GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý Chữa Lành Xã Hội

 

 Bài 7: Vi Khuẩn Khai Thác Tạo Vật - Chữa Trị: Ngắm Nhìn Chăm Sóc Thiên Nhiên

 

Pope Francis during his weekly General Audience

Để thoát khỏi một thứ dịch bệnh, chúng ta cần phải lưu ý đến nhau và chăm sóc cho nhau...

Chúng ta cũng cần phải trải dài việc chăm sóc này với cả ngôi nhà chung của chúng ta nữa...

Tất cả mọi hình thức của sự sống đều được tương liên với nhau, và sức khỏe của chúng ta

đều lệ thuộc vào sức khỏe của hệ sinh thái được Thiên Chúa tạo dựng nên và ủy thác cho chúng ta chăm sóc

Pope Francis arrives for his general audience in the San Damaso courtyard at the Vatican, Sept. 16, 2020. Credit: Vatican Media. Other photos: Daniel Ibañez/CNA.

Kháng tố tốt nhất để chống lại việc lạm dụng này nơi ngôi nhà chung của chúng ta đó là việc ngắm nhìn ...

Đâu là kháng tố chống lại thứ bệnh hoạn không chịu chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta? Đó là việc ngắm nhìn....

Không biết ngắm nhìn thì rất dễ rơi vào một thứ chủ nghĩa nhân trung bất cân bằng và ngạo mạn,

"cái tôi" là tâm điểm của hết mọi sự, gán cho vai trò làm người của chúng ta một tầm quan trọng quá độ,

biến chúng ta trở thành những tay cai trị tuyệt đối trên tất cả mọi tạo vật khác.

Khi chúng ta ngắm nhìn, chúng ta khám phá ra

nơi những người khác cũng như nơi thiên nhiên một cái gì đó còn cao cả hơn là những gì lợi ích của chúng nữa...

 Việc ngắm nhìn xuất phát từ bên trong, bằng việc nhìn nhận chúng ta thuộc về thiên nhiên tạo vật...

Những ai ngắm nhìn như thế mới cảm được những gì là bàng hoàng ngỡ ngàng,

chẳng những nơi những gì họ nhìn thấy, mà còn vì họ cảm thấy họ thuộc về tổng thể mỹ miều đẹp đẽ ấy;

và họ đồng thời cũng cảm thấy mình được kêu gọi để canh giữ nó và bảo vệ nó

 

 

Xin chào Anh chị em thân mến,

Để thoát khỏi một thứ dịch bệnh, chúng ta cần phải lưu ý đến nhau và chăm sóc cho nhau. Lưu ý đến nhau và chăm sóc cho nhau. Chúng ta cần phải hỗ trợ những ai chăm sóc cho những người yếu kém nhất, những bệnh nhân và lão nhân. À, đang có một khuynh hướng tẩy chay người già, khuynh hướng bỏ rơi họ. Đó là những gì xấu xa. Những ai chăm sóc cần được chúng ta hỗ trợ đó - được tiếng Tây Ban Nha "cuidadores" gọi rõ là nhân viên chăm sóc, những người chăm sóc cho bệnh nhân - đóng một vai trò thiết yếu trong xã hội ngày nay, bất chấp sự kiện xẩy ra là họ thường không được nhìn nhận và bù đắp một cách xứng đáng. Việc chăm sóc là một qui luật vàng cho bản chất làm người của chúng ta, để cống hiến những gì là khỏe mạnh và niềm hy vọng (cf. Encyclical Laudato Si’ [LS], 70). Việc chăm sóc cho những ai bị bệnh, những ai cần thiết, những ai bị loại trừ: đó là một kho tàng phong phú của con người cũng như của Kitô giáo.

Chúng ta cũng cần phải trải dài việc chăm sóc này với cả ngôi nhà chung của chúng ta nữa: với trái đất này cũng như với hết mọi thụ tạo. Tất cả mọi hình thức của sự sống đều được tương liên với nhau (see ibid 137-138), và sức khỏe của chúng ta đều lệ thuộc vào sức khỏe của hệ sinh thái được Thiên Chúa tạo dựng nên và ủy thác cho chúng ta chăm sóc (see Gen 2:15). Nếu lạm dụng chúng, thì đó là một trọng tội gây thiệt hại cho chúng ta và tác hại đến chúng ta, khiến chúng ta bị bệnh (cf. LS 8; 66). Kháng tố tốt nhất để chống lại việc lạm dụng này nơi ngôi nhà chung của chúng ta đó là việc ngắm nhìn (see ibid 85; 214). Nhưng rồi thì sao? Không có một loại chủng ngừa nào cho vấn đề này à, cho việc chăm sóc ngôi nhà chung, để nó không bị loại trừ? Đâu là kháng tố chống lại thứ bệnh hoạn không chịu chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta? Đó là việc ngắm nhìn. "Nếu có ai đó không biết dừng lại mà ca ngợi một cái gì đó mỹ miều đẹp đẽ, chúng ta cũng chẳng lấy gì làm lạ khi họ không ngần ngại đối xử với hết mọi sự như là một thứ đồ vật (object) được sử dụng và lạm dụng thôi" (ibid., 215). Liên quan cả đến việc sử dụng các sự vật (things) và loại trừ chúng nữa. Tuy nhiên, ngôi nhà chung của chúng ta, thiên nhiên tạo vật, không phải chỉ là một "nguồn lợi". Các loài tạo vật tự chúng có một giá trị nội tại, và mỗi một tạo vật "phản ảnh theo cách thế riêng của mình một tia sáng khôn ngoan và thiện hảo vô cùng của Thiên Chúa" (Catechism of the Catholic Church, 339). Cần phải nhận thức được giá trị ấy và tia sáng thần linh ấy, và để nhận thức được như thế, chúng ta cần phải biết lắng đọng, chúng ta cần phải biết lắng nghe, và chúng ta cần phải biết chiêm ngắm. Việc chiêm ngắm cũng chữa lành linh hồn nữa.

 Không biết ngắm nhìn thì rất dễ rơi vào một thứ chủ nghĩa nhân trung bất cân bằng và ngạo mạn, "cái tôi" là tâm điểm của hết mọi sự, gán cho vai trò làm người của chúng ta một tầm quan trọng quá độ, biến chúng ta trở thành những tay cai trị tuyệt đối trên tất cả mọi tạo vật khác. Chính việc dẫn giải sai lầm gây ra bởi những gì giải thích lệnh lạc về các bản văn thánh kinh nơi việc tạo dựng đã dẫn đến tình trạng khai thác bóc lột trái đất này, cho đến độ khiến nó bị chết ngạt. Việc khai thác bóc lột tạo vật: đó là một thứ tội. Chúng ta tin rằng chúng ta đóng vai chính yếu, bằng việc chiếm chỗ của Thiên Chúa, để chúng ta hủy hoại đi tình trạng hòa hợp của thiên nhiên tạo vật, tình trạng hòa hợp của dự án Thiên Chúa. Chúng ta đã trở nên những con thú ăn thịt sống (predators), quên rằng ơn gọi của chúng ta chỉ là những quản trị viên của sự sống thôi. Dĩ nhiên, chúng ta có thể và cần phải canh tác trái đất này để sống còn và để phát triển. Thế nhưng việc canh tác không đồng nghĩa với việc khai thác bóc lột, và bao giờ cũng phải kèm theo việc chăm sóc nữa, đó là vun sới và bảo vệ, là canh tác và chăm sóc... Đó là sứ vụ của chúng ta (cf Gen 2:15). Chúng ta không thể mong được tiếp tục phát triển về lãnh vực vật chất, mà không chăm sóc cho ngôi nhà chung là nơi đón nhận chúng ta. Các người anh chị em nghèo khổ nhất của chúng ta và mẹ trái đất của chúng ta đang than van về tình trạng thiệt hại và bất công gây ra bởi chúng ta, và đòi chúng ta cần phải thay đổi. Nó đòi chúng ta một cuộc hoán cải, một thứ đổi thay về đường lối; đòi chúng ta chăm sóc cho cả trái đất nữa, cho cả tạo vật nữa.

Bởi thế, cần phải tái khám phá ra chiều kích ngắm nhìn, tức là, chiều kích nhìn vào trái đất này, vào tạo vật như là một tặng ân, chứ không phải như là một cái gì đó để khai thác bóc lột kiếm lợi: không. Khi chúng ta ngắm nhìn, chúng ta khám phá ra nơi những người khác cũng như nơi thiên nhiên một cái gì đó còn cao cả hơn là những gì lợi ích của chúng nữa. Đó là tâm điểm của vấn đề, ở chỗ, việc ngắm nhìn vượt ra ngoài tính chất hữu dụng của một cái gì đó. Việc ngắm nhìn vẻ đẹp đẽ mỹ miều không có nghĩa là khai thác nó, đó không phải là việc ngắm nhìn. Việc ngắm nhìn là những gì thanh thoát. Chúng ta khám phá thấy giá trị nội tại của các sự vật thiên phú của chúng. Như nhiều vị bậc thày về đàng thiêng liêng đã dạy chúng ta rằng, trời, đất, biển khơi, cùng hết mọi tạo vật đều có khả năng hình tượng này, hay khả năng huyền nhiệm mang chúng ta về lại với Đấng Hóa Công, cũng như với mối hiệp thông thiên nhiên tạo vật. Chẳng hạn như Thánh Ignatiô Loyola, ở vào cuối cuộc Linh Thao, mời gọi chúng ta hãy thực hiện "việc ngắm nhìn để tiến đến chỗ yêu mến", tức là, hãy coi cách thức Thiên Chúa nhìn vào các tạo vật của Ngài ra sao, và hân hoan với chúng như thế nào; khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi các tạo vật của Ngài, và yêu mến cùng chăm sóc chúng một cách thanh thoát và ưu ái.

Việc ngắm nhìn, một việc dẫn chúng ta đến thái độ chăm sóc, không phải là vấn đề nhìn vào thiên nhiên tạo vật từ bên ngoài, như thể chúng ta không được chìm ngập trong nó vậy. Thế nhưng, chúng ta ở trong thiên nhiên tạo vật, chúng ta thuộc về thiên nhiên tạo vật. Đúng hơn, việc ngắm nhìn xuất phát từ bên trong, bằng việc nhìn nhận chúng ta thuộc về thiên nhiên tạo vật, bằng cách làm cho chúng ta trở thành những nhân vật chính, chứ không phải là thành phần bàng quan của một thực tại bất định hình chỉ để khai thác bóc lột. Những ai ngắm nhìn như thế mới cảm được những gì là bàng hoàng ngỡ ngàng, chẳng những nơi những gì họ nhìn thấy, mà còn vì họ cảm thấy họ thuộc về tổng thể mỹ miều đẹp đẽ ấy; và họ đồng thời cũng cảm thấy mình được kêu gọi để canh giữ nó và bảo vệ nó. Còn một điều nữa chúng ta không được quên, đó là những ai không thể ngắm nhìn thiên nhiên và tạo vật, cũng không thể ngắm nhìn con người ta nơi những gì là giá trị thật sự của họ. Những ai sống là để khai thác bóc lột thiên nhiên rồi cũng khai thác bóc lột con người ta và đối xử với họ như thành phần nô lệ thôi. Đó là qui luật phổ quát. Nếu bạn không thể ngắm nhìn thiên nhiên, thì bạn rất khó lòng mà ngắm nhìn con người ta được, ngắm nhìn vẻ đẹp của con người ta là anh chị em của bạn. Tất cả chúng ta.

Những ai biết ngắm nhìn sẽ dễ dàng hơn trong việc hoạt động để thay đổi những gì gây ra tình trạng suy thoái và thiệt hại cho sức khỏe. Họ sẽ nỗ lực hướng dẫn và phát triển sản xuất mới cùng với các thói quen tiêu thụ, nỗ lực góp phần vào một khuôn mẫu mới của một thứ phát triển kinh tế bảo đảm việc tôn trọng ngôi nhà chung của chúng ta, cũng như tôn trọng con người ta. Việc chiêm ngắm bằng hành động đó là một điều tốt đẹp! Mỗi một người chúng ta cần phải trở thành một bảo quản viên cho môi sinh, cho việc tinh sạch của môi sinh, tìm cách hòa hợp kiến thức cha ông của các nền văn hóa đã kéo dài qua bao nhiêu là thiên kỷ với kiến thức kỹ thuật mới, nhờ đó lối sống của chúng ta mới luôn là những gì xác thực.

Sau hết, việc ngắm nhìn và chăm sóc là 2 thái độ cho thấy cách thức đứng đắn và cân bằng mối liên hệ của chúng ta là tạo vật với thiên nhiên tạo vật.

Thường xẩy ra là mối liên hệ của chúng ta với thiên nhiên tạo vật dường như là một mối liên hệ giữa các thù địch với nhau, ở chỗ hủy hoại thiên nhiên tạo vật cho lợi ích của chúng ta. Khai thác bóc lột thiên nhiên tạo vật cho lợi ích của chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng việc này sẽ phải trả một giá đắt; chúng ta đừng quên câu ngạn ngữ Tây Ban Nha: "Thiên Chúa luôn tha thứ; chúng ta đôi khi tha thứ; thiên nhiên không bao giờ thứ tha". Hôm nay, tôi đọc thấy trong một tờ nhật báo về hai tảng băng lớn ở Antarctica (Nam Cực), gần Biển Amundsen: chúng gần tan chảy rồi. Kinh hoàng sẽ xẩy ra vì mực nước biển sẽ dâng cao, và sẽ gây ra rất ư là nhiều khốn khó cùng với các nhiều tai hại. Tại sao thế? Vì tình trạng hâm nóng toàn cầu, vì không chăm sóc môi sinh, vì không chăm sóc ngôi nhà chung.

Ngược lại, nếu mối liên hệ của chúng ta với thiên nhiên tạo vật có tính cách - tôi muốn sử dụng từ ngữ - "huynh đệ": một kiểu nói về nhân vật; một mối liên hệ "huynh đệ" với thiên nhiên tạo vật, chúng ta sẽ trở nên thành phẩn bảo quản ngôi nhà chung này, những bảo quản viên cho sự sống và bảo quản viên cho niềm hy vọng. Chúng ta sẽ canh giữ gia sản Thiên Chúa đã ủy thác cho chúng ta để các thế hệ tương lai cũng được hoan hưởng nó nữa. Có thể ai đó sẽ nói rằng: "Thế nhưng tôi có thể vượt qua được những gì như thế". Tuy nhiên, vấn đề không phải là bạn làm cách nào để vượt qua hôm nay đây - như được một thần học gia người Đức là Bonhoeffer, một người anh em Tin Lành, một con người tốt lành đã nói - vấn đề không phải là bạn làm cách nào để vượt qua hôm nay; vấn đề ở chỗ đâu sẽ là cái di sản lưu lại, là sự sống cho các thế hệ tương lai? Chúng ta hãy nghĩ đến con cái của chúng ta, cháu chắt của chúng ta: chúng ta sẽ lưu lại những gì cho chúng nếu chúng ta khai thác bóc lột thiên nhiên tạo vật?

Chúng ta hãy bảo vệ đường lối làm "các bảo quản viên" cho ngôi nhà chung của chúng ta, những bảo quản viên cho sự sống cũng là các bảo quản viên cho niềm hy vọng. Các bảo quản viên ấy bảo toàn cái gia sản Thiên Chúa đã ủy thác cho chúng ta (cho con người, cho tất cả mọi người), để các thế hệ tương lai cũng được hoan hưởng nó. Tôi đặc biệt nghĩ đến các dân tộc bản xứ, những con người mà tất cả chúng ta đều phải biết ơn - đồng thời cũng ăn năn thống hối, chỉnh sửa lại sự dữ chúng ta đã gây ra cho họ. Thế nhưng, tôi cũng nghĩ đến những phong trào, đến các hiệp hội, đến các nhóm dân chúng, đang dấn thân bảo vệ lãnh địa cùng với các giá trị về tự nhiên cũng như về văn hóa của những thổ dân ấy. Những thực tại có tính cách xã hội này không phải bao giờ cũng được cảm nhận, đôi khi họ còn bị ngăn cản nữa; vì họ không kiếm chác tiền bạc; mà thực ra họ góp phần vào một cuộc cách mạng ôn hòa, chúng ta có thể gọi là "cuộc cách mạng của việc chăm sóc". Việc ngắm nhìn để chăm sóc, việc ngắm nhìn để bảo vệ, bảo vệ bản thân chúng ta, bảo vệ thiên nhiên tạo vật, bảo vệ con cái của chúng ta cùng với cháu chắt của chúng ta, và bảo vệ tương lai. Việc ngắm nhìn để chăm sóc và để bảo vệ, để lưu lại di sản cho thế hệ tương lai.

Công việc này không được bán cái cho những ai khác: đó là công việc của hết mọi con người. Mỗi một người chúng ta có thể và cần phải trở thành "một bảo quản viên của ngôi nhà chung", có khả năng chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa vì các loài tạo vật của Ngài, và khả năng ngắm nhìn thiên nhiên tạo vật cùng bảo vệ chúng. Xin cám ơn anh chị em.

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2020/documents/papa-francesco_20200916_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu

 

Tóm Tắt Bài Giáo Lý hôm nay:

1- Để thoát khỏi một thứ dịch bệnh, chúng ta cần phải lưu ý đến nhau và chăm sóc cho nhau... Chúng ta cũng cần phải trải dài việc chăm sóc này với cả ngôi nhà chung của chúng ta nữa.

2- Tất cả mọi hình thức của sự sống đều được tương liên với nhau và sức khỏe của chúng ta đều lệ thuộc vào sức khỏe của hệ sinh thái được Thiên Chúa tạo dựng nên và ủy thác cho chúng ta chăm sóc

3- Kháng tố tốt nhất để chống lại việc lạm dụng này nơi ngôi nhà chung của chúng ta đó là việc ngắm nhìn

4- Ngôi nhà chung của chúng ta, thiên nhiên tạo vật, không phải chỉ là một "nguồn lợi". Các loài tạo vật tự chúng có một giá trị nội tại...

5- Cần phải tái khám phá ra chiều kích ngắm nhìn, tức là, chiều kích nhìn vào trái đất này, vào tạo vật như là một tặng ân, chứ không phải như là một cái gì đó để khai thác bóc lột kiếm lợi

6- Việc ngắm nhìn xuất phát từ bên trong, bằng việc nhìn nhận chúng ta thuộc về thiên nhiên tạo vật, bằng cách làm cho chúng ta trở thành những nhân vật chính, chứ không phải là thành phần bàng quan của một thực tại bất định hình chỉ để khai thác bóc lột.

7- Khai thác bóc lột thiên nhiên tạo vật cho lợi ích của chúng ta... sẽ phải trả một giá đắt; chúng ta đừng quên câu ngạn ngữ Tây Ban Nha: "Thiên Chúa luôn tha thứ; chúng ta đôi khi tha thứ; thiên nhiên không bao giờ thứ tha"

8- Mỗi một người chúng ta có thể và cần phải trở thành "một bảo quản viên của ngôi nhà chung", có khả năng chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa vì các loài tạo vật của Ngài, và khả năng ngắm nhìn thiên nhiên tạo vật cùng bảo vệ chúng