GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý Chữa Lành Xã Hội

 

 Bài 8: Vi Khuẩn Tập Trung Đỉnh Điểm - Chữa Trị: Thực Thi Nguyên Tắc Bổ Trợ

 

Pope Francis at General Audience in the Courtyard of St. Damasus in the Vatican

 

Để thoát ra khỏi một cuộc khủng hoảng, như cuộc khủng hoảng hiện nay,

một cuộc khủng hoảng về sức khỏe, đồng thời cũng là một cuộc khủng hoảng về chính trị và kinh tế nữa,

thì hết mọi người chúng ta được kêu gọi để lãnh nhận trách nhiệm về phần của mình, tức là chia sẻ trách nhiệm với nhau.

 

Pope Francis at his general audience in the San Damaso courtyard at the Vatican, Sept. 23, 2020. Photo credits: Pablo Esparza/EWTN News.

 

Sau cuộc đại suy thoái về kinh tế từ năm 1929,

Đức Giáo Hoàng Piô XI đã giải thích tầm quan trọng của nguyên tắc bổ trợ - principle of subsidiarity...

nó là một nguyên tắc xã hội giúp chúng ta liên kết với nhau hơn

 

 

Ngày nay, tình trạng thiếu tôn trọng nguyên tắc bổ trợ này đã lan ra như là một thứ vi khuẩn...

họ lắng nghe thành phần quyền lực hơn là thành phần hèn kém...

nguyên tắc bổ trợ giúp hết mọi người có thể đảm nhận vai trò của mình cho việc chữa lành, cũng như cho định mệnh của xã hội

 

Xin chào mừng Anh Chị Em thân mến, dù hôm nay khí hậu dường như không được khá lắm!

Để thoát ra khỏi một cuộc khủng hoảng, như cuộc khủng hoảng hiện nay, một cuộc khủng hoảng về sức khỏe, đồng thời cũng là một cuộc khủng hoảng về chính trị và kinh tế nữa, thì hết mọi người chúng ta được kêu gọi để lãnh nhận trách nhiệm về phần của mình, tức là chia sẻ trách nhiệm với nhau. Chúng ta cần phải đáp ứng chẳng những như là một cá nhân, mà từ cả các nhóm chúng ta thuộc về, từ các vai trò chúng ta đóng trong xã hội, từ các nguyên tắc của chúng ta, và nếu chúng ta là thành phần tín hữu thì từ niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa.

Tuy nhiên, nhiều người thường không thể tham phần vào việc tái thiết công ích, vì họ là những kẻ bị loại trừ, bị tẩy chay hay bị khinh thường; có những nhóm hoạt động xã hội không thể tiếp tục góp phần của mình, vì họ bị tắc nghẽn về kinh tế hay xã hội. Ở trong một số xã hội, nhiều người không được tự do bày bỏ niềm tin của họ cùng với các giá trị của họ, những ý nghĩ của họ: nếu họ cứ tỏ hiện những điều ấy thì sẽ bị giam nhốt. Ở nơi khác, nhất là ở thế giới tây phương, nhiều người phải kìm nén những niềm xác tín về đạo lý hay đạo giáo của mình. Thế thì không thể nào thoát được cuộc khủng hoảng này, hay ít là thoát được nó tốt đẹp hơn. Chúng ta sẽ thoát khỏi nó tệ hơn.

Để chúng ta có thể tham phần vào việc chữa lành và việc tái sinh của các dân nước chúng ta, thì quyền lợi duy nhất đó là chúng ta cần phải có các đầy đủ các phương tiện để thực hiện  (see Compendium of the Social Doctrine of the Church [CSDC], 186). Sau cuộc đại suy thoái về kinh tế từ năm 1929, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã giải thích tầm quan trọng của nguyên tắc bổ trợ - principle of subsidiarity (see Encyclical Quadragesimo anno, 79-80). Nguyên tắc này có một chuyển hướng lưỡng diện: từ đỉnh xuống đáy và từ đáy lên đỉnh. Có lẽ chúng ta không hiểu như thế có nghĩa là gì, thế nhưng, nó là một nguyên tắc xã hội giúp chúng ta liên kết với nhau hơn. Tôi sẽ cố gắng giải thích nguyên tắc này.

Một mặt, nhất là vào những lúc đổi thay, khi các cá nhân riêng lẻ, các gia đình, các hiệp hội nhỏ bé và các cộng đồng địa phương không thể đạt được các mục tiêu căn bản, thì bấy giờ các cấp độ cao nhất trong xã hội, như Nhà Nước, cần phải ra tay cung cấp những phương tiện cần thiết để tiến bộ. Chẳng hạn, vì tình trạng giới nghiêm bởi vi khuẩn corona, nhiều người, nhiều gia đình và nhiều thực thể về kinh tế cảm thấy và vẫn đang cảm thấy bị trục trặc trầm trọng. Bởi vậy các tổ chức công cần phải cố gắng trợ giúp, bằng những can thiệp thích đáng, về kinh tế xã hội, liên quan đến sức khỏe..., đó là nhiệm vụ của họ, đó là những gì họ cần phải làm.

Mặt khác, các vị lãnh đạo xã hội dầu sao cũng phải tôn trọng và cổ võ những cấp độ lưng chừng hay thấp hơn. Thật vậy, việc góp phần của các cá nhân, của các gia đình, của các hiệp hội, của các các ngành nghề thương mại, hay của tổ chức trung gian, và ngay cả của Giáo Hội, là những gì quan trọng. Tất cả những thành phần thuộc cấp độ ấy là thành phần làm tái sinh động và củng cố xã hội, bằng những phương tiện văn hóa, tôn giáo, kinh tế của họ (see CSCD, 185). Tức là, có một sự hợp tác với nhau từ đỉnh cũng như từ đáy, từ Nhà Nước xuống dân chúng, và từ đáy lên đỉnh, từ các tổ chức của dân chúng lên đỉnh. Đó chính là cách thực thi nguyên tắc bổ trợ.

Hết mọi người cần có cơ hội để nhận lãnh trách nhiệm của mình, trong tiến trình chữa lành xã hội họ thuộc về. Khi một dự án được tung ra, trực tiếp hay gián tiếp chạm đến một số nhóm xã hội nào đó, thì những nhóm này không thể bị tẩy chay khỏi việc tham phần - chẳng hạn: "Anh/chị làm gì đó?" "Tôi đi làm việc với người nghèo". "Ồ, thế thì hay quá. Mà anh/chị làm gì chứ?" "Tôi dạy cho người nghèo, tôi nói cho người nghèo biết những gì họ cần phải làm". Không, không được đâu. Bước đầu tiên là hãy để cho người nghèo cho anh/chị biết họ sống ra sao, họ cần gì chứ... Hãy để cho mọi người lên tiếng nói! Đó là cách thực hiện nguyên tắc bổ trợ.

Chúng ta không thể bỏ qua việc tham phần của dân chúng; bỏ qua sự khôn ngoan của họ; không thể gạt đi sự khôn ngoan của những nhóm người tầm thường hơn (see Apostolic Exhortation Querida Amazonia [QA], 32; Encyclical Laudato Si’, 63).  Tiếc thay tình trạng bất công này vẫn thường xẩy ra ở nơi những nơi tập trung vào những lợi ích khổng lồ về kinh tế và về địa chính trị (geopolitical), chẳng hạn như một số hoạt động khai khoáng ở một số vùng đất trên hành tinh này (see QA, 9.14). Những tiếng nói của thành phần dân bản xứ, văn hóa của họ, cùng với các thế giới quan của họ chẳng hề được quan tâm đến gì hết.

Ngày nay, tình trạng thiếu tôn trọng nguyên tắc bổ trợ này đã lan ra như là một thứ vi khuẩn. Chúng ta hãy nghĩ đến các biện pháp trợ giúp tài chính đại thể được Nhà Nước ban hành. Các công ty tài chính lớn nhất thì được lắng nghe, hơn là dân chúng, hay những ai thật sự gây tác động kinh tế. Các công ty đa quốc được lắng nghe hơn là các phong trào xã hội. Nói theo ngôn ngữ thường nhật thì họ lắng nghe thành phần quyền lực hơn là thành phần hèn kém, như thế thì không phải là cách thức, không phải là đường lối nhân bản, không phải đường lối Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta, không phải là cách áp dụng nguyên tắc bổ trợ.

Do đó mà chúng ta không để cho dân chúng được trở thành "các tác nhân nơi việc cứu chuộc của chính họ" (Message for the 106th World Day of Migrants and Refugees 2020 (13 May 2020). Có một câu tâm niệm ở nơi tiềm thức chung của một số chính trị gia, hay của một số tay hoạt động xã hội, đó là hết mọi sự cho dân chúng, mà không gì với dân chúng. Từ đỉnh tới đáy mà không lắng nghe sự khôn ngoan của dân chúng, không sử dụng sự khôn ngoan của dân chúng để giải quyết các vấn đề, trong trường hợp thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Hay chúng ta hãy nghĩ đến việc chữa trị thứ vi khuẩn này đi: những công ty dược phẩm lớn được lắng nghe, hơn là các nhân viên chăm sóc sức khỏe được sử dụng ở tuyến đầu nơi các bệnh viện, hoặc ở các trại di cư. Đó không phải là đường lốt tốt đẹp. Hết mọi người cần phải được lắng nghe, những người ở trên đỉnh cũng như những người ở dưới đáy, hết tất cả mọi người.

 Để thoát ra khỏi một cuộc khủng hoảng, cần phải thực thi nguyên tắc bổ trợ, tỏ ra tôn trọng tính cách tự lập và khả năng sáng kiến nơi hết mọi người, nhất là thành phần hèn kém nhất. Tất cả mọi phần thể đều cần thiết, Thánh Phaolô đã nói thế, chúng ta đã nghe rằng những phần thể ấy có vẻ là yếu kém nhất và ít quan trọng nhất, thực tế lại là phần thể cần thiết nhất (see 1 Cor 12:22). Theo ý nghĩa của hình ảnh ấy, chúng ta có thể nói rằng nguyên tắc bổ trợ giúp hết mọi người có thể đảm nhận vai trò của mình cho việc chữa lành, cũng như cho định mệnh của xã hội. Việc áp dụng nó, áp dụng nguyên tắc bổ trợ này là những gì cống hiến niềm hy vọng, cống hiến niềm hy vọng cho một tương lai lành mạnh hơn và cống chính hơn; chúng ta hãy cùng nhau kiến tạo nên tương lai này, khát vọng những gì cao cả hơn, nới rộng các chân trời và lý tưởng của chúng ta (See Discourse to students at the Fr. Félix Varela Cultural Center, Havana – Cuba, 20 September 2015).

Một là chúng ta cùng làm, hay không thành công. Một là chúng ta cùng nhau thoát khỏi cuộc khủng hoảng này, tất cả mọi lãnh vực của xã hội, hai là chúng ta sẽ chẳng bao giờ thoát được nó. Không xẩy ra như thế được. Để thoát được cuộc khủng hoảng này không có nghĩa là đánh bóng các tình hình hiện nay, để chúng có thể hiện lên một cách chính đáng hơn. Không. Để thoát được cuộc khủng hoảng này nghĩa là thực hiện việc thay đổi, và việc thay đổi thực sự được hết mọi người góp phần, tất cả mọi người làm nên một dân tộc. Tất cả mọi ngành nghề, tất cả những ngành nghề ấy. Hết mọi sự với nhau, hết mọi người trong cộng dồng. Nếu hết mọi người không đóng góp thì kết quả sẽ là tiêu cực.

Trong một bài giáo lý trước đây, chúng ta đã thấy cách thức mối liên kết - mối liên kết hiện nay - là đường lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng này ra sao: nó liên kết chúng ta và giúp cho chúng ta có thể tìm thấy những dự thảo vững chắc cho một thế giới lành mạnh hơn. Thế nhưng, đường lối liên kết này cần đến tính chất bổ trợ. Có người có thể nói với tôi rằng: "Thế nhưng, thưa cha, hôm nay cha đang nói đến các sự khó khăn mà!" Chính vì những sự khó khăn này mà tôi đang cố gắng giải thích ý nghĩa của nó đây. Mối liên kết, vì chúng ta đang bàn đến đường lối bổ trợ. Thật vậy, không có chuyện liên kết thực sự nếu thiếu sự tham phần về xã hội, thiếu việc góp phần của những cơ cấu môi giới như các gia đình, các hiệp hội, các hợp tác xã, các ngành tiểu thương, và các loại thể hiện xã hội khác. Hết mọi người cần phải góp phần, hết mọi người. Kiểu tham phần này giúp tránh đi được và chỉnh đốn lại một số khía cạnh tiêu cực của vấn đề toàn cầu hóa, cũng như nơi các hoạt động của Nhà Nước, như nó đang xẩy ra liên quan đến chữa lành dân chúng bị lây nhiễm bởi dịch bệnh này. Những góp phần "từ đáy" ấy cần phải được phấn khích. Tuyệt vời biết bao khi thấy thành phần tình nguyện viên trong cuộc khủng hoảng này. Những tình nguyện viên xuất phát từ hết mọi phần trong xã hội, những tình nguyện viên từ các gia đình giầu sang, cũng như từ các gia đình nghèo hơn. Thế nhưng, hết mọi người, hết mọi người cùng nhau thoát khỏi. Đó là mối liên kết và đó là nguyên tắc bổ trợ.

Trong thời gian giới nghiêm, tự nhiên bộc phát ra cử chỉ hoan hô, hoan hô các bác sĩ và các y tá, như là một dấu hiệu phấn khích và hy vọng. Nhiều người đã liều mạng và nhiều người đã hiến mạng sống của mình. Chúng ta hãy hoan hô hết mọi phần tử của cơ cấu xã hội, từng người và hết mọi người, vì việc góp phần quí báu của họ, bất kể nhỏ mọn đến thế nào chăng nữa. "Thế nhưng người ấy có thể ở đó làm việc hay chăng?" "Hãy lắng nghe người ấy! Hãy cống hiến cho họ nơi làm việc, hãy bàn với họ". Chúng ta hãy hoan hô "những người bị loại trừ - the cast-aways", những người bị văn hóa liệt vào "thành phần bị loại trừ - thrown out", thứ văn hóa loại trừ này - tức là chúng ta hãy hoan hô những vị lão thành, các trẻ em, những người bị tật nguyền, chúng ta hãy hoan hô những nhân công, tất cả những ai hiến mình phục vụ. Hết mọi người hợp tác với nhau để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.

Tuy nhiên, chúng ta đừng dừng lại ở chỗ hoan hô. Hy vọng là một cái gì đó táo bạo, và vì thế, chúng ta hãy tự phấn chấn trong việc mơ tưởng lớn lao. Anh chị em ơi, chúng ta hãy biết mơ tưởng lớn lao! Chúng ta đừng sợ mơ tưởng to lớn, tìm kiếm những lý tưởng công lý, cùng với tình yêu thương xã hội xuất phát từ niềm hy vọng. Chúng ta đừng cố gắng tái thiết quá khứ, quá khứ là quá khứ, chúng ta hãy hướng tới những gì là mới mẻ. Lời Chúa hứa đó là: "Ta sẽ làm cho tất cả nên mới" Chúng ta hãy phấn khích mình mơ tưởng lớn lao, tìm kiếm những thứ lý tưởng ấy, chứ đừng cố tái thiết quá khứ, nhất là cái quá khứ bất chính và vốn bệnh hoạn... Chúng ta hãy kiến tạo một tương lai được phong phú hóa bởi hai chiều kích cả địa phương lẫn toàn cầu - hết mọi người đều có thể góp phần, hết mọi người đều cần phải góp phần chia sẻ của mình, từ văn hóa của mình, từ triết lý của mình, từ bản thấn dấn thân phục vụ hơn nữa và cống hiến hơn nữa cho những ai kém hơn. Xin cám ơn anh chị em.

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2020/documents/papa-francesco_20200923_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu

 

Tóm tắt những ý tưởng chính trong bài giáo lý hôm nay:

1- Để thoát ra khỏi một cuộc khủng hoảng, như cuộc khủng hoảng hiện nay, một cuộc khủng hoảng về sức khỏe, đồng thời cũng là một cuộc về chính trị và kinh tế nữa, thì hết mọi người chúng ta được kêu gọi để lãnh nhận trách nhiệm về phần của mình, tức là chia sẻ trách nhiệm với nhau.

2- Tuy nhiên, nhiều người thường không thể tham phần vào việc tái thiết công ích, vì họ là những kẻ bị loại trừ, bị tẩy chay hay bị khinh thường; có những nhóm hoạt động xã hội không thể tiếp tục góp phần của mình, vì họ bị tắc nghẽn về kinh tế hay xã hội.

3- Sau cuộc đại suy thoái về kinh tế từ năm 1929, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã giải thích tầm quan trọng của nguyên tắc bổ trợ - principle of subsidiarity..., nó là một nguyên tắc xã hội giúp chúng ta liên kết với nhau hơn.

4- Tức là, có một sự hợp tác với nhau từ đỉnh cũng như từ đáy, từ Nhà Nước xuống dân chúng, và từ đáy lên đỉnh, từ các tổ chức của dân chúng lên đỉnh. Đó chính là cách thực thi nguyên tắc bổ trợ.

5- Ngày nay, tình trạng thiếu tôn trọng nguyên tắc bổ trợ này đã lan ra như là một thứ vi khuẩn... họ lắng nghe thành phần quyền lực hơn là thành phần hèn kém... hết mọi sự cho dân chúng, mà không gì với dân chúng.

6- Để thoát ra khỏi một cuộc khủng hoảng, cần phải thực thi nguyên tắc bổ trợ, tỏ ra tôn trọng tính cách tự lập và khả năng sáng kiến nơi hết mọi người, nhất là thành phần hèn kém nhất... không có chuyện liên kết thực sự nếu thiếu sự tham phần về xã hội...

7- Chúng ta hãy phấn khích mình mơ tưởng lớn lao, tìm kiếm những thứ lý tưởng ấy, chứ đừng cố tái thiết quá khứ, nhất là cái quá khứ bất chính và vốn bệnh hoạn... Chúng ta hãy kiến tạo một tương lai được phong phú hóa bởi hai chiều kích cả địa phương lẫn toàn cầu