GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

ĐTC PHANXICÔ - HUẤN TỪ TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT III MÙA CHAY 15/3/2020

 

Lời hứa về nước hằng sống mà Chúa Giêsu nói với người đàn bà Samaria này, đã trở nên thực tại nơi Cuộc Vượt Qua của Người:

 từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người mà "máu cùng nước" chảy ra (Gioan 19:34). 

Chúa Kitô, Con Chiên bị sát tế và phục sinh, là nguồn phát sinh ra Thánh Linh, Đấng tha thứ tội lỗi và tái sinh vào sự sống mới. 

  Như người phụ nữ Samaria, bất cứ ai gặp gỡ Chúa Giêsu sống động đều cảm thấy cần phải nói với những người khác, 

nhờ đó tất cả mọi người tiến đến chỗ tuyên xưng rằng Chúa Giêsu "thực sự là Đấng cứu thế" (Gioan 4:42), như dân làng của người đàn bà ấy đã nói.

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Vào lúc này đây, Thánh Lễ đang kết thúc ở Milan, nơi mà vị Tổng Giám Mục ở đó đang dâng lễ trong một bệnh xá đa khoa cho bệnh nhân, cho các vị y sĩ, y tá và tình nguyện viên. Vị Tổng Giám Mục này tỏ ra gần gũi với dân của mình, đồng thời cũng gần với Thiên Chúa bằng nguyện cầu. Cũng hãy nhớ rằng hình ảnh tuần vừa rồi cho thấy một mình ngài ở trong vương cung Thánh Đường Duomo để cầu cùng Đức Mẹ. Tôi cũng xin cám ơn tất cả các vị linh mục về óc sáng tạo của các vị. Nhiều tin tức từ Lombardy đã cho tôi hay về tính cách sáng tạo này. Đúng thế; Lombardy đang bị nhiễm nặng. Các vị linh mục ở đó mới nghĩ đến cả nghìn cách thức để làm sao có thể gần gũi với dân chúng, nhờ đó dân chúng không cảm thấy bị bỏ rơi; các vị linh mục sống nhiệt tình tông đồ đã hiểu rõ là trong những lúc đại dịch như thế này thì người ta không được trở thành một "Toma ngờ vực". Xin cám ơn các vị linh mục rất nhiều nhé.

Đoạn Phúc Âm của Chúa Nhật III Mùa Chay hôm nay cho chúng ta thấy cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với một người đàn bà Samaritano (Cf Gioan 4:5-42). Người đang trên đường đi với các môn đệ của Người, và các vị dừng chân ở gần một cái giếng ở Samaria. Những người Samaria bị những người Do Thái coi là thành phần lạc giáo và rất đáng khinh, như thành phần công dân hạng hai vậy thôi. Chúa Giêsu cảm thấy mệt và khát. Một người phụ nữ đến kín nước và Người đã ngỏ lời xin chị: "Xin cho tôi uống với" (câu 7). Vậy, khi phá vỡ hết mọi trở ngại, Người bắt đầu một cuộc đối thoại để Người tỏ mình ta cho người đàn bà ấy mầu nhiệm về thứ nước hằng sống, tức là Thánh Linh, tặng ân của Thiên Chúa. Thật vậy, Chúa Giêsu đã đáp phản ứng lạ lùng của người đàn bà ấy rằng: "Nếu chị biết ơn Thiên Chúa, và Đấng đang nói với chị 'cho tôi uống với' đây là ai, thì chị sẽ xin Người, và Người sẽ ban cho chị nước hằng sống" (câu 10).

Nước là tâm điểm của cuộc đối thoại này. Một đàng thì nước là một yếu tố thiết yếu để sống, làm cho thân thể được giãn khát và duy trì sự sống. Đàng khác, nước lại là biểu hiệu của ân sủng thần linh thông ban sự sống đời đời. Theo truyền thống Thánh Kinh thì Thiên Chúa là nguồn mạch của nước hằng sống - như ở các Thánh Vịnh, các tiên tri -: việc tách mình ra khỏi Thiên Chúa là nguồn mạch của nước hằng sống, cũng như khỏi Lề Luật của Ngài, bao gồm cả cơn khát không thể chịu nổi. Đó là kinh nghiệm của dân Do Thái ở trong sa mạc. Trên con đường dài tiến đến tự do, khi bị khát ran cả cổ, họ đã chống lại Moisen và Thiên Chúa, vì chẳng có nước uống cho họ. Bấy giờ, theo ý muốn của Thiên Chúa, Moisen đã làm cho nước vọt ra từ một tảng đá, như dấu hiệu Quan Phòng của Thiên Chúa, Đấng đồng hành với dân của Ngài và ban cho họ sự sống (Cf Xuất Hành 17:1-7).

Rồi Thánh Phaolô dẫn giải rằng đá là một biểu hiệu của Chúa Kitô. Ngài nói thế này: "Tảng Đá là Chúa Kitô" (Cf 1Corinto 10:4). Nó là một hình ảnh huyền nhiệm về việc hiện diện của Người giữa dân Chúa đang tiến bước. Thật vậy, Chúa Kitô là Đền Thờ mà từ Đền Thờ này, theo thị kiến của các tiên tri, vọt lên Thánh Linh, tức là, vọt lên thứ nước hằng sống để thanh tẩy và ban sự sống. Ai khao khát ơn cứu độ có thể tự do kín múc từ Chúa Giêsu, và Thánh Thần sẽ trở nên trong họ như nguồn mạch của sự sống viên trọn và đời đời. Lời hứa về nước hằng sống mà Chúa Giêsu nói với người đàn bà Samaria này, đã trở nên thực tại nơi Cuộc Vượt Qua của Người: từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người mà "máu cùng nước" chảy ra (Gioan 19:34). Chúa Kitô, Con Chiên bị sát tế và phục sinh, là nguồn phát sinh ra Thánh Linh, Đấng tha thứ tội lỗi và tái sinh vào sự sống mới.

Tặng ân này cũng là mạch nguồn chứng từ. Như người phụ nữ Samaria, bất cứ ai gặp gỡ Chúa Giêsu sống động đều cảm thấy cần phải nói với những người khác, nhờ đó tất cả mọi người tiến đến chỗ tuyên xưng rằng Chúa Giêsu "thực sự là Đấng cứu thế" (Gioan 4:42), như dân làng của người đàn bà ấy đã nói. Cả chúng ta nữa, được tái sinh vào sự sống mới nhờ Phép Rửa, cũng được kêu gọi làm chứng cho sự sống và niềm hy vọng ở trong chúng ta. Nếu việc tìm kiếm của chúng ta và cơn khát của chúng ta được hoàn toàn mãn nguyện nơi Chúa Kitô, thì chúng ta sẽ cho thấy rằng ơn cứu độ không ở trong các "sự vật" trên trần gian này, những thứ cuối cùng gây ra những gì là khô cằn, mà là ở nơi Người là Đấng đã yêu thương và luôn yêu thương chúng ta: Chúa Giêsu Đấng Cứu Độ của chúng ta, Người cống hiến cho chúng ta ở nơi nước hằng sống.

Xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta vun trồng lòng khao khát Chúa Kitô, nguồn mạch của nước hằng sống, Đấng duy nhất có thể làm giãn cơn khát sự sống và yêu thương mà chúng ta đang ấp ủ trong lòng của chúng ta.

 

(Sau Kinh Truyền Tin, theo thông lệ, ĐTC nói tiếp, nhưng lần này toàn là những điều liên quan đến đại dịch Covid-19, như sau:)

Anh chị em thân mến,

Những ngày này Quảng Trường Thánh Phêrô đóng cửa, bởi thế tôi trực tiếp gửi lời chào đến anh chị em theo dõi qua các phương tiện truyền thông.

Trong tình trạng đại dịch này, trường hợp khiến chúng ta cảm thấy mình đang sống cô lập không nhiều thì ít, chúng ta được mời gọi tái nhận thức và suy tư sâu xa hơn về giá trị của mối hiệp thông, một mối hiệp thông liên kết tất cả mọi phần tử của Giáo Hội. Hiệp nhất với Chúa Kitô, chúng ta không bao giờ lẻ loi một mình, nhưng chúng ta làm nên một thân thể duy nhất mà Người là Đầu. Đó là một mối hiệp nhất được nuôi dưỡng bằng nguyện cầu, và cũng ở cả nơi mối hiệp thông thiêng liêng với Thánh Thể, một thực hành rất đáng khuyến khích khi không thể lãnh nhận Bí Tích này. Tôi nói điều này với tất cả anh chị em, đặc biệt là những ai đang sống lẻ loi một mình.

Tôi xin lập lại lòng gắn bó của tôi với tất cả các bệnh nhân cũng như với những ai đang chăm sóc họ, cùng với cả nhiều phục vụ viên và tình nguyện viên đang giúp những người không thể rời nhà, và với tất cả những ai đáp ứng những nhu cầu của thành phần nghèo khổ nhất và những ai vô gia cư.

Xin cám ơn anh chị em rất nhiều về tất cả mọi nỗ lực mà mỗi người trong anh chị em thực hiện để giúp đáp trong giây phút rất khắc nghiệt này. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em, xin Đức Mẹ bảo vệ anh chị em, và xin đừng quên cầu cho tôi. Chúc anh chị em một Chúa Nhật hạnh phúc và bữa trưa ngon lành! Cám ơn anh chị em.

https://zenit.org/articles/angelus-address-on-third-sunday-of-lent-jesus-meeting-with-samaritan-woman/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu   

 

Pope Francis prays the Angelus in the Apostolic Library

 

Trên đây, ĐTC có khuyến khích thực hiện việc Rước Lễ Thiêng Liêng trong trường hợp không thể đi lễ Chúa Nhật hay không có lễ Chúa Nhật dù muốn tham dự!

 

BỞI THẾ, NHỮNG QUÍ VỊ VÀ CÁC BẠN NÀO Ở HOA KỲ, XIN MỜI THEO DÕI VẤN ĐỀ VỀ LỄ CHÚA NHẬT TRONG CÁC GIÁO PHẬN KHẮP MỸ QUỐC TỪ TUẦN NÀY Ở CÁI LINK DƯỚI ĐÂY

Do we have Mass? Coronavirus closures and dispensations in US dioceses

https://www.catholicnewsagency.com/news/do-we-have-mass-coronavirus-closures-and-dispensations-in-us-dioceses-96801

 

Đức Thánh Cha sẽ cử hành Tam Nhật Thánh không có sự tham dự của giáo dân