GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXIII Thường Niên Năm A

 

Pope Francis waves to the faithful at the Sunday Angelus

 

Đoạn Phúc Âm này nói về việc sữa lỗi cho anh em,

và mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ về hai chiều kích nơi đời sống Kitô hữu:

cộng đồng, một chiều kích đòi phải canh chừng mối hiệp thông - tức là mối hiệp nhất của Giáo Hội -

và cá nhân, chiều kích buộc phải chú tâm cùng tôn trọng lương tâm của hết mọi con người.

 

Pope Francis delivers his Angelus address on Aug. 9, 2020. Credit: Vatican Media/CNA.

 

Để sửa lỗi cho một người anh em gây ra lầm lỗi,

Chúa Giêsu nêu lên một một khoa sư phạm về việc phục hồi.

Khoa sư phạm của Chúa Giêsu bao giờ cũng là khoa sư phạm của sự phục hồi, của việc cứu độ.

Khoa sư phạm phục hồi này được ăn khớp với nhau thành 3 giai đoạn.

 

 

 

Xin chào anh chị em thân mến!

 

Đoạn Phúc Âm của Chúa Nhật tuần này (cf. Mt 18:15-20), trích từ bài nói thứ tư của trình thuật Thánh Mathêu, được coi như bài nói về 'cộng đồng' hay về 'giáo hội'. Đoạn Phúc Âm này nói về việc sữa lỗi cho anh em, và mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ về hai chiều kích nơi đời sống Kitô hữu: cộng đồng, một chiều kích đòi phải canh chừng mối hiệp thông - tức là mối hiệp nhất của Giáo Hội - và cá nhân, chiều kích buộc phải chú tâm cùng tôn trọng lương tâm của hết mọi con người.

 

Để sửa lỗi cho một người anh em gây ra lầm lỗi, Chúa Giêsu nêu lên một một khoa sư phạm về việc phục hồi. Khoa sư phạm của Chúa Giêsu bao giờ cũng là khoa sư phạm của sự phục hồi, của việc cứu độ. Khoa sư phạm phục hồi này được ăn khớp với nhau thành 3 giai đoạn. Trước hết, Người nói rằng: "hãy vạch lỗi lầm ra giữa hai người các con với nhau" (câu 15), tức là, đừng công khai tung tội lỗi của họ ra. Nghĩa là đến với người anh em của các con một cách kín đáo, chứ đừng phán xét họ, mà là giúp cho họ nhận ra những gì họ đã làm. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã có kinh nghiệm ấy, đó là có ai đó đến bảo chúng ta rằng 'Này, nghe đây, bạn đã lầm lỗi điều này điều kia. Bạn cần phải thay đổi một chút về điều ấy'. Có lẽ thoạt tiên chúng ta cảm thấy giận dữ, nhưng sau đó chúng ta nói 'cám ơn bạn', vì đó là một cử chỉ của tình huynh đệ, của mối hiệp thông, của sự giúp đỡ, của việc phục hồi.

Không dễ gì mang ra thực hành giáo huấn này của Chúa Kitô vì các lý do khác nhau. Vì sợ rằng người anh chị em ấy có phản ứng bất lợi; có những lúc anh chị em không đủ tin tưởng vào họ. Cùng với các lý do khác nữa. Thế nhưng, lần nào chúng ta làm điều ấy, chúng ta cũng đều cảm thấy đó chính là đường lối Chúa dạy.

Tuy nhiên, bất chấp ý tốt của tôi, vẫn có thể xẩy ra chuyện không thành công trong lần can thiệp đầu tiên ấy. Trong trường hợp này, tốt nhất là đừng bỏ cuộc mà nói rằng: "Thôi tôi phủi tay cho rồi'. Đừng, đó không phải là Kitô hữu. Đừng bỏ cuộc, nhưng hãy tìm thêm sự trợ giúp của người anh chị em khác. Chúa Giêsu dạy rằng: "nếu họ không chịu nghe, thì hãy mời một hay hai người cùng với các con, để mọi lời nói được xác nhận trước sự chứng kiến của hai hay ba nhân chứng" (câu 16). Đó là qui định của luật Moisen (cf. Deut 19:15). Mặc đù điều này dường như bất lợi cho kẻ bị cáo, nhưng thực sự là giúp bảo vệ họ khỏi những con người cáo gian. Tuy nhiên, Chúa Giêsu còn đi xa hơn nữa, đó là hai nhân chứng được mời gọi không phải để cáo buộc hay phán quyết mà là để hỗ trợ thôi. 'Nào chúng ta, bạn và tôi, hãy đồng lòng đến nói chuyện với người lỗi phạm, gây ra những ấn tượng xấu. Lấy tư cách là anh em với nhau, chúng ta hãy đến nói chuyện với họ'. Đó là một thái độ phục hồi Chúa Giêsu mong muốn nơi chúng ta. Thật vậy, Chúa Giêsu giải thích rằng ngay cả cách thức này chăng nữa - cách thức thứ hai thêm các nhân chứng - vẫn có thể không thành công, không giống như luật Moisen, một khi đã có được chứng từ của hai hoặc ba nhân chứng là đủ để kết tội.

Thật vậy, ngay cả tình yêu thương của hai người anh chị em hay hơn nữa có thể vẫn chưa đủ, vì con người đó cứng lòng. Trong trường hợp này - Chúa Giêsu dạy thêm - đó là "hãy trình nó với giáo hội' (câu 17), tức là, với cộng đồng. Trong một số trường hợp cả một cộng đồng cần phải tham gia. Có những điều có thể gây ảnh hưởng đến những người anh chị em khác: nó cần phải tăng thêm tình yêu thương để phục hồi người anh em ấy. Thế nhưng, có những lúc làm như vậy nữa cũng chưa đủ. Nên Chúa Giêsu mới phán: "mà nếu họ từ chối lắng nghe ngay cả giáo hội, thì các con hãy coi họ như một người Dân ngoại và như một người thu thuế" (ibid). Việc diễn tả này, dường như thể quá khinh miệt, nhưng thực ra lại mời gọi chúng ta là hãy phó người anh em của chúng ta ấy cho Thiên Chúa, vì chỉ có Chúa Cha mới có thể cho thấy được một tình yêu thương cao cả hơn tình yêu của tất cả mọi anh chị em hợp lại.

Giáo huấn này của Chúa Giêsu giúp cho chúng ta rất nhiều, vì - chúng ta hãy lấy một thí dụ đi - khi chúng ta thấy một lầm lỗi, một vấp phạm, một sai xẩy nơi anh chị em, thì thường điều xẩy ra trước tiên chúng ta làm đó là đi nói với hay thuật lại cho những người khác, xì xèo rỉ tai bàn tán với nhau. Việc xì xèo rỉ tai bàn tán này là những gì khép cõi lòng lại với cộng đồng, là việc ngăn chặn mối hiệp nhất của Giáo Hội. Tên xì xèo rỉ tai bàn tán cả thể là ma quỉ, một tay luôn đi nói những điều xấu xa về những người khác, vì nó là tên gian trá, trong việc tìm cách phân rẽ Giáo Hội, trong việc tách rời anh chị em và hủy hoại cộng đồng. Anh chị em ơi, xin chúng ta hãy cố gằng đừng xì xèo rỉ tai bàn tán nhé. Việc chuyện trò huyên thuyên bàn tán là một thứ dịch bệnh còn ghê rợn hơn cả Covid nữa. Chính tình yêu thương của Chúa Giêsu, Đấng đã gắn bó với thành phần thu thuế và Dân ngoại, là những gì làm cho những kẻ bảo thủ thời ấy gièm pha. Tuy nhiên, nó lại không phải là một phán quyết không được khiếu nại, mà là một nhìn nhận rằng có những lúc những nỗ lực loài người của chúng ta không thành công, và chỉ đối diện với Thiên Chúa mới có thể làm cho người anh em ấy đối diện với lương tâm và trách nhiệm của họ về các hành động của họ mà thôi. Nếu vấn đề này không xong thì hãy thinh lặng và cầu nguyện cho người anh chị em gây ra lầm lỗi ấy, nhưng chớ bao giờ xì xèo rỉ tai bàn tán.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta thực hiện việc sửa lỗi cho anh em một cách lành mạnh, nhờ đó, trong cộng đồng của chúng ta luôn được thấm nhuần những mối liên hệ huynh đệ mới mẻ, được xây dựng trên việc tha thứ cho nhau, và nhất là trên quyền năng bất khả bại của lòng thương xót Chúa. 

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2020/documents/papa-francesco_angelus_20200906.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên