi người đều mềm yếu dễ bị tổn thương và liên kết với nhau ra sao. Nếu chúng ta không chăm sóc cho nhau, bắt đầu từ những người hèn kém nhất, với những con người bị ảnh hưởng nhất, bao gồm cả thiên nhiên vạn vật, chúng ta sẽ không thể nào chữa lành được thế giới này.

Đáng khen biết bao nỗ lực của rất ư là nhiều người đang cống hiến chứng cớ của lòng yêu thương nhân loại và Kitô giáo đối với tha nhân, dấn thân cho các bệnh nhân, cho dù có nguy hiểm đến sức khỏe của mình. Họ là những vị anh hùng! Tuy nhiên, vi khuẩn corona không phải chỉ là một thứ bệnh cần phải đối chọi, mà dịch bệnh này còn tỏ cho thấy rõ hơn nữa những thứ bệnh hoạn về xã hội ở tầm mức bao rộng hơn nữa. Một trong những thứ bệnh hoạn về xã hội ở tầm mức bao rộng hơn nữa ấy là một nhãn quan lệch lạc méo mó về con người, một quan điểm coi thường nhân phẩm và mối liên hệ của con người. Có những lúc chúng ta nhìn người khác như là những thứ đồ vật, cần được sử dụng và loại bỏ. Loại quan điểm này thực sự là mù quáng và dung dưỡng thứ văn hóa cá nhân chủ nghĩa và hung hăng sa thải nhau, thứ văn hóa biến con người thành một thứ sản vật để tiêu thụ (cf. Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 53; Encyclical Laudato Si’, [LS], 22).

Trái lại, theo ánh sáng đức tin, chúng ta biết rằng Thiên Chúa nhìn vào một con người nam nữ nào đó một cách khác hẳn. Ngài đã tạo dựng nên chúng ta không phải như là những đồ vật, mà là một con người được yêu thương và có khả năng thương yêu; Ngài đã tạo dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài và tương tự như Ngài (see Gen 1:27). Như thế là Ngài đã ban cho chúng ta một phẩm vị độc đáo, kêu gọi chúng ta hãy sống trong mối hiệp thông với Ngài, hiệp thông với anh chị em của chúng ta, tôn trọng tất cả mọi tạo vật. Chúng ta có thể nói rằng trong mối hiệp thông, trong tình trạng hòa hợp. Tạo vật là một tình trạng hòa hợp, nơi chúng ta được kêu gọi đến để sống. Và trong mối hiệp thông này, trong tình trạng hòa hợp là mối hiệp thông ấy, Thiên Chúa ban cho chúng ta khả năng để truyền sinh và bảo toàn sự sống (see Gen 1:28-29), để canh tác và gìn giữ đất đai (see Gen 2:15; LS, 67). Rõ ràng là không ai có thể truyền sinh và bảo toàn sự sống mà lại không hòa hợp với nhau; bằng không sự sống sẽ bị hủy diệt.

Chúng ta có một thí dụ về cái quan niệm cá nhân chủ nghĩa, một quan niệm không có tính cách hòa hợp, ở trong các Phúc Âm, nơi lời yêu cầu của bà mẹ hai môn đệ Gioan và Giacobê xin với Chúa Giêsu (cf. Mt 20:20-38). Bà muốn các con trai của bà được ngồi bên phải và bên trái của vị tân vương. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã nêu lên một cái nhìn khác, đó là cái nhìn phục vụ và hiến sự sống mình cho người khác, và Người xác nhận cái nhìn khác này, bằng cách, ngay lập tức Người đã phục quang cho hai người mù này và biến họ thành các môn đệ của Người (see Mt 20:29-34). Việc tìm cách trèo cao trong đời sống, trở thành siêu đẳng hơn người, là những gì hủy hoại tình trạng hòa hợp. Nó là thứ lý lẽ thống trị, thứ lý lẽ thống trị kẻ khác. Tình trạng hóa hợp lại khác: nó chính là việc phục vụ.

Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta đôi mắt biết chuyên chú đến anh chị em của chúng ta, nhất là những ai đang khổ đau. Là thành phần môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta không muốn trở thành dửng dưng lãnh đạm hay chỉ biết đến bản thân mình. Hai thái độ không hay này đang chạy ngược chiều với những gì là hòa hợp. Thái độ dửng dưng lãnh đạm, ở chỗ, tôi nhìn về hướng khác. Thái độ chỉ biết đến bản thân, ở chỗ chỉ tìm kiếm lợi lộc riêng tư của mình mà thôi. Tình trạng hòa hợp được Thiên Chúa kiến tạo đòi chúng ta phải nhìn đến những người khác, đến những nhu cầu của người khác, đến những vấn đề của người khác, trong mối hiệp thông với nhau. Chúng ta muốn nhìn nhận phẩm giá của con người nơi hết mọi người, bất kể họ thuộc chủng tộc nào, ngôn ngữ hay thân phận ra sao. Tình trạng hòa hợp, được Thiên Chúa kiến tạo này, giúp cho anh chị em nhận ra phẩm giá của con người, với nhân trung là nhân loại.

Công Đồng Chung Vaticanô II nhấn mạnh rằng nhân phẩm này là những gì bất khả vi phạm, vì nó "được dựng nên 'theo hình ảnh của Thiên Chúa'" (Pastoral Constitution Gaudium et Spes, 12). Nhân phẩm bất khả vi phạm này là nền tảng của tất cả đời sống xã hội, và định đoạt những nguyên tắc sinh hoạt của xã hội. Nơi nền văn hóa tân tiến, điều qui chiếu gắn bó nhất với nguyên tắc phẩm vị bất khả vi phạm này của con người ở nơi chính Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền, được Thánh Gioan Phaolô II đình nghĩa như là "một mấu chốt trên con đường dài và khó khăn của nhân loại" (Address to the General Assembly of the United Nations 2 October 1979), và như là "một trong những bày tỏ cao cả nhất của lương tâm con người" (Address to the General Assembly of the United Nations   5 October 1995). Các thứ quyền lợi chẳng những có tính cách cá nhân, mà còn cả tính cách xã hội nữa; chúng thuộc về các dân tộc, các quốc gia (Cf. Compendium of the Social Doctrine of the Church, 157). Thật vậy, con người, nơi phẩm vị làm người của mình, là một hữu thể có tính cách xã hội, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, Duy Nhất và Ba Ngôi. Chúng ta là những hữu thể xã hội; chúng ta cần sống trong tình trạng hòa hợp về xã hội, thế nhưng, bất cứ khi nào xẩy ra vị kỷ là cái nhìn của chúng ta không còn vươn tới người khác, tới cộng đồng, mà chỉ tập trung vào bản thân chúng ta, và điều ấy biến chúng ta trở thành dị ngợm, ghê tởm và vị kỷ, hủy hoại đi tình trạng hòa hợp.

Việc tái nhận thức về phẩm giá của hết mọi con người có những bao hàm hệ trọng về xã hội, kinh tế và chính trị. Khi nhìn vào anh chị em của chúng ta cùng toàn thể tạo vật như là tặng ân bởi tình yêu của Chúa Cha là những gì thúc đẩy chúng ta có những tác hành chuyên chú, tỏ ra chăm sóc và chiêm ngưỡng. Nhờ đó, thành phần tín hữu, khi chiêm ngắm tha nhân như là những người anh chị em của mình, chứ không phải là những kẻ xa lạ, sẽ nhìn họ một cách cảm thương và nồng nhiệt, chứ không khinh thường hay hận thù. Khi chiêm ngắm thế giới này theo ánh sáng đức tin, nhờ ơn Chúa ban, chúng ta sẽ nỗ lực khai triển tính chất sáng tạo và nhiệt tình của mình để giải quyết những thách đố của quá khứ. Chúng ta ý thức và phát triển các khả năng của chúng ta như là những thứ trách nhiệm xuất phát từ đức tin này (Cf. Compendium of the Social Doctrine of the Church, 157), như các tặng ân Chúa ban để phục vụ nhân loại và tạo vật.

Trong khi Tất cả chúng ta hoạt động để thực hiện việc chữa trị một thứ vi khuẩn tấn công mọi người bất kỳ ai, thì đức tin huấn dụ chúng ta hãy nghiêm cẩn và chủ động dấn thân chiến đấu với những gì là dửng dưng lạnh lùng trước những vi phạm đến phẩm giá của con người. Thứ văn hóa dửng dưng lãnh đạm này cùng với nền văn hóa sa thải loại trừ nhau, ở chỗ, những gì không gây ảnh hưởng gì cho tôi thì không khiến cho tôi cần phải chú ý tới. Đức tin bao giờ cũng đòi hỏi là chúng ta hãy để mình được chữa lành và hoán cải chủ nghĩa cá nhân của chúng ta, về phương diện cá nhân hay tập thể, cá nhân chủ nghĩa đảng phái chẳng hạn.

Xin Chúa "phục quang cho chúng ta" để tái khám phá thấy ý nghĩa của việc là phần tử của gia đình nhân loại. Và chớ gì việc phục quang này được chuyển thành các hoạt động cụ thể của lòng cảm thương và trân trọng hết mọi người, cùng với việc chăm sóc và bảo toàn ngôi nhà chung của chúng ta.

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2020/documents/papa-francesco_20200812_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu 

Tóm Lược bài Giáo Lý:

1- "Nếu chúng ta không chăm sóc cho nhau... chúng ta sẽ không thể nào chữa lành được thế giới này";

2- "Một trong những thứ bệnh hoạn xã hội là một nhãn quan lệch lạc méo mó về con người, một quan điểm coi thường nhân phẩm và mối liên hệ của con người";

3- "Loại quan điểm này thực sự là mù quáng và dung dưỡng thứ văn hóa cá nhân chủ nghĩa và hung hăng sa thải nhau, thứ văn hóa biến con người thành một thứ sản vật để tiêu thụ";

4- "Là thành phần môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta không muốn trở thành dửng dưng lãnh đạm hay chỉ biết đến bản thân mình";

5- "Thái độ dửng dưng lãnh đạm, ở chỗ, tôi nhìn về hướng khác. Thái độ chỉ biết đến bản thân, ở chỗ, chỉ tìm kiếm lợi lộc riêng tư của mình mà thôi";

6- "Con người, nơi phẩm vị làm người của mình, là một hữu thể có tính cách xã hội, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, Duy Nhất và Ba Ngôi";

7- "Việc tái nhận thức về phẩm giá của hết mọi con người có những bao hàm hệ trọng về xã hội, kinh tế và chính trị";

8- "Việc phục quang này được chuyển thành các hoạt động cụ thể của lòng cảm thương và trân trọng hết mọi người, cùng với việc chăm sóc và bảo toàn ngôi nhà chung của chúng ta".