GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

ĐTC PHANXICÔ - HUẤN TỪ TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM A NGÀY 22/3/2020

 

Pope Francis gives his blessing overlooking St Peter's Square

 

Các phép lạ Chúa Giêsu thực hiện không phải là những cử chỉ ngoạn mục,

mà có mục đích dẫn đến đức tin, bằng một hành trình biến đổi nội tâm...

Trước hết, anh ta coi Người là một vị tiên tri; sau đó anh ta nhìn nhận Người là vị xuất phát từ Thiên Chúa;

sau cùng, anh ta chấp nhận Người là Đấng Thiên Sai và phục mình xuống trước mặt Người

 

Pope Francis looks out at an empty St. Peter's Square. Credit: Vatican Media.

 

Tội lỗi như thể một tấm màn đen tối che khuôn mặt của chúng ta và ngăn cản chúng ta

không thấy được thế giới và chính bản thân chúng ta một cách rõ ràng.

Việc tha thứ của Chúa cất đi cái màn bóng đen và tăm tối này, và cống hiến cho chúng ta thứ ánh sáng mới.

 

 

Người mù được chữa lành, người bấy giờ nhìn thấy bằng đôi mắt xác thể cũng như linh hồn,

là hình ảnh của hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa chúng ta,

thành phần được dìm vào Ân Sủng, đã được cứu khỏi tăm tối và được ở trong ánh sáng đức tin.

Tuy nhiên, việc lãnh nhận ánh sáng vẫn chưa đủ, còn cần phải trở nên ánh sáng nữa.

 

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Tâm điểm của Phụng Vụ cho Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay hôm nay là đề tài ánh sáng. Phúc Âm (cf. Gioan 9:1-41) thuật lại câu chuyện về một người mù từ lúc mới sinh được Chúa Giêsu làm cho được thấy. Dấu lạ này là việc khẳng định cho lời xưng nhận của Chúa Giêsu về Bản Thân Người: "Tôi là Ánh Sáng thế gian" (v.5), ánh sáng chiếu soi tăm tối của chúng ta. Chúa Giêsu là thế đó. Người công hiệu hóa việc chiếu sáng ở hai lãnh vực: một về thể lý và một về tinh thần, ở chỗ, người mù trước tiên nhận được thị lực cho đôi mắt, sau đó anh ta được dẫn tới đức tin vào "Con Người" (câu 35), tức là vào Chúa Giêsu. Tất cả cuộc hành trình là như thế. Thật là tốt nếu hôm nay tất cả anh chị em mở Phúc Âm Thánh Gioan ra, đoạn 9, và đọc đoạn này: thật là tốt đẹp và khi đọc lại, hoặc đọc thêm một lần nữa, chúng ta sẽ cảm thấy cái hay ho ở đó. Các phép lạ Chúa Giêsu thực hiện không phải là những cử chỉ ngoạn mục, mà có mục đích dẫn đến đức tin, bằng một hành trình biến đổi nội tâm.

Các vị Tiến Sĩ Luật - một nhóm họ đang ở đó bấy giờ - đã tỏ ra cứng lòng không chịu công nhận phép lạ này, và đã đặt ra các vấn nạn xảo quyệt cho người được chữa lành. Tuy nhiên, anh ta lại hạ gục họ bằng quyền lực của thực tại: "Tôi chỉ biết rằng xưa kia tôi đã bị mù lòa, nhưng nay tôi đã được nhìn thấy, thế thôi" (câu 25). Giữa tình trạng nhút nhát và hận thù của những người ở chung quanh anh ta và đặt vấn đề với anh ta, cứ hoài nghi ngờ vực, anh ta lại đi theo một con đường dẫn anh ta dần dần đến chỗ nhận ra căn tính của Đấng đã mở mắt cho anh ta và tuyên xưng niềm tin của anh ta vào Người. Trước hết, anh ta coi Người là một vị tiên tri (cf. câu 17); sau đó anh ta nhìn nhận Người là vị xuất phát từ Thiên Chúa (cf. câu 33); sau cùng, anh ta chấp nhận Người là Đấng Thiên Sai và phục mình xuống trước mặt Người (cf. các câu 36-38). Anh ta đã biết rằng, bằng việc ban cho anh ta thị giác, Chúa Giêsu đã "tỏ hiện công cuộc của Thiên Chúa" (cf. câu 3).

Chớ gì chúng ta có được cảm nghiệm này! Nhờ ánh sáng đức tin, ai bị mù khám phá ra căn tính mới của họ. Họ không là gì khác hơn là "một tạo vật mới", có thể thấy đời sống của họ và thế giới quanh họ bằng một ánh sáng mới, vì họ đã tiến vào mối hiệp thông với Chúa Kitô; họ đã tiến tới một chiều kích khác. Họ không còn là một người hành khất bị cộng đồng tẩy chay nữa; họ không còn là một tên nô lệ cho sự mù lòa và thành kiến nữa. Cuộc hành trình chiếu soi của họ ám chỉ đến cuộc giải phóng chúng ta được kêu gọi để thoát khỏi tội lỗi. Tội lỗi như thể một tấm màn đen tối che khuôn mặt của chúng ta và ngăn cản chúng ta không thấy được thế giới và chính bản thân chúng ta một cách rõ ràng. Việc tha thứ của Chúa cất đi cái màn bóng đen và tăm tối này, và cống hiến cho chúng ta thứ ánh sáng mới. Chớ gì Mùa Chay chúng ta đang sống trở thành một thời gian thuận lợi và quí báu để tiếp cận với Chúa, xin Người thương xót, bằng những cách thức khác nhau, được Giáo Hội nêu lên cho chúng ta.

Người mù được chữa lành, người bấy giờ nhìn thấy bằng đôi mắt xác thể cũng như linh hồn, là hình ảnh của hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa chúng ta, thành phần được dìm vào Ân Sủng, đã được cứu khỏi tăm tối và được ở trong ánh sáng đức tin. Tuy nhiên, việc lãnh nhận ánh sáng vẫn chưa đủ, còn cần phải trở nên ánh sáng nữa. Hết mọi người trong chúng ta đều được kêu gọi lãnh nhận ánh sáng thần linh để tỏ hiện nó ra suốt cuộc đời của mình. Các Kitô hữu tiên khởi, các thần học gia ở những thế kỷ đầu tiên, đã nói rằng cộng đồng Kitô hữu, tức là Giáo Hội, là "mầu nhiệm của vầng nguyệt", vì Giáo Hội chiếu tỏa thứ ánh sáng không phải của Giáo Hội, mà là ánh sáng Giáo Hội đã lãnh nhận từ Chúa Kitô. Chúng ta cũng cần phải là "mầu nhiệm của vầng trăng", ở chỗ, cống hiến thứ ánh sáng chúng ta lãnh nhận được từ mặt trời là Chúa Kitô. Thánh Phaolô hôm nay đã nhắc nhở chúng ta về điều ấy, đó là "anh em bởi thế hãy bước đi như là con cái của ánh sáng, vì hoa trái của ánh sáng ở nơi tất cả những gì là tốt lành, công chính và chân thực" (Epheso 5:8-9). Hạt giống của đời sống mới được gieo nơi chúng ta qua Phép Rửa thì giống như một tia lửa, trước hết thanh tẩy chúng ta, bằng cách thiêu đốt đi sự dữ chúng ta đang có ở trong lòng mình, và giúp chúng ta có thể chiếu tỏa và chiếu soi bằng ánh sáng của Chúa Giêsu.

Xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp cho chúng ta biết bắt chước người mù trong bài Phúc Âm, để nhờ đó chúng ta có thể được tràn ngập ánh sáng của Chúa Kitô trên con đường cứu độ.

(Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC nói tiếp:)

Anh chị em thân mến,

Trong những ngày thử thách này, vào lúc nhân loại đang kinh hoàng trước tình trạng đe dọa của dịch bệnh, tôi xin đề nghị với tất cả Kitô hữu hãy hợp nhau chung tiếng kêu lên Trời Cao. Tôi xin mời tất cả mọi vị Thủ Lãnh của Các Giáo Hội và những vị lãnh đạo của tất cả mọi cộng đồng Kitô hữu, cùng với tất cả mọi Kitô hữu thuộc các Niềm tin khác nhau, cầu khẩn với Đấng Tối Cao, với Thiên Chúa Quyền Năng, bằng cách thức thời đọc kinh nguyện Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta. Bởi thế, tôi xin mời tất cả hãy thực hiện điều này vài lần trong ngày, thế nhưng, cùng nhau, đọc Kinh Lạy Cha vào Thứ Tư tới đây, 25/3, vào buổi trưa - tất cả cùng nhau đọc. Vào ngày mà nhiều Kitô hữu nhớ lại biến cố Truyền Tin cho Trinh Nữ Maria về Lời Nhập Thể, xin Chúa lắng nghe lời cầu nguyện đồng tâm nhất trí của tất cả mọi người môn đệ của Người đang sửa soạn cử hành cuộc vinh thắng của Chúa Kitô Phục Sinh. Cũng theo cùng một ý hướng đó, Thứ Sáu tới đây, ngày 27/3, vào lúc 6 giờ chiều, tôi sẽ chủ sự giây phút cầu nguyện ở sân Đền Thờ Thánh Phêrô, trước một Quảng Trường trống vắng. Từ bây giờ, tôi mời gọi tất cả hãy tham dự một cách thiêng liêng bằng các phương tiện truyền thông. Chúng ta sẽ lắng nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ dâng lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta sẽ tôn thờ Bí Tích Cực Thánh, cuối cùng tôi sẽ ban Phép Lành Urbi et Orbi (cho thành Roma và cho Thế Giới), một Phép Lành sẽ gắn liền với cơ hội được lãnh nhận Ơn Toàn Xá.

Chúng ta muốn phản ứng với dịch bệnh vi khuẩn này bằng tính cách hoàn vũ của việc cầu nguyện, của lòng cảm thương và của niềm dịu dàng. Chúng ta hãy tiếp tục liên kết. Chúng ta hãy làm cho việc gắn bó của chúng ta được cảm thấy bởi những ai đang lẻ loi cô độc nhất và bị thử thách nhất. Chúng ta hãy gắn bó với các vị bác sĩ, với các nhân viên y tế, những nam nữ y tá, với các tình nguyện viên ... Chúng ta hãy gắn bó với các Thẩm Quyền cần phải có những biện pháp mạnh, chỉ vì thiện ích của chúng ta. Chúng ta hãy gắn bó với cảnh sát, với quân đội là những người đang tìm cách luôn giữ trật tự trên đường phố, hầu cho những điều chỉ thị của chính quyền được trọn vẹn, cho thiện ích của tất cả chúng ta - chúng ta hãy gần gũi với tất cả mọi người.

 Tôi xin bày tỏ lòng gắn bó của tôi với nhân dân Croatia, sáng nay bị một trận động đất. Xin Chúa ban cho họ sức mạnh và tình đoàn kết để đương đầu với tai ương này. Và xin đừng quên rằng hôm nay, hãy cầm sách Phúc Âm lên mà lắng đọng đọc, chầm chậm, đọan 9 của Thánh Gioan. Tôi cũng sẽ làm như vậy nữa. Tất cả chúng ta đều cảm thấy thấm thía.

Tôi chúc anh chị em một Ngày Chúa Nhật tốt đẹp. Xin đừng quên cầu cho tôi. Chúc anh chị em một bữa trưa ngon lành và xin tạm biệt anh chị em.

https://zenit.org/articles/angelus-address-on-the-fourth-sunday-of-lent-the-theme-of-the-liturgy-is-light-full-text/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu