GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm A

 

2020.09.20 Angelus

 

Ngài không cứ bưng bít trong thế giới của Ngài, mà là "ra ngoài":

Thiên Chúa luôn luôn ra ngoài, tìm kiếm chúng ta;

Ngài không khép kín - Thiên Chúa vươn ra.

Ngài tiếp tục tìm kiếm con người ta, vì Ngài không muốn bất cứ ai bị loại trừ khỏi dự án yêu thương của Ngài.

 

Pope Francis gives the Angelus address Sept. 13, 2020. Credit: Vatican Media.

 

Giáo Hội cần phải trở nên như Thiên Chúa, ở chỗ, luôn vươn ra;

và khi Giáo Hội không vươn ra, là Giáo Hội trở nên bệnh hoạn, với nhiều sự dữ xẩy ra trong Giáo Hội...

Thà Giáo Hội bị tai nạn vì đi ra ngoài để loan báo Phúc Âm, còn hơn là một Giáo Hội bị bệnh hoạn vì cứ ru rú ở một chỗ.

 

 

Ngài không nhìn đến thời gian và đến các thành quả,

mà là đến tính chất sẵn sàng, đến lòng quảng đại chúng ta dấn thân phục vụ Ngài.

Đường lối tác hành của Ngài còn hơn là công bằng nữa,

theo chiều hướng vượt ra ngoài công lý và được thể hiện nơi Ân Sủng. Tất cả đều là Hồng Ân.

 

 

Xin chào anh chị em thân mến,

 

Trang Phúc Âm hôm nay (see Mt 20:1-6) thuật lại dụ ngôn về các người thợ được chủ vườn nho kêu gọi làm việc trong ngày. Qua đoạn trình thuật này, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy đường lối lạ lùng nơi tác hành của Thiên Chúa, được tiêu biểu nơi hai thái độ của người chủ vườn nho, đó là việc kêu gọiviệc bù đắp.

 

Trước hết là việc kêu gọi. Năm lần người chủ vườn nho ra ngoài kêu gọi thợ đến làm việc cho mình: vào 6 giờ sáng, 9 giờ sáng, 12 giờ trưa, 3 giờ chiều và 5 giờ chiều. Hình ảnh về người chủ vườn nho này, người ra ngoài nhiều lần để tìm các thợ công nhật đến làm vườn nho của mình, là một hình ảnh cảm động. Vị chủ vườn nho này là tiêu biểu cho Thiên Chúa, Đấng kêu gọi hết mọi người và kêu gọi hết mọi lúc, vào bất cứ giờ giấc nào. Ngay cả hôm nay đây, Thiên Chúa vẫn tác hành theo đường lối này: Ngài tiếp tục kêu gọi bất cứ ai, vào bất cứ giờ giấc nào, mời gọi họ làm việc trong Vương Quốc của Ngài. Đó là kiểu cách của Thiên Chúa, một kiểu cách mà về phần mình, chúng ta được kêu gọi để lãnh nhận và bắt chước. Ngài không cứ bưng bít trong thế giới của Ngài, mà là "ra ngoài": Thiên Chúa luôn luôn ra ngoài, tìm kiếm chúng ta; Ngài không khép kín - Thiên Chúa vươn ra. Ngài tiếp tục tìm kiếm con người ta, vì Ngài không muốn bất cứ ai bị loại trừ khỏi dự án yêu thương của Ngài.

Các cộng đồng của chúng ta cũng được kêu gọi ra ngoài đi đến những "biên cương bờ cõi" khác nhau, để ở đó, chúng ta có thể cống hiến cho hết mọi người lời cứu độ đã được Chúa Giêsu mang đến. Nghĩa là hãy hướng về các chân trời trong đời, để cống hiến niềm hy vọng cho những ai ở nơi những vùng đời bên lề xa xôi hẻo lánh, những con người chưa cảm thấy, hay đã bị mất đi, sức mạnh và ánh sáng khi được gặp gỡ Chúa Kitô. Giáo Hội cần phải trở nên như Thiên Chúa, ở chỗ, luôn vươn ra; và khi Giáo Hội không vươn ra, là Giáo Hội trở nên bệnh hoạn, với nhiều sự dữ xẩy ra trong Giáo Hội. Mà tại sao lại xẩy ra các thứ bệnh hoạn này trong Giáo Hội chứ? Vì Giáo Hội không vươn ra. Đúng thế, khi ai đó đi đâu ra ngoài thì có nguy cơ bị tai nạn. Thế nhưng, thà Giáo Hội bị tai nạn vì đi ra ngoài để loan báo Phúc Âm, còn hơn là một Giáo Hội bị bệnh hoạn vì cứ ru rú ở một chỗ. Thiên Chúa luôn vươn ra, vì Ngài là Cha, vì Ngài yêu thương. Giáo Hội cần phải làm theo như thế: luôn vươn ra.

Thái độ thứ hai của vị chủ vườn nho, tiêu biểu cho thái độ của Thiên Chúa, đó là cách thức Ngài đắp cho các người thợ. Thiên Chúa đã trả thù lao ra sao? Vị chủ nhân đồng ý trả "một đồng" (v.2) cho những người thợ đầu tiên được ông thuê vào buổi sáng. Còn những ai ông thuê mướn sau đó, ông nói rằng: "Tôi sẽ trả cho các anh đâu ra đó" (v.4). Cuối ngày, vị chủ vườn nho muốn mọi người được trả bằng nhau, tức là một đồng. Những người được thuê từ ban sáng nổi giận và phàn nàn trách móc chủ vườn nho, nhưng ông vẫn cứ muốn trả công tối đa ấy cho hết mọi người, ngay cả những người đến làm cuối cùng (vv.8-15). Thiên Chúa bao giờ cũng trả công tối đa: Ngài không trả lưng chừng. Ngài trả cho hết mọi sự. Như thế thì cần phải hiểu rằng Chúa Giêsu không nói về việc làm và công lương chính đáng - đó là vấn đề khác - mà là về Vương Quốc của Thiên Chúa và lòng lành của Cha trên trời, Đấng liên tục ra ngoài mời gọi, và Ngài trả lương tối đa cho hết mọi người.

Thật vậy, Thiên Chúa tác hành như thế đó, ở chỗ Ngài không nhìn đến thời gian và đến các thành quả, mà là đến tính chất sẵn sàng, đến lòng quảng đại chúng ta dấn thân phục vụ Ngài. Đường lối tác hành của Ngài còn hơn là công bằng nữa, theo chiều hướng vượt ra ngoài công lý và được thể hiện nơi Ân Sủng. Tất cả đều là Hồng Ân. Ơn cứu độ của chúng ta là Hồng Ân. Sự thánh thiện của chúng ta là Hồng Ân. Khi ban cho chúng ta Hồng Ân là Ngài đổ xuống trên chúng ta còn hơn là những gì chúng ta lập công nữa kià. Như thế, những ai lập luận theo lý lẽ trần gian, tức là lý lẽ về công lênh lập được, bởi những gì là cao cả của mình, thì từ trên đầu thành cuối rốt. "Thế nhưng, tôi đã làm việc nhiều mà, tôi đã thực hiện nhiều điều trong Giáo Hội, tôi đã giúp đỡ rất nhiều, mà họ lại trả cho tôi giống y như con người đến làm cuối cùng này...". Chúng ta có nhớ con người nào được phong thánh đầu tiên trong Giáo Hội hay chăng, đó là Người Trộm Lành. Anh ta "đã trộm" được Thiên Đàng ở vào giây phút cuối cùng của đời anh ta: đó là Hồng Ân. Đó là những gì về Thiên Chúa, ngay cả với chúng ta nữa. Trái lại, những ai chỉ nghĩ về công lênh của mình thì thất vọng; những ai khiêm tốn phó mình cho lòng thương xót của Chúa Cha, thì từ cuối rốt - như Người Trộm Lành - sẽ nên trên hết (see v.16).

Xin Đức Maria Rất Thánh giúp cho chúng ta hằng ngày cảm thấy niềm vui và ơn được Thiên Chúa kêu gọi đến làm việc cho Ngài, nơi cánh đồng của Ngài là thế giới này, nơi Vườn Nho của Ngài là Giáo Hội đây. Để tất cả những gì bù đắp của chúng ta chỉ là tình yêu của Ngài, là tình thân với Chúa Giêsu.

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2020/documents/papa-francesco_angelus_20200920.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu