GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý Chữa Lành Xã Hội

 

Bài 6: Vi Khuẩn Lợi Lộc Phe Đảng - Chữa Trị: Yêu Thương Tìm Kiếm Công Ích

 

2020.09.09 Udienza Generale

 

Cuộc khủng hoảng chúng ta đang trải qua đây là do dịch bệnh đang ảnh hưởng đến hết mọi người;

chúng ta sẽ thoát khỏi nó tốt đẹp hơn nếu tất cả chúng ta đều cùng nhau tìm kiếm công ích;

bằng không, chúng ta sẽ thoát ra khỏi nó một cách tệ hơn.

Tiếc thay, chúng ta lại thấy các thứ khuynh hướng lợi lộc phe đảng đang xuất hiện

 

 

Đáp ứng của Kitô giáo cho thứ dịch bệnh này, cũng như cho cuộc khủng hoảng về kinh tế xã hội do nó gây ra ấy,

được dựa trên tình yêu thương, nhất là tình yêu của Thiên Chúa là Đấng luôn đi trước chúng ta...

... trong yêu thương, cũng như trong các vấn đề giải quyết.

Ngài yêu thương chúng ta một cách vô điều kiện, và khi chúng ta đón nhận tình yêu thần linh này,

thì chúng ta cũng có thể đáp ứng được tương tự như thế.

 

Pope Francis pictured at his general audience in the San Damaso Courtyard at the Vatican Sept. 9, 2020. Credits: Daniel Ibáñez/CNA.

 

Tình yêu thì bao gồm hết mọi sự... thứ tình yêu quyết liệt cho việc phát triển của nhân loại,

cũng như để đương đầu với bất cứ thứ khủng hoảng nào...

Không có cảm hứng yêu thương này thì thứ văn hóa vị kỷ, lạnh lùng lãnh đạm, thải trừ sẽ thắng thế

- đó là thứ văn hóa loại trừ đi hết mọi sự tôi không thích, những ai tôi không thể nào yêu được,

hoặc những ai đối với tôi dường như không còn hữu dụng trong xã hội nữa

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Cuộc khủng hoảng chúng ta đang trải qua đây là do dịch bệnh đang ảnh hưởng đến hết mọi người; chúng ta sẽ thoát khỏi nó tốt đẹp hơn nếu tất cả chúng ta đều cùng nhau tìm kiếm công ích; bằng không, chúng ta sẽ thoát ra khỏi nó một cách tệ hơn. Tiếc thay, chúng ta lại thấy các thứ khuynh hướng lợi lộc phe đảng đang xuất hiện. Chẳng hạn, có một số muốn giành lấy các giải quyết khả dĩ cho bản thân mình thôi, như trong trường hợp các thứ thuốc chủng ngừa, để sau đó đem bán chúng cho người khác. Một số lại lợi dụng tình hình để xui bẩy chia rẽ, bằng việc tìm kiếm các thứ thuận lợi về kinh tế hay chính trị, gây ra hay càng làm trầm trọng thêm các tình hình xung khắc. Có những người lại không lưu tâm gì đến tình trạng khổ đau của người khác, nhìn thấy rồi bỏ qua (see Lk 10:30-32). Họ là thành phần sùng mộ Philatô, phủi tay trước tình trạng khổ đau của kẻ khác.

Đáp ứng của Kitô giáo cho thứ dịch bệnh này, cũng như cho cuộc khủng hoảng về kinh tế xã hội do nó gây ra ấy, được dựa trên tình yêu thương, nhất là tình yêu của Thiên Chúa là Đấng luôn đi trước chúng ta (see 1Jn 4:19). Ngài yêu thương chúng ta trước, Ngài bao giờ cũng đi trước chúng ta trong yêu thương, cũng như trong các vấn đề giải quyết. Ngài yêu thương chúng ta một cách vô điều kiện, và khi chúng ta đón nhận tình yêu thần linh này, thì chúng ta cũng có thể đáp ứng được tương tự như thế. Tôi yêu thương chẳng những ai thương yêu tôi - gia đình của tôi, bạn bè thân hữu của tôi, nhóm của tôi -, nhưng tôi cũng phải thương yêu những ai không yêu thương tôi nữa, thương yêu những ai không biết tôi, hay là những kẻ xa lạ đối với tôi, ngay cả những ai khiến tôi phải khổ đau, hay những ai tôi coi là kẻ thù của tôi (see Mt 5:44). Đó là sự khôn ngoan của Kitô giáo, đó mới là những gì Chúa Giêsu đã tác hành. Tột điểm của sự thánh thiện, chúng ta cứ nói như thế đi, là yêu thương thù địch của mình, những gì không phải là dễ đâu, không dễ đâu. Thật sự là việc yêu thương hết mọi người, bao gồm cả kẻ thù, là những gì khó khăn - tôi dám nói nó thậm chí là một nghệ thuật! Thế nhưng, nghệ thuật có thể được học hỏi và cải tiến. Tình yêu chân thật làm cho chúng ta trở nên phong phú, chứ không luôn bành trướng, và tình yêu thương chân thật chẳng những không bành trướng mà còn bao gồm nữa. Thứ tình yêu thương này tỏ ra chăm sóc, chữa lành và làm lành. Biết bao nhiêu lần một cử chỉ yêu chiều còn tốt hơn là nhiều cuộc tranh cãi, một cử chỉ yêu chiều, chẳng hạn như tha thứ thay vì tranh luận với nhau để tự vệ. Nó là thứ tình yêu bao gồm có sức chữa lành.

Vậy, tình yêu không bị giới hạn vào mối liên hệ giữa hai ba người với nhau, hay giữa bạn bè hoặc gia đình với nhau, mà vươn ra ngoài những giới hạn ấy nữa. Nó bao gồm cả những mối liên hệ về dân sự và chính trị (see Catechism of the Catholic Church [CCC], 1907-1912), cả mối liên hệ với thiên nhiên nữa (see Encyclical Laudato Si’ [LS], 231). Tình yêu thì bao gồm hết mọi sự. Vì chúng ta là những hữu thể có tính cách xã hội và chính trị, mà một trong những diễn tả hay nhất về tình yêu đặc biệt có tính cách xã hội và chính trị, thứ tình yêu quyết liệt cho việc phát triển của nhân loại, cũng như để đương đầu với bất cứ thứ khủng hoảng nào (ibid 131). Chúng ta biết rằng nó là những gì làm cho gia đình và tình thân hữu triển nở; thế nhưng cũng cần phải nhớ rằng nó cũng làm cho cả các mối liên hệ về xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị đâm bông nữa, giúp chúng ta có thể kiến tạo nên "một nền văn minh yêu thương", như Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI thường nói (Message for the X World Day of Peace, 1 January 1977: AAS 68 - 1976, 709), và cả Thánh Gioan Phaolô II nữa. Không có cảm hứng yêu thương này thì thứ văn hóa vị kỷ, lạnh lùng lãnh đạm, thải trừ sẽ thắng thế - đó là thứ văn hóa loại trừ đi hết mọi sự tôi không thích, những ai tôi không thể nào yêu được, hoặc những ai đối với tôi dường như không còn hữu dụng trong xã hội nữa. Hôm nay, ở ngay ngõ vào, một cặp vợ chồng đã nói với tôi rằng: "Xin cầu nguyện cho chúng con, vì chúng con có một người con trai bị tật nguyền". Tôi hỏi: "Cháu mấy tuổi rồi?" "Cháu hơi lớn tuổi?" "Vậy anh chị làm gì?" "Chúng con hỗ trợ cháu, giúp cháu". Tất cả đời sống làm cha mẹ của họ giành cho người con trai bị tật nguyền này. Đó là tình yêu. Các kẻ thù, các chính trị gia đối phương, theo ý của chúng ta, dường như là các chính trị gia "bị tật nguyền", về xã hội, thế nhưng họ chỉ dường như  thế thôi. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới biết được họ có thực sự như vậy hay chăng. Dầu sao chúng ta vẫn cần phải yêu thương họ, chúng ta cần phải đối thoại, chúng ta cần phải kiến tạo nền văn minh yêu thương này, nền văn mình hiệp nhất toàn thể nhân loại về chính trị và xã hội. Bằng không, các thứ chiến tranh, chia rẽ, ghen hờn, ngay cả chiến tranh xẩy ra ở trong các gia đình nữa: vì tình yêu thương bao gồm có tính cách xã hội, có tính cách gia đình, có tính cách chính trị ... nó là tình yêu thương thấm nhuần hết mọi sự.

Vi khuẩn corona đang cho chúng ta thấy rằng sự thiện đích thực của từng người là một thứ công ích, chứ không phải là sự thiện có tính cách cá nhân, và ngược lại, công ích là sự thiện thực sự cho con người (see CCC, 1905-1906). Nếu một người chỉ tìm kiếm sự thiện riêng của mình thì con người ấy là một con người vị kỷ. Trái lại, một con người tử tế hơn, cao thượng hơn, là ở chỗ thiện ích riêng của họ hướng về hết mọi người, thiện ích ấy được chia sẻ với mọi người. Sức khỏe, chẳng những là một sự thiện cá nhân mà còn là một sự thiên chung nữa. Một xã hội lành mạnh là một xã hội chăm lo cho sức khỏe của hết mọi người, của tất cả mọi người.

Một thứ vi khuẩn không biết gì về các thứ rào cản, các thứ ranh giới, hay các thứ phân biệt về văn hóa hoặc chính trị, là thứ vi khuẩn cần phải đương đầu bằng một tình yêu thương vắng chướng vật, vô biên giới hay bất phân biệt. Tình yêu thương này có thể làm phát sinh ra các cấu trúc xã hội phấn khich chúng ta chia sẻ hơn là đối chọi, giúp cho chúng ta có thể bao gồm thành phần mềm yếu dễ bị tổn thương nhất, chứ không tẩy chay loại trừ họ, giúp cho chúng ta thể hiện những gì tốt đẹp nhất nơi bản tính của nhân loại chứ không phải là những gì tệ hại nhất. Tình yêu thương chân thật không chấp nhận thứ văn hóa thải trừ, nó không hề biết đến thứ văn hóa này. Thật vậy, khi chúng ta yêu thương và làm phát sinh ra tính chất sáng tạo, khi chúng ta làm phát sinh ra lòng tin tưởng và tình đoàn kết, thì đó là những khởi động cụ thể cổ võ cho công ích [See Saint John Paul II, Encyclical Sollicitudo rei socialis, 38.] Điều này có giá trị ở cả cấp độ các cộng đồng nhỏ nhất cũng như lớn nhất, cũng như ở cấp độ quốc tế. Những gì được thực hiện trong gia đình, những gì được thực hiện nơi hàng xóm láng giềng, những gì được thực hiện nơi thôn làng, những gì được thực hiện nơi các thành phố lớn và có tính cách quốc tế thì đều như nhau, đều cùng là một hạt giống mỗi ngày một tăng trướng và sinh hoa trái. Nếu trong gia đình của mình, nơi làng xóm của mình, anh chị em để xẩy ra tình trạng đố kỵ, đối chọi, thì cuối cùng sẽ bùng nổ chiến tranh. Trái lại, nếu anh chị em khởi sự bằng yêu thương, bắt đầu chia sẻ yêu thương, tha thứ, thì sẽ có được tình yêu thương và lòng tha thứ đối với hết mọi người. 

Trái lại, nếu những vấn đề giải quyết dịch bệnh này mang dấu vết vị kỷ, cho dù là bởi con người ta, bởi thương trường hay bởi quốc gia, chúng ta có lẽ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng vi khuẩn corona này, nhưng chắc chắn chúng ta không thoát khỏi cuộc khủng hoảng về nhân bản và xã hội được làm sáng tỏ và nổi bật lên ấy bởi thứ vi khuẩn này. Vì thế hãy cẩn thận đừng xây nhà trên cát (see Mt 7:21-27)! Để xây dựng một xã hội lành mạnh, bao gồm, công chính và an bình, chúng ta cần phải thực hiện như thế trên nền đá của công ích (ibid. 10). Công ích là một tảng đá. Đó là công việc của hết mọi người, không phải của một thiểu số chuyên viên. Thánh Toma Aquinas thường nói rằng việc cổ võ công ích là nhiệm vụ của công lý nơi từng công dân. Hết mọi công dân đều có trách nhiệm đối với công ích. Đối với Kitô hữu, nó còn là một sứ vụ. Như Thánh Ignatio đã dạy, việc hướng các nỗ lực hằng ngày của chúng ta về công ích là đường lối thực hiện vì và cho vinh quang của Thiên Chúa.

Tiếc thay chính trị thường không được tiếng tốt, và chúng ta biết được lý do tại sao rồi. Nói vậy không phải cho rằng tất cả mọi chính trị gia đều xấu, không, tôi không muốn nói thế. Tôi chỉ muốn nói rằng, tiếc thay, chính trị thường không được tiếng tốt thôi. Tại sao? Thế nhưng, nó không được tự thoái lui theo viễn kiến tiêu cực này, trái lại, cách phản ứng với nó đó là tỏ ra cho thấy nơi hành động vấn đề chính trị tốt đẹp là những gì khả dĩ, hay nói đúng hơn, chính trị, [See Message for World Day of Peace, 1 January 2019 (8 December 2018)] có nhiệm vụ cần phải nhắm trọng tâm của mình vào con người và công ích. Nếu anh chị em đọc lịch sử nhân loại, anh chị em sẽ thấy được nhiều chính trị gia thánh đức, thành phần đã bước đi con đường này. Đến độ, nếu có thể thì hết mọi công dân, nhất là những ai đảm nhận việc dấn thân và nắm giữ vị trí về xã hội và chính trị, thấm nhuần những gì họ thực hiện bằng các nguyên tắc đạo lý, cùng nuôi dưỡng đường lối ấy bằng tình yêu thương về xã hội và chính trị. Kitô hữu, nhất là thành phần tín hữu giáo dân, được kêu gọi để cống hiến gương lành về đường lối này, và có thể thực hiện đường lối ấy bằng đức ái, trong việc vun trồng chiều kích xã hội nội tại của nó.

Bởi thế, thời gian là những gì cải tiến tình yêu thương có tính cách xã hội của chúng ta - tôi muốn nhấn mạnh đến điều này: tình yêu thương về xã hội của chúng ta - bằng việc góp phần của hết mọi người, bắt đầu từ những gì nhỏ bé của chúng ta. Công ích đòi phải có sự tham phần của hết mọi người. Nếu hết mọi người đóng góp phần của mình, và nếu không ai bị tẩy chay loại trừ, chúng ta có thể làm tái phát các mối liên hệ tốt đẹp ở cấp độ cộng đồng, quốc gia và quốc tế, thậm chí với cả môi sinh nữa (see LS, 236). Có thế, nhờ các cử chỉ của chúng ta, ngay cả những ai hèn mọn nhất, một cái gì đó nơi hình ảnh của Thiên Chúa chúng ta mang trong mình sẽ được tỏ hiện, vì Thiên Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi, là tình yêu, là tình yêu. Đó là định nghĩa tuyệt vời nhất về Thiên Chúa ở trong Thánh Kinh. Tông Đồ Gioan, vị đã yêu mến Chúa Giêsu rất nhiều, đã cống hiến định nghĩa ấy cho chúng ta. Nhờ ơn Chúa giúp đỡ, chúng ta có thể chữa lành thế giới này, đúng thế, bằng việc tất cả cùng nhau hoạt động cho công ích, cho công ích của hết mọi người. Xin cám ơn anh chị em.

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2020/documents/papa-francesco_20200909_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên

Tóm những ý chính của bài Giáo Lý hôm nay:

1- Cuộc khủng hoảng chúng ta đang trải qua đây là do dịch bệnh đang ảnh hưởng đến hết mọi người; chúng ta sẽ thoát khỏi nó tốt đẹp hơn nếu tất cả chúng ta đều cùng nhau tìm kiếm công ích; bằng không, chúng ta sẽ thoát ra khỏi nó một cách tệ hơn.

2- Tiếc thay, chúng ta lại thấy các thứ khuynh hướng lợi lộc phe đảng đang xuất hiện.

3- Đáp ứng của Kitô giáo cho thứ dịch bệnh này, cũng như cho cuộc khủng hoảng về kinh tế xã hội do nó gây ra ấy, được dựa trên tình yêu thương, nhất là tình yêu của Thiên Chúa là Đấng luôn đi trước chúng ta... trong yêu thương, cũng như trong các vấn đề giải quyết.

4- Tình yêu thì bao gồm hết mọi sự... để đương đầu với bất cứ khủng hoảng nào... Không có cảm hứng yêu thương này thì thứ văn hóa vị kỷ, lạnh lùng lãnh đạm, thải trừ sẽ thắng thế - đó là thứ văn hóa loại trừ đi hết mọi sự tôi không thích, những ai tôi không thể nào yêu được, hoặc những ai đối với tôi dường như không còn hữu dụng trong xã hội nữa.

 

5- Nếu những vấn đề giải quyết dịch bệnh này mang dấu vết vị kỷ, cho dù là bởi con người ta, bởi thương trường hay bởi quốc gia, chúng ta có lẽ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng vi khuẩn corona này, nhưng chắc chắn chúng ta không thoát khỏi cuộc khủng hoảng về nhân bản và xã hội được làm sáng tỏ và nổi bật lên ấy bởi thứ vi khuẩn này.

6-  Công ích đòi phải có sự tham phần của hết mọi người. Nếu hết mọi người đóng góp phần của mình, và nếu không ai bị tẩy chay loại trừ..., chúng ta có thể chữa lành thế giới này, đúng thế, bằng việc tất cả cùng nhau hoạt động cho công ích, cho công ích của hết mọi người.