GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXXIII Thường Niên Năm A

 

Pope Francis delivers his Angelus address overlooking St. Peter’s Square Nov. 15, 2020. Credit: Daniel Ibáñez/CNA.

 

Dụ ngôn này áp dụng cho hết mọi người, thế nhưng đặc biệt cho Kitô hữu.

Cả ngày hôm nay nữa, nó là một vấn đề rất hợp thời, ở chỗ hôm nay là Ngày Thế Giới Người Nghèo,

ngày Giáo Hội nói với Kitô hữu rằng: "Hãy chìa tay ra cho người nghèo.

 

Pope Francis waves to the faithful at the Sunday Angelus

 

Có những lúc chúng ta nghĩ rằng là Kitô hữu nghĩa là đừng gây ra tai họa.

Không phải đừng tác hại là tốt. Nhưng không hành thiện lại không tốt...

Này, anh chị em ơi, người nghèo chính là tâm điểm của Phúc Âm đấy;

chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta nói về người nghèo; chính Chúa Giêsu đã đến với người nghèo.

 

 

 

Xin chào anh chị em thân mến,

 

Vào Chúa Nhật áp Chúa Nhật cuối phụng niên này, Phúc Âm cho chúng ta thấy một Dụ Ngôn quá quen về các Nén Bạc (cf. Mt 25:14-30). Đó là những gì Người nói liên quan đến ngày cùng tháng tận, những lời Người nói ngay trước cuộc khổ nạn của Người, cái chết và cuộc phục sinh của Người. Dụ ngôn này diễn tả về một người giầu có cần phải đi xa, và vì vắng nhà lâu nên đã trao tài sản của mình cho 3 người đầy tớ: người thứ nhất 5 nén bạc; người thứ hai 2 nén; người thứ ba 1 nén. Chúa Giêsu nói rõ là việc phân chia này được thực hiện "cho từng người theo khả năng của họ" (v.15). Chúa cũng làm như thế với tất cả chúng ta: Người biết rõ chúng ta; Người biết chúng ta không phải ai cũng bằng nhau, và không muốn ưu tiên cho ai mà lại tác hại đến người khác, nhưng trao phó một số lượng cho từng người theo khả năng của họ.

Trong thời gian vắng nhà này của chủ, hai người đầy tớ đầu tỏ ra rất bận rộn, cho đến độ đã làm gấp đôi được số lượng đã trao phó cho họ. Còn người đầy tớ thứ ba lại không thế, đem chôn giấu nén bạc xuống một cái lỗ: để tránh nguy cơ, hắn để nó ở đó cho khỏi bị trộm cắp, nhưng không làm cho nó sinh lợi gì hết. Khi người chủ trở về, ông gọi các đầy tớ đến để thanh toán công việc. Hai người đầy tớ đầu cho thấy hoa trái tốt đẹp từ nỗ lực của họ; họ đã làm việc và người chủ khen tặng họ, bù đắp cho họ và mời họ dự tiệc của Người, vào niềm vui với Người. Phần người thứ ba, khi biết rằng mình lầm lỗi, liền bắt đầu tự biện minh rằng: "Thưa chủ, tôi đã biết rằng ông là một con người hà khắc keo kiệt, gặt nơi ông không gieo, và thu nơi không vãi; bởi thế tôi cảm thấy lo sợ, nên đã đem chôn nén bạc của ông xuống đất. Đây của ông xin trả lại cho ông" (vv.24-25). Hắn bênh vực tính lười biếng của mình bằng việc cáo buộc chủ của mình là người "hà khắc keo kiệt". Đó là một thái độ chúng ta cũng có nữa: chúng ta tự vệ, nhiều lần, bằng việc cáo buộc người khác. Nhưng họ lại không có lỗi gì, chúng ta mới có lỗi; chúng ta mới sai lầm. Người đầy tớ này cáo buộc những người khác, hắn cáo buộc người chủ để tự biện minh. Chúng ta cũng thế, nhiều lần đã làm y như vậy. Bởi thế người chủ mới khiển trách hắn: ông gọi tên đầy tớ này là "gian ác và biếng nhác" (v.26); nén bạc của hắn bị tước đi và hắn bị tống ra bên ngoài nhà.

Dụ ngôn này áp dụng cho hết mọi người, thế nhưng đặc biệt cho Kitô hữu. Cả ngày hôm nay nữa, nó là một vấn đề rất hợp thời, ở chỗ hôm nay là Ngày Thế Giới Người Nghèo, ngày Giáo Hội nói với Kitô hữu rằng: "Hãy chìa tay ra cho người nghèo. Hãy thò tay ra cho người nghèo. Anh chị em không sống một mình trên đời này, vì có những con người cần đến anh chị em. Đừng vị kỷ; hãy chìa tay ra cho người nghèo. Tất cả những gì chúng ta có do Thiên Chúa ban đều là một thứ 'gia sản' với tư cách là nhân loại, một kho tàng của loài người, bất cứ là gì". Là thành phần môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta cũng lãnh nhận đức tin, Phúc Âm, Thánh Linh, các Bí Tích, cùng với nhiều thứ khác nữa. Những tặng ân này cần phải được sử dụng để làm lành, để hành thiện trên đời này, để phục vụ Thiên Chúa cũng như anh chị em của chúng ta. Hôm nay Giáo Hội muốn nói với anh chị em, Giáo Hội muốn nói với chúng ta rằng: "Hãy sử dụng những gì Thiên Chúa đã ban cho anh chị em và hãy nhìn đến người nghèo. Kìa có rất là nhiều người trong họ; ngay cả ở trong thành phố của chúng ta, ở trung tâm phố phường của chúng ta, có rất nhiều người. Hãy hành thiện!".

Có những lúc chúng ta nghĩ rằng là Kitô hữu nghĩa là đừng gây ra tai họa. Không phải đừng tác hại là tốt. Nhưng không hành thiện lại không tốt. Chúng ta cần phải làm tốt, phải ra khỏi bản thân mình mà nhìn, nhìn đến những ai cần hơn chúng ta. Có rất nhiều người đói, ngay cả trong lòng thành phố của chúng ta; và nhiều lần chúng ta chiều theo lý lẽ của thái độ dửng dưng lãnh đạm: con người nghèo đó, nhưng chúng ta lại nhìn đi chỗ khác. Hãy thò bàn tay của anh chị em ra cho người nghèo: đó là Chúa Kitô. Có một số người nói rằng: "Những vị linh mục này, những vị giám mục kia cứ nói về người nghèo, người nghèo... Chúng tôi muốn các vị nói với chúng tôi về sự sống đời đời!". Này, anh chị em ơi, người nghèo chính là tâm điểm của Phúc Âm đấy; chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta nói về người nghèo; chính Chúa Giêsu đã đến với người nghèo. Hãy thò bàn tay của anh chị em ra cho người nghèo. Anh chị em đã lãnh nhận nhiều thứ, mà anh chị em lại để cho người anh em của mình, người chị em của mình chết vì đói hay sao?

Anh chị em thân mến, chớ gì một một người nói trong lòng mình những gì Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay đây; hãy lập lại trong lòng mình rằng: "Hãy chìa bàn tay của con ra cho người nghèo". Và Chúa Giêsu nói với chúng ta một điều khác nữa: "Các con biết rằng Ta là một người nghèo. Ta là người nghèo".

Trinh Nữ Maria đã lãnh nhận một đại tặng ân, đó là chính Chúa Giêsu, nhưng Mẹ đã không giữ Người cho bản thân Mẹ; Mẹ đã cống hiến Người cho thế giới, cho dân của Người. Chúng ta hãy học cùng Mẹ biết chìa bàn tay ra cho người nghèo.

 

http://www.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2020/documents/papa-francesco_angelus_20201115.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu