GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXII Thường Niên Năm A

 

Pope Francis speaks during Angelus from the window at St Peter's Square, at the Vatican

 

Thái độ thứ nhất đó là "bỏ mình", một thái độ không phải chỉ ở chỗ thay đổi hời hợt vậy thôi,

mà là một cuộc hoán cải, một cuộc đảo ngược lại tâm thức cùng với các thứ giá trị.

Thái độ kia đó là vác thập giá của mình.

Nó không phải là vấn đề chịu đựng những thứ gian nan thử thách hằng ngày một cách nhẫn nại,

mà là bằng đức tin và trách nhiệm trong nỗ lực, trong việc chịu đựng chống lại với sự dữ kèm theo đó.

 

Pope Francis gives the Angelus address June 21, 2020. Credit: Vatican Media.

 

Thánh Giá là một dấu thánh của tình yêu Thiên Chúa,

là dấu hiệu Hy Tế của Chúa Giêsu,

không được biến thành một vật mê tín hay một thứ trang sức quí giá

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Đoạn Phúc Âm hôm nay (cf. Mt 16:21-27) là đoạn gắn liền với bài Phúc Âm tuần vừa rồi (cf. Mt 16:13-20). Sau khi môn đệ Phêrô, đồng thời nhân danh các môn đệ khác, tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu là Đức Kitô và là Con Thiên Chúa, thì chính Đức Giêsu nói với các vị về cuộc khổ nạn của mình. Trên đường đi về Giêrusalem, Người đã công khai giải thích cho bạn hữu của Người những gì đang đợi chờ Người ở vào hồi kết thúc nơi thành thánh ấy: Người đã tiên báo mầu nhiệm chết đi và phục sinh của mình, mầu nhiệm nhục nhã và vinh quang của Người. Người nói rằng Người sẽ phải "chịu khốn khổ nhiều bởi thành phần kỳ lão, trưởng tế và ký lục, rồi bị giết chết, nhưng sẽ sống lại vào ngày thứ ba" (Mt 16:21). Thế nhưng, các lời của Người không thể nào hiểu nổi, vì các môn đệ của Người có một niềm tin tưởng chưa chín mùi và còn quá gắn liền với tâm thức của thế gian này (cf. Rm 12:2). Các vị nghĩ về một cuộc vinh thắng quá trần tục, và vì thế các vị đã không hiểu thấu được thứ ngôn ngữ thập giá ấy.

Trước viễn tượng Chúa Giêsu có thể bị thảm bại và chết trên thập tự giá, chính môn đệ Phêrô đã tỏ ra cự lại mà nói cùng Người rằng: "Lạy Thày, Thiên Chúa có bao giờ lại để điều ấy xẩy ra cho Thày chứ?" (câu 22). Ngài tin vào Chúa Giêsu - môn đệ Phêrô là như thế - ngài có đức tin, ngài tin vào Chúa Giêsu, ngài tin; ngài muốn theo Người, thế nhưng lại không chấp nhận rằng vinh quang của Người cần phải trải qua khổ nạn. Đối với môn đệ Phêrô cũng như với các môn đệ khác - và với cả chúng ta nữa - thập giá không phải là những gì thoải mái dễ chịu, thập giá là "một ô nhục", trong khi đó Chúa Giêsu lại coi việc trốn chạy khỏi "cái ô nhục" của thập giá, là thoái lui khỏi ý muốn của Chúa Cha, khỏi sứ vụ cứu độ chúng ta mà Cha đã ủy thác cho Người. Vì thế, Chúa Giêsu đã đáp lại môn đệ Phêrô rằng: "Đồ Satan, hãy đi cho khuất mắt Ta! Ngươi chỉ làm cớ vấp phạm cho Ta, vì ngươi không nghĩ theo Thiên Chúa, mà chỉ nghĩ theo loài người thôi" (câu 23). Mới 10 phút trước đó, Chúa Giêsu ca ngợi môn đệ Phêrô, hứa đặt ngài là nền tảng của Giáo Hội Người, là nền tảng; 10 phút sau, Người nói ngài là "Satan". Làm sao có thể hiểu được điều này đây? Điều này xẩy ra cho tất cả chúng ta! Vào những lúc sốt mến, hăng say, thiện chí, gần gũi với tha nhân của mình, chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu và tiến bước; thế nhưng, khi rơi vào những lúc gặp phải thập giá chúng ta liền tẩu thoát. Ma quỉ, Satan - như Chúa Giêsu nói với môn đệ Phêrô - đang cám dỗ chúng ta. Đó là những gì thích hợp với thần dữ, thích hợp với ma quỉ trong việc tách chúng ta khỏi thập giá, khỏi thánh giá của Chúa Giêsu.

Đoạn, ngỏ cùng hết mọi người, Chúa Giêsu liền phán thêm rằng: "Ai muốn theo Tôi thì hãy bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo tôi" (câu 24). Như thế là Người vạch ra đường đi nước bước cho thành phần môn đệ đích thực của Người, khi tỏ cho họ thấy hai thái độ. Thái độ thứ nhất đó là "bỏ mình", một thái độ không phải chỉ ở chỗ thay đổi hời hợt vậy thôi, mà là một cuộc hoán cải, một cuộc đảo ngược lại tâm thức cùng với các thứ giá trị. Thái độ kia đó là vác thập giá của mình. Nó không phải là vấn đề chịu đựng những thứ gian nan thử thách hằng ngày một cách nhẫn nại, mà là bằng đức tin và trách nhiệm trong nỗ lực, trong việc chịu đựng chống lại với sự dữ kèm theo đó. Đời sống Kitô hữu bao giờ cũng là một cuộc đối chọi. Thánh Kinh nói rằng đời sống của tín hữu là một cuộc chiến đấu: chống lại thần dữ, chống lại Sự Dữ.

Bởi thế nên việc dấn thân "vác thập giá" trở thành việc tham phần với Chúa Kitô trong việc cứu độ thế gian này. Khi nghĩ như thế, chúng ta mới tin rằng cây thập tự giá được treo trên tường nhà, hay cây thập giá nhỏ được chúng ta đeo quanh cổ của mình, là dấu hiệu chứng tỏ lòng ước mong của chúng ta muốn được liên kết với Chúa Kitô trong việc ưu ái phục vụ anh chị em của chúng ta, nhất là những người nhỏ mọn nhất và những người yếu đuối nhất. Thánh Giá là một dấu thánh của tình yêu Thiên Chúa, là dấu hiệu Hy Tế của Chúa Giêsu, không được biến thành một vật mê tín hay một thứ trang sức quí giá. Tất cả những lần chúng ta gắn mắt vào hình ảnh Chúa Kitô tử giá, chúng ta nghĩ rằng Người, với tư cách là một Tôi Tớ của Chúa, đã hoàn thành sứ vụ của Người, bằng việc hy hiến bản thân của Người, bằng việc đổ máu của Người, để đền bù tội lỗi của chúng ta. Chúng ta đừng để cho mình bị trệch sang một hướng nào khác, bị lọt vào chước cám dỗ của Tên Gian Ác. Tóm lại, nếu chúng ta muốn trở thành môn đệ của Người thì chúng ta được kêu gọi để noi gương bắt chước Người.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã liên kết với Con Mẹ trên Đồi Canvê, giúp chúng ta đừng bao giờ thoái lui trước những thử thách và khổ đau, là những gì, đối với tất cả chúng ta, cần phải có để làm chứng cho Phúc Âm.

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/it/angelus/2020/documents/papa-francesco_angelus_20200830.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu