GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

ĐTC PHANXICÔ - HUẤN TỪ TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM A NGÀY 29/3/2020

 

Pope Francis during the Angelus

 

Hãy tiếp tục tin tưởng giữa lúc khóc lóc, ngay cả khi thấy dường như chết chóc đã thắng thế.

Hãy cất đi tảng đá khỏi cõi lòng của các con!

Hãy để cho Lời Chúa mang lại sự sống ở những nơi xẩy ra chết chóc".

 

Pope Francis delivers his Angelus broadcast from the Apostolic Palace March 29, 2020. Credit: Vatican Media.

 

Thiên Chúa không tạo dựng nên chúng ta cho mồ mả;

Ngài đã tạo dựng nên chúng ta cho được trở nên mỹ miều, thiện hảo và hoan lạc.

 

1585485170941.jpg

 

Vậy, chúng ta được kêu gọi để loại đi những tảng đá của tất cả những gì liên quan đến chết chóc:

chẳng hạn, sống đức tin một cách giả hình đó là chết chóc;

phê bình chỉ trích tác hại người khác đó là chết chóc;

vu khống bất công đó là chết chóc;

loại trừ người nghèo đó là chết chóc.

 

 

Không có Chúa Kitô, hay ngoài Chúa Kitô, thì sự sống chẳng những không có người ta lại còn rơi vào chết chóc nữa.

Sự kiện phục sinh của Lazarô cũng là dấu hiệu về việc tái sinh đã xẩy ra nơi tín hữu nhờ Phép Rửa,

bằng việc trọn vẹn tham phần vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô.

Nhờ tác động và quyền năng của Thánh Linh, Kitô hữu là một con người bước đi theo sự sống như là một tạo vật mới:

một tạo vật vì sự sống và cho sự sống.

 

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay là bài Phúc Âm về sự kiện phục sinh của Lazarô (xem Gioan 11:1-45). Lazarô là người anh em của Matta và Maria; họ là những người bạn thân của Chúa Giêsu. Khi Người tới Betania thì Lazaro đã chết 4 ngày rồi. Matta chạy đến gặp Vị Thày này mà nói cùng Người rằng: "Nếu Thày có mặt ở đây thì em con đâu có chết" (câu 21). Chúa Giêsu trả lời: "Em con sẽ sống lại" (câu 23), và Người còn thêm: "Thày là sự sống lại và là sự sống; ai tin vào Thày thì dù có chết cũng sẽ được sống" (câu 25). Chúa Giêsu tỏ Mình ra như là Chúa của sự sống, Người là Đấng có thể ban sự sống cho cả kẻ chết nữa. Thế rồi Maria cùng với những người khác tiến đến, ai cũng khóc, và bấy giờ Chúa Giêsu - như Phúc Âm cho biết - "rất xúc động và [...] Người đã khóc" (các câu 33-35). Theo lòng cảm xúc ấy, Người đã đi đến mồ, và nhờ Cha là Đấng luôn nghe Người, Người đã truyền mở cửa mồ và kêu lớn tiếng rằng: "Lazarô hãy bước ra" (câu 43). Bấy giờ Lazarô đã bước ra, "tay chân vẫn bị quấn bó, và mặt vẫn bị phủ khăn" (câu 44).

Ở đây chúng ta thấy rằng Thiên Chúa là sự sống và là Đấng ban sự sống, thế nhưng, Ngài đảm nhận cái thảm cảnh chết chóc. Chúa Giêsu đã có thể không để cho người bạn Lazarô của Người bị chết, nhưng Người lại muốn làm cho nỗi sầu đau của chúng ta thành của Người trước cái chết của những người thân yêu, và nhất là Người muốn tỏ cho thấy Thiên Chúa là Đấng thống trị sự chết. Ở đoạn Phúc Âm này, chúng ta thấy rằng đức tin của con người và quyền toàn năng của tình yêu Thiên Chúa tìm kiếm nhau và cuối cùng đã gặp nhau. Chúng ta thấy điều này xẩy ra nơi tiếng khóc của Matta và Maria cũng như của tất cả chúng ta cùng với hai chị em này: "Nếu Thày ở đây!..." Câu trả lời của Thiên Chúa không phải bằng lời nói, không, Chúa Giêsu là câu trả lời cho vấn đề chết chóc: "Thày là sự sống lại và là sự sống... Hãy tin tưởng! Hãy tiếp tục tin tưởng giữa lúc khóc lóc, ngay cả khi thấy dường như chết chóc đã thắng thế. Hãy cất đi tảng đá khỏi cõi lòng của các con! Hãy để cho Lời Chúa mang lại sự sống ở những nơi xẩy ra chết chóc".

Hôm nay đây nữa, Chúa Giêsu lập lại rằng: "Các con hãy cất đi tảng đá ấy". Thiên Chúa không tạo dựng nên chúng ta cho mồ mả; Ngài đã tạo dựng nên chúng ta cho được trở nên mỹ miều, thiện hảo và hoan lạc. "Thế nhưng, vì ma quỉ hờn ghen mà chết chóc đã đột nhập thế gian" (Khôn Ngoan 2:24), và Chúa Giêsu Kitô đã đến để giải thoát chúng ta khỏi các thứ cạm bẫy của chúng. Vậy, chúng ta được kêu gọi để loại đi những tảng đá của tất cả những gì liên quan đến chết chóc: chẳng hạn, sống đức tin một cách giả hình đó là chết chóc; phê bình chỉ trích tác hại người khác đó là chết chóc; vu khống bất công đó là chết chóc; loại trừ người nghèo đó là chết chóc. Chúa muốn chúng ta hãy đẩy lui những tảng đá này cho khỏi tâm can của chúng ta, thì sự sống mới tái thăng hoa quanh chúng ta. Chúa Kitô đang sống và kẻ nào lãnh nhận Người cùng gắn bó với Người thì đều tham phần vào sự sống. Không có Chúa Kitô, hay ngoài Chúa Kitô, thì sự sống chẳng những không có người ta lại còn rơi vào chết chóc nữa.

Sự kiện phục sinh của Lazarô cũng là dấu hiệu về việc tái sinh đã xẩy ra nơi tín hữu nhờ Phép Rửa, bằng việc trọn vẹn tham phần vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Nhờ tác động và quyền năng của Thánh Linh, Kitô hữu là một con người bước đi theo sự sống như là một tạo vật mới: một tạo vật vì sự sống và cho sự sống.

Xin Trinh Nữ Maria giúp chúng ta biết cảm thương như Chúa Giêsu Con của Mẹ, Đấng đã biến nỗi sầu đau của chúng ta thành của Người. Chớ gì mỗi người chúng ta biết gần gũi với những ai đang bị thử thách, phản ảnh tình yêu và nỗi êm ái dịu dàng của Thiên Chúa đối với họ, những gì giải thoát cho khỏi chết chóc và làm cho sự sống chiến thắng.

(Sau Kinh Truyền Tin:)

Anh chị em thân mến,

Trong mấy ngày qua, vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc đã phát động lời kêu gọi "ngừng chiến toàn cầu và tức thì ở khắp nơi trên thế giới", khi nhắc tới tình trạng khẩn cấp đối với CIVID-19 hiện nay, một thứ dịch bệnh vượt qua mọi biên giới - một lời kêu gọi hoàn toàn ngưng chiến.

Tôi xin hợp với tất cả những ai đã lắng nghe lời kêu gọi này và tôi mời gọi tất cả mọi người hãy tiếp tục thực hiện, bằng cách ngăn chặn tất cả mọi hình thức liên quan đến hận thù hiếu chiến, nuôi dưỡng việc kiến tạo nên các hành lang cho việc cứu trợ nhân đạo, việc sẵn sàng ngoại giao và chú tâm đến những ai đang ở trong tình trạng dễ bị tổn thương nhất. Chớ gì việc dấn thân chung chống lại dịch bệnh này có thể làm cho tất cả mọi người nhận thức được việc chúng ta cần phải củng cố các mối liên hệ huynh đệ với những phần tử trong cùng một gia đình duy nhất; đặc biệt là chớ gì nó làm bừng lên nơi các vị lãnh đạo quốc gia cùng với những thành phần khác biết tham gia vào một cuộc dấn thân mới để vượt thắng những thứ kình địch nhau. Các thứ xung khắc không được giải quyết bằng chiến tranh! Cần phải khống chế những gì là nghịch nhau và chống nhau bằng việc đối thoại và bằng một tìm kiếm có tính cách xây dựng hòa bình.

Vào lúc này đây, tôi đặc biệt nghĩ đến tất cả những ai đang ở trong tình trạng dễ bị tổn thương ở chỗ bị sống hạn hẹp trong một nhóm người, như nghỉ ngơi ở nhà, ở những doanh trại... Tôi cũng đặc biệt đề cập tới những tù nhân. Tôi đã đọc một ghi nhận của Ủy Ban Nhân Quyền nói về những nhà tù quá tải, những nơi có thể xẩy ra thảm nạn. Tôi xin các vị Thẩm Quyền hãy nhạy cảm với vấn đề trầm trọng này và hãy có những biện pháo cần thiết để tránh được những thảm cảnh tương lai.

Tôi chúc anh chị em một Chúa Nhật tốt đẹp. Xin đừng quên cầu cho tôi; tôi cũng cầu cho anh chị em nữa. Chúa anh chị em bữa trưa ngon lành và xin tạm biệt.

https://zenit.org/articles/angelus-address-fifth-sunday-of-lent-the-resurrection-of-lazarus/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu 

 

Giuse Lê Minh Thông, OP., xin chia sẻ bài viết:

Ga 11,1-54. “Chết và sống” của La-da-rô, Đức Giê-su và người tin.