GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XIX Thường Niên Năm A

 

2020.08.09 Angelus

 

Hãy tin tưởng phó mình cho Thiên Chúa ở mọi giây phút trong đời sống của chúng ta,

nhất là trong những lúc thử thách và hỗn loạn.

 Chúa Giêsu... là bàn tay của Chúa Cha, Đấng không bao giờ loại bỏ chúng ta;

bàn tay mãnh liệt và trung thành của Chúa Cha, Đấng chỉ luôn muốn những gì là thiện hảo cho chúng ta.

 

Pope Francis gives his Angelus address June 8, 2020. Credit: Vatican Media/CNA.

 

Sống đức tin nghĩa là, giữa bão tố, hãy hướng lòng về Thiên Chúa,

về tình yêu của Ngài, về tấm lòng Thân phụ dịu dàng của Ngài...

Người quá biết chúng ta thiếu đức tin và cuộc hành trình của chúng ta có thể bị trục trặc,

bị ngăn trở bởi những đối lực.

Thế nhưng, Người là Đấng Phục Sinh, là Chúa,

Đấng đã trải qua chết chóc để dẫn chúng ta đến chốn an toàn.

 

 

Con thuyền thảm thương trong con bão tố này là hình ảnh của Giáo Hội,

một Giáo Hội qua hết mọi thời đại đều gặp phải những trận gió ngược,

có những lúc là những cơn thử thánh dữ dội...

Chính sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh nơi Giáo Hội của Người

ban ơn chứng từ cho đến độ tử đạo, từ đó nẩy sinh các tân Kitô hữu

và hoa trái hòa giải và hòa bình cho toàn thế giới.

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Đoạn Phúc Âm của Chúa Nhật này (xem Mathêu 14:22-33) nói về Chúa Giêsu bước đi trên nước của biển hồ đang xẩy ra bão tố. Sau khi cho đám đông dân chúng ăn bằng 5 ổ bánh và 2 con cá - như chúng ta đã thấy vào Chúa Nhật vừa rồi - Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ xuống thuyền và trở lại bờ bên kia. Người giải tán dân chúng, rồi leo lên đồi cầu nguyện âm thầm một mình ở đó. Người đã chìm ngập trong mối hiệp thông với Chúa Cha.

Trong khi vượt qua biển hồ về đêm, con thuyền của các môn đệ bị cản trở bởi một cơn giông tố đột ngột xẩy ra. Thế rồi họ chợt thấy ai đó đang bước đi trên mặt nước tiến đến với họ. Hoảng hồn, họ nghĩ là ma và sợ hãi kêu lên. Chúa Giêsu trấn an họ: "Hãy an tâm, Thày đây mà; đừng sợ". Sau đó môn đệ Phêrô lên tiếng trả lời: "Lạy Thày, nếu quả thực là Thày thì xin cho con đi trên nước đến cùng Thày". Chúa Giêsu liền bảo ngài: "Cứ đến". Môn đệ Phêrô bước ra khỏi con thuyền và tiến được mấy bước; bấy giờ gió và sóng khiến ngài run sợ và bắt đầu chìm xuống. Ngài kêu lên: "Lạy Thày, xin cứu con", và Chúa Giêsu nắm lấy tay ngài mà nói: "Ôi con người kém tin, tại sao con lại nghi ngờ chứ?"

Câu chuyện này là một lời kêu gọi hãy tin tưởng phó mình cho Thiên Chúa ở mọi giây phút trong đời sống của chúng ta, nhất là trong những lúc thử thách và hỗn loạn. Khi chúng ta có một cảm giác mãnh liệt ngờ vực và sợ hãi, và chúng ta dường như đang bị chìm xuống, thì chúng ta không được tỏ ra hổ thẹn để kêu lên như môn đệ Phêrô: "Lạy Thày, xin cứu con" (câu 30). Đó là một lời cầu tuyệt vời! Và cử chỉ của Chúa Giêsu, Đấng lập tức giơ tay ra nắm lấy tay của người bạn hữu của mình, cần phải được chiêm ngắm thật lâu: đó là Chúa Giêsu; Người là bàn tay của Chúa Cha, Đấng không bao giờ loại bỏ chúng ta; bàn tay mãnh liệt và trung thành của Chúa Cha, Đấng chỉ luôn muốn những gì là thiện hảo cho chúng ta. Ngài không phải là là bão tố, lửa cháy, động đất - như trình thuật về Tiên tri Elia nói đến hôm nay; Thiên Chúa là ánh sáng dịu dàng không bao giờ áp đặt mà chỉ xin lắng nghe (xem 1Chư Vương 19:11-13). Sống đức tin nghĩa là, giữa bão tố, hãy hướng lòng về Thiên Chúa, về tình yêu của Ngài, về tấm lòng Thân phụ dịu dàng của Ngài. Chúa Giêsu đã muốn dạy điều ấy cho cả Phêrô và các môn đệ, cũng như cho cả chúng ta ngày nay nữa. Người quá biết chúng ta thiếu đức tin và cuộc hành trình của chúng ta có thể bị trục trặc, bị ngăn trở bởi những đối lực. Thế nhưng, Người là Đấng Phục Sinh, là Chúa, Đấng đã trải qua chết chóc để dẫn chúng ta đến chốn an toàn. Ngay cả trước khi chúng ta bắt đầu tìm kiếm Người, Người đã hiện hiện bên chúng ta. Và khi nâng chúng ta lên khỏi những lần sa ngã của chúng ta, Người giúp chúng ta tăng trưởng thêm đức tin.

Con thuyền thảm thương trong con bão tố này là hình ảnh của Giáo Hội, một Giáo Hội qua hết mọi thời đại đều gặp phải những trận gió ngược, có những lúc là những cơn thử thánh dữ dội: chúng ta hãy nghĩ đến một số cuộc bách hại liên tục kéo dài của thế kỷ vừa qua. Trong những trường hợp ấy, Giáo Hội có khuynh hướng nghĩ rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi mình. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy rằng, chính vào những lúc ấy mà chứng từ đức tin tưởng, đức mến yêu và đức cậy trông chiếu tỏa hơn bao giờ hết. Chính sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh nơi Giáo Hội của Người ban ơn chứng từ cho đến độ tử đạo, từ đó nẩy sinh các tân Kitô hữu và hoa trái hòa giải và hòa bình cho toàn thế giới.

Chớ gì lời chuyển cầu của Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta kiên trì trong đức tin và tình yêu thương huynh đệ, khi tối tăm và bão tố trong đời khiến lòng tin tưởng của chúng ta vào Thiên Chúa bị khủng hoảng.

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2020/documents/papa-francesco_angelus_20200809.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu 

 

Sau Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật mùng 9/8/2020, ĐTC Phanxicô đã lập lại lời ngài kêu gọi nhân ngày kỷ niệm 75 năm bom nguyên tử của Hoa Kỳ tấn công Nhật Bản ngày 6/8/1945:

"Anh chị em thân mến,

Vào ngày 6 và mùng 9 tháng 8, 75 năm năm trước, những cuộc dội bom nguyên tử thê thảm đã xẩy ra ở Hiroshima và Nagasaki. Trong khi tôi hết sức xúc động và tri ân nhớ lại chuyến viếng thăm tôi đã thực hiện ở những địa điểm này vào năm ngoái, tôi xin lập lại lời mời gọi nguyện cầu và quyết tâm cho một thế giới hoàn toàn không còn những thứ khí giới nguyên tử này".

Pope at Peace Memorial Park in Hiroshima

 

Vào lúc 8 giớ 15 sáng ngày 6/8/1945, trái bom nguyên tử đầu tiên trong cuộc chiến đã dội xuống thành phố Hiroshima, hoàn toàn hủy hoại thành phố này. Thật vậy, trên 70 ngàn người đã chết lập tức. Sau đó, thêm 70 ngàn người nữa bị tử vong vì bị bỏng phóng xạ. Ba hôm sau, vào lúc 11:02 sáng mùng 9/8/1945, một quả bom nguyên tử khác đã dội xuống thành phố Nagasaki Nhật Bản. Hậu quả gây ra là 1/3 thành phố đã bị hủy hoại, và khoảng 150 ngàn người đã tử vong hay bị thương vong, chưa kể nhiều người chết sau đó, gây ra bởi tác dụng phóng xạ vô cùng độc hại của loại bom sát hại khôn lường này.

 

Theo người dịch, thì hình như trận nổ như bom nguyên tử ở Lebanon hôm Thứ ba mùng 4/8/2020, Lễ Thánh Gioan Maria Vianney, có thể được coi như dấu báo từ trời cao cho thế giới đang chạy đua vũ khí nguyên tử hơn bao giờ hết, vào chính lúc cả thế giới đang bị khủng hoảng về đủ mọi lãnh vực, bởi nạn đại dịch covid-19 toàn cầu chưa từng thấy trong lịch sử loài người, một đại dịch càng ngày càng tăm tối mù mịt bởi chính dịch bệnh, mà còn bởi lòng người càng hận thù ghen ghét chia rẽ nhau hơn bao giờ hết, đến độ những ngọn lửa và trận lửa đã càng bùng lên khắp nơi qua các cuộc bạo loạn đốt phá bừa bãi...

 

2019.11.19 Viaggio Apostolico in Thailandia e Giappone Memoriale della Pace a Hiroshima

 

Trong chuyến tông du lần thứ 32 trong giáo triều mới 6 năm rưỡi của mình, chuyến tông du 1 tuần (19-26/11/2019) ở một số nước Đông Á Châu, ngoài Thái Lan (19-24/11) còn có Nhật Bản (24-26/11). Ngay hôm đầu tiên tông du Nhật Bản, Chúa Nhật 24/11/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm viếng 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki, bị Hoa Kỳ dội bom nguyên tử vào cuối thời điểm Thế Chiến Thứ II (1939-1945), ở đó, ngài đã bày tỏ cảm nhận của ngài như là một nơi hội ngộ giữa chết và sống, giữa mất mát và tái sinh, giữa đau khổ và cảm thương, và ngài đã tái khẳng định rằng việc sử dụng và sở hữu nguyên tử lực vì mục đích chiến tranh là vô luân.

 

Ở Hiroshima, khi kính viếng các nạn nhân bị chết vì bom nguyên tử, và đồng thời công nhận sức mạnh cùng phẩm vị của những ai còn sống sót, ngài đã nói rằng:

 

"Cho đến hôm nay chúng ta vẫn tiếp tục nghe thấy những tiếng kêu của những ai không còn nữa. Họ ở những nơi khác nhau, có tên gọi khác nhau, và một số nói ngôn ngữ khác nữa. Thế nhưng, tất cả đều có chung một số phận, trong giờ phút kinh hoàng vẫn còn, chẳng những vĩnh viễn lưu lại dấu ấn trên lịch sử của xứ sở này, mà còn trên cả dung nhan của nhân loại nữa...

 

"Việc sử dụng nguyên tử lực vì mục đích chiến tranh hôm nay đây, hơn bao giờ hết, là một tội ác, chẳng những phạm đến phẩm giá của con người, mà còn phạm đến một tương lai khả thể nào đó với ngôi nhà chung này của chúng ta nữa. Việc sử dụng nguyên tử lực vì mục đích chiến tranh là vô luân, cũng như việc sở hữu các thứ vũ khí nguyên tử cũng vô luân vậy". 

 

Ở Nagasaki, cùng ngày hôm đó, ngài đã lập lại lời kêu gọi của ngài cho một thế giới không còn các thứ vũ khí nguyên tử. Ngài đã nói:

 

"Tôi xác tín rằng một thế giới không có nguyên tử là khả dĩ và cần thiết. Tôi xin các vị lãnh đạo chính trị đừng quên rằng những thứ vũ khí này không thể bảo vệ chúng ta khỏi những mối đe dọa hiện tại với nền an ninh quốc gia và quốc tế. Chúng ta cần suy nghĩ về tầm ảnh hưởng tai họa gây ra bởi việc phát triển nó, nhất là từ quan điểm nhân đạo và môi sinh, cũng như chúng ta cần phải loại trừ mứd độ gia tăng bầu khí sợ hãi, ngờ vực, và hận thù, được nẩy sinh từ những chủ trương cần phải có nguyên tử".

 

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL, tổng hợp.

 

Người sống sót kể về trận bom nguyên tử Hiroshima 75 năm trước