GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XV Thường Niên Năm A

 

Pope Francis' Angelus Prayer

Lời Chúa, được biểu hiệu nơi những hạt giống không phải là một thứ Lời trừu tượng,

mà là chính Chúa Kitô, Lời của Chúa Cha đã hóa thành nhục thể nơi cung dạ của Mẹ Maria.

Bởi thế, ấp ủ Lời Chúa nghĩa là ấp ủ con người của Chúa Kitô; ấp ủ chính con người Chúa Kitô

Pope Francis waves from his window overlooking St. Peter’s Square during an Angelus address. Credit: Vatican Media.

Lời Chúa là một hạt giống tự nó sinh hoa trái và gây tác hiệu;

và Thiên Chúa gieo vãi Lời Chúa ở khắp mọi nơi, cho dù có phung phí chăng nữa.

Tấm lòng của Thiên Chúa là như thế đó!

Thường thì người ta bị phân tâm bởi quá nhiều ham thích, bởi quá nhiều thu hút,

và thật khó lòng mà phân biệt được, trong nhiều tiếng nói và nhiều lời nói,

đâu là tiếng Chúa và lời Chúa, một yếu tố duy nhất làm cho chúng ta được thanh thoát.

Đó là lý do tại sao cần phải làm quen với việc lắng nghe Lời Chúa, đọc Lời Chúa...

 

Xin thân ái chào anh chị em

Trong sứ điệp Phúc Âm của Chúa Nhật này (xem Mathêu 13:1-23), Chúa Giêsu nói với đám đông dân chúng về Dụ Ngôn - như tất cả chúng ta đều biết rõ - về Người Gieo Giống, một người tung gieo hạt giống nơi 4 loại đất khác nhau. Lời Chúa, được biểu hiệu nơi những hạt giống không phải là một thứ Lời trừu tượng, mà là chính Chúa Kitô, Lời của Chúa Cha đã hóa thành nhục thể nơi cung dạ của Mẹ Maria. Bởi thế, ấp ủ Lời Chúa nghĩa là ấp ủ con người của Chúa Kitô; ấp ủ chính con người Chúa Kitô.

Có nhiều cách tiếp nhận Lời Chúa. Chúng ta có thể tiếp nhận như vệ đường, nơi chim trời xà xuống nhặt mất. Đó là những gì phân tâm, một tình trạng rất nguy hiểm của thời đại chúng ta đây. Bị bủa vây bởi nhiều thứ chuyện nho nhỏ, nhiều thứ ý hệ, nhiều cơ hội liên tục gây phân tâm bên trong lẫn bên ngoài gia đình, chúng ta có thể mất đi cái thú thinh lặng của chúng ta, cái thú suy tư, cái thú đối thoại với Chúa, như thế là chúng ta có nguy cơ bị mất đức tin của chúng ta, không tiếp nhận Lời Chúa, như chúng ta đang nhìn thấy hết mọi sự, bị phân tâm bởi hết mọi sự, bởi những sự trần thế.

Một khả thể khác nữa đó là chúng ta có thể tiếp nhận Lời Chúa như đá sỏi, ít đất. Ở đó hạt giống mau chóng mọc lên, thế nhưng chúng liền bị tàn héo, vì chúng không thể đâm rẽ sâu. Đây là hình ảnh về những ai nhất thời nhiệt tình đón nhận Lời Chúa, dù chỉ hời hợt; không đồng hóa với Lời Chúa. Thế nên, vừa mới gặp khó khăn, chẳng hạn như bị khó chịu hay bị bấn loạn cuộc đời, thì đức tin vẫn còn yếu kém liền tiêu tan, như hạt giống rơi trên đá sỏi bị tàn tạ đi vậy.

Rồi đến khả thể thứ ba, được Chúa Giêsu nói đến trong dụ ngôn, đó là trường hợp chúng ta đón nhận Lời Chúa như mảnh đất có bụi gai mọc. Những cái gai là những gì giả trá của giầu sang, của thành đạt, của các lo toan trần thế... Ở đó, Lời Chúa hơi mọc lên, nhưng bị tắc nghẹn, không vững mạnh, để rồi chết đi, hay không sinh hoa kết trái.

Sau hết, khả thể thứ tư, đó là chúng ta có thể lãnh nhận Lời Chúa như một mảnh đất tốt. Ở đây, và chỉ ở nơi đây, hạt giống đâm rễ và sinh hoa kết trái mà thôi. Hạt giống rơi trên mảnh đất phì nhiêu này tiêu biểu cho những ai nghe Lời Chúa, ấp ủ Lời Chúa, lưu giữ Lời Chúa trong lòng mình và mang ra thực hành trong đời sống hằng ngày.

Dụ ngôn Người Gieo Giống này, ở một nghĩa nào đó, là 'mẹ' của tất cả các dụ ngôn, vì nó nói về việc lắng nghe Lời Chúa. Nó nhắc nhở chúng ta rằng Lời Chúa là một hạt giống tự nó sinh hoa trái và gây tác hiệu; và Thiên Chúa gieo vãi Lời Chúa ở khắp mọi nơi, cho dù có phung phí chăng nữa. Tấm lòng của Thiên Chúa là như thế đó! Mỗi người chúng ta là mảnh đất được hạt giống Lời Chúa gieo xuống; không ai bị loại trừ hết! Lời Chúa được ban cho từng người chúng ta. Chúng ta có thể tự vấn xem: tôi đang là loại đất nào? Tôi có giống như vệ đường, sỏi đá, bụi gai hay chăng? Thế nhưng, nếu muốn, chúng ta có thể trở thành đất tốt, được cầy sới và cẩn thận vun trồng, giúp vào việc làm chín mùi hạt giống Lời Chúa. Lời Chúa đã có nơi cõi lòng của chúng ta, thế nhưng việc làm cho Lời Chúa sinh hoa kết trái lại lệ thuộc vào chúng ta; Lời Chúa tùy thuộc vào việc chúng ta gắn bó với hạt giống này.

Thường thì người ta bị phân tâm bởi quá nhiều ham thích, bởi quá nhiều thu hút, và thật khó lòng mà phân biệt được, trong nhiều tiếng nói và nhiều lời nói, đâu là tiếng Chúa và lời Chúa, một yếu tố duy nhất làm cho chúng ta được thanh thoát. Đó là lý do tại sao cần phải làm quen với việc lắng nghe Lời Chúa, đọc Lời Chúa. Một lần nữa tôi xin trở lại với những gì tôi đã từng khuyên nhủ rằng hãy luôn mang theo mình một cuốn Phúc Âm, một ấn bản Phúc Âm bỏ túi, để ở trong túi của anh em, hay trong xách tay của chị em..., nhờ đó, mỗi ngày, đọc một đoạn ngắn, để anh chị em quen đọc Lời Chúa, hiểu rõ hạt giống được Thiên Chúa cống hiến cho anh chị em, và lưu ý tới mảnh đất tiếp nhận hạt giống này.

Xin Trinh Nữ Maria, một gương mẫu trọn hảo về mảnh đất tốt và phì nhiêu, giúp cho chúng ta, nhờ lời nguyện cầu của Mẹ, trở nên mảnh đất thuận lợi, không gai góc hay sỏi đá, để chúng ta có thể sinh hoa trái tốt đẹp cho chính bản thân chúng ta, cũng như cho anh chị em của chúng ta.

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2020/documents/papa-francesco_angelus_20200712.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu